12-06-2024 - 01:47

Chùm thơ của Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh

Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh (20/7/1934 - 20/7/2024), 10 năm ngày mất (21/10/2014 - 21/10/2024) của Đại tá, Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, người con của quê hương Hà Tĩnh từng vinh dự đạt Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu chùm thơ của Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh.

Đại tá, Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh

 

SƯ ĐOÀN

 

Sẽ có những sư đoàn thép
Bất kỳ nơi đâu
Không khuất phục tù đày chém giết
Nơi đâu - người sống nợ nần người chết
Bất kỳ nơi đâu, từ một cây "mút nhét"
Một sải xuồng bơi
Một nọc ong châm góp làm sự nghiệp
Gốc tre xanh thắng trận cả ba đời
Ba mươi triệu tấm lòng xông ra tuyến lửa
Vạch lối điều quân
Vai chảy xe thồ
Trồng cây xanh che chở
Mỗi bước quân đi
Đánh trận trường kỳ
Đêm trước nấp trong lùm bắn tỉa
Sớm sau dàn trận chính qui
Đến trận bão hiệp đồng cả nước
Mỗi sư đoàn mang gió lốc bay đi...
Đất giải phóng thênh thang
Sẽ cho ta dàn đội ngũ: sư đoàn
Phía trước gọi ta
Những Điện Biên - vòng đai thép tung ra làm chiến dịch
Đòn gánh hậu phương vượt đèo đi phản kích
Hành quân
Hành quân…
Trùng điệp những sư đoàn
Đi lên phía Bắc
Tràn về hướng Nam
Những vị tướng lại cầm quân đi đánh giặc
Trải bản đồ
Còn nguyên
Vạch chỉ đỏ thắt quanh hầu giặc Pháp
Bài học chiến tranh nhân dân
Lại tiếp

 

Trang ấp Bắc - Plây me
Và chiến công lên ngực áo những binh nhì
Đất nước sẽ cho ta
Những chùm con số đẹp
Làm tên gọi khai sinh sư đoàn thép
Này đây
Doi cát Cửu Long xanh
Sư đoàn Châu Thổ
Giữa bãi sú, rừng tràm
Vụt đứng dậy sư đoàn Nam Bộ
Sư đoàn Tây Nguyên
Từ hầm chông, bẫy đá, cung tên
Này đây Cực Nam, Phan Rang, Phan Thiết
Này đây Quảng Ngãi, Phú Yên…
Trên nguồn xa Ô Lâu, Thạch Hãn
Sẽ tiến về
Sư đoàn Trị Thiên

Lại có một ngày
Mọi cửa ô xanh Sài Gòn hớn hở
Như Hà Nội đã từng
Ba mươi sáu đường hoa tung sóng đỏ
Phất rừng cờ thổi hồng ngọn gió
Đón con em
Đón những sư đoàn
Mang chiến thắng trở về
Rập bước
Ca vang.
     (1966)

Đường lên Điện Biên - (Sơn mài) - Tranh: Trần Khánh Chương

 

LÝ NGỰA Ô Ở HAI VÙNG ĐẤT

 

Anh lớn lên vó ngựa cuốn về đâu
gặp câu hát bền lòng rong ruổi mãi
đường đánh giặc trẩy xuôi về bến bãi
lý ngựa ô em hát đợi bên cầu.

Hoá vô tận bao điều mơ tưởng ấy
bao câu hát ông cha mình gửi lại
sao em thương câu lý ngựa ô này
sao anh nghe đến lần nào cũng vậy
sao chỉ thấy riêng mình em đứng đấy
chỉ riêng mình em hát với anh đây.

Làng anh ở ven sông
sắp vào tháng tư
mắt tình tứ rủ nhau về hội Gióng
mùi hương xông nụ cười lên nhẹ bỗng
ai chẳng ngờ mình đang đi trong mây
ai chẳng tin mình đang rong ngựa sắt
cả một vùng sông ai chẳng hát
sao không nghe câu lý ngựa ô này.

Thế mà bên em móng ngựa gõ mê say
qua phá rộng duềnh doàng lên dợn sóng
qua truông rậm
đến bây giờ anh buộc võng
gặp mối dây buộc ngựa gốc lim già
suốt miền Trung sông suối dày tơ nhện
suốt miền Trung núi choài ra biển
nên gập ghềnh câu lý ngựa ô qua.

Anh đa tình nên cứ muốn lần theo
xấu hổ gì đâu mà anh giấu giếm
đêm đánh giặc mịt mù cao điểm
vạch lá rừng nhìn xuống quê em
mặt đất ra sao mà thúc vào điệu lý
khuôn mặt ra sao mà suốt thời chống Mỹ
lý ngựa ô hát đến mê người
mỗi bước mỏi bồn chồn về đó em ơi.

Hay vì làng anh ở ven sông
những năm gần đây tháng tư vào hội Gióng
đã hát quen lý ngựa ô rồi
khen câu miền Trung qua truông dài phá rộng
móng gõ mặt, thời gian gõ trống
khen câu miền Nam như giục như mời
ngựa tung bờm bay qua biển lúa
ngựa ghìm cương nơi sông xoè chín cửa
tiếng hí chào xa khơi...
hay em biết quê anh ngoài đó
câu hát bắc cầu qua một thời quan họ
câu hát xui nhau nên vợ nên chồng
lý ngựa ô này hát theo đường đánh giặc
có điều gì như thể ẩn vào trong!

Em muốn về hội Gióng với anh không
để anh khoe với họ hàng câu lý ấy
em muốn làm dâu thì em ở lại
lý ngựa ô xin cưới sắp về rồi
đồng đội của anh đã trọn mùa thắng giặc
cũng sắp về chia vui.

                         2-1976

 

LỤC BÁT NGÀY MƯA

 

Mưa khi anh đến Cát Đằng

Tên ga như được đan bằng tiếng mưa

Ai vừa đêm trước tiễn đưa

Ngoài bờ cỏ thấm lưa thưa hạt buồn

 

Bếp nhà ai đốt nùn rơm

Tàu lăn qua ngọn khói thơm quê nghèo

Khói lan xanh cả ruộng bèo

Con cò mở cánh rập rìu muốn bay

 

Lay phay mưa gió lay phay

Rơi chênh chếch mãi nên ngày tháng ba

Tàu dùng dằng bước vào ga

Mưa vây trắng, biết rồi ra lối nào

 

Bấy giờ em đứng nơi đâu

Nhấp nhô nón đội lên đầu mà thương

Mưa ơi mưa suốt cung đường

Lăn tăn chi mãi lên gương mặt người

 

Giá cầm được hạt mưa rồi

Để bâng khuâng với vòm trời mưa giăng

Như khi anh đến Cát Đằng

Tên ga như được đan bằng tiếng mưa.

 

QUÀ TẶNG NGƯỜI LÍNH

 

Cám ơn con chim thời gian

Thả cho hạt nắng xuống bàn tay tôi

Lại cám ơn gió của trời

Mang giùm đến những nơi tôi cậy nhờ

 

Giữa hai điều ấy là thơ

Là cần mẫn để bây giờ tặng nhau

Tôi thường nhìn theo rất lâu

Từ sông Đuống, qua sông Cầu, sông Thương

 

Hòm thư lính ở tiền phương

Câu thơ tôi với tôi thường ghé thăm

Suốt đời tôi cứ yên tâm

Câu thơ đi là mình thầm biết ơn

 

Tôi không có một tuyên ngôn

Về thơ – nhưng nghĩ sâu hơn điều này

Tôi là lính được trình bày

Như màu áo cỏ phơi bay dọc rừng

 

Nuốt giọt nước mắt vào trong

Vùng chiến sự tính thêm cùng tuổi quân

Những đêm ngồi viết – bất thần

Tên người lính ấy xáp gần câu thơ.

                                             Đuống, 1982

 

THƯ GỬI VỂ BẾN HẢI

 

Những người vợ tiễn chồng về phía ấy

Có bao giờ quên đâu

Con sông đã một thời cuồng xô như máu chảy

Như khăn sô khoanh sóng bạc ngang đầu

 

Những người vùi thân trong cát bỏng

Lắng bước trẻ chăn trâu đánh lạc hướng quân thù

Dù đến tuổi giã từ đoàn quân và khẩu súng

Có bao giờ quên đâu

 

Khỏi nói về nơi cắt rốn chôn rau

Vết dao chém núi sông này đè lên thịt da mà cứa mãi

Người đi chợ Quán, chợ Cầu

Mua bán đến nghìn phiên còn ngoái hỏi

Cái bóng mình nghèo lép vẫn theo sau

 

Dễ mà quên sao

Nơi dấu chân người điểm chỉ

Nơi hạt tiêu xanh giờ còn gói kỹ

Cả hai phần thơm cay

Phần đất dưỡng và phần người giành giật

Bẻ cành lâu làm gậy chống qua ngòi

Xong trận mạc cúi soi trong lạch nước

Khi vinh hiển chói lòa trên ngực

Ngoảnh lại nhánh sông này vẫn còn soi thấy được

Tóc điểm màu lau bay…

                                              Đồng Hới, 1980

. . . . .
Loading the player...