18-08-2022 - 02:29

Tọa đàm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều

Chiều ngày 16/8/2022, hưởng ứng “Ngày Tôn vinh tiếng Việt” 8/9/2022, Văn phòng Đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh phối hợp với Quỹ Nguyễn Du và Công ty cổ phần thương mại dịch vụ du lịch Vạn Chài tổ chức Toạ đàm về việc lưu giữ những làn điệu ru, ví, hát lẩy Kiều và trình diễn hát thơ Kiều, ngâm Kiều, lẩy Kiều, trò Kiều.

Tham dự chương trình có các nhà nghiên cứu, nhà văn thuộc Chi hội Kiều học tỉnh Nghệ An, Chi hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh, Chi hội nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh, Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, Đài PTTH tỉnh, Báo Hà Tĩnh, Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, hãng phim Nguyễn Đình Chiểu.

Ông Thái Văn Sinh - Trưởng văn phòng đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh giới thiệu ngắn gọn một số thông tin về Hội Kiều học Hà Tĩnh, Quỹ nguyễn Du và Công ty cổ phần thương mại dịch vụ du lịch Vạn Chài. Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh thành lập năm 2013, đến nay hội có 66 hội viên, đã đồng hành cùng các Sở, Ban ngành liên quan tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều trên địa bàn. Đặc biệt là các hoạt động kỷ niệm 250 năm sinh (2015) và 255 năm sinh, 200 năm mất Đại thi hào Nguyễn Du cũng như làm cầu nối quan trọng giữa Hội Kiều học Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. Quỹ Nguyễn Du là quỹ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Nguyễn Du và Truyện Kiều; đi vào hoạt động năm 2019 và hoạt động không vì lợi nhuận, trên nguyên tắc tự tạo vốn từ nguồn vốn đóng góp ban đầu của sáng lập viên và trên cơ sở hoạt động dịch vụ, vận động quyên góp, tiếp nhận tài trợ, các khoản đóng góp hoàn toàn tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Các đại biểu thắp hương trước bàn thờ cụ Nguyễn Du

Phát biểu chào mừng, ông Hà Văn Thạch, Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ Nguyễn Du bày tỏ niềm vui khi được tham gia cuộc tọa đàm về việc bảo tồn các hình thức diễn xướng dân gian như: các làn điệu ru, ví, lẩy Kiều, diễn trò Kiều và các biện pháp để bảo tồn các hình thức diễn xướng này trong thời gian tới. Đồng thời mong tất cả mọi người cần có trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều.

TS Nguyễn Quang Cương tham luận với chủ đề: Từ Bảo tàng Hoa Cương nghĩ về việc lưu giữ những làn điệu ru, ví, hát lẩy Kiều và trình diễn hát thơ Kiều, ngâm Kiều, lẩy Kiều, trò Kiều.

Thầy giáo Lê Nghi khẳng định Truyện Kiều vẫn luôn cần được bảo tồn bằng nhiều hình thức thì mới phát huy được chứ không thể như nhiều người cho rằng Truyện Kiều là tác phẩm kiệt xuất tự nó sẽ sống mãi với dân tộc và nhân loại chứ không cần đến các hoạt động để bảo tồn.

Nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh Phan Trung Hiếu với tham luận Văn bản chuẩn cho việc lưu giữ những làn điệu ru, ví, hát lẩy Kiều và trình diễn hát thơ Kiều, ngâm Kiều, lẩy Kiều, trò Kiều.

Ông Trần Mai Lộc – Chi hội trưởng Hội Kiều học Nghệ An tự hào khi Nghệ An và Hà Tĩnh là hai mảnh đất giàu tinh thần hiếu học và có niềm đam mê lớn với Truyện Kiều.

Nhà lý luận phê bình Hà Quảng mong rằng Truyện Kiều sẽ được biểu diễn nhiều nhất có thể để làm các di sản ngày càng sống động hơn và các trường học cũng cần lan tỏa Truyện Kiều bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như thành lập CLB, phát động các cuộc thi….

TS Đặng Thuý Hằng - Hiệu trưởng trường CĐ Nguyễn Du bày tỏ vinh dự khi được giảng dạy tại ngôi trường mang tên đại thi hào Nguyễn Du và mong lan tỏa được Truyện Kiều đến các thế hệ trẻ khi mà văn hóa nghe, nhìn đang lấn át văn hóa đọc thì “Truyện Kiều” nhiều khi bị lãng quên, được coi là cũ kĩ, không phù hợp với cách sống hiện đại.

Phó Ban dân Vận Tỉnh ủy Nguyễn Hải Nam khẳng định bản thân sẽ cần có nhiều trách nhiệm hơn để phát huy được một di sản lớn của dân tộc và gửi lời chúc Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh sẽ ngày càng lớn mạnh.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh Trần Nam Phong nhấn mạnh về sức mạnh nội tại của Truyện Kiều khi đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong đời sống con người Việt Nam, là tài sản tinh thần vô giá cho tất cả mọi người, là nguồn cảm hứng khơi mào cho hàng loạt các tác phẩm thuộc nhiều thể loại văn học nghệ thuật khác nhau. Hội sẽ tiếp tục đổi mới nội dung hình thức tạp chí Hồng Lĩnh và tổ chức tốt Giair thưởng VHNT mang tên Đại thi hào Nguyễn Du.

Các nghệ nhân trình diễn hát thơ Kiều, lẩy Kiều… tại tọa đàm.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại không gian văn hoá Nguyễn Du

Tối ngày 16/8, tại Khu du lịch sinh thái Green (TP Hà Tĩnh), Văn phòng đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh phối hợp với Quỹ Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều tổ chức chương trình văn nghệ biểu diễn “Thơ Kiều qua các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh” với 13 tiết mục qua sự trình bày của các Nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân Nhân dân, các nghệ nhân trẻ tuổi  và các CLB dân ca Ví, giặm.

Điệu hò, ví “Cảnh ngày xuân” do CLB Dân ca, Ví giặm Xuân Giang, Nghi Xuân biểu diễn.

CLB Dân ca Xuân Liên – Nghi Xuân với tiết mục “Gia đình Vương ngoại du xuân tảo mộ”

Tiết mục hát “Thơ Kiều” do Nghệ nhân Ưu tú Vũ Thanh Minh trình bày

CLB Nghệ nhân Thành Sen trình bày tiết mục Lẩy xẩm Kiều “Trăm năm trong cõi”

Nghệ nhân Ưu tú Hồng Oanh thể hiện Liên khúc dân ca 3 miền

 

Linh Châu

. . . . .
Loading the player...