24-05-2024 - 02:52

Chuyện biết thêm về người anh hùng lấp lỗ châu mai

Tạp chí Hồng Lĩnh số 213 tháng 5/2024 trân trọng giới thiệu bút ký “Chuyện biết thêm về người anh hùng lấp lỗ châu mai” của tác giả Phan Thế Cải

Người lính ra đi từ mái tranh nghèo

Bây giờ thì cụ Giát đã thành người thiên cổ nhưng tôi vẫn nhớ như in những kỷ niệm của cụ về người anh trai mình. Cụ xúc động nói: Cuộc đời anh Giót trước đây khổ lắm chú ơi! Cha mẹ tôi sinh được hai người con trai. Cha tôi tên là Tèng, mẹ tôi tên là Thau. Anh Giót hơn tôi hai tuổi. Khi anh Giót lên ba tuổi, tôi mới một tuổi thì cha bị lâm bệnh nặng và qua đời”

Lần theo lời kể tôi hiểu hoàn cảnh gia đình anh Giót thật bi ngộ. Hồi ấy, bà Thau mẹ anh Giót, với chiếc áo nâu vá chằng, vá đụp và tấm thân vò võ bơi trong bể dâu cuộc đời. Không có ruộng đất chẳng có trâu bò cày, gia đình bà Thau ở trong một túp lều tranh xiêu vẹo. Bà Thau phải nai lưng đi làm thuê cuốc mướn cho những nhà giàu ở trong thôn. Anh Giót lớn lên trong túp lều tranh và hơi ấm tình thương của mẹ từ đó. Thấm thía nỗi khổ từ lúc mới lọt lòng, cuộc đời đã sớm trui rèn cho anh về ý thức lao động và nghị lực vượt khó. Năm lên bảy tuổi, anh Giót đã biết dắt trâu lên đồi ăn cỏ. Lên mười hai tuổi, đã biết cầm cày và kế tiếp đời làm thuê cùng mẹ. Giát - người em trai của anh cũng thế. Có lẽ vì sớm chịu cảnh mồ côi cha, nên bản tính anh Giót trầm tư ít nói. Tuy vậy, anh sống chân thật rất dễ gần gũi với mọi người. Trời phú cho anh đức tính siêng làm, ham việc thì không ai bằng. Mặc dầu là kẻ ở đợ nhưng những gia đình phú nông như ông Học, bà Thông đều thiện cảm cậu bé Giót. Sau mỗi buổi làm, gia chủ kiểm tra đều hài lòng với công việc mình giao khoán cho cậu bé. Các ông chủ đều dành khẩu phần cơm cho cậu Giót lúc nào cũng no, nhiều hôm nhà có mâm cỗ, tiệc tùng họ mời cậu cùng dự như người ruột rà của họ. Nghĩa hiệp ấy, xuất phát từ các gia chủ có niềm tin ở cậu bé, bởi Giót đi chăn trâu, trâu ngày nào cũng no. Giót đi cắt cỏ, cỏ lúc nào cũng đầy ắp gánh. Nếu chủ nhà giao cho Giót cuốc đất ngoài đồng, thì dẫu trời nhá nhem tối anh vẫn hì hục làm.

Ông Giát đang hứng khởi và tràn đầy cảm xúc, bỗng giọng ông chùng xuống: “Anh Giót nhà tôi chưa ai biết mô, anh ấy nhát gan đáo để. Đêm đang ngủ, hễ nghe tiếng mèo đực vờn mèo cái là anh ôm ghì lấy tôi, rồi lấy chiếc chiếu trùm kín đầu. Chú đã từng nghe chuyện đói năm 1945 chứ?. Năm ấy, nhà giàu cũng phải lo lấy thân nhà giàu, chẳng ai thuê mướn gì ráo. Ba mẹ con nhà tôi nương tựa trong túp lều xơ xác. Cả nhà lúc này chẳng có chi ăn. Tôi phải tính nước liều, đi ăn trộm khoai của nhà giàu để cứu nguy cho gia đình. Tôi bàn bạc với anh Giót, mặc dầu biết đào trộm khoai là xấu, nhưng lúc này nếu không có khoai cứu đói thì chết cả nhà. Anh Giót nghe tôi và mò mẫm ra cánh đồng khoai cuối làng. Nhưng vừa men tới bờ, anh Giót đã co chân chạy, để lại một mình tôi giữa bóng đêm. Khi thấy tôi mang hai giỏ khoai về, anh Giót nhìn tôi nói: “Tao sợ quá nên không dám làm”. Thú thật nhờ hai giỏ khoai này với rau má độn vô nấu cháo, mà gia đình tôi vượt qua được trận đói khủng khiếp lúc bấy giờ.

Anh Giót nhà tôi như vậy đó, nhưng lớn lên được nhiều người trong làng chú ý, bởi anh có biệt tài đan lát. Những mùa mưa nước trắng trời không ra đồng được, nhà nào cũng mời cậu Giót đến đan cho mình cái rổ, cái rá hoặc cái đó, cái nơm. Anh Giót không biết hát, nhưng làm sáo trúc thổi rất hay. Anh lại còn biết làm cả sáo diều nữa, những chiều hè gió Nam rười rượi, hàng trăm con mắt đều nhìn lên bầu bầu trời xem con diều sáo chao lượn, với tiếng sáo du dương cao vút tầng không của anh Giót thả.

Năm 22 tuổi, anh Giót lấy vợ. Anh Giót lấy cô Ran con bà Mỡ ở thôn Vĩnh Yên. Cô Ran thời ấy thuộc gái chân quê khỏe mạnh, hiền lành. Nhà bà Mỡ chỉ độc nhất một mình cô. Anh Giót phải đi ở rể, nhưng nhà cô Ran cũng nghèo không kém gì gia đình anh Giót. Sau một năm thì vợ chồng anh Giót sinh được đứa con trai đầu lòng”. Hồi tưởng dòng ký ức này, tự nhiên cổ họng cụ Giát nghẹn đắng lại, hai dòng nước mắt lăn xuống trên gò má. Cụ Giát nấc lên: “Tui thương bác Giót quá chú ơi. Thằng bé con bác Giót sinh ra cũng kháu khỉnh, nhưng mới được 6 tháng nó đã lìa đời bởi bị sưng phổi cấp. Anh Giót thương con quá nằm ngất lịm đi. Tôi và ông chú họ phải đưa xác thằng bé chôn trong đêm đông giá lạnh. Tội nghiệp cho vong hồn thằng nhỏ, hồi ấy vì nhà nghèo quá không sắm nổi cỗ ván, buộc phải khâm lượm trong chiếc lá tro.” Nỗi đau riêng đã dằn vặt anh Giót. Nhìn cảnh quê nhà chìm đắm trong đêm đen của bọn thực dân phong kiến, lòng yêu nước căm thù giặc của Phan Đình Giót lại cháy lên.

Vào tháng 10/1949 đáp lời kêu gọi thiêng liêng của tổ quốc, trai gái khắp nơi nô nức lên đường. Khi hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện Cẩm Xuyên về tuyển quân, Phan Đình Giót cùng đám trai làng Cẩm Quan trong danh sách được đi khám tuyển, nhiều người sướng đến mức cả đêm ấy thao thức chờ đợi. Sợ mình “thấp thước nhẹ cân” nên anh Giót đã giấu hai viên đá cuội vào túi quần. Khi trúng tuyển, anh Giót mới công bố với vợ với em trai biết chuyện này. Ngày Phan Đình Giót lên đường tòng quân, hành trang chẳng có gì ngoài chiếc xắc mây. Giát thương anh quá, vội cởi bộ đồ áo nâu cho anh mặc. Bà Ran vay người láng giềng được hai lon gạo để thổi cơm đùm cho chồng, kèm theo mấy quả cà. Câu chuyện đang say sưa thì bà Ran tới, cụ Giát nói với tôi: “Đây là vợ anh Giót mà tui hồi nãy vừa kể cho chú nghe đó”. Bà Ran đã trở thành bà lão cao tuổi nhất làng rồi. Mặc dầu đôi tai đã nghễnh ngãng, nhưng đôi mắt vẫn thông tỏ. Dựng cây gậy tre bên tường, bà Ran cầm tay tôi nghẹn ngào: “Rứa mà tui cũng thiệt lắm chú hè. Con tui mà sống, chắc chi tôi đã phải quá giang lần nữa. Anh Giót trước lúc hy sinh có gửi thư về, dặn đi dặn lại nhỡ anh ngã xuống thì em phải can đảm lấy chồng, lấy người trong làng càng tốt. Tôi đã thực hiện đúng theo lời anh dặn, lấy một người bạn cùng tuổi chăn trâu với anh thuở nhỏ. Bây giờ tôi có bốn người con, nhưng nghĩ tới anh Giót tôi lại bật khóc”.

Gặp lại người đồng đội cũ

Từ những dòng hồi ức của cụ Giát về người anh trai mình, tôi biết thêm được người đồng đội thân thiết nhất của anh Giót là cựu chiến binh Lê Quang Nghiêm (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) tôi đã tiếp tục chuyến đi và được tiếp cận với nhân vật này.

Khi tôi vừa bước vào nhà, hai vợ chồng cụ Nghiêm niềm nở mời tôi ngồi vào bàn uống nước chè xanh. Vợ cụ Nghiêm bảo tôi: “Ông nhà tôi thuộc diện thương binh nặng, nên chẳng làm việc gì được nữa. Nhưng bữa mô thấy khỏe trong người, cụ lại cặm cụi viết đêm này sang đêm khác. Cụ bảo mấy đứa con mua cho cụ dăm cuốn vở nữa, cụ chép lại cho rõ ràng. Sau khi tạ thế gửi tài liệu quý này cho hậu thế.” Tôi cầm cuốn sổ lật xem mấy trang cụ Nghiêm viết. Tuy chữ cụ hơi khó đọc, nhưng ngồn ngộn cảm xúc và tư liệu. Một chủ đề mà cụ Nghiêm luôn đau đáu, đó là gương mặt đồng đội cũ tham gia Chiến dịch mặt trận Điện Biên Phủ, đặc biệt là những kỷ niệm sâu sắc về người anh hùng lấp lỗ châu mai Phan Đình Giót. Khi tôi muốn cụ tiết lộ thêm về người bạn đã cùng chung chiến hào một thời oanh liệt với anh Giót, cụ Nghiêm rưng rưng nhắc lại: Tôi và anh Phan Đình Giót cùng nhập ngũ một ngày, hai đứa đều là dân Cẩm Xuyên.Vừa đồng hương, vừa đồng lứa với nhau, nhưng hình thể và cá tính từng người lại khác nhau. Anh Giót người mảnh dẻ, da đen, cái miệng mỗi khi cười nom hóm hỉnh và có duyên ngầm. Tính anh Giót trầm lặng, không bao giờ nổi nóng và cãi vã với ai to tiếng. Ngược lại tôi thì thân hình chắc như cột lim, nói năng sôi nổi, thích hát, thích tranh luận giữa đám đông. Thú thật, tôi nhiều lúc cũng có máu Trương Phi.

Sau khi huấn luyện xong, hai anh em được nhập ngũ vào C58, D428, E141, sư  đoàn 312. C58 chính là tiền thân của đội quân Hồng Hà. Phải nói rằng C58 đã từng “tả xung hữu đột” hết đánh sân bay Gia Lâm lại diệt đồn sông Đuống, rồi tham gia chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Tôi thấy anh Phan Đình Giót có nét khác lạ, thường ngày sinh hoạt ăn ở với nhau, anh em đơn vị thường trêu đùa Giót “ông già nông thôn” thế những lúc xung trận Giót nhanh hơn gió, trận đánh nào cũng dũng cảm, khôn khéo, sáng tạo. Giót thường bảo với anh em rằng “Tao có chết cũng không rời trận địa”. Hồi đánh ở đồn Tràng Bạch, Phan Đình Giót đã bị một viên đạn bắn vào chân trái. Lúc ấy, Lê Quang Nghiêm đang ở tiểu đội khác, nghe tin chạy lại tìm Giót thì anh đã được tổ cứu thương đưa ra tuyến sau để trạm thương binh cấp cứu. Máu đánh giặc đang bốc cao như lửa, mà phải nằm điều trị, trong lòng Giót bứt rứt đứng ngồi không yên. Bữa nào thấy cô y tá đến thay băng và tiêm thuốc, Giót lại hỏi dò: “Thế nào hôm nay tôi đã được xuất viện chưa đồng chí?”. Cô y tá trẻ mỉm cười và bảo: “Xin anh đừng nóng vội, đánh giặc cũng phải có sức khỏe đã”. Cũng may vết đạn nông và được sự săn sóc hết mực của trạm quân y, chỉ một tháng sau Giót đã chóng bình phục trở về đơn vị. Khi thấy bóng Giót về cả đại đội ùa ra ôm lấy anh mà hôn chùn chụt. Nghiêm hỏi Giót “Sao cậu về sớm thế?”. Giót trả lời: “Ôi dào! Nghỉ một tháng cứ tưởng dài ba năm. Mình nhớ anh em quá”. Vừa nói Giót vừa mở ba lô ra lấy một nải chuối chín, quả to và thơm lựng, tươi cười bảo: “Tiền phí ra viện, tôi mua chuối tất. Mời các ông ăn đi!”.

Khi lên Tây Bắc đánh đồn Sài Lương, trên lại phân bổ Lê Quang Nghiêm ở cùng tổ ba người với Phan Đình Giót. Càng gần gũi đồng hương, Nghiêm càng phục càng nể những sáng kiến trong cuộc sống hàng ngày của anh Giót. Ông Nghiêm còn nhớ, khi các chiến sĩ của chúng ta hành quân vào để tiếp cận đồn Sài Lương thì gặp một tình huống khá phức tạp. Bởi lối vào đồn Sài Lang bị rừng giang rậm rịt chặn ngay trước mặt. Mấy anh em nuôi quân đang lúng túng, chưa tìm ra giải pháp luồn rừng để đưa cơm cho bộ đội, thì Phan Đình Giót đã “hội ý” chớp nhoáng với cán bộ trung đội. Lập tức sáng kiến của anh được mọi người thao tác nhanh gọn. Họ lấy lá chuối rừng vắt cơm thành những nắm nhỏ tròn, rồi dồn vào bao tượng. Các chiến sĩ vắt chéo qua vai, cứ thế người trước bám người sau rồng rắn một cách êm thấm qua khu rừng giang rậm. Có cơm ăn kịp thời, bộ đội có thêm nguồn sinh lực chiến đấu.

Lại một chuyện khác nữa, đấy là khi trung đoàn 141 được lệnh trên tập trung lực lượng đánh vào căn cứ của địch ở đỉnh Ba Vì. Núi thì cao chon von chót vót, vực thì sâu thăm thẳm. Trinh sát của ta đã bắc ống nhòm soi đi soi lại, vẫn thấy tình huống thật cam go. Ngay lúc đó, chẳng cần nghĩ ngợi chi nhiều lắm, Phan Đình Giót đã bày ra “cái mẹo nhà choa” là bện cuộn dây thừng, làm dây theo kiểu lấy tổ ong mật trên ngọn cây cao. Anh Giót xăng xái đi cột dây thật kỹ, thật chặt vào bờ đá để lấy điểm tựa an toàn. Đơn vị cứ thế bí mật vào tận sào huyệt, đứng trên đầu giặc xả đạn làm cho quan và lính trên đỉnh Ba Vì thất bại thê thảm.

Cụ Nghiêm kể, cái hào khí của người lính Điện Biên năm xưa lại phừng phừng trên nét mặt. Cụ nói: “Tui thật tự hào có một người đồng hương như thế. Giót tuy người nhỏ mà dai sức, thông minh trước mọi tình huống nên sáng kiến nào cũng thành công. Chú biết không? Chiếc mũ nan đan bằng cật tre hai khung mà anh Vệ quốc quân chúng tôi đội trên đầu hồi ấy, là sáng kiến tạo mẫu của Phan Đình Giót đấy. Khi trải qua nhiều trận đánh, phải làm sao mang vác động cơ, thế là anh đi tìm quần áo rách cũ may thành “túi dết” để đựng các thứ cần thiết khi vào trận. Đến chiến dịch Điện Biên, bộ đội ta tập trung kéo pháo vào trận địa, để tiêu diệt các cứ điểm của địch. Giữa đồi cao gió khô và nóng bức, các chiến sĩ đưa được khẩu pháo vào phải dẫm nhích từng bước một. Lúc đó dùng dây tời to bện bằng dừa, chiến sĩ nào chiến sĩ nấy đêm đêm về rộp phồng cả lòng bàn tay, có người rớm máu. Thương đồng đội quá, để anh em đỡ vất vả Phan Đình Giót vào rừng tìm cây mấu mà anh đã biết từ thưở nhỏ. Anh chẻ ra rồi bện thành từng sợi nhỏ. Cứ thế mỗi người cột dây sợi nhỏ này vào dây tời lớn, rồi luồn dây nhỏ vắt qua vai mình. Thế là khẩu pháo khỏe sức bươn đèo vượt dốc, mà tay đồng đội lại không bầm rát. Sáng kiến độc đáo này được lan nhanh trong từng đơn vị. Anh Giót được biểu dương toàn sư đoàn 312.

Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta tấn công vào hang ổ của địch bằng căn cứ điểm Him Lam. Một cứ điểm án ngự phía Đông của tập đoàn Pháp, được địch xây hệ thống hầm hào và lô cốt rất vững chắc. Ngoài bãi mìn, hào chống tăng, còn chằng chịt dây thép gai. Tiểu đội 1 của anh Phan Đình Giót được “điểm hỏa” bằng  bộc phá ống để phá tan 5 hàng rào của địch, tạo đà cho đơn vị vào chiếm lĩnh trận địa. Ông Lê Quang Nghiêm, Phan Đình Giót và anh em trong toàn đơn vị vào trận mà cảm thấy lòng mình bình tĩnh, thanh thản và tràn đầy niềm tin chiến thắng. Buổi chiều ấy, sau khi nghe thư của Bác Hồ động viên ai cũng cảm thấy như có Bác Hồ đang đứng bên cạnh mình. Giót nói với Nghiêm: “Bác Hồ đang chờ đón tin chiến thắng của chúng ta. Cha mẹ ta, vợ và bà con cô bác ta trong quê cũng thế. Chúng ta quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Cựu chiến binh Khối CCQ cấp tỉnh bên mộ Anh hùng Phan Đình Giót. Ảnh: Tư liệu

Ba giờ chiều ngày 13 tháng 3 năm 1954, cuộc chiến đấu oanh liệt bắt đầu. Khi bộc phá của tiểu đội Phan Đình Giót phát lên tiếng nổ khai hỏa và phá tung hàng rào dây thép gai đầu tiên thì hỏa lực của địch tập trung phản công. Trên không máy bay địch ném bom như vãi trấu, dưới đất đạn đủ các loại, các cỡ của địch từ mọi phía bắn ra như mưa. Dẫu trận đánh đầy căng thẳng và quyết liệt, nhưng các chiến sĩ Điện Biên “gan không núng, chí không sờn” kiên quyết tấn công, làm cho địch không có đường tháo lui. Trong trận đánh này Phan Đình Giót được giao làm nhiệm vụ tiểu đội phó và tổ trưởng tổ ba người. Hàng rào thứ nhất phá xong và lần lượt các hàng rào khác được mở toang. Khi chiến sĩ Bốn trong tiểu đội của anh ôm bộc phá để lao lên phá hàng rào cuối cùng thì một viên đạn của địch xuyên vào bụng Bốn. Bốn bị thương nặng, lập tức Phan Đình Giót nhanh như cắt vọt lên nằm dưới tầm hỏa lực của địch. Kèn lệnh xung trận của tiểu đoàn vang lên thôi thúc từng trái tim chiến sĩ. Ngoài hai điểm hỏa chính diện liên tục nhả đạn thì hai phía hai bên cánh gà, súng đạn đại liên cũng không ngớt rống lên. Sau một tiếng đồng hồ pháo của ta đã dập tắt được hỏa điểm chính diện và hỏa điểm bên cánh phải. Hỏa điểm phía bên trái vẫn chưa bịt được họng súng của giặc. Phan Đình Giót tiến sát lô cốt, cách điểm hỏa cánh gà khoảng năm mét ở phía mái đồi. Lúc này, Giót đã sử dụng hết số lựu đạn, thủ pháo mang theo ở bên người, nhưng vẫn chưa dẹp tan được hỏa lực này. Địch vẫn ngoan cố và điên cuồng chống trả. Hiệu lệnh xung phong lại tiếp tục phát ra mà đồng đội vẫn chưa tiến lên được. Anh ngước nhìn xuống mé đồi đã có 5 người hy sinh. Bỗng một viên đạn từ đâu xuyên qua mông Phan Đình Giót. Biết mình đã bị thương, Giót gọi to cho Nghiêm đang tiến ở hàng phía sau biết. Nhưng lúc này Giót đâu có chịu nằm yên. Anh nghiến răng chịu đau đớn và cố hết sức mình. Lực đẩy của bom và đạn nhiều lúc tưởng hất anh ngã nhào. Lúc trườn được tới lô cốt địch, Phan Đình Giót rướn toàn thân và nghiêng người bịt kín lỗ châu mai. Thế là tiếng súng từ lỗ châu mai đột ngột tắt hẳn. Trong khoảnh khắc này, trung đội của Lê Quang Nghiêm đã kịp thời xung trận và diệt gọn cứ điểm Him Lam.

Trong giây phút sung sướng nhất của sự chiến thắng huy hoàng, bỗng một chiến sĩ trong đơn vị gọi giật giọng: “Anh Nghiêm lại xem này, có một người đang nằm che kín trên miệng lỗ châu mai”. Nghiêm cùng đồng đội hớt hải chạy tới xem người đồng chí ngã xuống đó là ai?. Mọi người lặng đi khi thi thể đã sạm đen màu thuốc súng. Đạn từ lỗ châu mai đã xé nát anh, nên mọi người đang đoán tên đoán tuổi. Lê Quang Nghiêm không ngờ khi ông lục túi áo ở ngực (một tờ giấy gói cẩn thận bằng ni long ghi rõ danh tính) mở  ra xem thì chính đồng đội, người bạn tri kỷ nhất của ông là Phan Đình Giót.

Phan Đình Giót ở mãi với trận địa lịch sử, với núi rừng Tây Bắc - xứ sở mỗi mùa xuân về lại nở rộ hoa ban trắng, còn anh hóa thành “Hoa Ban đỏ” Điện Biên.

4/2024

Phan Thế Cải

. . . . .
Loading the player...