27-11-2018 - 09:03

Âm vang nhịp điệu ca trù

Ca trù là một bộ môn nghệ thuât lâu đời, độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng ca nhạc của người Việt Nam. Thịnh hành từ thế kỷ 15, từng là một loại ca trong cung đình và được giới quý tộc và trí thức yêu thích; là một sự phối hợp nhuần nhuyễn là đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc, ca trù gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt

         Cổ Đạm xưa là một giáo phường ả đào nổi tiếng với những đào nương thanh, sắc, tài duyên. Không chỉ đi biểu diễn khắp vùng, họ còn được triều đình Huế vời vào hát phục vụ vua quan trong triều. Ca trù trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của Cổ Đạm.

          Cùng với 15 tỉnh, thành khác, miền đất hát Cổ Đạm (Nghi Xuân) đã góp phần tạo nên thể loại sinh hoạt văn nghệ dân gian ca trù đặc sắc của Việt Nam. Năm 2009, ca trù đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Theo đó, nhiều năm qua, huyện Nghi Xuân đã thực hiện nhiều giải pháp để lưu giữ và bảo tồn di sản ca trù như: Thành lập các CLB dân gian trong các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; tổ chức hội thi tiếng hát học đường 2 năm 1 lần từ 2008 đến nay.Cứ đều đặn thứ ba và thứ 5 hàng tuần, các nghệ nhân lại gặp nhau tại Khu lưu niệm Nguyễn Công Trứ (Tiên Điền – Nghi Xuân) để biểu diễn phục vụ du khách

        Liên hoan ca trù toàn quốc khai mạc vào tối 1/11/2018 tại Hà Tĩnh vừa qua là sự kiện mở màn cho chuỗi hoạt động Kỷ niệm 240 năm ngày sinh và 160 năm ngày mất Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ; đồng thời, tạo cơ sở để trình UNESCO xem xét đưa loại hình nghệ thuật này ra khỏi danh mục “Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”.

        Ca trù có mặt trong đời sống văn hoá Việt Nam từ thế kỷ XVI với 5 không gian diễn xướng chính: hát cửa đình (hát thờ), hát cửa quyền (hát cung đình hay hát chúc hỗ), hát tại gia (hát nhà tơ), hát thi và hát ca quán (hát chơi). Mỗi không gian có một lối hát và cách thức trình diễn riêng

        Ca trù độc đáo ở chỗ, phần lớn lời hát được viết bằng chữ Nôm, lời ca luyến láy. Trong ca trù thì thơ là thành tố quan trọng, nhiều thể thơ quen thuộc như lục bát, song thất lục bát được sử dụng. Bởi được biểu diễn nhiều trong cung đình và sử dụng văn tự chữ Nôm nên đến bây giờ, nhiều người học hát ca trù khó có thể hiểu hết ý nghĩa của từng câu chữ.

Lớp tập huấn ca trù

          Khác với các loại hình âm nhạc dân gian khác như ví giặm, hát xoan, đờn ca tài tử…, ca trù rất “kén” người sáng tác và cả người hát. Không gian cửa đình, tính chất bác học của các thể cách đàn, hát cùng nhịp phách chậm rãi, đều đặn đã khiến giới trẻ thời hiện đại ít người mặn mà. Ca trù cũng đòi hỏi kỹ thuật nẩy hạt, nhả chữ điêu luyện của ca nương và sự hòa hợp của kép đàn. Có hiểu thấu nội dung và nghệ thuật ngôn từ trong các bài ca cùng sự biểu hiện tinh tế của các ca nữ trong sự phối hợp nhịp nhàng với ngón đàn, khổ phách... mới thấy hết vẻ đẹp và giá trị của loại hình nghệ thuật này

Ca nương Nguyễn Thị Thu Hà (lớp 11A2 – Trường THPT Nguyễn Công Trứ, Nghi Xuân)

Đậu Hà – Linh Châu


 

. . . . .
Loading the player...