Sáng ngày 28/3/2023, tại Trung tâm văn hóa Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà), Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Trường Đại học Vinh tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Phật giáo Hà Tĩnh trong dòng chảy lịch sử - văn hóa Phật giáo Việt Nam”.
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự hội thảo có đồng chí Trần Thị Minh Nga - Phó trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, đồng chí Võ Hồng Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh cùng một số nguyên lãnh đạo tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Tham dự Hội đồng chứng minh hội thảo có Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Hòa thượng Thích Thiện Nhơn và các Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hội thảo còn có sự hiện diện của các đại biểu đến từ Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại: Thành phố Huế, Hà Nội, Nghệ An; các nhà nghiên cứu và hơn 300 chư tăng, phật tử trong và ngoài tỉnh.
Ban chủ trì hội thảo gồm có: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hà Tĩnh và các thành viên: Hòa thượng Thích Thọ Lạc (Phó Trưởng ban thường trực Ban Trị sự Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An); GS.TS Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh; PGS. TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS Chu Văn Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo; PGS. TS Nguyễn Quang Hồng - công tác tại khoa Lịch sử Trường Đại học Vinh.
Mục đích của hội thảo là nhằm làm sáng tỏ quá trình hình thành, phát triển, những bước thăng trầm của Phật giáo trên vùng đất Hà Tĩnh cũng như những đóng góp to lớn của Phật giáo Hà Tĩnh đối với quê hương, đất nước trong tiến trình lịch sử dân tộc. Qua đó, nhằm phát huy giá trị nhiều mặt của di sản Phật giáo Hà Tĩnh trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương Hà Tĩnh ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Hội thảo đã nhận được 78 tham luận của các nhà nghiên cứu, chư tôn đức trong cả nước gửi về. Các tham luận tập trung nghiên cứu vị trí, vai trò của Phật giáo Hà Tĩnh trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam như: Một số đặc trưng cơ bản của Phật giáo Hà Tĩnh trong lịch sử Việt Nam; Phật giáo Hà Tĩnh đồng hành cùng lịch sử dân tộc; Ảnh hưởng của Phật giáo ở Hà Tĩnh đối với đời sống văn hóa tinh thần nhân dân; Vai trò của Lý Nhật Quang trong quá trình hình thành và phát triển Phật giáo Hà Tĩnh; Phật giáo Hà Tĩnh trong dòng chảy Phật giáo thời Mạc; Phật giáo Hà Tĩnh trong dòng chảy Phật giáo Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1945; Vai trò của Phật giáo với việc giáo dục nhân văn cho con người Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng; Vai trò của Phật giáo trong đời sống xã hội ở Hà Tĩnh…
Các tham luận cũng làm rõ những đóng góp của Phật giáo Hà Tĩnh đối với lịch sử, văn hóa – xã hội như Phật giáo Hà Tĩnh trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh hiện nay; Hoạt động từ thiện, nhân đạo của Phật giáo góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững ở Hà Tĩnh; Vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh với phong trào xây dựng nông thôn mới (2010 – 2021); Phật giáo Hà Tĩnh với công tác an sinh xã hội góp phần thiết thực xoa dịu niềm đau nhân thế; Đóng góp của Phật giáo ở Hà Tĩnh đối với an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay; Đóng góp của gia đình danh y Lê Hữu Trác đối với Phật giáo Hà Tĩnh; Chùa Quỳnh viên trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư xứ Nghệ xưa và nay; Phật giáo Hà Tĩnh tham gia phòng, chống dịch Covid – 19…
Đồng thời, các tham luận đề xuất, gợi mở nhằm bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của Phật giáo Hà Tĩnh đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương như: Vị trí của núi Nam Giới – chùa Quỳnh Viên trong bản đồ du lịch tỉnh Hà Tĩnh; Phát huy giá trị văn hóa Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh qua du lịch tôn giáo; Khai thác giá trị di sản văn hóa Phật giáo gắn với phát triển du lịch ở Hà Tĩnh hiện nay; Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo thông qua phát triển du lịch tâm linh ở Hà Tĩnh; Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh phát huy truyền thống tốt đẹp, đồng hành cùng nhân dân tỉnh nhà…
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe 5 tham luận và nhiều ý kiến của các nhà khoa học, chư tôn đức trong cả nước. Trong đó, hầu hết các tham luận, ý kiến tập trung đưa ra các luận điểm, luận cứ và bằng chứng khoa học để khẳng định chùa Quỳnh Viên nằm trên núi Nam Giới (thuộc địa giới hành chính xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay) là vùng đất thiêng đầu tiên nơi Thiền sư Phật Quang truyền đạo Phật cho Chử Đổng Tử.
Cùng với làm sáng tỏ vai trò của chùa Quỳnh Viên, truyền thuyết về Chử Đồng Tử là người phật tử đầu tiên, các nhà nghiên cứu, hòa thượng, thiền sư cũng nêu lên vấn đề: Cần nghiên cứu bổ sung các dẫn chứng khoa học để tiếp tục làm sáng tỏ và xây dựng di tích chùa Quỳnh Viên xứng tầm với giá trị lịch sử - văn hóa Phật giáo Việt Nam cũng như của dân tộc.
Hội thảo cũng đã tập trung nêu vai trò của Phật giáo Hà Tĩnh cũng như đóng góp của các phật tử trong tiến trình lịch sử dân tộc: Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và công cuộc đổi mới của đất nước.
Bế mạc hội thảo, PGS. TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã khẳng định các tham luận gửi đến cũng như trình bày tại hội thảo và ý kiến phát biểu đã góp phần khẳng định thêm vai trò, giá trị của Phật giáo Hà Tĩnh trong dòng chảy lịch sử, văn hóa Phật giáo Việt Nam. Đồng thời làm sáng tỏ thêm giá trị của chùa Quỳnh Viên đối với sự hình thành, phát triển của Phật giáo dân tộc. Ban chủ trì hội thảo sẽ tiếp thu ý kiến từ các nhà nghiên cứu, đồng thời mong tiếp tục tìm thêm những chứng cứ khoa học; sự quan tâm của các cấp chính quyền Trung ương, Hà Tĩnh để sớm làm sáng tỏ vấn đề đặt ra.
Nguyễn Nga