05-07-2023 - 01:25

Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đề án và dự thảo nghị quyết về phát triển văn hóa Hà Tĩnh

Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp cho ý kiến về dự thảo Đề án Phát triển văn hóa Hà Tĩnh đến năm 2030, định hướng những năm tiếp theo.

       

Toàn cảnh cuộc họp đề án

       Tham dự cuộc họp có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng; Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Võ Trọng Hải; đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các ban Hội đồng nhân dân tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan. Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì cuộc họp.

       Tại cuộc họp, đồng chí Bùi Xuân Thập – Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã báo cáo về quá trình xây dựng dự thảo Đề án Phát triển văn hóa Hà Tĩnh đến năm 2030, định hướng những năm tiếp theo và tóm tắt nội dung dự thảo đề án.

       Dự thảo đề án được xây dựng có 5 phần nội dung gồm: Sự cần thiết và cơ sở xây dựng đề án; thực trạng văn hóa Hà Tĩnh giai đoạn 2011 - 2022; nghiên cứu phân tích các yếu tố tác động đến sự phát triển văn hóa Hà Tĩnh, giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển văn hóa Hà Tĩnh đến năm 2030, định hướng những năm tiếp theo; tổ chức thực hiện đề án. Theo đó, đối tượng nghiên cứu của đề án là các lĩnh vực văn hoá thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của ngành văn hoá trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Phạm vi thời gian đề án: Phạm vi nghiên cứu thực trạng phát triển văn hóa Hà Tĩnh giai đoạn 2011 - 2022; phạm vi nghiên cứu mục tiêu, định hướng phát triển văn hóa giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo.

       Dự thảo đề án cũng nêu rõ mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ phát triển văn hóa đến năm 2030 và những năm tiếp theo về xây dựng con người và môi trường văn hóa; bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc; phát triển các lĩnh vực: thư viện và văn hóa đọc, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; nghiên cứu, đào tạo văn hóa nghệ thuật; xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; tuyên truyền, quảng bá văn hóa Hà Tĩnh; hợp tác phát triển văn hóa; phát triển lĩnh vực văn học nghệ thuật.

       Để thực hiện các mục tiêu, Đề án đưa ra 7 giải pháp cụ thể: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo; cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực; giáo dục, tuyên truyền; huy động và phân bổ vốn đầu tư; liên kết, hợp tác phát triển; khoa học – công nghệ.

       Góp ý tại cuộc họp, các đại biểu bày tỏ đồng tình về xây dựng đề án tiến tới ban hành nghị quyết về phát triển văn hóa Hà Tĩnh. Đại biểu cũng góp ý chi tiết về dung lượng, cách diễn đạt, bố cục các phần và nội dung cụ thể từng phần, đặc biệt là phần chỉ tiêu và giải pháp. Ở nội dung phần sự cần thiết xây dựng đề án cần trích dẫn các văn bản khẳng định tầm quan trọng của văn hoá; phần thực trạng cần đánh giá tổng quan hơn; ở phần chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra đến năm 2030 phải sát thực tiễn, có tính khả thi cao... Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng đề án cần làm rõ vai trò của nhân dân trong sáng tạo các giá trị văn hóa.

       Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp các ngành liên quan tiếp thu góp ý của các đại biểu để bổ sung, hoàn thiện đề án và dự thảo Nghị quyết về phát triển văn hóa Hà Tĩnh, sớm trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh góp ý. Phân tích, bổ sung thêm một số nội dung ở tình hình và nguyên nhân, các giải pháp thực hiện. Trong đó, chú trọng xây dựng con người Hà Tĩnh phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng thiết chế văn hóa – thể thao đồng bộ (hoàn thành xây dựng Bảo tàng tỉnh, Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi và hiệu quả hoạt động); cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ văn nghệ sỹ…

Nguyễn Nga

. . . . .
Loading the player...