Chiều ngày 17/8/2019,Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh tổ chức tổ chức gặp mặt các thế hệ cán bộ, diễn viên, nghệ nhân nhân dịp kỷ niệm 60 năm truyền thống Đoàn văn công nhân dân Hà Tĩnh (1959-2019). Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Hồng Hải, lãnh đạo Sở VHTTDL, đại diện một số ban, ngành cấp tỉnh cùng các thế hệ cán bộ nghệ sĩ của Đoàn đã tới tham dự.
Quang cảnh buổi lễ
Trong không khí bùi ngùi xúc động, Nghệ sĩ ưu tú Đặng Duy Hải đọc diễn văn khai mạc buổi lễ, điểm lại những dấu môc quan trọng của Đoàn văn công tỉnh nhà trong 60 năm qua. Đoàn Văn công Hà Tĩnh tiền thân là “Đội tuyên truyền văn hóa lưu động” được hình thành từ những năm 1958, 1959 là hạt nhân của phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” trênmột mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng. Kể từ đó cho đến năm 1962, đoàn Văn công Hà Tĩnh chính thức được thành lập. Trải qua trên dưới 60 năm với bao thăng trầm, tách nhập, đội ngũ cán bộ, nghệ sỹ của Đoàn đã luôn tâm huyết với nghề, tích cực phục vụ nhân dân, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đoàn đã xây dựng nhiều chương trình quy mô, chất lượng, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, quê hương. Nhiều chương trình, tiết mục trong quá khứ nay vẫn còn đọng mãi trong ký ức của các thế hệ nghệ sĩ và công chúng khán thính giả tỉnh nhà. Đặc biệt là trong 60 năm qua, từ đội ngũ cho tới chất lượng nghệ thuật của Đoàn không ngừng phát triển, không ngừng đổi mới để đi lên một cách toàn diện và mạnh mẽ
Một cảnh trong vở Cô Tám của Nhà viết kịch Phan Lương Hảo trong những năm 1972- 1973
Trong chiến tranh, Đoàn văn công Hà Tĩnh đã kịp thời đưa những món ăn tinh thần phục vụ bộ đội, nhân dân trên các chiến hào, trên các miền quê, góp phần giúp bộ đội nhân dân chắc tay súng, vững tay cày để bảo vệ và xây dựng hậu phương. Nhiều cán bộ diễn viên của đoàn như Nghệ sỹ sân khấu Bùi Đức Hậu; nhạc công Dương Danh Lạc; nghệ sỹ múa Nguyễn Mạnh Tường ….đã anh dũng hy sinh trên đường đi phục vụ.
Sau ngày giải phóng đất nước, Văn công Hà Tĩnh lại hồ hởi xây dựng những chương trình mang hơi thở của đời sống mới phục vụ đồng bào trong, ngoài tỉnh và sang cả nước bạn Lào… với sự đón nhận nồng nhiệt của nhân dân. Các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ đã không ngừng học hỏi, rèn luyện và khẳng định tài năng của mình trong các cuộc so tài trong khu vực và toàn quốc. Nhờ có sàn diễn một thời huy hoàng ấy đã hình thành được đội ngũ tác giả chuyên nghiệp về kịch bản, sáng tác nhạc, đạo diễn, biên đạo múa. Những vở diễn ”Cô Tám”, “Mai Thúc Loan” của Phan Lương Hảo, “Đốm lửa núi Hồng” của Thế Kỷ…là những đỉnh cao, dấu mốc nghệ thuật sàn diễn vang bóng một thời. Bộ ba tác phẩm “Cô Tám”, “Mai Thúc Loan”, “Xôn xao rừng quế” của cố tác gia Phan Lương Hảo đã vinh dự đạt Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012.
Lễ vinh danh Giải thưởng nhà nước về VHNT cho cố tác giả Phan Lương Hảo và gặp mặt truyền thống các thế hệ Văn công Hà Tĩnh năm 2012 với sự góp mặt của nhiều thế hệ của Đoàn
Cũng chính từ những công trình, vở diễn quy mô như thế đã cho xuất hiện một thế hệ diễn viên mà sau này tên tuổi gắn liền với các vai diễn: như cô Loan (cô Tám), Sỹ Nghệ, Hồ Xuân Ngô (Phan Đình Phùng, Cao thắng), Hoa Ban (Sac lơ), Lệ Thích, Đặng Duy Bảy, Tý (Nguyên Sở Khách, Xã quan..), Vũ Minh (Cô Vải), các vai diễn trong " Đốm lửa núi Hồng" của Thế Kỷ như Bát Xu, Nuôi Khuyên, Cu Lươn... và trong nhiều vở diễn của thời Nghệ Tĩnh và sau khi tách tỉnh. Về âm nhạc, xuất hiện với tên tuổi của các nhạc sĩ như Lê Hàm, Vi Phong, Mạnh Chiến, Quốc Nam, Phan Đình Hùng… Những tiết mục thanh nhạc của các Nghệ sĩ Xuân Năm, Thanh Bảng...,tiết mục múa của các cô các chị Thanh Mai, Quỳnh Như, Hoài Thanh, Nguyễn Thị Hiền, Thanh Xuân và các Nghệ sĩ trẻ mới được khẳng định sau này thực sự tạo cho người xem những dấu ấn khó quên. Cũng chính từ Đoàn, nhiều người đã trưởng thành và được công nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú như: Nhạc sĩ Quốc Nam, Thanh Xuân, Đặng Duy Hải, Nguyễn Thị Cẩm... và nhiều nghệ sĩ trẻ có triển vọng khác như:Thái Bảo, Phạm Công Hoàn, Trang Hòa, Lệ Sáu, Du Quang Hưng, Phương Thảo…
Để làm nên thành công của các Chương trình nghệ thuật không thể quên công lao của các nhà quản lý, đã từng đảm nhiệm chức vụ Trưởng đoàn qua các thời kì như: Nguyễn Vĩnh Toại, Lê Hàm (Đoàn Ca Múa), Phan Lương Hảo (kịch thơ), Lê Doãn Song (Đoàn Cải lương) và giai đoạn sau khi tách tỉnh như Vi Phong, Đặng Duy Bảy, Trịnh Ngọc Châu, Quốc Nam (Đoàn Ca múa kịch), Ngọc Thịnh, Đặng Duy Hải (Nhà hát nghệ thuật truyền thống...,cùng đội ngũ nhạc công như Phan Văn Cầu, Xuân Bình ...và các cô chú, anh chị làm công tác thiết kế sân khấu, ánh sáng, đạo cụ, phục trang…hành chính.
Gần đây, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng một số chương trình dân ca ví, giặm được sưu tầm bằng lời cổ, đưa thêm một số lời mới trên nền chất liệu dân gian như: Ví phường nón, Ví phường vải, O hàng bán rượu, Đất Đồng Môn dệt vải, Thằng bần…; hay dàn dựng nghệ thuật múa rối truyền thống.
Hy vọng trong khó khăn chung của laoij hình nghệ thuật sân khấu, được sự tiếp lửa từ các thế hệ đi trước, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh sẽ tiếp thu được những kinh nghiệm của 60 năm qua để tìm ra hướng đi mới trong việc xây dựng và bảo tồn nền văn hóa đặc sắc của quê hương.
Bảo Phan