Nhân Ngày sách Việt Nam lần thứ VI. Tạp chí Hồng Lĩnh số 152 giới thiệu bài viết "Đọc và văn hóa đọc" của Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.
Người ta phàm đã thạo mặt chữ, biết đọc, thì đều đã đọc sách, nghĩa là cầm cuốn sách lên đọc những con chữ in trên giấy. (Trong thời đại tin học này thì khái niệm “Sách” có thể mở rộng sang màn hình máy tính, tức đọc sách có thể là đọc con chữ trên màn hình). Nhưng đọc sách như thế chưa phải đã gọi được là đọc sách theo cái nghĩa văn hóa của nó.
Đọc và văn hóa đọc là hai việc khác nhau. Khi ta gắn hai chữ “văn hóa” cho một việc gì đó là ý muốn nói ta làm việc đó, thực hành việc đó một cách có ý thức, tự giác, có trình độ hiểu biết, không chỉ làm vì nhu cầu thiết yếu, mà còn vì nhu cầu tinh thần, trí tuệ. Tôi định nghĩa: Văn hóa đọc sách là đọc sách một cách có văn hóa. Giống như ăn uống thì do nhu cầu của dạ dày, của cơ thể, nhưng “văn hóa ẩm thực” thì ăn không chỉ là để no, mà còn để ngon, để đẹp, ăn ngon, thưởng thức cái ngon của đồ ăn thức uống bằng tất cả các giác quan. Giống như đi lại là nhu cầu của đôi chân, nhưng “văn hóa giao thông” là sự đi lại, sự vận hành trên đường một cách trật tự nề nếp, đúng quy định, không vì cốt sự nhanh của mình mà gây hại cho người khác.
Ngày sách Việt Nam lần thứ V tại Hà Tĩnh
Tôi đã nhiều lần nói là tôi không lo ngại lắm, không bi quan lắm về văn hóa đọc. Thực tế, đúng là sách đang bị đe dọa và cạnh tranh bằng sự “nghe nhìn hóa” các kênh tiếp nhận thông tin của con người thời hiện đại. Đúng là, sách ngày nay không còn là phương tiện duy nhất của văn học. Ngoài sách, văn học đã có thêm những hình thức tồn tại khác, như mạng chẳng hạn. Nhưng dù là hình thức nào thì cho đến nay, và chắc còn lâu về sau nữa, văn học, và các thông tin khác, vẫn được con người tiếp nhận bằng đọc tự mắt mình là chủ yếu, chứ chưa phải bằng nghe. (Tôi nói vậy vì trên thế giới người ta đã sản xuất loại sách nghe đọc dưới dạng một thiết bị điện tử). Hơn nữa, văn hóa đọc còn phải hiểu là cách đọc, thẩm mỹ đọc. Đọc để lấy thông tin, kiến thức là một chuyện. Đọc để bồi bổ văn hóa, làm giàu tri thức là một chuyện khác. Văn hóa đọc ngày nay đang phát triển theo hướng đa dạng.
Văn hoá đọc không phải là đi xuống, nó chỉ có thể chuyển trạng thái tồn tại. Trước đây, tất cả các tác phẩm tồn tại dưới dạng giấy in, nhưng trước khi có trang giấy in thì tác phẩm tồn tại dưới dạng truyền miệng. Tức là vốn kiến thức được cố định hoá, được truyền tải qua các hình thức khác nhau.Văn hoá có thời đã từng truyền miệng, thông tin kiến thức thời trước đây đã từng truyền miệng. Trước khi chúng ta nghĩ ra khắc gỗ, rồi phát minh ra giấy, thì nó đã được cố định rồi. Bây giờ có mạng thì văn bản được tồn tại trên mạng. Cho nên bây giờ mới có việc chuyển tải văn bản từ giấy lên mạng, và một hình thức nữa là lấy trên mạng và in ra giấy. mà lên mạng chúng ta vẫn phải dùng đến con mắt, cho nên chừng nào còn con người thì mắt vẫn là cơ quan quan trọng để tiếp thu kiến thức. Không có thời kì con người nhắm mắt để nghe, nghe sẽ nhớ không rõ bằng nhìn. Đấy là cái thứ nhất. Thứ hai là trong xã hội bao giờ cũng có những tầng lớp người đọc khác nhau. Mỗi loại sách lại có độc giả khác nhau. Những sách tri thức khoa học không thể bán chạy bằng những sách văn học được. Có sách văn học nghiêm túc (văn học cao cấp) và văn học bình dân, như vậy cũng đã khác nhau rồi. Chỉ có điều là tuỳ theo những yêu cầu đó, xã hội phải tự điều phối như thế nào để văn học kia cũng có yêu cầu đó, có thị trường của nó. Và vai trò của báo chí, phê bình là phải hướng dẫn người ta tìm đọc những cuốn như thế. Thông tin càng nhiều sự lựa chọn thì ta càng phải hướng dẫn sự lựa chọn, vai trò của báo chí và phê bình với văn nghệ là tác động, hướng dẫn dư luận là rất quan trọng, là đề cao chứ không phải là hạ xuống.
Xét từ phía chủ thể đọc, có thể đọc bắt buộc (bị động) và đọc tự nguyện (chủ động). Đọc bắt buộc thì rõ nhất là trong nhà trường. Người đi học phải đọc các sách giáo khoa, các sách tham khảo, các sách công cụ mà chương trình yêu cầu, thầy cô đòi hỏi. Không đọc chúng thì không học được, không thi cử được. Do bắt buộc phải đọc để học và thi nên ngay đến một môn như môn văn nhiều học sinh cũng chỉ giới hạn ở tác phẩm trong sách giáo khoa, và khi học xong rồi, ra trường rồi là quên luôn cả tác phẩm và tác giả. Cố nhiên trong nhà trường cũng có những học sinh có tính chủ động tích cực đã biết tự mình tìm thêm các sách phục vụ cho môn học để đọc thêm, tích lũy thêm kiến thức, mở mang thêm hiểu biết từ môn học. Đó là một bước đầu của sự đọc tự nguyện.
Đọc tự nguyện có mấy cấp độ: theo nhu cầu, theo sách và theo sở thích. Cái đọc theo nhu cầu như là quá độ giữa đọc bị động và đọc chủ động. Thí dụ đi công tác hay đi du lịch đến một nước nào đó thì có nhu cầu phải đọc sách về nước đó cho biết, sơ đẳng nhất là sách hướng dẫn du lịch, cao hơn là những sách về văn hóa, lịch sử, cao hơn nữa là những tác phẩm văn học. Đọc để khi đến nơi mình đến hiểu hơn các địa điểm di tích, có thể gặp gỡ trao đổi với người sở tại. Nhu cầu lúc đầu thường là do công việc thực tế, nhưng nếu được nuôi dưỡng thì có thể thành nhu cầu tinh thần của cá nhân, tức từ tự phát thành tự giác. Đọc theo sách là theo truyền thông, theo tin đồn, theo giới thiệu, nghe có cuốn sách nào đang xôn xao, bàn tán, đang được khen hay bị chê, tóm lại là sách đang có dư luận, thì tìm đọc cho biết, cho thỏa trí tò mò, để không bị coi là lạc hậu. Đọc theo sở thích là cái đọc nhu cầu nâng cao, cái đọc được chuyên môn hóa theo từng lĩnh vực, thể loại, ví như người thích đọc truyện ngắn hơn tiểu thuyết, đọc sử hơn đọc văn, đọc sách trong nước hơn sách nước ngoài, v.v.
Nói văn hóa đọc, tức cái đọc có văn hóa, là bắt đầu từ cái đọc tự nguyện. Đó là cái đọc đặt tính tinh thần lên cao hơn tính thực dụng. Như vậy không cứ phải đọc nhiều là có văn hóa đọc, cũng như không phải cứ đi nhiều nơi thì được coi là dân du lịch sành sỏi, cứ uống nhiều rượu là được coi biết ẩm thực tinh tế. Nhưng văn hóa đọc hình thành qua hai chặng: trước hết là phải ham thích đọc sách, sau đó là biết đọc sách có văn hóa. Ham thích đọc sách phải được gây dựng từ nhỏ, bắt đầu từ trong gia đình. Mỗi bậc bố mẹ nên tạo thói quen đọc sách cho con nghe và cùng con đọc sách ngay từ ở nhà, như thế sẽ hình thành nên một truyền thống tốt. Hiện nay câu lạc bộ “Đọc sách cùng con” của tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh đang đi theo hướng này và đã có những kết quả bước đầu, giúp các bậc bố mẹ gây được cho con cái tuổi nhỏ niềm vui đọc sách, tìm sách. Từ những cuốn sách trẻ thơ ở nhà đến những cuốn sách học và đọc ở trường, các bậc thầy cô có thể góp phần tác động tích cực. Tôi chắc học trò sẽ rất ngạc nhiên và thích thú khi các thầy cô không riêng gì ở môn văn trong giờ lên lớp sẽ cùng trò chuyện, trao đổi với các em về những cuốn sách đang đọc và nên đọc. Thí dụ một thầy toán trước khi vào bài bỗng nói với cả lớp: “Hôm qua thầy vừa đọc được cuốn “Sapiens: Lược sử về loài người” của nhà nghiên cứu người Israel Yuval Noah Harari hay lắm các em ạ. Đọc nó để thấy người ta không phải bỗng dưng mà thông minh đâu. Em nào thích tìm hiểu thì tìm cuốn đó đọc nhé. Nào bây giờ ta bắt đầu bài học”. Một câu nói như thế chắc chắn sẽ khơi gợi sự tò mò đọc sách của học trò. Nếu giờ học nào ở môn nào các thầy cô cũng chia sẻ với học trò về những cuốn sách mình đang đọc thì nhất định sẽ nâng cao được sự chú ý của học trò về sách. Như vậy, đọc sách ở nhà trường nên chăng bắt đầu trước hết từ thầy cô. Tôi nhớ một câu của Karl Marx: “Người đi giáo dục cũng cần phải được giáo dục”. Thầy cô không đọc hoặc ít đọc sách ngoài giáo trình hoặc sách giáo khoa thì làm sao khơi gợi, thúc đẩy học trò thích sách, đọc sách được. Ngược lại, họ sẽ khó đối thoại ngoài giờ học với học trò.
Theo nghĩa triết học thì văn hóa đọc được hiểu là “một không gian xác định, một môi trường toàn vẹn sinh ra bởi hiện tượng đọc nhằm đạt tới sự hài hòa về tinh thần và trí tuệ của cá nhân” (T.G.Galaktionova. Việc đọc của học sinh như một hiện tượng mang tính xã hội-sư phạm của nền giáo dục mở, 2007). Khái niệm “văn hóa đọc” có thể định nghĩa như là năng lực cảm thụ, hiểu biết và phân tích thông tin ngôn từ được trình bày trong các dạng hình thức khác nhau: viết, in, điện tử (R.F.Pertsovskaya. Sự phát triển văn hóa đọc, cơ sở hình thành tư duy sáng tạo, 2013). Như vậy, văn hóa đọc như một hiện tượng văn hóa-xã hội có cơ sở là quá trình hoạt động nhận thức sẽ quy định trình độ phát triển trí tuệ và tinh thần của xã hội.
Văn hóa đọc có mấy đặc điểm. Thứ nhất là tính mục đích. Độc giả có trình độ văn hóa đọc cao sẽ biết chọn sách theo mục đích đọc của mình, không dàn trải mà tập trung. Đặc điểm thứ hai là tính toàn diện, để đạt được mục đích của mình độc giả có thể đọc nhiều loại sách khác nhau về cùng một chủ đề. Đặc điểm thứ ba là tính kế hoạch theo nguyên tắc từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Cái đọc sau mở rộng và đào sâu tri thức thu được từ cái đọc trước. Điều này rất quan trọng ở trong nhà trường phổ thông, khi các học trò chỉ mới ở lứa tuổi bắt đầu phát triển tư duy.
Nhưng văn hóa đọc chỉ có hiệu quả khi có kỹ năng đọc. Và đây là cái cần thiết rèn luyện cho các độc giả trẻ tuổi. Kỹ năng ở đây được hiểu là thói quen đọc một mình, đọc không quá chậm, biết lập đề cương những cái đã đọc, biết ghi chép, tóm tắt nội dung sách, biết sử dụng các sách công cụ hỗ trợ. Trong thời đại tin học thì kỹ năng đọc còn là sự biết thao tác máy tính để tìm sách, liên kết các nguồn tư liệu, tìm thông tin. Nhờ các kỹ năng này độc giả đọc nhanh hơn, nắm vững hơn những cái mình đọc được. Hiện nay văn hóa đọc được kết tập và trở thành cơ sở của cái gọi là văn hóa thông tin, tức là văn hóa thời đại tin học thì việc có được những kỹ năng hiện đại càng cần thiết.
P.X.N