Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu tham luận của nhà thơ Lê Thành Nghị “Trữ tình, lãng mạn dòng chảy trong thơ của một vùng đất” tại Hội thảo khoa học 50 năm nền Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 – 30/4/2025)
Nhà thơ Lê Thành Nghị với tham luận “Trữ tình, lãng mạn dòng chảy trong thơ của một vùng đất”
1. Từ bờ Nam sông Lam, nơi có ngọn núi Hồng cao trên 800 mét so với mực nước biển đến chân Đèo Ngang, nơi dải đất hình chữ S tự thu hẹp lại, làm những dòng sông trở nên ngắn và chảy xiết, nơi đứng ở đâu chúng ta cũng có thể nhìn thấy bằng mắt thường biển xanh trước mặt và rặng Trường Sơn hùng vỹ sau lưng, nơi mà suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, từ những cuộc chinh phạt phương Nam của các Vương triều phong kiến trước kia, đến cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược kết thúc vào mùa xuân năm 1975…, ở đâu trên mảnh đất này cũng có thể nhận ra dấu chân của những người con đất Việt đi mở mang bờ cõi, giải phóng quê hương. Đó là miền đất Hà Tĩnh thiên nhiên tươi đẹp, nhưng nắng gió thất thường, khắc nghiệt, đời sống hết sức khó khăn nhưng con người lại giàu sức sống nội tâm, lắng sâu trữ tình và lãng mạn, như một quy luật: càng khắc nghiệt, khó khăn lại càng phải trữ tình, lãng mạn có thể là một cách tồn tại, cao hơn là để vượt thoát, khẳng định bản lĩnh của mình, là cơ sở để vươn tới điều cao cả của lòng thương yêu, phẩm chất nhân đạo trong mỗi con người.
Chất trữ tình, lãng mạn ấy như nét đặc trưng trong tâm hồn mỗi người dân bình thường ở vùng đất này, dạt dào, tình tứ trong ca dao, dân ca, ví giặm. Nhà thơ Thanh Tịnh từng nói nơi đây con sông nào cũng ngắn, nhưng câu hò nào cũng dài! Cái ngắn ở đây là hình khe thế núi khắc nghiệt, cái dài ở đây là tình người, tâm tình dào dạt của con người làm nên hồn cốt văn hóa, tâm thức văn hóa, làm nên đời sống tình cảm sâu đậm của con người. Tình cảm đó được lưu giữ trong ca dao, dân ca, đặc biệt là trong hình thức hát Ví Giặm, đặc hữu của xứ Nghệ Tĩnh, mà mỗi bài ca với những giai điệu tình tứ, với những ngôn từ đặc sắc, tế nhị, duyên dáng, gợi lên tình thương yêu, trìu mến với quê hương, làng xóm, với bè bạn, người thương: Nghe câu vè ví dặm/ Càng lắng lại càng sâu/ Như sông La chảy chậm/ Đọng bao thuở vui sầu/… Tình xứ Nghệ không mau/ Nhưng bén rồi sâu lắng/ Quen xứ Nghệ quen lâu/ Càng tình sâu nghĩa nặng (Huy Cận – Gửi bạn người Nghệ Tĩnh). Tình cảm da diết đó thấm đẫm trong lời ca Ví Giặm, lan tỏa, ngân nga trong mỗi tâm hồn con người từ thuở nằm nôi, thức dậy trong họ khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ trữ tình, tình tứ, và những câu thơ chắc chắn một phần cũng từ đó mà hình thành làm nên ca dao dân ca của quần chúng, hình thành những tác giả chuyên nghiệp, và có những người trở nên xuất chúng.
Từ đầu thế kỷ XV, thời Hậu Trần, hai cha con Đặng Tất, Đặng Dung, quê ở Thiên Lộc, Can Lộc ngày nay, là những bậc trung quân, ái quốc, không chịu sống nô lệ, đứng lên giúp Vua đánh giặc, rồi hy sinh lẫm liệt. Bài thơ nổi tiếng Thuật hoài của Đặng Dung được lưu truyền sử sách như một triết lý sống của con người trên vùng đất này:
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma
(Việc nước chưa xong đầu đã bạc
Bao lần mang gươm Long Tuyền mài dưới trăng)
Hình ảnh Mài gươm dưới trăng của một con người đầu đã bạc, nói lên ý chí kiên cường, mạnh mẽ, gợi lên khí chất anh hùng bên cạnh chất trữ tình, lãng mạn của một vùng đất, toát lên triết lý sống đẹp, vượt lên hoàn cảnh, vươn tới sự cao cả vì nghĩa lớn của con người. Hình ảnh sóng đôi: mài gươm dưới ánh trăng vừa bi tráng vừa thơ mộng của một bậc trượng phu, làm ta liên tưởng đến Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ thế kỷ thứ XVIII, quê làng Uy Viễn, Nghi Xuân, một bậc tài danh nhập thế bất chấp phong trần, một anh hùng thời loạn ôm mộng kinh bang tế thế, một bậc tài tử hùng tâm tráng khí... sau bao nhiêu thăng trầm vẫn muốn làm cây thông đứng giữa trời mà reo. Trên bàn thờ Nguyễn Công Trứ tại làng Uy Viễn, bên phải là thanh gươm, bên trái là ngọn bút, tượng trưng cho khí phách của một bậc trượng phu. Điều gì đã làm nên khí phách thanh cao ấy? Phải chăng từ sâu thẳm trong tâm hồn ông chất chứa linh khí của cả một vùng đất, bất chấp sự nghiệt ngã của số phận…vẫn ngân nga khúc trữ tình thanh cao của đất trời và con người quê hương ông? Và bằng chính cuộc đời sinh động, phong phú, nhiều cung bậc của mình, Uy viễn đã làm bất tử cái đẹp muôn thuở, vượt lên mọi giới hạn của trần gian ngột ngạt, như một minh chứng rằng không một thứ vật chất nào, không một thứ quyền lực nào có thể khuất phục được khát vọng tự do của con người!
Cách Uy Viễn tướng công không xa về địa lý, về không gian và cả thời gian, dưới chân núi Hồng: Gia tại Hồng Sơn đệ nhất thôn (Nhà tại xóm đầu tiên chân núi Hồng), đại thi hào dân tộc Nguyễn Du như hội tụ trong tâm hồn mình mọi phẩm chất cao quý của con người, trong đó cao quý nhất là tấm lòng nhân đạo cao cả của một bậc Đại bút vào thời điểm xã hội Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII hết sức rối ren, phức tạp. Lòng nhân đạo ấy hình thành từ thế giới trữ tình sâu sắc, phong phú, nhiều cung bậc, từ tâm hồn lãng mạn độc đáo, vượt qua mọi rào chắn, vượt qua thời gian, không gian. Nguyễn Du tiếp nhận bản sắc văn hóa của nhiều vùng miền trong cũng như ngoài nước, nhưng trực tiếp nhất vẫn là văn hóa vùng quê hương Hà Tĩnh, miền đất rất nhiều lần ông nhắc đến trong thơ chữ Hán với niềm tự hào cũng như nhớ nhung khắc khoải tận sâu trong tâm can ông: Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán (Nơi núi Hồng không nhà cửa, anh em li tán), Thiên Thai sơn tiền độc bế môn (Trước núi Thiên Thai căn nhà luôn đóng cửa), Tài qua Long Vĩ thủy (Độ Long Vĩ Giang), Hồng Sơn nhất sắc lâm bình cừ (Một sắc núi Hồng soi bóng xuống dòng kênh yên lặng), Lão nạp an miên Hồng Lĩnh vân (Dưới mây núi Hồng vị sư già đang say giấc), Lam thủy Hồng Sơn vô hạn thắng (Sông Lam núi Hồng đẹp vô cùng tận), Bách lý Hồng Sơn chính khí đồng (Trăm dặm núi Hồng chính khí phơi), Bồi hồi chính ức Hồng Sơn dã/ Khước tại La Phù giang thủy biên (Hồng Lĩnh trăng quê còn thổn thức/ La Phù thoắt đã đến sông rồi)…Đến Truyện Kiều, tập đại thành của một công trình nghệ thuật trong đó phẩm chất trữ tình, lãng mạn, kết tinh thành tấm lòng nhân đạo sâu sắc…tất cả như thể dĩ tận vi độ (lấy cái tận cùng làm độ) của phẩm chất thiên tài của một Đại thi hào.
Hãy xem Nguyễn Du nói về tình yêu lứa đôi:
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song
Tóc tơ căn vặn tấc lòng
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương
Đây không chỉ là ngôn ngữ trữ tình, đây là lời thề sâu nặng khắc cốt ghi xương vượt lên ngôn ngữ trữ tình, trở thành văn bia của tình yêu lứa đôi. Hãy xem Nguyễn Du nói về sự chia xa: Người lên ngựa kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san/ Dặm hồng bụi cuốn chinh an/ Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh/ Người về chiếc bóng năm canh/ Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi/ Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường. Giọng thơ trầm buồn, đất trời dường như “chết lặng” trước cảnh kẻ đi muôn dặm, người về chiếc bóng. Một cuộc chia tay bẽ bàng, xót xa, cô lẻ, nhưng cũng hết sức lãng mạn của một đôi tri kỷ từ sắc cỏ cây, đất trời đến lòng người. Ngòi bút của Nguyễn Du vừa miêu tả với những chi tiết khách quan của chủ nghĩa hiện thực, vừa kết hợp với sắc thái biểu hiện như một yếu tố đặc sắc của bút pháp trữ tình, vẽ nên một bức tranh kinh điển, lộng lẫy trong lịch sử văn chương Việt…
Trở lên, chúng ta vừa nhắc qua truyền thống trữ tình, lãng mạn của một vài tác giả tiêu biểu của văn chương cổ điển Việt Nam trên vùng đất quê hương Hà Tĩnh. Bước vào thời kỳ hiện đại, khi nền văn học mới (Thơ mới) thay thế thơ ca cổ điển Việt Nam, những nhà thơ lớn quê Hà Tĩnh lúc đó chỉ mới ngoài hai mươi tuổi như Huy cận, Xuân Diệu, Thái Can… đã tiếp nối xuất sắc truyền thống của cha ông và có những đóng góp chói sáng trên văn đàn văn chương hiện đại. Nói về Thơ mới, chúng ta không thể không kể đến Huy Cận, với tập Lửa thiêng, một tập thơ tiêu biểu nhất của Phong trào thơ mới, trong đó những nỗi buồn thiên thu, những nỗi sầu vạn cổ, với những tâm tư muốn so cùng vũ trụ bao la…Thế giới trữ tình trong tâm hồn Huy Cận làm nên cái u buồn trong thơ ông như sông dài biển rộng, như trời sâu chót vót, là buồn tự thuở xưa thổi về, là chiều tê cúi đầu, là Tràng Giang buồn điệp điệp… Nếu Huy Cận đo chiều sâu nỗi buồn trong ông bằng tầm vóc vũ trụ thì Xuân Diệu trải hồn mình với sức thanh xuân, tươi trẻ, căng đầy sức sống qua những câu thơ vừa tân kỳ vừa lộng lẫy…của một trái tim luôn luôn khát khao chiếm lĩnh, nhập thế…, đến mức hình như với ông thời gian không đủ để sống, để yêu: Còn trời đất rồi chẳng còn tôi mãi/ Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời. Không ai buồn sâu như Huy Cận, và không ai khát sống như Xuân Diệu. Hai chiều kích của thế giới trữ tình và lãng mạn, Huy Cận và Xuân Diệu, kẻ đi vào cái thâm trầm hồn cốt phương Đông cổ kính, người hướng tới phương Tây hiện đại dường như đang muốn trải hết tầm mức của chủ đề trữ tình, lãng mạn mà chúng ta đang bàn tới.
Muộn hơn Huy Cận, Xuân Diệu một nhịp, Chính Hữu quê tại Can Lộc, một nhà thơ quân đội, với những bài thơ hào sảng về chiến tranh và người lính, nhưng tận sâu trong tâm hồn ông, đặc biệt là trong những bài thơ lúc còn trẻ tuổi trong buổi đầu thành phố bị tạm chiếm, chất trữ tình, lãng mạn trong thơ ông mang một sắc thái không lẫn với ai được: Đêm Hà Nội buốt tê/ Mái buồn nghe sấu rụng…/ Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa/ Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng/ Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/ Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm. Lời thơ lãng mạn, cảnh vật hùng tráng, người thơ lãng ttử, khí thơ thiêng liêng như hơi thở ngày đầu của thủ đô Thăng Long ngàn năm phi chiến địa đang bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Tiếp theo Chính Hữu, thời kỳ chống Mỹ có hai đại diện Thái Giang sinh năm 1933 quê ở Sơn Bằng, Hương Sơn và Phạm Ngọc Cảnh sinh năm 1934 quê tại thành phố Hà Tĩnh. Thơ Thái Giang thấm đẫm tình yêu xứ sở đặc biệt là miền Tây Hà Tĩnh, nơi quê mẹ Làng Dừa trăm mến ngàn yêu, được viết bởi một ngòi bút trữ tình rất tinh tế: Khi hoàng hôn mờ tím sông Yên/ Con còng đỏ khép càng đi ngủ/ Gió thôi hát nằm xoài ngoài bãi sú/ Nghe rào rào đất thở thủy triều lên…Ta nghe tiếng trăm đêm thân thuộc/ Như sóng vỗ lòng ta, đáy phà lửa đốt/ Ôi! Tiếng đôi bờ! Tiếng đôi bờ/ Vít cong sào chống cả bão mưa. Nếu Thái Giang trữ tình mà rắn rỏi thì Phạm Ngọc Cảnh đa tình mà lãng tử. Với Phạm Ngọc Cảnh, quê hương Hà Tĩnh cùng cái nghèo đeo đẵng, cái nắng héo tàn, cái cơ cực muôn đời: Miền Trung ơi thịt da liền vẫn đau (Tản mạn miền Trung), bên cạnh cái tình sâu nghĩa nặng làm nên một chữ thương trong câu chữ, tạo nên điệu buồn đặc biệt của thơ ông: Đôi đũa chúng ta cầm/ Gắp được cả tháng ngày cay đắng/ Cả tháng ngày gian nan (Anh ấy sẽ sang chơi). Đói nghèo, gian nan, bom đạn, cuộc người đổi thay… có thể có đôi chút nản lòng, nhưng Phạm Ngọc Cảnh vẫn hòa vui cùng với Lý ngựa ô, với những Sư đoàn ra trận và đặc biệt sau bao nhiêu thăng trầm, ông vẫn giữ được sự trẻ trung, trữ tình, lãng mạn, vượt qua tất cả để biết yêu em như gió hát sau vườn (Em xa, em xa) và trở thành triết lý sống nơi ông!
2. Với chủ đề của bài viết nhỏ này, dừng lại ở đây với những tên tuổi các nhà thơ chúng ta vừa nhắc qua: Đặng Dung, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Huy Cận, Xuân Diệu, Chính Hữu, Thái Giang, Phạm Ngọc Cảnh tưởng cũng đã có thể gọi là tạm đủ. Nhưng dưới mặt đất khô cằn gió lào cát trắng kia, như một mạch ngầm không bao giờ cạn, các nhà thơ Hà Tĩnh, những thế hệ cầm bút đến sau, mỗi người một vẻ góp vào dòng chảy của thơ những vẻ đẹp khác nhau mà “bản năng gốc” là nguồn mạch trữ tình, lãng mạn: Xuân Hoài và Duy Thảo, Phan Cung Việt và Lê Thành Nghị, Nguyễn Sỹ Đại và Lê Cảnh Nhạc, Dương Kỳ Anh và Trần Nam Phong, Yến Thanh và Phan Trọng Tảo, Lê Văn Vỵ và Tùng Bách, Nghiêm Huyền Vũ và Thái Vĩnh Linh, Bùi Quang Thanh và Nguyễn Ngọc Phú, Ngô Đức Hành và Nguyễn Ngọc Vượng, Mai Hồng Niên và Đặng Văn Chương, Phan Tùng Lưu và Nguyễn Văn Thanh, Trần Kim Hoa và Như Bình, Hạnh Loan và Hồ Minh Thông…
Rất dễ nhận ra trong thơ của lớp tác giả này là một chữ thương đặc trưng của vùng miền, bắt nguồn từ tình yêu quê hương, xứ sở hình thành cảm thức sáng tác của từng cây bút. Lòng quê đi mỗi bước đường một đau (Nguyễn Du) được tiếp nối trong thơ đương đại với nhiều chiều kích, cung bậc. Chữ thương này (Hà Tĩnh mình thương) không chỉ là mạch nguồn của thơ trữ tình, mà còn là nốt lặng quyến rũ khởi thủy của âm nhạc. Không phải ngẫu nhiên các nhạc sỹ đương đại như Nguyễn Văn Tý, An Thuyên, Trần Hoàn, Nguyễn Trọng Tạo…gắn bó mật thiết với vùng đất này cùng với chữ thương làm nền cho những ca khúc trữ tình viết về Hà Tĩnh. Chữ thương như một nốt trầm tình tứ với sức lan tỏa của nhịp dân ca dịu dàng làm nên sức quyễn rũ của giai điệu. Không có một vùng đất nào có nhiều ca khúc trữ tình tiêu biểu như vậy!
Chữ thương là nơi bắt đầu của điệu trữ tình trong thơ. Đó là nỗi thương quê hương nghèo khó với những ký ức xót xa trong thơ Yến Thanh: Bão xô nghiêng mảnh ruộng gầy/ Nắng hun đến cái diệp cày cũng cong (Lục Bát Tiên Điền). Đó là một khúc sông quê khắc sâu trong ký ức của Xuân Hoài: Người đi xa mấy năm ròng/ Chưa ai quên một khúc vòng con đê/ Cỏ xanh như chính lời thề/ Hai bờ đê gọi bước về vương vương (Con đường về bến Tam Soa). Duy Thảo với những câu thơ đắng đót: Bao mảng đời tiền kiếp/ Chìm nổi vật vờ trôi/ Thấm đau từng tên đất/ Cầu Ngục, xóm Mồ Côi (Bến Tam Soa-Sông La). Có gì như Phạm Ngọc Cảnh ngày trước với Đôi đũa ta cầm/ Gắp được cả tháng ngày gian nan, Phan Tùng Lưu cũng rút ra lời kết qua bao nhiêu trải nghiệm: Vui và buồn là đũa một đôi/ Cứ ẩn hiện trong cõi người muôn kiếp (Mùa xuân chưa lỗi hẹn bao giờ). Nguyễn Sỹ Đại nhìn quê hương trong cảm thức ngưng đọng dường như bất biến của thời gian: Ông tôi, cha tôi và tôi/ Ba đời làm lính, ba đời nông dân/ Quê hương một mảnh đất cằn/ Cày sâu cuốc bẫm, làm ăn bốn mùa (Ông tôi, cha tôi và tôi)…
Chữ thương trữ tình thẳm sâu cũng luôn luôn hướng về mẹ, người yêu thương nhất trong mỗi mái nhà. Phạm Quỳnh Như khắc sâu hình ảnh nhọc nhằn của mẹ: Mẹ cắm cây mạ xuống bùn/ Cắm nỗi lo vào lòng đất/ Cây mạ thẳng cao lưng mẹ thêm còng/ Mẹ cấy trong mưa cằm người chạm sóng (Mùa gặt). Bùi Quang Thanh thương nhớ quê nghèo là thương nhớ mẹ: Mẹ ngơ ngác, những mảnh vườn bạc trắng/ Nước mắt rơi lạnh ngón tay gầy (Hạt đắng). Lê Văn Vỵ nhớ mẹ là nhớ những tháng ngày đói mòn mỏi của tuổi thơ anh: Ký ức tuổi thơ con cơm trộn vừng vét cối, gói vào mo meo nhỏ dãi/ Ký ức tuổi thơ con chờ mẹ chợ về hoe mắt, chút kẹo vừng gói trong lá chuối khô ẩm mốc…(Vừng). Cũng như Bùi Thị Minh Huệ thường ru mẹ ngủ những lúc mẹ ốm: Nước từ nguồn suối ra sông/ Yêu thương chảy mãi thành dòng, mẹ ơi (Ru mẹ), Lê Văn Vỵ cũng thường cẩn thận, nâng niu “cắt móng chân” cho mẹ. Nhưng qua việc làm nhỏ bé này, anh cảm nhận sâu sắc cuộc đời gian lao, cơ cực mà mẹ đã trải. Những câu thơ gợi lên một chữ thương làm thắt lòng người đọc: Còn lại ba móng chân/ Cong queo và dị dạng/ Nhọn như là vuốt sắc/ Nung lửa trời, lửa đời…/ Kéo đụng vào cong lưỡi (Cắt móng chân cho mẹ). Tôi nhớ Phùng Khắc Bắc cũng có những câu thơ đau xót như Lê Văn Vỵ về vùng quê của anh nơi “Con gà mái-móng mỏ cũng mòn đi vì miếng ăn”, Lê Thành Nghị với những ấn tượng đau thương: Liềm hái bỏ cạnh mâm cơm mẹ về đồng cạn/ Chấp chới cói cò khăn trắng/ Khóc mẹ/ Lúa chín gục đầu/ Vũng bùn đám cỏ ga lầm lụi/ Nước nghẹn kênh đào/ Mồ mẹ còn tươi những lát đất (Con đường mùa lá rụng). Còn đây là người mẹ già của Nguyễn Văn Thanh: Tay mẹ già nua chai dày ruộng cạn/ Mẹ chết cháy trên nương ngày cang hạn/ Nhìn quầng trăng, tóc bạc trắng với trời (Ngỡ)…Quả là hình ảnh xót xa về những người mẹ trên một vùng đất gian nan!
Chất trữ tình, lãng mạn càng in sâu trong thơ viết về tình yêu đôi lứa. Từ quê hương bên bờ sông La, Phan Cung Việt với những kỷ niệm đầu đời trong sáng như nhịp đập đầu tiên của trái tim: Những năm sau không chơi thuyền dứa nữa/ Buổi cấy đồng chiêm nước quẩn quanh như nỗi nhớ/ Đon mạ em trao anh thấy cả vụ mùa/ Lá dứa trên bờ theo gió đung đưa (Thuyền lá dứa). Nguyễn Sỹ Đại tưởng là mang “ren nông dân” (Ông tôi, cha tôi và tôi/ ba đời làm lính, ba đời nông dân) vậy mà chàng trai lực điền mới mười sáu, mười bảy tuổi với trái tim đầy mơ mộng ấy rất dễ xui những trái tim khác lạc nhịp: Bài thơ này anh viết gửi cho mây/ Mây theo gió đến miền xa thẳm ấy/ Nếu đến được cùng em thơ sẽ nói/ Đây lòng anh canh cánh ở bên trời…/Em nhớ không ngày ấy con đường/ Trăng như thể vì hai ta để sáng…(Tiếng tình yêu). Trong khi Nguyễn Sỹ Đại mơ màng “bài thơ này anh viết cho mây”, thì Lê Cảnh Nhạc như một người từng trải, độ lượng và sẵn sàng đón nhận: Em dịu dàng như nước/ Em nõn nà như mây/ Cũng dễ bùng như lửa/ Sắc buốt như đá trời/ Anh cứ xòe tay đón/ Đá dịu tan mát lành/ Chút lửa từ than ấy/ Nhóm bếp hồng trong anh (Tất cả đều có thể). Phía khác, vẫn được xem là “phái yếu”, nhà thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan như vừa trải qua một chút ưu phiền : Mưa tháng Tám là vầng mây vỡ/ Tháng tận cùng ngày mới ngấm niềm đau (Thơ tình thàng Tám), đã trở về với những câu thơ triết lý từng trải: Em ràng buộc anh bằng bài thơ sẽ viết/ Anh ràng buộc em bằng con tim nồng nhiệt/ (Có những điều chỉ mình ta biết)/ Ràng buộc là cái giá của tình yêu (Tự do và ràng buộc). Thế rồi chị khá tự tin: Hãy dìu nhau đi qua những màn đêm/ Để nghe mưa nắng phai màu/ Để thấy bão tố tan mau/ Mặt trời lên ló rạng/ Trên má môi em sinh những hồng cầu (Đi qua những màn đêm). Còn Như Bình dường như đã ngấm cái cô đơn từ một thú nhận: em không thể chạy đến tìm anh để nói với anh/ thật ra em rất cô đơn (Con thú). Cô đơn là một trạng thái không mấy ai thoát được, nhất là các nhà thơ. Nhưng cô đơn cũng là một biểu hiện khao khát của tâm hồn, cô đơn thường làm nên cái đẹp: Thành phố ồn ào mà em lặng im/ tìm anh đầy sợ hãi/ chúng mình như những ngôi sao xa/ hun hút sóng không thể nào tới được (Viết cho anh). Trần Nam Phong thì điềm tĩnh, nội tâm hơn. Anh lắng nghe thời gian và thiên nhiên đi qua tâm hồn mình để rồi tự làm lắng lại những cảm xúc riêng tư, tưởng như bâng quơ mà rất đỗi tình tứ: Tôi sẽ nhận cùng em hoa cúc/ Nhớ thương nào thắm lại những ngày ngâu/ Mưa ướt áo, thu về một nửa/ Buổi chiều đi vời vợi cánh buồm nâu (Nhận). Nhà thơ Đặng Văn Chương lại nhớ về những vầng trăng lãng mạn trên những dòng sông phía Tây Hà Tĩnh: Đi mãi rồi về khỏa nước trong/ Đêm tình tứ gặp nụ cười bối rối/ Mắt Ngàn Sâu giấu điều chưa nói/ Trăng trải đầy ăm ắp một dòng La (Vầng trăng hẹn hò). Còn Ngô Đức Hành không quên được nỗi buồn trong mắt người bạn cũ mỗi khi anh về với biển quê hương: Trong mắt em giấu một nỗi buồn/ tháng tư mưa sa tháng mười xối xả/ sóng vẫn hát như chừng mê mải quá/ bãi cát dài gió không tuổi bay qua (Trước biển). Lê Thành Nghị suốt tháng năm mang trên vai lời hẹn cũ trở về nơi hẹn cũ, rồi ngẩn ngơ như trước bóng con đò mất hút: Bờ vắng vẻ chỉ mình ta đứng đợi/ Vai mang lời hẹn cũ sớm nay về / Buồm nhỏ xíu người đi đâu mãi mãi/ Xa lắc bờ, thăm thẳm nước, mịt mù mưa (Bến đò Thuận Chân)…
Bên cạnh chất trữ tình, lãng mạn như một “gien trội”, là giai điệu chính, là phần biểu hiện chất nghệ sỹ nổi bật của các nhà thơ Hà Tĩnh, thì chất tự sự, thế sự, trong đó ý thức “phản biện xã hội” là phẩm chất công dân như một biểu hiện sự thức tỉnh nhạy cảm của lương tâm và lương tri của họ trước thời cuộc, đặc biệt là trong những giai đoạn xã hội có nhiều biểu hiện tiêu cực như những năm tháng vừa qua. Nhưng đó là nội dung của bài viết khác xin không đề cập đến ở đây.
3. Từ truyền thống trữ tình, lãng mạn trong thơ Hà Tĩnh nói riêng đến thơ ca nói chung, có thể nhận thấy: Thơ là lời tự hát của mỗi người trước cuộc đời, là tiếng nhạc bên trong của mỗi tâm hồn, nơi bộc lộ niềm vui, niềm hy vọng và cả những nỗi buồn, nỗi cô đơn và cả nỗi thương đau của mỗi con người trong cõi nhân gian của kiếp người. Sống trong một không gian văn hoá nào đó, gạn lọc những gì tinh tuý nhất mà nhà thơ cảm thấy có thể làm tiền đề cho những cảm xúc và suy nghĩ của mình, chắp cánh cho những cảm xúc và suy nghĩ đó bằng những khả năng diễn đạt đặc biệt vừa mang tính quy luật vừa mang tính sáng tạo của riêng từng cây bút trong hình thức tổ chức ngôn ngữ có tính bí mật vừa tiếp thu truyền thống vừa mang cá tính của từng cây bút. Tác phẩm thơ có thể ra đời như một sự vượt thoát tâm hồn, giải toả tâm trạng, đưa đến một trạng thái tinh thần đặc biệt, một trạng thái của những xúc động thẫm mỹ được diễn đạt bằng ngôn từ mang sắc thái biểu cảm của cái đẹp.
Bởi vậy, thơ ưa nói nhẹ, nói đẹp không ưa nói nặng, nói phũ, ưa tình tứ, không ưa lớn tiếng hô hào, chì chiết, miệt thị, tục tĩu… Những lời nói nhẹ, nói đẹp chỉ có thể bắt nguồn từ những tâm hồn đẹp, từ những trạng thái trữ tình, lãng mạn sâu sắc trong mỗi tâm hồn của con người. Cho nên, ngoài những phẩm chất khác, phẩm chất trữ tình, lãng mạn là yếu tố cơ bản, cần thiết nhất của thể loại thơ. Những trích dẫn và phân tích thơ của các tác giả Hà Tĩnh trên kia cho phép chúng ta khẳng định như vậy. Cái đẹp làm nên giai điệu chính của thơ Hà Tĩnh trong suốt chiều dài lích sử bao gồm cả giai đoạn 50 năm vừa qua. Cũng như mọi thể loại văn học nghệ thuật khác, thể loại thơ luôn luôn cần sự đổi mới, sáng tạo. Nhưng sáng tạo trong thơ dù phá cách đến đâu cũng không thể cắt đứt khỏi truyền thống, trong đó truyền thống trữ tình, lãng mạn như một phẩm chất đặc trưng có trong thơ mọi thời đại, mọi vùng đất, đặc biệt trong thơ của các tác giả Hà Tĩnh như một biểu hiện nổi trội.
Tháng 3/2025
L.T.N