19-09-2018 - 19:10

Tọa đàm nâng cao chất lượng sáng tác dành cho thiếu nhi

Sáng ngày 19/9/2018, nhân dịp Tết Trung thu, Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh tổ chứcTọa đàm trao đổi về “ Nâng cao chất lượng sáng tác dành cho thiếu nhi” với mong muốn từ thực trạng, tìm kiếm được những giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của VHTN trong tình hình hình mới.  

          Tham dự buổi tọa đàm có đồng chí Hà Tiến Lam – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện Sở Giáo dục & Đào tạo, Tỉnh Đoàn, Ban Văn nghệ Đài PTTH, Báo Hà Tĩnh, Tạp chí Văn hóa, Trường THCS Lê Văn Thiêm ( tp Hà Tĩnh), Hoàng Xuân Hãn ( Đức Thọ), THPT Nguyễn Đình Liễn ( Cẩm Xuyên), Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi Hà Tĩnh….cùng các đồng chí trong BTV Hội, Ban văn học thiếu nhi, cán bộ văn phòng Hội và các tác giả có nhiều sáng tác dành cho thiếu nhi trong tỉnh.

Chương trình văn nghệ mở đầu là những ca khúc, ca khúc phổ thơ của các tác giả trong tỉnh ( Lê Tâm, Bùi Đức Ái, Trương Quốc Đính..)do các em học sinh và chính tác giả thể hiện.

         Phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Phan Trung Hiếu khẳng định: “ Văn học thiếu nhi là một bộ phận không thể thiếu trong dòng chảy văn học nước nhà, góp phần quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách của trẻ em. Những năm qua, mặc dầu chúng ta đã có nhiều cố gắng  nhưng văn học viết cho thiếu nhi nói riêng, sáng tác cho thiếu nhi nói chung vẫn chưa thật sự đáp ứng được kỳ vọng của công chúng bạn đọc.....”
            Trong nhiều năm qua, mảng văn học thiếu nhi vẫn là một thế mạnh của Hà Tĩnh với một đội ngũ các tác giả viết cho thiếu nhi khá chắc tay và được tiếp nối khá liên tục.  Nhiều tác giả đã có các tập sách dành riêng cho các em:  Xuân Hoài ( Sen lên, những cây dù đỏ), Đức Ban (Hoa cúc vàng, Những tiếng chim, Con mèo mun; Phan Trung Hiếu (Giấc mơ bong bóng; Vườn đất Thánh, Chú nhện đu bay, Hạt nắng bé con, Con chim chích chòe);  Nguyễn Ngọc Phú ( Mùa chim), Thái Vĩnh Linh( Mưa sao ngân hà, Cánh cò trắng, Phố trong bản, Tay thơm, Hoa hậu của bé, Bố ngoan nhất nhà); Lê Duy Phương (Chùm nhãn ngọt, Cây hoa vừa lên, Thả diều, Như anh dắt em) Như Bình ( Dòng sông một bờ), Nguyễn Văn Thanh ( Quả từ đâu ra ), Phan Duy Đồng ( Đom đóm vườn nhà), Quỳnh Như ( Quả trong vườn ), Nguyễn Trọng Bính ( Hát đồng giao), Diệu Chi (Tiếng gà gáy); Trần Hậu Thịnh ( Thờ nông nổi);  Phạm Minh Huyền( Giấc mơ màu mây, Nguyễn Sinh ( Gió từ tay bà), Hạnh Loan ( Khoảng trời sau cửa sổ)…Một số tác giả chưa in thành sách nhưng viết nhiều cho thiếu nhi, tạo được dấu ấn với bạn đọc như Phan Thế Cải, Bùi Quang Thanh, Hoàng Văn Hóa, Nguyễn Thị Hương Liên, Lê Sỹ Thạc, Trần Quỳnh Nga…  

Nhiều tác phẩm của tác giả Hà Tĩnh đã đạt giải của UBLH, giải thưởng VHNT Nguyễn Du ( Phan Trung Hiếu, Đức Ban, Ngọc Phú, Thái Vĩnh Linh, Quỳnh Như…),các cuộc thi chuyên đề ( Lê Tâm, Hậu Thịnh), được chọn đưa vào sách giáo khoa, tuyển tập VHTN của toàn quốc, sách tham khảo, nâng cao của NXB GD, được giới thiệu trên các báo dành cho các em như: Thiếu niên, Nhi đồng, Họa Mi, văn học tuổi trẻ, chương trình văn nghệ thiếu nhi của Đài TNVN, và các phương triện truyền thông trong tỉnh. 

          Về mảng âm nhạc, có một số tác giả có bài viết cho thiếu nhi như: Quốc Việt, Quốc Đính, Nguyễn Đình Đức, Ngọc Thịnh, Lê Tâm, Bùi Đức Ái…. Một số bài được giải thưởng của UBLH( Quốc Việt : Bài cá tháng Sáu), Lê Tâm với " Mắt đèn trên phố - Giải KK cuộc thi an toàn GT quốc gia năm 2012,  "Có Bác Hồ chỉ lối em đi" - Giải C GT sáng tác và quảng bá các tác phẩm về về đề tài Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM giai đoạn 2013- 2015, được phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng, làm tiết mục văn nghệ quần chúng ở cơ sở…Một số chuyên ngành khác cũng đã dành sự quan tâm cho mảng đề tài này như Nghiên cứu LLPB; Nguyễn Thị Nguyệt, Hải Vân, Nguyễn Văn Thanh); Nhiếp ảnh, sân khấu- BD, Hội họa…đã có những tác phẩm về các em, cho các em.

        Nhà văn Đức Ban với bài Tham luận “ Hãy đem đến cái đẹp cho các em” đã đánh giá các tác phẩm văn học thiếu nhi ở Hà Tĩnh đã hướng về sự lương thiện, lòng bao dung của con người, về trách nhiệm con người với con người, trước cộng đồng, về tình yêu thương của con người, về khát vọng một cõi Chân Thiện Mỹ…

       Phó Tổng biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh Nguyễn Thị Nguyệt trong tham luận “ Văn học thiếu nhi Hà Tĩnh, một vài suy nghĩ” cũng chỉ ra những hạn chế  như các tác giả chưa vượt qua được lối mòn của văn học thiếu nhi từ xưa, đó là viết bằng “kinh nghiệm tâm hồn” với kho kí ức đầy ắp về đồng quê. Viết cho thiếu nhi, các tác giả vẫn xoay quanh những đề tài quen thuộc chưa có sự tìm tòi, khai thác những đề tài mới, hấp dẫn hơn với các em bây giờ.

        Thầy giáo Bùi Đức Ái tại buổi tọa đàm đã chia sẻ sự nhìn nhận cũng như kinh nghiệm để có các ca khúc hay, có chất lượng tốt dành cho lứa tuổi thiếu nhi bằng việc quan tâm đến thay đổi cách hòa âm phối khí để tạo hưng phấn khi các em thưởng thức, bên cạnh đó tạo ra sự hồn nhiên, giàu cảm xúc, hình ảnh, ca từ không lan man mà phải cô đọng, chú ý khai thác các bài đồng dao, ví giặm, chuyện cổ tích để thêm phong phú, hấp dẫn.

           Tham luận “ Gieo mầm từ những cuộc thi thơ học trò” của nhà báo Nguyễn Thị Hạnh Loan cùng chung quan điểm rằng sáng tác cho thiếu nhi là một thể loại khó của văn học. Hãy để cho các em được tiếp cận những tác phẩm văn học nghệ thuật mới nhất, khơi lên trong các em niềm đam mê với thi ca, văn học, nghệ thuật. Có như vậy, mới có thể có được những nhà thơ tương lai, những người tiếp nối và thay thế các thế hệ sáng tác thiếu nhi.

      Tác giả Nguyễn Văn Thanh trong tham luận" Làm sao để đưa văn học thiếu nhi đến với thế hệ trẻ" đã trăn trở với nhiều vấn đề từ tâm huyết của người cầm bút, trách nhiệm của Hội và các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức hoạt động, xây dựng một cơ chế, chính sách có sự ưu tiên nhằm khuyến khích cho văn học thiếu nhi phát triển

Tuy có những thành công nhưng so với đòi hỏi của bạn đọc, sáng tác dành cho thiếu nhi Hà Tĩnh hôm nay còn nhiều điểm hạn chế về đề tài, thể loại, chất lượng nghệ thuật tác phẩm. Ngoài các bài tham luận, các đại biểu còn được nghe nhiều chia sẻ, tâm tư, nguyện vọng của các tác giả có nhiều sáng tác dành cho thiếu nhi thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. 

          Phát biểu tại tọa đàm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tiến Lam đánh giá cao mục đích, chất lượng của buổi tọa đàm với nhiều tham luận, ý kiến công phu, tâm huyết cho thấy các tác giả luôn có trách nhiệm với các cháu thiếu nhi tỉnh nhà cũng như cả nước; đề nghị Hội liên hiệp văn học nghệ thuật tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan… để có những giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng các tác phẩm dành cho thiếu nhi trong thời gian tới.

Các đại biểu, tác giả chụp ảnh kỉ niệm sau buổi Tọa đàm

Linh Châu


 

. . . . .
Loading the player...