04-06-2014 - 01:35

Biển trong thơ Nguyễn Ngọc Phú

 

>> Thư viện Nguyễn Ngọc Phú

 

 BIỂN TRONG THƠ NGUYỄN NGỌC PHÚ

 

TS ĐẶNG LƯU

NVTPHCM- Hồn quê trong thơ Nguyễn Ngọc Phú là hồn của biển. Nhưng từ tâm điểm ấy, cảm xúc cứ như những vòng sóng loang xa, động thấu đến muôn mặt của cuộc sống. Nó thoắt tụ, thoắt tán…

 

Nguyễn Ngọc Phú là một chàng trai làng biển Kim Đôi, người đã có hơn chục năm khoác áo lính. Năm 1995, anh cho ra mắt bạn đọc tập thơ Đám mây màu vảy cá và hai năm sau, tập Giấc mơ lưới ra đời, và mới đây, Hoàng hôn độc bình - tập thứ ba - xuất hiện. Ba tập thơ như những vệt khá “đồng màu”, cho thấy một kiểu tư duy, một cách cảm nhận đời sống và quan trọng hơn, một giọng thơ có những nét riêng, dễ nhận ra.

Tên tập thơ đầu của Nguyễn Ngọc Phú tự nó đã nói lên cái mảng đời sống mà ông gắn bó. Đó là miền biển quê ông. Sự gắn kết giữa đứa con miền quê biển với nơi chôn rau cắt rốn của mình trong trường hợp này thật đặc biệt. Ngỡ như không còn phân biệt chủ thể - khách thể. Chúng trộn lẫn vào nhau. Chất mặn mòi của biển đã hòa tan vào máu, chảy trong huyết quản, làm nên từng tế bào của cơ thể và từng “tế bào của thơ”, bồi đắp một thân phận, tạo dựng một diện mạo tinh thần. Cả nhịp thở của con người này dường như cũng là là nhịp bồi hồi của biển. Biển đã là bản mệnh của một con người. Nguyễn Tri nguyen pgs ts (trường viết văn Nguyễn Du) gọi đó là “tâm thức biển trong thơ”. Còn Nguyễn Quang Thiều thì cho rằng “biển đã ngập tràn tâm hồn anh. Biển đã ngự anh như một sự đầu thai”. Nói cách khác, Nguyễn Ngọc Phú đã viết bản tự thuật đời mình, tự họa chân dung của mình bằng chất liệu, bằng ngôn ngữ biển.

Đây là những dòng đầu của một bản tự khai: Đêm trở dạ bọc tôi vào tã lót/ Xé từ mảnh buồm trong chầm chậm màu nâu. Nhúm rau của đứa trẻ sơ sinh được ném vào biển thẳm. Rồi, Cánh võng đầu tiên ru tôi/ là mảnh lưới cha tôi cắt ra từ tấm lưới còn dính đầy vảy cá. Những bước chập chững đầu đời có sự réo gọi của những con sóng. Lớn lên, anh cảm thấy hình như con sóng từ nơi này sẽ giao thoa/ lan đến những vùng rất xa nào đó và va đập/ lan vào từng tế bào anh. Từng trải giữa cuộc đời, mới biết mình như thuyền mắc cạn, quay mũi vào vu vơ, xếp buồm thành lá số/ chèo buông mái ơ hờ, thấy trong mình có sự hòa trộn giữa sông và biển; là một thứ nước lợ, là con cá mòi giữa ngày hiếm cá. Có lúc, thấy mình trong một hình ảnh đầy tính siêu thực: con cá bị vặt trụi lông, bị khóa chặt vây, bị rút hết xương, vật vờ trôi trên chăn bông đệm mút, thở bằng máy điều hòa. Trong niềm thao thức miên viễn, mới biết mình là con Nhân ngư/ chưa bao giờ biết ngủ. Mãn đời, lại nhận ra nơi ký sinh cuối cùng là tìm ra phía biển. Trong vòng trầm luân vô thường vô định của một kiếp nhân sinh, thân phận con người này phải chăng là từ biển lại trở về với biển (Kinh Thánh: Từ cát bụi, trở về cát bụi). Thức nhận đó đã phủ trùm lên thơ Nguyễn Ngọc Phú một nỗi buồn định mệnh.

Nỗi buồn trong thơ Nguyễn Ngọc Phú như buột ra từ thăm thẳm tâm thức. Không vay mượn, giả tạo. Không màu mè, làm dáng thời thượng. Nó là sự tự nghiệm. Ý thức lắm về sự nhỏ nhoi đến vô nghĩa của sự tồn sinh mới có thể thấm thía rằng, Anh đã nháp nửa đời anh lên cát/ Ta liệm thời gian bằng gấu váy buồn của những con sóng (Đám mây màu vảy cá). Ký ức về tuổi thơ không hề lấp lánh sắc màu cổ tích, mà ú ớ, mệt nhoài như đắm vào một cơn mê: Tôi nhổ sợi tóc của cha tôi màu cước/ câu tuổi thơ mình đã tuột khỏi vòng tay (Biến tấu biển); Chân vịt tuổi thơ ta/ không quay chong chóng/ xoáy vào vực sâu cơn mơ ám ảnh hiện về/ ngọn bút lá tre chấm xuống vòi bạch tuộc (Đi qua vùng biển chết). Có những hành vi như rất lẩn thẩn nếu soi dưới cái nhìn tỉnh táo, tự phụ của lý trí: Tôi rấm nỗi buồn mình xuống cát/ muối chưa ướp hết ngày/ buồn không che kín ngực (Chiếc bình ánh sáng); Người ta đếm cá/ tôi ra đếm người/ người ta học gói/ mình về học bơi (Biến tấu biển). Nỗi buồn trong thơ Nguyễn Ngọc Phú vừa xoáy sâu, vừa lan tỏa. Trong đáy sâu tâm thức, những gương mặt người thân rõ nét rồi nhòe mờ, thoắt ẩn, thoắt hiện qua những vòng sóng. Ông không có những bài thơ riêng viết về cha mẹ, ông bà, nhưng thỉnh thoảng buột ra những câu thơ thật hay, thật ám ảnh, buồn nao dạ: Chợ cá không vay mà có trả/ cái đêm cha ta đi qua sa mạc của người/ mẹ không nỡ làm điều gì có tội/ cha đang một mình chèo chống ở ngoài khơi; mẹ đong biển vơi đầy miệng thúng/ nửa xỏa xuống giờ, nửa ngấm vào xưa/ chiếc đòn gánh mẹ xoắn theo thớ gió/ sấp ngửa đi dọc lát sóng cuối mùa (Biến tấu biển); Trong tiếng ếch kêu ẩm ướt cánh đồng/ con đò mẹ tôi chống cả tuổi già/ người nhuộm sương hay sương nhuộm tóc người/ mẹ gặt hái cánh đồng hay cánh đồng sàng sảy mẹ (Mùa màng). Muôn đời, sống chết là lẽ thường hằng, nhưng nỗi đau mất mát bỗng hóa vô biên khi nó khúc xạ qua sóng cồn khổ hải: Ngày bà nội qua đời/ tiếng tù và quay quắt/ biển thắt một màu tang (Đám mây màu vảy cá). Như vậy, mọi vui buồn của đời người đều được Nguyễn Ngọc Phú biểu đạt bằng một thứ “ký hiệu” riêng: ngôn ngữ biển. Biển trong thơ ông không hiển thị bởi cái nhìn ngoại quan, mà lấp lánh sắc lân tinh của muối trong mỗi câu thơ giãi bày miên man những giấc mơ đầy ám ảnh. Khó mà tìm thấy ở đâu chất liệu biển đậm đặc như trong thơ Nguyễn Ngọc Phú. Nó hằng định và hằng biến, tương khắc và tương sinh, hiển lộ và trầm khuất, quen thuộc và mới lạ. Từ vựng biển trong thơ ông phong phú khác thường. Thoạt nhìn, những con chữ ấy có vẻ quen, chẳng có gì đặc biệt. Ai viết về biển mà chẳng phải đụng đến vốn từ “chuyên biệt” ấy. Nhưng trong thơ Nguyễn Ngọc Phú, chúng như cởi bỏ cái lớp áo ngữ nghĩa vốn có (nghĩa tự điển) để choàng tấm áo lộng lẫy đa sắc được làm nên bởi phép chuyển nghĩa. Đầy ắp những từ ngữ nói về những gì liên quan đến biển, nhưng chúng phát sáng những nghĩa mới, giao thoa, cộng hưởng với nhau trong các câu thơ, đoạn thơ:

Ta niêm phong lá buồm thời con gái

Ta gác mái chèo gãy qua một thời trai

Ta tạ lỗi bằng cách khỏa thân bơi về những con sóng phơi lườn cho mắt người gặm nhấm

để cứu em khỏi chết đuối đầm đìa trong dục vọng quật vào đuôi hải cẩu

                                                                        (Gia tài)

Có một con thuyền neo vào mái tóc

Thiếu phụ buông câu qua chớp mắt

Lặng lẽ hoa vàng

             (Thiếu phụ)

Tất cả những biểu hiện trên đây đã lý giải vì sao ngay cả khi Nguyễn Ngọc Phú không viết về biển, thì “hình ảnh và ngôn ngữ của biển, đời sống của ngư dân cứ vô tính trào lên như sóng, cứ thấp thoáng như buồm, cứ giăng mắc như lưới, cứ mặn mòi như muối…” (Nguyễn Quang Thiều).

Hồn quê trong thơ Nguyễn Ngọc Phú là hồn của biển. Nhưng từ tâm điểm ấy, cảm xúc cứ như những vòng sóng loang xa, động thấu đến muôn mặt của cuộc sống. Nó thoắt tụ, thoắt tán. Nhìn từ một góc khác, có thể thấy, bên cạnh những bài thơ ấm nồng vị biển, Nguyễn Ngọc Phú còn có không ít bài khai thác những gì ký ức lưu giữ. Đó là cái khoảnh khắc Chuyển mùa, một niềm Giao cảm mơ hồ, một Hợp âm lắng nghe được trong giây phút thả hồn phiêu diêu cùng tạo vật, một Mùa màng như được đánh thức bởi linh giác thẳm sâu… Viết về những điều này, thơ Nguyễn Ngọc Phú vẫn có sức níu kéo độc giả, bởi ông không hề dễ dãi trong sáng tạo. Không có những vần giao đãi thù tạc, không ưa những thi tứ lộ thiên, những hình ảnh, sắc màu được thâu nhận bởi giác quan thuần túy. Trong thơ Nguyễn Ngọc Phú rất ít địa danh, vậy mà cái vùng khí hậu riêng tỏa ra từ mỗi câu, mỗi bài thơ thì vẫn không lẫn vào đâu. Hồn quê ấy mới thực sâu sắc, nồng đượm.

Nguyễn Ngọc Phú thuộc số ít người làm thơ ở Hà Tĩnh có ý thức cao về đổi mới nghệ thuật biểu hiện. Thi thoảng có viết lục bát hoặc một số thể thơ cách luật, nhưng sở trường rõ hơn cả của ông là thơ tự do. Hình như, chỉ với thơ tự do, Nguyễn Ngọc Phú mới nói được những gì cần nói. Làm thơ, ông không câu nệ vào sự việc khách quan, không dụng công cấu tứ. Thơ ông không có cái đãi lọc, hàm súc, mà cứ như một cơn mộng mị miên man không đầu, không cuối. Nhiều câu thơ như vụt hiện từ tâm thức, ít có liên kết bề nổi ngôn từ, do đó, không dễ nắm bắt ý nghĩa, nhưng đọc lên vẫn đầy ám ảnh. Nguyễn Ngọc Phú có những liên tưởng lạ, gây bất ngờ, chẳng hạn: Nửa đêm giật mình thăm thẳm/ giếng khơi đánh thủng vòm trời (Giếng); Chiếc thuyền nan úp mặt vào ngơ ngác/ vỏ cau khô như tiếc một thời trầu; Những bông hoa chết lả về đêm/ hương còn váng vất/ nhập bướm vẽ vòng/ đăm đăm con mắt (Ngẫu hứng vô vi)… Đây là một trong những biểu hiện cho thấy tiềm năng sáng tạo còn rất dồi dào ở nhà thơ - người con của biển này.

 

. . . . .
Loading the player...