26-01-2018 - 12:36

Đầu năm lễ hội du xuân

Theo số liệu thống kê lễ hội của 63 tỉnh, thành, hiện nay nước ta có gần 8000 lễ hội, trong đó có hơn 7000 lễ hội dân gian, 550 lễ hội Tôn giáo, 320 lễ hội lịch sử cách mạng, 11 lễ hội được du nhập từ nước ngoài và 40 loại hình lễ hội khác; hoạt động lễ hội diễn ra dàn trải trong cả năm, trong đó tập trung nhiều nhất vẫn là mùa Xuân và chủ yếu là các lễ hội dân gian.

         

Lễ hội chùa Chân Tiên (Ảnh: Minh Chiến)

               Đối với Hà Tĩnh, là vùng đất có bề dày về truyền thống văn hóa cách mạng nên đây cũng là địa phương có khá nhiều lễ hội lớn nhỏ được tổ chức hàng năm. Các hình thức sinh hoạt lễ hội ở Hà Tĩnh cũng khá đa dạng, trong đó tập trung nhiều là lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử và lễ hội tâm linh… Đã có hai lễ hội được ghi vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia là Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và Lễ hội đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi; ba lễ hội được nâng tầm thành lễ hội cấp tỉnh là lễ khai hội Chùa Hương Tích, lễ hội Đồng Lộc và lễ khai trương mùa du lịch biển Thiên Cầm; hàng chục lễ hội được tổ chức quy mô cấp huyện như lễ hội Đền Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, lễ hội Đền Chợ Củi, lễ hội Đền Trầm Lâm, lễ Báo ân Đô đài Bùi Cầm Hổ, lễ hội Đền Nen, Miếu Ao… cùng rất nhiều lễ hội vốn trước đây được tổ chức ở quy mô nhỏ lẻ thì nay đã được nâng lên với quy mô lớn hơn như lễ Giỗ tổ Hùng Vương tại Chùa Đại Hùng (thị xã Hồng Lĩnh), lễ hội chùa Chân Tiên, chùa Kim Dung, lễ hội cầu ngư Cẩm Nhượng, lễ hội đánh cá Đồng Hoa… Ngoài ra còn có hàng trăm lễ hội cấp phường xã được tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo nhân dân và du khách gần xa tham gia. 
       Và điểm nhấn đầu tiên, mở màn cho một mùa lễ hội đầu Xuân của Hà Tĩnh đó chính là lễ khai hội Chùa Hương Tích ở huyện Can Lộc.
          Chùa Hương Tích nằm trên núi Hồng Lĩnh. Chùa được xây dựng từ đời nhà Trần. Trước đây cứ đến ngày 18 tháng 2 âm lịch nhưng hiện nay thì ngay từ những ngày đầu xuân năm mới hàng năm, nhân dân ở khắp mọi nơi trong và ngoài tỉnh lại tìm đến Chùa Hương Tích để cúng Phật, cầu yên và thăm cảnh đẹp của chùa. Nằm trên một trong 99 đỉnh của núi Hồng Lĩnh với độ cao khoảng 650m so với mục nước biển, Chùa Hương Tích có các hạng mục gồm Thượng điện, nền Trang Vương, am Thánh Mẫu, động Tiên nữ, suối Tiên… 
        Theo “Hương Sơn báu quyển” và “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô Gia Văn Phái thì vào đời Vua Lê – Chúa Trịnh, đa phần các phi tần mỹ nữ đều là người xứ Thanh. Hằng năm các cung phi, cung nữ Thanh – Nghệ Tĩnh thường trẩy hội chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh vào ngày 18 tháng 2 âm lịch bằng đường thủy qua cửa Hội Thống. Mỗi lần những “người đẹp” đi xa như vậy khiến chúa Trịnh rất phân vân, do đó đã cho gọi một vị hòa thượng xác định địa điểm ở miền rừng núi Hương Sơn thuộc vùng Hà Tây bây giờ để xây thêm một chùa Hương Tích thứ hai mà thờ vọng để các “người đẹp” đi trẩy hội gần hơn. Nhờ thế đất nước ta bây giờ mới có đến hai Chùa Hương Tích, và đều là những danh lam thắng cảnh nổi bật. 

Lễ hội Chùa Hương Tích ( Ảnh: Phan Trâm)

          Còn theo sách “An – Tĩnh cổ lục” của tác giả Hippolyte Le Breton thì “núi Hồng Lĩnh được người Tàu cho là đẹp, họ đã xếp danh lam này vào số “Hai mươi mốt ngọn núi” đẹp nhất của nước An Nam. Trong các văn bản Tàu, người ta gọi ngọn núi này là Thiên Tượng và đỉnh Hương Tích là Hương Tượng. Các họa sĩ Tàu vẽ những đỉnh núi đẹp nhất và dâng tác phẩm của mình lên Hoàng đế Hồng Võ, người khai sáng ra triều đại nhà Minh (cuối thế kỷ XIV).Hằng năm, cứ đến ngày 18 tháng 2 âm lịch thì chùa Hương Tích là nơi trẩy hội rất nhộn nhịp. Theo truyền khẩu thì một người con gái của vua Trang Vương, một tín đồ Phật giáo rất mộ đạo, đến tu ở đây. Vua cha bèn dựng cho nàng một cái lầu ở phía Bắc của chùa – ngôi chùa con gần đấy chính là nơi mà nàng công chúa tự thiêu”.
        Lễ hội Chùa Hương Tích thường diễn ra từ ngày Mồng 6 tháng Giêng cho đến hết tháng Hai âm lịch hàng năm. Trong những ngày diễn ra lễ hội, ngoài các phần tế lễ, dâng hương chiêm bái cúng Phật và tham quan du ngoạn cảnh đẹp, du khách còn được tham gia các trò chơi dân gian truyền thống như xemvật, kéo co, vật, chọi gà, cờ tướng, cờ người... Trải qua hàng trăm năm lịch sử, lễ hội Chùa Hương Tích vẫn luôn có sức hấp dẫn, cuốn hút của nó. Mỗi năm một thay đổi, quy mô lễ hội ngày càng lớn hơn với nhiều nét đổi thay, tươi mới, trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách thập phương trong những ngày đầu Xuân.
           Tiếp theo lễ hội Chùa Hương Tích là lễ hội Lễ hội đền Trầm Lâm ở xã Phú Gia, huyện Hương Khê. 
            Đền Trầm Lâm còn có tên dân gian là miếu Trăm Năm. Đây là nơi thờ Đức Thánh Mẫu, người đã cứu giúp dân lành địa phương trong chiến tranh chống giặc Minh, giặc Chiêm Thành. Đền còn nổi tiếng với câu chuyện Đức Thánh Mẫu báo mộng giúp cho vua Hàm Nghi tránh được sự bao vây của giặc Pháp. Biết ơn, vua đã sắc phong cho nữ thần chức “Thượng thượng đẳng tối linh thần” kèm theo những phẩm vật quí giá như vi bố,áo mũ triều thần, cờ lộng, tàn quạt, voi vàng, voi đồng, kiếm sắt… Hiện nay, những vật phẩm quý báu đó vẫn được người dân lưu giữ cẩn thận. Trước đền còn có giếng Trăm Năm, theo tương truyền màu nước thay đổi theo mùa và quanh năm không bao giờ cạn, đây cũng được coi là nguồn long mạch linh thiêng đã kiến tạo, nuôi dưỡng, chở che và vun đắp nên hồn cốt của đất và ngườiHương Khê.
          Lễ hội đền Trầm Lâm hay còn gọi là lễ hội rước sắc phong của vua Hàm Nghi được tổ chức vào ngày Mồng 7 tháng Giêng hàng năm và đã tồn tại, gắn bó với người dân nơi đây từ hàng trăm năm nay.
           Cũng giống như lễ hội Chùa Hương Tích và lễ hội Đền Trầm lâm, đã thành thông lệ, hàng năm cứ đúng ngày Rằm tháng Giêng (15/1 âm lịch), ngày mất của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, nhân dân trong tỉnh cùng những người công tác trong ngành y khắp cả nước lại tề tựu về dự lễ hội truyền thống Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ( Ảnh: Minh Lý)

           Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được tổ chức lần đầu vào năm 1792, tức là một năm sau ngày Lê Hữu Trác qua đời, nhân dân trong vùng đã cùng nhau đóng góp công sức, tiền bạc để xây lăng mộ, lập đền thờ và ngày đêm hương khói tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn đối với Đại danh y của đất nước. Lễ hội ban đầu được tổ chức với quy mô cấp xã, do cộng đồng bà con nhân dân xã Sơn Trung làm chủ thể, sau đó, đã được nâng tầm lên quy mô cấp vùng, cấp huyện.Đến năm 1990,Khu di tích Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. |Năm 2003, Bộ Văn hóa - Thông tin và Bộ Y tế lại giao Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác làm chủ đầu tư trùng tu, tôn tạo Khu lăng mộ và tượng đài Hải Thượng Lãn Ông và triển khai Quy hoạch tổng thể Khu lưu niệm, lăng mộ, tượng đài và các công trình liên quan bằng nguồn vốn nhà nước và xã hội hóa.
         Cũng từ 2010, dưới sự chỉ đạo của tỉnh Hà Tĩnh, lễ hội “Tri ân đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác” bắt đầu có những thay đổi căn bản về quy mô và hình thức, phù hợp với sự thay đổi củatình hình kinh tế xã hội, nhu cầu tín ngưỡng tâm linh và sinh hoạt văn hóa tinh thần của công chúng Hà Tĩnh và du khách thập phương. Về đây dự lễ hội, ngoài việc tri ân đại danh y Hải Thượng Lãn Ông và tôn vinh ngành y, mọi người còn có một ý nguyện cao xa là cầu cho quốc thái dân an, cầu cho sức khỏe củamuôn dân và cùng hướng về nguồn cội. Quần thể di tích lăng mộ, chùa, tượng đài Lê Hữu Trác nay đã trở thành một công trình văn hóa tâm linh - khu du lịch sinh thái hấp dẫn, thu hút một lượng rất lớn du khách trong và ngoài tỉnh đến viếng thăm, du ngoạn và nghỉ dưỡng hàng năm.

Lễ hội Đền Nen (Ảnh: Nhật Linh)

         Điểm qua một vài lễ hội tiêu biểu của Hà Tĩnh để thấy rằng, với một vùng văn hóa giàu bản sắc, có rất nhiều lễ hội được tổ chức trải đều trong năm tại các địa phương, trong đó điển hình như Nghi Xuân có lễ hội Đền Chợ Củi, lễ hội đánh cá Đồng Hoa. Hồng Lĩnh có lễ hội Đền Cả, lễ hội đua thuyền Trung Lương, lễ Giõ tổ Hùng Vương. Hương Sơn có lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; Can Lộc là lễ hội Chùa Hương Tích, lễ hội Đồng Lộc. Thạch Hà có lễ hội Đền Nen, Đền Chiêu Trưng. Cẩm Xuyên có lễ hội cầu ngư Cẩm Nhượng. Thị xã Kỳ Anhcó lễ hội đền Đền Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu. Hương Khê có lễ hội Đền Trầm Lâm…Những điều này là minh chứng khẳng định, lễ hội, mảnh đất và tình người Hà Tĩnh sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách, nhất là vào mỗi dịp tết đến Xuân về.


Tùng Lĩnh


 

. . . . .
Loading the player...