Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú
Thơ Nguyễn Ngọc Phú:
Một cách tiếp cận…
NGUYỄN THỊ NGUYỆT
NVTPHCM- Đọc thơ Nguyễn Ngọc Phú, nhiều người có ngay ấn tượng đó là thơ viết về biển, đậm đặc chất biển, và có thể nhắc đến ngay những bài thơ, trường ca mang đẫm hơi thở, âm vang của biển cả. Quả thực, nhà thơ đã phác họa, kiến tạo ra một không gian biển rất khác lạ trong các sáng tác của mình, khiến nó trở thành dấu ấn, gần như là mặc định khi nhắc đến thơ anh.
Dĩ nhiên điều này có căn nguyên của nó. Tác giả là người làng biển kim Đôi, Thạch Kim, Hà Tĩnh. Vùng đất bên bờ biển, ngôi nhà nơi mép sóng. Tổ tiên ông bà đều sinh sống ở đó. Cuộc đời của người dân biển hiện tồn ở đó. Biển và tất cả những gì gắn với nó dường như đã có tự lúc nào, ngấm vào trong vô thức, trong bản năng thơ của anh để rồi trở nên mang hình hài, số phận, mang chở những trực cảm, trải nghiệm về cuộc đời, thân phận con người và những đuổi bắt tâm linh sâu thẳm. "Cánh võng đầu tiên ru tôi/ Là mảnh lưới cha tôi cắt ra từ đám lưới còn dính đầy vẩy cá/ Trong giấc mơ tôi không có tiếng côn trùng/ tiếng cá quẩy khuấy vào tôi tăm sóng (Biến tấu biển). Tôi chỉ là hạt cát nhỏ nhoi/ Đem ướp cả trời đêm vào biển/ Cánh buồm chở mộng mơ/ Thuyền thúng xoay vần mẹ/... Nhúm nhau thai của tôi không chôn kịp góc vườn/ Mẹ đã ném cả đầm đìa xuống biển/ Mái chèo bắt đầu biết lật khúc "ầu ơ...". Đó là những câu thơ mở đầu trong khúc Biến tấu biển và trường ca Biển và tôi, đó cũng là những câu thơ khởi nguồn của mạch "tâm thức biển" trong thơ anh. Biển trong thơ Nguyễn Ngọc Phú không phải là hình ảnh theo cách nói, cách sử dụng phổ biến thông thường nữa mà trở thành một thứ không - thời gian đa chiều, rộng lớn hơn, vô hình hơn, sâu thẳm và bí ẩn hơn bởi những suy cảm đầy thân phận. Ở đó nhà thơ đã mã hóa hoàn toàn cảm xúc, tư duy thơ bằng một thứ "ngôn ngữ biển", nói chính xác là một trường "ngôn ngữ của đời sống biển". Biển trở nên một câu chuyện dài, đầy sức ám gợi, đầy tính biểu tượng. Nguyễn Ngọc Phú đã tạo nên "đặc sản" biển với những khúc biến tấu dài hơi và lạ lẫm.
Nói về trường ca biển của Nguyễn Ngọc Phú, cần thiết phải phác họa đôi nét về một số đặc điểm dễ nhận thấy trong thơ anh. Thơ Nguyễn Ngọc Phú từ suy tư, cảm xúc cho đến hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu vẫn là ''điệu tâm hồn" truyền thống. Thực tại hiện hữu trong thơ anh vẫn là thực tại ở tầng nghĩa thứ nhất, có nghĩa rằng những cảm xúc, suy ngẫm về cuộc đời, về thiên nhiên, con người dù có sâu sắc, thấm thía đến đâu nó vẫn được chuyển tải bằng lối diễn đạt trực tiếp. Ngoài phần thơ viết về biển có những điểm khác biệt thì những chủ đề thường gặp trong thơ anh vẫn không vượt ra ngoài những chủ đề quen thuộc với hình thức trữ tình truyền thống. Cánh đồng tuổi thơ gặt gió heo may/ Ngày cưỡi lưng trâu, diều trăng đêm thả/ Tiễn chú ve sâu qua cầu mùa hạ/ Nợ mây đền gió, nợ gió trả mưa/... Mai ngày tìm lại cánh đồng tuổi thơ/ tuổi gập vào lưng, cau làm gậy chống/ Ngước lên trời cao nhìn vào đất thẳm/ lắng nghe tiếng dế ăm ắp hồn mình... (Cánh đồng tuổi thơ). Ta về ngõ nhỏ trông ra/ Người đi thăm thẳm biết là về đâu/ Ông xanh nhấp chén rượu sầu/ Chút hương thiên lý trên đầu vẫn say/ Trời còn lắm nỗi mây bay/ Đất còn tiếng cuốc rạc gầy tận tim/... Ta đem dây cước làm đàn/ Nửa vành trăng ngậm chứa chan nỗi đời (Ta về ngỏ nhỏ) v.v.
Về cơ bản, có thể tạm chia các sáng tác thơ nói chung theo hai dạng, dạng truyền thống và dạng cách tân. Thơ cách tân, còn được diễn đạt bằng khái niệm khác như "thơ khó", vốn mang đầy tính ký hiệu, biểu tượng, mã hóa, với ngôn ngữ của tư duy siêu hình, của lý trí với những chất vấn, cảm thán, với mạch thơ đầy tính ảo giác, chập chờn đứt nối, mộng mị, phi thực, rời rạc, nhảy cóc, phi logic... kết quả của những tư duy thơ gai góc, ưa ngẫm nghĩ và triết lý, muốn tìm kiếm sự thật cốt lõi của sự vật hiện tượng, muốn phát hiện chiều sâu bí ẩn trong sự tồn tại của thế giới và con người, ưa phản biện những vấn đề của xã hội, phản tỉnh những nhận thức về đời sống và đặc biệt là sự nỗ lực đưa những vấn đề của cuộc sống hiện đại vào thơ v.v. Dạng thơ này thường là "khó đọc", và không thể đọc được bằng một lối tư duy, tình cảm thông thường. Với dạng thơ truyền thống, thơ "dễ đọc", nhà thơ thường sử dụng lối trữ tình trực tiếp, hình ảnh, ngôn ngữ thiên về tính tả thực, dù được thăng hoa bằng sức mạnh của cảm xúc hay trí tưởng tượng thì chúng vẫn không bị "biến dạng" một cách bất thường. Người đọc được song song đồng hành cùng những trạng thái cảm xúc của tác giả, đồng cảm với những suy nghĩ của tác giả. Mối giao thoa giữa người đọc và nội tâm của cái tôi tác giả thường diễn ra "khá thuận lợi"... Sự phân chia này nhằm xác định những giới hạn có ý nghĩa thi pháp và rất có ý nghĩa trong việc xác lập tâm lý tiếp nhận, giải mã của người đọc khi tiếp cận một tác giả, một phong cách và dĩ nhiên cả trong trường hợp một tác phẩm cụ thể.
Với mạch thơ truyền thống, Nguyễn Ngọc Phú đã làm mới, thậm chí "lạ hóa" thơ mình bằng một kiểu tư duy riêng, cách tạo lập hình ảnh và trường liên tưởng riêng, có thể nói khá đặc biệt. Kiểu tư duy, trường liên tưởng riêng, đặc biệt tôi muốn nói đến ở đây chính là lối "ngoại cảm hóa" tư tưởng, suy ngẫm, cảm xúc của tác giả. Nếu đọc một cách đầy đủ và có chủ ý thơ Nguyễn Ngọc Phú, sẽ nhận ra "mật mã" này. Cơ chế chung của thơ là cái tôi trữ tình luôn có nhu cầu "nội cảm hóa" mọi đối tượng khi triển khai mạch cảm xúc trữ tình. Với thơ Nguyễn Ngọc Phú, mối liên hệ ấy gần như là đi ngược lại. Có nghĩa là tác giả đã luôn dùng những hình ảnh hoặc đặc điểm, đặc tính và mối liên quan giữa những hình ảnh cụ thể, trực quan từ các hiện tượng trong cuộc sống và từ thiên nhiên (hầu như là hình ảnh thiên nhiên: mái nhà - mưa nắng, mẹ - hoàng hôn, tóc - sương, tôm tép - ao, bầu bí - vấn vít, khói - rơm v.v) để diễn đạt những suy cảm, khách thể hóa ý tưởng và tình cảm của chủ thể trữ tình dựa trên mối liên tưởng về một quan hệ tương đồng/ tương ứng nào đó trong cách nhìn, cách phát hiện riêng của mình. Dĩ nhiên cái gọi là "ngoại cảm hóa" ở đây không đồng nghĩa với lối mượn cảnh để ngụ tình (thực chất là nội cảm hóa thiên nhiên) trong thơ cổ điển. Lối tư duy này dựa trên sự quan sát mang tính phát hiện, tiên cảm và có mặt gần như trong hầu hết các câu thơ, bài thơ, thậm chí là tứ thơ của Nguyễn Ngọc Phú, định hình thành một thuộc tính nổi trội, chi phối đến cách thức hình thành các tứ thơ, đến chiều sâu triết lý và tạo nên sự "lạ" và "mới" trong thơ anh. Có thể lẫy ra những ví dụ trong bất kỳ bài thơ nào: Đường quê ngả vào rơm rạ/ Ký ức cộm hạt thóc gầy/ Ao quê hoa bèo phủ lấp/ Cá vừa búng thót giữa tay (Về quê), Hẫng hụt tháng ngày tăm cá/ Thót một tia Tôm càng/ Búng giật lùi ký ức/ Mơ cầu vồng bắc sang (Khói sóng). Mái nhà lợp mưa/ Chiếc chóng tre lợp ngày chẵn, lẻ/ Sợi mây song dẻo dai buộc vào mất mát/... Mẹ ngồi trước thềm xâu mãi sợi nắng xiên khoai không vượt ngoài lối ngõ (Biển và tôi). Đáy bồ nhà ta sượng mầm thóc giống/ (Mạch nha đời con không sủi bọt cốc người) (Mùa màng). Người đã chết vẫn còn muỗi đốt/ Ký - sinh - trùng vào ký ức của ta (Biển và tôi). Tất cả những mối liên tưởng này có được bằng trực giác, bằng "kinh nghiệm" riêng, đầy bất ngờ và cũng vô cùng phong phú. Những hình ảnh đó hiện diện trong thơ anh vẫn là chính nó, rất thực, rất sống động nhưng đã được cấp cho một sắc thái biểu cảm/biểu đạt hoàn toàn mới. Thơ Nguyễn Ngọc Phú là thứ thơ đầy trực giác, tác giả dùng những hình ảnh và mối liên hệ đầy trực giác này để diễn tả những cảm giác mơ hồ nhưng có thực của tâm trạng, để cô đọng và khái quát, diễn đạt ấn tượng hơn những triết lý, cảm quan về nỗi niềm, thân phận con người. Có thể việc trích dẫn riêng ra các câu thơ này chưa làm rõ được ý vừa nêu nhưng nằm trong chỉnh thể, chúng đã thực sự tạo nên một hiệu ứng rất mạnh mẽ. Thơ Nguyễn Ngọc Phú trở nên lạ hơn, thảng thốt hơn và cũng triết lý hơn nhờ vào cách diễn đạt này.
Cơ chế cho việc hình thành kiểu tư duy thơ "ngoại cảm hóa", hay nói cách khác là có một đường ray cho mạch liên tưởng rất nhạy bén, sâu sắc của Nguyễn Ngọc Phú đối với các hình ảnh, sự vật hiện tượng khi biểu đạt những mối suy cảm của mình chính là cảm giác về thân phận con người. Cảm giác về thân phận con người, một cái nhìn nghiêng về đời sống tâm linh cũng chính là chủ đề xuyên suốt, chi phối đến toàn bộ ngôn ngữ, hình ảnh, cách lập ý, lập tứ trong thơ anh. Cảm giác về thân phận con người trong chiều sâu, trong tính phổ quát của nó gợi trường liên tưởng rộng rãi đến những hình ảnh tương ứng có thể diễn tả sâu sắc hơn bất cứ một sự diễn giải nào. Sự quan sát, những hình ảnh quan sát được luôn huy động, kết nối vào mối liên tưởng thân phận, được thân phận hóa bởi mối tiên cảm của nhà thơ trở nên đầy sức ám gợi: Tôi đi tìm những cuộc đời thầm lặng/ Khói vẫn rơm/ Chuối vẫn chín một mình/ Nhà có lửa/ Vẫn thèm nghe tiếng lửa/ Giếng có gầu/ Con vẫn sợ giếng sâu/... Ba gian nhà trống nơi buộc võng/ Tre kẽo kẹt thay cho tiếng dép/ Chim khách kêu thót cả trưa hè/ Cây rơm vẫn đội nồi/ Vại cà thêm chóp nón/ Bao năm rồi không chùng được dây phơi/... Trăng quê ta trăng quầng tháng hạn (Mắt mẹ quầng trũng cả đêm thâu)/ Mẹ gánh nước sông chân bấm vào bến vắng/ Khỏa bao nhiêu nước vẫn chẳng thay màu (Ngã ba Đồng Lộc)... Đấy là nỗi buồn, sự trống trải để lại sau sự hy sinh mất mát của những cô gái Đồng Lộc. Cảm giác thường trực về thân phận con người, cái nhìn về cuộc đời và sự vật nghiêng về đời sống tâm linh, nghiêng về cái nhìn mang tính thân phận đã hướng thơ Nguyễn Ngọc Phú vào dòng mạch này một cách tự nhiên và hình thành hẳn một lối tư duy liên tưởng hết sức nhạy bén, đầy trực cảm vào sự vật, hiện tượng xung quanh. Những hình ảnh/mối liên hệ giữa các hình ảnh và những kiểu diễn đạt này: Những đàn chim di cư/ Mỏi cánh rụng vào tăm cá, Cây rơm vẫn đội nồi, Hoa chạc chìu thơm ngây ngây cơn sốt, Gió lào thổi khô cong cả mái chùa làng, Chiến tranh vẫn còn mọc khói/ Trên mái đầu bạc phơ, Đốt sống lưng đau giản liếp tre nằm, Điếu thuốc rê rứt những ký ức buồn vấn vào ngày ám khói, Cha nhóm lửa lui cui: mùi cá nướng/ Da thịt tôi bỏng rộp tiếng xèo/ Và lúc ấy ký ức tôi thành sẹo… rất phổ biến trong thơ Nguyễn Ngọc Phú, chúng mang chở những cảm nhận vừa rõ ràng, sâu sắc vừa mơ hồ, thảng thốt về nỗi buồn, nỗi đau, sự mất mát nào đó trong thân phận con người. Có thể nói trong thơ Nguyễn Ngọc Phú, hình ảnh thiên nhiên, sự vật, hiện tượng tồn tại xung quanh không còn được nhìn ở chính bản thân nó mà bao giờ cũng được "lạ hóa" trong những liên tưởng về thân phận. Và "tính kết hợp" giữa các sự vật, sự việc với nhau làm cho những câu thơ được đẩy về phía dài rộng cuộc đời, thân phận con người, bất ngờ tạo ra độ rộng rãi cho cảm xúc, tâm trạng và nhận thức của người đọc: Cha là mảnh vở của đêm dậy đi từ rất sớm/ Những tấm lưới mọc khói trên vai cha còn ngái ngủ/ Ngái ngủ những tiếng gà vừa gáy vừa nấc/ Mọc khói những cơn ho giữa những đốt xương sườn/ Ngái ngủ những mái chèo vừa bơi vừa ngáp (Biển và tôi). Trong tiếng ếch kêu ẩm ướt cánh đồng/ Con đò mẹ tôi chống cả tuổi già, tóc người nhuộm sương hay sương nhuộm tóc người/ Mẹ gặt hái cánh đồng hay cánh đồng sàng sảy mẹ (Mùa màng). Tuổi thơ anh/ Đi mót lúa gặp toàn bã gió/ Gặp toàn lỗ chân cua, chân cáy phập phồng/ Trứng ếch nở kéo màng như rắc tấm/ Đêm đêm ngồi rắc thính/ Rắc đêm xuống vuông màn kéo rớ/ Chỉ gặp toàn phận tép liu riu (Ngã ba Đồng Lộc). Sỡ dĩ ở trên, tôi đã nêu mệnh đề về cái gọi là lối "ngoại cảm hóa" trong thơ Nguyễn Ngọc Phú là vì vậy. Tác giả luôn dùng kiểu tư duy ngoại quan để diễn đạt một cái nhìn day dứt, thảng thốt, đầy tính phát hiện về những nỗi niềm của con người. Thơ Nguyễn Ngọc Phú rất ít chuyện đời, vắng bóng cảm xúc thế sự, lại càng không nói chuyện tình yêu (chủ đề rất cơ bản trong thơ) nhưng lại giàu tâm trạng, giàu thân phận. Tác giả rất giỏi trong việc gợi dẫn, lột tả được những thảng thốt, những sự thiếu vắng, trống trải, chông chênh trong đời sống nội tâm con người. Dù ý thức hay không, những câu thơ của anh luôn hướng người đọc tới cảm nhận đó: Chiến tranh vẫn mọc khói/ Trên những mái đầu bạc phơ (Ngã ba Đồng Lộc). Giọt gianh kể về mái rạ/ Cây rơm góa bụa đội nồi (Chị). Ta cất giữ linh hồn của biển/ Như cục than hồng mẹ nướng cá đêm/ Một cục than hồng nướng một quả trứng/ Quả trứng nở ra nỗi buồn mọc tóc/ Ăn lan man cỏ gấu trước thềm... (Biển và tôi). Hỗ trợ đắc lực cho việc biểu đạt mạch tư duy, trường liên tưởng này trong thơ Nguyễn Ngọc Phú là các phép đảo ngữ, lối nói ngược, liên tưởng ngược, liên tưởng gọi liên tưởng, đánh tráo khái niệm, chuyển đổi cảm giác…: Thèm một gáo nước giếng làng/ Chảy rười rượu dưới bờ lưng con gái, Bà tôi nhặt vỏ bưởi khô phơi quan mép nắng, Cá vẫn chép nuôi mình trong ảo vọng/ Trăng có chìm nguyệt vẫn ngư ông, Hất ngày ương ương/ Xuống đêm bây bấy, Da trời mất máu xanh hơn ngày thường, Tôi nhổ sợi tóc sâu của cha tôi mầu cước/ Câu tuổi thơ mình đã tuột khỏi vòng tay, Ký ức tôi rịn ướt gió nồm, Tôi giặt áo ngày kiềm/ Ăn mục vào tháng nắng/ Đôi râu xòe ăng-ten tìm dị ứng/ Gián hổ phách màu áo cũ của tôi/ Tôi hổ phách mình lên cánh tủ/ Cất giữ nỗi buồn tôi ở đó v.v. Có thể nói, cách lập tứ, triển khai mạch cảm xúc trong thơ Nguyễn Ngọc Phú không mới và chỉ lặp lại vài chủ đề quen thuộc nhưng nhờ vào các yếu tố như đã chỉ ra ở trên khiến cho những bài thơ của anh có được dáng vẻ lạ lẫm khá ấn tượng. Cũng vì thế, Nguyễn Ngọc Phú được đánh giá là giọng thơ có sự cách tân sớm nhất và mạnh mẽ nhất trong dòng thơ đương đại ở Hà Tĩnh.
Biển và tôi là tác trường ca tiêu biểu, thể hiện tập trung những đặc điểm cơ bản như đã nêu về thơ Nguyễn Ngọc Phú. Biển là chủ đề chính, thẩm thấu trong toàn bộ các thi phẩm của anh, hình thành nên một trường ngôn ngữ riêng, không lặp lại. Hành trình của biển và tôi là hành trình khám phá khía cạnh tâm linh và thân phận con người. Những ký ức sâu thẳm về không gian đời sống biển, về những cuộc đời sinh ra từ biển, từ thế hệ này sang thế hệ khác đã gặt hái trên cánh đồng biển, đã nhận và cho ngấm vào tiềm thức, hóa thành đời sống tâm linh của nhà thơ. Toàn bộ hình ảnh thực của đời sống biển với: lưới, thuyền, mái chèo, dây neo, lá buồm, cần câu, thủy triều, biển động, con nước, rặc, lờ lợ, muối, các loài cá, trưng cá, con đẻn, mồi ni-lông, hoa muống biển, rong biển, san hô, sóng, cát, dã tràng, con trai, cá nướng, than hồng, vảy cá, mang cá, bong bóng, ươn, bấy, đám ma, thủy táng, tiếng tù và v.v… đã được tải ra kết thành những chi tiết thực và ảo, thực và tâm trạng nhằm chuyển tải câu chuyện dài về đời sống tâm linh biển trong đó có sự giao thoa mơ hồ và bí ẩn giữa con người và biển cả. Đời sống tâm linh biển ấy còn được khám phá, khơi mở dần trong hợp âm vừa dữ dội, ngang tàng, ma mị, u uẩn, vừa bình yên, sâu lắng, bao dung và hào phóng. Bất chấp những hình ảnh, liên tưởng có vẻ thiếu logic, nhảy cóc, phi chinh thể, khó nắm bắt… tiếng nói mạnh mẽ về những nỗi niềm, biến cố, thân phận của biển, của những cuộc đời hút người đọc vào từ trường của nó, thẩm thấu được những dư ba của nó: Tuổi lên năm, tôi cất giữ cục than hồng của mẹ/ Thổi phù phù trên tay/ Ném xuống biển cạn ngày/ Những con sóng nuốt không trôi nghèn nghẹn/ Mắt cá lờ đờ ám khói những cơn mê…/ Ngày ươn ươn không sàng nổi qua mắt lưới/ Đêm lồ lộ bắp chân trần con gái/ Ta nhử cá bằng mồi ni lông màu xanh đỏ/ Đám ma cá rước nhau trong bong bóng phập phồng, Đêm bồ hóng rót vào bồ muối/ Ớ ới tiếng người gọi lưới… Gọi lưới những dây neo xoắn ruột/ Những mái chèo trật khớp/ Đứt động mạch buồm (Biển và tôi), Chùng xuống buổi chiều/ Cơn mưa tuột khóa/ Các con tôi chạy về phía biển/ Chân bé xíu như chân còng, chân cáy/ Mỗi sợi tóc một sợi rong rêu/ Cứu cả hoàng hôn tanh tưởi/ Các con tôi dệt nên những cơn mưa/ Bằng hơi sữ thơm tho/ Xua đi ráng mỡ gà chết chóc… Biển của Nguyễn Ngọc Phú trở nên lạ lẫm và khác biệt.
Trường ca Ngã ba Đồng Lộc viết về mười cô gái thanh niên xung phong ở Ngã Ba Đồng Lộc và những đồng đội của họ. Dung lượng lớn, hình thức kết cấu chương khúc, tự sự - trữ tình, các trường đoạn co duỗi linh hoạt của thể loại trường ca cho phép tác giả khai thác sâu hơn, cụ thể hơn các chi tiết bối cảnh chiến trường, hoàn cảnh hi sinh, đặc biệt là quãng đời thanh xuân của những thanh niên xung phong gắn với gia đình, quê hương, làng mạc của họ. Những "tố chất", như trên đã chỉ ra, trong thơ anh phát huy hiệu quả mạnh mẽ khi viết về đề tài chiến tranh, trong một cái nhìn vừa ngưỡng mộ, trân trọng, đầy thương xót. Nguyễn Ngọc Phú đã có những câu thơ chạm được đến nỗi niềm đầy vơi, khắc khoải, số phận, cuộc đời, gợi được những miền xa vắng nào đó trong tâm tưởng cũng như trong sự sống, chiến đấu, hy sinh của những người tuổi trẻ: Cỏ ở đây chỉ mọc trong mơ/ Mưa bóng bóng nở trước hầm con gái/ Xếp trời xanh cắt vài vuông vải/ tấm khăn thêu gấp đêm lại hẹn hò, Đất dưới chân em là đất mẹ/ Phía xa kia sông La vẫn chảy/ Ơi Tam Soa/ Ơi Thiên Nhẫn trùng trùng/ Tiếng rao hến cuối chiều ngọt lịm/ Sông La phập phồng những chiếc thuyền nan... Trường ca Ngã Ba Đồng Lộc, viết về một đề tài không mới, kết cấu không mới, cách triển khai mạch cảm xúc cũng như ngôn từ hình ảnh không mới nhưng tạo nên được một sự xúc động mới mẻ và sâu sắc nhờ vậy.
Lối tư duy liên tưởng, dùng ngoại vật thiên nhiên để biểu đạt ý tưởng của nhà thơ cũng đã tạo nên một vốn tài liệu thiên nhiên sống động cho mảng thơ thiếu nhi. Tập thơ Mùa chim, tập hợp những bài thơ viết cho thiếu nhi vừa mới xuất bản thể hiện rất rõ sự ưa quan sát của tác gải đối với cây cỏ, chim muông, hoa lá, đồng nội, ao chuôm… và những đặc tính của chúng: Quả đồi mặc cỏ/ Cánh đồng mặc rơm/ Dòng sông mặc nước/ Thuyền trôi mặc nước/ Em ngồi xâu chỉ/ Bà mặc tuổi già, Bão đi đủng đỉnh/ Tính được từng giờ/ Mặt trăng mất ngủ/ Thâm quầng âu lo, Dàn đồng ca mùa hạ/ Vít hoa vào thành quả/ Ve chẳng bao giờ sầu… Cùng với khả năng sử dụng khéo léo, tinh tế các biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ, chuyển đổi cảm giác, đánh tráo khái niệm…, Nguyễn Ngọc Phú đã tạo ra một không gian sống động, tinh nghịch và ngộ nghĩnh, đáng yêu cho tâm hồn và trí tưởng tưởng của các em. Mảng thơ viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Phú vẫn nằm trong thi pháp chung của thơ anh, nhưng hướng đến đối tượng tiếp nhận nhỏ tuổi nó lại đạt đến độ hồn nhiên, trong sáng mà bất kỳ tâm hồn thơ trẻ nào cũng cảm nhận được thú vị ở đó. Đọc những bài thơ: Cua càng thổi xôi, Cào cào may áo, Mẹ Gà con Vịt, Ve sầu mùa hạ, Cỏ, Bữa ăn: chiếc xe đạp… trong tập Mùa chim, không chỉ là trẻ nhỏ mà người lớn cũng thú vị bởi những khám phá mới mẻ, bất ngờ. Rất nhiều câu thơ, bài thơ trong đó khơi mở, kích thích được trí tưởng tượng, cảm xúc trong trẻo ở tâm hồn của trẻ nhỏ. Và đó là giá trị đích thực của thơ thiếu nhi. Đây cũng là một tập thơ dược dư luận đánh giá cao trong đời sống văn học thiếu nhi hiện nay.
Đọc thơ Nguyễn Ngọc Phú trong tính hệ thống, liên văn bản có thể nhận ra những đặc điểm cơ bản như đã chỉ ra. Không phủ nhận rằng thơ anh ít hình bóng, âm vọng của bộn bề đời sống; có sự lặp lại một số hình ảnh, cách diễn tả, thao tác tư duy. Nhưng phải khẳng định rằng thiếu đi cái đời sống cụ thể và sự phong phú về đề tài chủ đề, thơ Nguyễn Ngọc Phú lại giàu có đời sống tâm trạng, trong đó có cảm giác, nỗi niềm, thân phận, tâm linh mà nhà thơ đã cho người đọc được trải nghiệm, được ý thức về sự tồn tại rất thực, rất có ý nghĩa của chúng, thơ Nguyễn Ngọc Phú đã thực sự tạo được sự mới lạ, đầy sức thuyết phục. Đóng góp của nhà thơ đối với thơ Hà Tĩnh đương đại đã được khẳng định bằng chính những tác phẩm của anh trong lòng bạn đọc.