05-07-2018 - 10:26

CÔNG TÁC QUẢN LÝ DI SẢN VĂN HÓA Ở HÀ TĨNH

Chiều 04/7/2018, Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Hà Tĩnh có buổi làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan về công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn giai đoạn 2013- 2017. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Nguyễn Thị Nữ Y, Võ Hồng Hải chủ trì buổi làm việc. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh đã tham dự .

          Theo báo cáo của Giám đốc Sở VHTTDL Bùi Xuân Thập, toàn tỉnh hiện có 459 di tích cấp tỉnh, 78 di tích cấp quốc gia trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt. Những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều dự án trùng tu, tôn tạo các di tích; công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học thu được nhiều kết quả; công tác quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được thực hiện chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật và Quyết định 27/QĐ-UBND ngày 10/7/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Mỗi năm, Bảo tàng Hà Tĩnh tổ chức 2 - 3 cuộc sưu tầm, thu về từ 200 - 250 hiện vật; hiện đang lưu giữ khoảng 10 nghìn hiện vật. Tính đến 31/12/2015, Sở VHTT&DL đã kiểm kê được 1.010 di tích, 180 lễ hội các loại. Văn hóa phi vật thể và các hình thức sinh hoạt cộng đồng được quan tâm, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Ca trù được tổ chức UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp; dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Gần đây, Mộc bản trường học Phúc giang, Hoàng hoa sứ trình đồ được MOWCAP công nhận là Di sản tư liệu ký ức Châu Á - Thái Bình Dương.

          Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá thực trạng, đồng thời nêu ra một số giải pháp về công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn. Nhiều ý kiến quan tâm đến công tác tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác bảo tồn bảo tàng, phân cấp quản lý cũng như bố trí nguồn lực để chống xuống cấp các di tích, việc cấp bìa đỏ, phân giới, cắm mốc các di tích, công tác kiểm tra, hướng dẫn, quản lý liên quan đến thờ tự,  giải quyết hài hòa trong vai trò quản lý nhà nước và phương thức huy động xã hội hóa. Trong kế hoạch, cần tập trung nhiều hơn cho tiến độ xây dựng Bảo tàng Hà Tĩnh, trùng tu tôn tạo Khu di tích Nguyễn Công Trứ, phát huy chức năng của Nhà hát nghệ thuật truyền thống, tăng cường công tác quảng bá, tuyên truyền, phát huy  giá trị của các Di sản  văn hóa trên địa bàn.đối với sự phát triển chung của tỉnh nhà.

         Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch TT HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y cho rằng UBND tỉnh mà trực tiếp là Sở VHTTDL tỉnh cần soát xét lại các nội dung  trong Quyết định 27/QĐ-UBND ngày 10/7/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh “Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”, từ đó đề ra những giải pháp cụ thể với trách nhiệm, tâm huyết cao hơn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở địa phương. 


Bảo Phan
 

. . . . .
Loading the player...