31-03-2025 - 10:22

Đóng góp của Nguyễn Huy Quýnh trong việc xác lập chủ quyền biển đảo thế kỷ XVIII

ĐÓNG GÓP CỦA NGUYỄN HUY QUÝNH TRONG VIỆC XÁC LẬP CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO THẾ KỶ XVIII

 

TS. Đặng Như Thường

   SV. Lào Văn Châu, Lê Thị Ngọc, Nguyễn Xuân Đức*

 

 

Khi nhắc đến 4 chữ “Nguyễn Huy - Trường Lưu”, chúng ta nghĩ ngay đến dòng họ khoa bảng lâu đời, không chỉ có tiếng ở vùng đất Nghệ Tĩnh mà đây còn là cái nôi sản sinh ra nhiều bậc hiền tài đất nước. Tiêu biểu như: Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Cẩn… Trong đó, phải kể đến Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh với những đóng góp to lớn trong việc xác lập chủ quyền chủ quyền biển đảo thế kỷ XVIII.

Nhà thờ họ Nguyễn Huy - Trường Lưu

1. Vài nét về Nguyễn Huy Quýnh

Nguyễn Huy Quýnh (1734 - 1785), người làng Trường Lưu (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Thuở nhỏ, ông vừa đi học, vừa tham gia giảng dạy và có đóng góp trong việc soạn sách, in ấn tài liệu cho Thư viện Phúc Giang1. Năm Nhâm Thìn (1772), Nguyễn Huy Quýnh đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ đồng xuất thân. Ông làm quan đến chức Hàn lâm thị chế. Khi quân chúa Trịnh tiến đánh Thuận Hóa, Nguyễn Huy Quýnh được cử giữ chức Đốc thị đạo Thuận Quảng (1785), sau đó mất trong quân ngũ.

Tuy tham gia quan trường khá ngắn, nhưng Nguyễn Huy Quýnh đã trở thành tấm gương cho hậu thế. Việc được cử vào Thuận Hóa làm Đốc thị Thuận Quảng, kiêm Đề đốc học chính, chứng tỏ ông là người có uy tín trong giới học quan thời bấy giờ. Chính trong khoảng thời gian ngắn ở Thuận Quảng, “Nguyễn Huy Quýnh đã dựa vào kiến thức thực tế và một số tài liệu khác để tập hợp lại, biên soạn nên tác phẩm Quảng Thuận đạo sử tập”.2

2. Quảng Thuận đạo sử tập và những ghi chép về biển đảo

Quảng Thuận đạo sử tập là tập sách có nhiều tư liệu quý hiếm về Trường Sa, Hoàng Sa. Tập sách có 13 tờ nội dung, 34 tờ bản đồ. Nội dung của Quảng Thuận đạo sử tập bao gồm: 1. Các tuyến đường đi (đường bộ, đường thủy), khởi đầu từ xứ Thuận Hóa đến phủ Gia Định; 2. Mô tả sơ lược về lịch sử các xứ, phủ, trấn thuộc Đàng Trong, gồm các xứ Thuận Hóa, xứ Quảng Nam, phủ Bình Thuận, phủ Gia Định; 3. Thống kê các dinh phủ, quân doanh, chỗ đóng quân, kho tàng của họ Nguyễn xưa; 4. Ghi chép về các dịch trạm, bến đò, sở tuần, chùa quán, lâm thổ sản, thuế lệ xứ Đàng Trong; 5. Ghi chép về thời gian các chúa Nguyễn quản lý, sắp đặt diên cách vùng đất mới; 6. Hệ thống bản đồ gồm 57 bản đồ vẽ chi tiết vùng đất từ Quảng Bình đến Gia Định. Trên bản đồ thể hiện rõ các đường đi, vị trí các dinh phủ, chùa quán, xã thôn, động, man, sách... Mỗi vị trí đóng quân của chúa Nguyễn được vẽ cụ thể. Bản đồ giúp chúng ta hình dung diện mạo khu vực Đàng Trong thời điểm năm 1785.3

Theo các nhà nghiên cứu, Quảng Thuận đạo sử tập là cuốn sách địa chí, lịch sử ghi chép khá kỹ về vùng đất Quảng Nam, Thuận Hóa. Trong đó, hệ thống bản đồ gồm 57 bản vẽ chi tiết từ Quảng Bình đến Gia Định được đánh giá cao về tầm quan trọng trong nghiên cứu vùng đất Đàng Trong cuối thế kỷ XVIII, đặc biệt là những ghi chép về biển đảo.

Thứ nhất, trong Quảng Thuận đạo sử tập có nói về tuyến đường thủy từ đò Ải Vân đến Quảng Ngãi (xứ Quảng Nam) và mô tả hoạt động của đội Hoàng Sa Nhị ở vùng quần đảo Hoàng Sa: Một đường thủy, từ Đò Ải (Vân) đến Cu Đê 3 canh giờ. Từ Cu Đê đến Cửa Hàn (Đà Nẵng) là 3 canh giờ (bên ngoài cửa có hai ngọn Sơn Trà và Hàn Sơn, bên trong có xứ Vũng Lầm, thuyền buôn các nước đậu bên sông, thông đến phố Hội An, vào bằng sông Bến Ván, ra bằng cửa Hạp Hòa). Từ Cửa Hàn [Đà Nẵng] đến Cửa Đại Chiêm là 4 canh giờ (ở đây có núi Cù Lao, phường Tân Hội, có dân ở, thuyền buôn đậu rất nhiều). Từ Cửa Đại Chiêm đến Cửa Hạp Hòa là 4 canh giờ. Từ Cửa Hạp Hòa đến Châu Ổ là 3 canh giờ. Từ Châu Ổ đến Đà Diễn là 3 canh giờ. Từ Sa Kỳ đến Quảng Ngãi là 3 canh giờ (bên ngoài có đảo Cù Lao Ré, trên núi (đảo) có dân cư, gọi là xã An Vãng, sản xuất nhiều dầu phượng…, xã này lập đội thuyền là đội Hoàng Sa hai, hàng năm thuyền tám chiếc ra biển, đến xứ Hoàng Sa, lấy châu báu hàng hóa, đem về nạp tại dinh Phú Xuân, tháng 4 ra đi, tháng 7 lại trở về). Thêm vào đó, tờ bản đồ chép: “Cù Lao Ré: Dân xã Yên Vãng cư trú, sản xuất dầu phụng, giỏi việc dệt tơ. Xã ấy lập riêng làm đội Hoàng Sa Nhị. Hàng năm, thuyền 8 chiếc lại ra biển thu lượm hàng hóa, châu báu đem về nạp tại Phú Xuân4. Ghi chép trên cho thấy, trước khi Nguyễn Huy Quýnh viết Quảng Thuận đạo sử tập, đã có sự tồn tại của đội Hoàng Sa Nhị.

Thứ hai, trong các tờ bản đồ của Quảng Thuận đạo sử tập chỉ có duy nhất tấm bản đồ về Cù Lao Ré mới được vẽ và ghi chú chi tiết vậy. Chứng tỏ, hải đội Hoàng Sa và hoạt động của đội đã trở thành một bộ phận quan trọng của xứ Đàng Trong. Trải qua thời gian, đội Hoàng Sa vẫn tiếp tục hoạt động, thiết chế ngày càng chặt chẽ. Đến thời Nhà Nguyễn, sau khi lên ngôi một năm, Gia Long ra chỉ dụ cho đội Hoàng Sa tiếp tục hoạt động trở lại (1803), đồng thời cho thuỷ quân đi cùng đội Hoàng Sa (1816). Đặc biệt thời Minh Mạng, triều đình sai Chánh đội trưởng suất đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật ra “xem xét, đo đạc, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền tại Hoàng Sa” (1836). Những hoạt động đó đã trở thành lệ thường hàng năm. Vì thế, khi vẽ bản đồ hay ghi chép về xứ Đàng Trong, các tác giả đã không bỏ sót khu vực quan trọng như “Bãi cát vàng”. Điều này lý giải vì sao Quảng Thuận đạo sử tập lại ghi chép cụ thể, chi tiết về biển đảo.

3. Những giá trị lịch sử của Quảng Thuận đạo sử tập

* Tư liệu quý ghi chép về biển đảo cuối thế kỷ XVIII

Quảng Thuận đạo sử tập chép về vùng đất Thuận Quảng, trong đó đề cập đến Hoàng Sa, Trường Sa và những hoạt động khai thác trên biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong đó, Hoàng Sa được ghi chép với tên gọi “Bãi cát vàng”; “Trường Sa Chử” cũng được nhắc đến. Như vậy, giống như nhiều thư tịch cổ khác, Quảng Thuận đạo sử tập cũng có những ghi chép, mô tả liên quan đến vùng biển Việt Nam thế kỷ XVIII.

1. Ghi chép về các tuyến đường biển từ xứ Thuận Hóa vào phủ Gia Định một cách rõ ràng về địa điểm, thời gian di chuyển từ điểm này đến điểm khác, trên đường sẽ qua những cửa biển nào, đặc điểm từng cửa biển… Từ xứ Thuận Hóa vào xứ Quảng Nam phải đi qua 20 cửa biển, từ cửa Ma Ly đến cửa Ba Thắc (Gia Định) có 10 cửa biển.5

2. Ghi chép cụ thể về hải đội Hoàng Sa và những hoạt động khai thác biển của cư dân. Đáng chú ý hơn cả là tập sách đã mô tả rõ nét hoạt động của hải đội Hoàng Sa và cư dân, bao gồm: địa điểm, khoảng thời gian hoạt động cụ thể, thời gian đi và về.

3. Khẳng định hoạt động giao thương của người Việt với nước ngoài. Theo Quảng Thuận đạo sử tập, tại các cửa biển Việt Nam, luôn có nhiều thuyền buôn nước ngoài tụ tập buôn bán, trao đổi hàng hóa: Ở xứ Vũng Lấm (Cửa Hàn), “thương thuyền các nước đậu trên sông”; Cửa Đại Chiêm “thương thuyền đậu rất nhiều”6 … Qua đó chứng tỏ, cuối thế kỷ XVIII người Việt đã chú trọng khai thác biển để phục vụ giao thương.

* Bổ sung ghi chép về biển đảo của các tác gia đương thời

Trong Phủ biên tạp lục chép: Phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh ở gần biển… Các thuyền ngoại phiên bị bão thường đậu ở đảo này. Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy… Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về.7 Qua đối sánh hai tác phẩm cho thấy: nếu Phủ biên tạp lục chỉ cho biết thời chúa Nguyễn có đội Hoàng Sa, chứ chưa rõ là mấy đội, thì Quảng Thuận đạo sử tập đã xác nhận có đội Hoàng Sa Nhị hàng năm từ tháng 4 đến tháng 7, làm nhiệm vụ thu thập các hàng hóa, châu báu tại xứ Hoàng Sa đem nộp tại dinh Phú Xuân. Như vậy, Quảng Thuận đạo sử tập đã cho biết thêm thông tin vào thời chúa Nguyễn, ít nhất tồn tại 2 đội Hoàng Sa.

Bên cạnh đó, so với Giáp Ngọ niên bình Nam đồ8 của thời kỳ trước, ghi chép về đội Hoàng Sa Nhị dù khá ngắn nhưng đã thấy rõ hơn hoạt động khai thác kinh tế. Đặc biệt, những ghi chép về đội Hoàng Sa của Nguyễn Huy Quýnh gần như đồng nhất với Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, cụ thể: Giữa biển có một quần đảo dài 400 lý và rộng 200 lý có tên là Bãi cát vàng nhô lên từ đáy biển hướng về phía duyên hải giữa hai cảng Đại Chiêm, Sa Vinh. Vào mùa mưa Tây Nam, các thuyền buôn từ các quốc gia khác nhau qua lại gần bờ thường bị đắm ở các khu vực quần đảo này... Mỗi năm trong suốt tháng cuối của mùa đông, các chúa Nguyễn đều phái tới đảo này một hạm đội gồm 18 tàu buồm để vớt các chiếc tàu đắm. Họ thu được rất nhiều tiền bạc, súng ống và đạn dược. Từ cảng Đại Chiêm phải đi mất một ngày rưỡi mới đến quần đảo này, trong khi chỉ mất có một ngày nếu đi từ Sa Kỳ...9 Tuy nhiên, Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư mới chỉ miêu tả về Bãi cát vàng mà chưa ghi rõ quê hương của đội Hoàng Sa Nhị; trong khi Quảng Thuận đạo sử tập lại ghi rõ đội Hoàng Sa Nhị thuộc xã An Vãng (An Vĩnh) và sau khi thu thập mọi thứ hàng hoá sản vật đều phải quay về nạp tại kinh đô Phú Xuân. Điều này cho thấy rõ hơn mối quan hệ giữa đội Hoàng Sa và chính quyền Đàng Trong. Mặt khác, cả hai tập sách đều nhắc “Cửa Đại Chiêm” (nay là Cửa Đại, Quảng Nam) - cửa sông thông ra biển, tạo nên khu vực giao thương sầm uất của “Quảng Nam quốc” thời kỳ chúa Nguyễn.

Cuối cùng, trong Lịch triều hiến chương loại chí, khi nói về Trường Sa, Hoàng Sa cho biết: Xã An Vĩnh, huyện Bình Dương ở gần biển, ngoài biển phía Đông Bắc có đảo, nhiều núi linh tinh... Các thuyền buôn khi gặp gió thường nấp vào đảo này… Các đời Chúa đặt đội Hoàng Sa 70 người, người làng An Vĩnh thay phiên nhau đi lấy những hải vật. Hàng năm cứ đến tháng 3, khi nhận được lệnh sai đi, phải đem đủ 6 tháng lương, chở 5 chiếc thuyền nhỏ ra biển, 3 ngày 3 đêm mới đến đảo ấy... Đến tháng 8 thì đội ấy lại về, vào cửa Yên Môn (Thuận An) đến thành Phú xuân, đưa nộp10. Nghĩa là Lịch triều hiến chương loại chí cũng giống Quảng Thuận đạo sử tập đều ghi chép về đội Hoàng Sa và hoạt động của cư dân trên biển. Tuy nhiên, ghi chép của Quảng Thuận đạo sử tập về quá trình hoạt động của cư dân và hải đội Hoàng Sa tỉ mỉ hơn.

Như vậy, nếu ghi chép về biển đảo của các tác gia đương thời chỉ có toàn văn viết miêu tả hay các tập bản đồ chỉ có phần đồ bản, thì Quảng Thuận đạo sử tập vừa có văn viết, vừa có đồ bản. Đây là sự kết hợp giữa ghi chép về địa chí với bản đồ, thể hiện sự sinh động giữa mô tả và hình ảnh, với công năng không kém những bộ địa chí lớn. Do vậy, Quảng Thuận đạo sử tập được xem là tác phẩm có giá trị cao về lịch sử, bổ sung thêm những ghi chép về biển đảo của các tác gia đương thời.

* Bằng chứng lịch sử góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay

Hiện nay, tầm quan trọng của biển đảo đã dẫn đến những tranh chấp căng thẳng của các quốc gia trong khu vực, nhằm khẳng định vị trí và chủ quyền đối với Biển Đông. Đối với Trung Quốc, Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, tranh chấp trên biển thể hiện rõ nét nhất ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những tranh chấp căng thẳng trên biển đòi hỏi các quốc gia phải đưa ra những chứng cứ xác thực, tư liệu pháp lý nhằm khẳng định chủ quyền của quốc gia, dân tộc đối với biển đảo.

Từ thực tế trên, Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo và tập hợp nhiều tài liệu về biển đảo. Trong đó, các thư tịch, bản đồ cổ là minh chứng quan trọng góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Với Quảng Thuận đạo sử tập, hoạt động trên biển của Việt Nam thời kỳ chúa Nguyễn được ghi chép tỉ mỉ, góp phần khẳng định Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với Biển Đông ít nhất là từ thế kỷ XVIII. Hơn thế, tập sách còn chú trọng đến Thuận Quảng - vùng đất có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trực thuộc; đồng thời, ghi chép về những tuyến đường đi, thời gian di chuyển qua các khu vực, cửa biển và những hoạt động của hải đội Hoàng Sa. Đặc biệt nhất là ghi chép về những lần chúa Nguyễn sai hải đội Hoàng Sa ra biển tuần tra kiểm soát và những lần sai cư dân ra biển tìm kiếm sản vật quý hiếm nạp về Phú Xuân, góp phần khẳng định rõ hơn quá trình xác lập, thực thi chủ quyền đối với biển đảo Việt Nam. Vì thế, Quảng Thuận đạo sử tập là một trong những tài liệu cổ có giá trị lịch sử và thời đại cao, góp phần làm sáng tỏ quá trình xác lập chủ quyền biển đảo Việt Nam trong lịch sử.

4. Kết luận

Thứ nhất, Quảng Thuận đạo sử tập của Nguyễn Huy Quýnh là một trong những tài liệu cổ ghi chép lại quá trình xác lập và thực thi chủ quyền biển đảo của Việt Nam thời kỳ chúa Nguyễn. Đây là tác phẩm có giá trị to lớn, chứa đựng nhiều tư liệu quý về biển đảo nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng. Vì thế, đây là minh chứng sắc bén khẳng định Việt Nam có quá trình lịch sử lâu đời trong việc xác lập và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Thứ hai, các bằng chứng lịch sử mà Việt Nam thu thập được rất phong phú, đặc biệt là chính sử đủ để chứng minh quá trình khai thác các tiềm năng từ biển, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam trong lịch sử. Trong đó, Quảng Thuận đạo sử tập là một trong những thư tịch cổ có giá trị to lớn về mặt pháp lý, thể hiện đóng góp của Nguyễn Huy Quýnh trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam hiện nay.

_____________

* Khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh

1. Nguyễn Huy Mỹ, Nguyễn Thanh Tùng (2012), Nguyễn Huy Quýnh - Cuộc đời và thơ văn, Nxb Lao Động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, tr.14.

2. Trần Mạnh Cường (2015), Tư liệu Hoàng Sa - Trường Sa năm Giáp Ngọ, Tạp chí Khoa học Xã hội Nhân văn Nghệ An, số 4. 

3. Trần Văn Quyến (2013), Hoàng sa trong Quảng Thuận đạo sử tập của Nguyễn Huy Quýnh, Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, số 41, tr.48 - 49. 

4. Nguyễn Huy Quýnh (2018), Quảng Thuận đạo sử tập, Nxb. Đại học Vinh, Nghệ An, tr.86.

5. Quảng Thuận đạo sử tập, Sđd, tr.23.

6. Quảng Thuận đạo sử tập, Sđd, tr.23.

7. Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.154 - 155.

8. Giáp Ngọ niên bình Nam đồ là tác phẩm do Đoan Quận công Bùi Thế Đạt vẽ và dâng lên chúa Trịnh Sâm năm Giáp Ngọ (1774).

9. Trần Tử Quang (2013), Ngưi Ngh viết v Hoàng Sa Trưng Sa, Thông tin Khoa học Công nghệ Nghệ An, số 1+2.

10. Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, tập1, Nxb. Giáo dục, tr.197.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Trần Mạnh Cường (2015), Tư liệu Hoàng Sa - Trường Sa năm Giáp Ngọ, Tạp chí Khoa học Xã hội Nhân văn Nghệ An, số 4. 

2. Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

3. Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

4. Nguyễn Huy Mỹ, Nguyễn Thanh Tùng (2012), Nguyễn Huy Quýnh - Cuộc đời và thơ văn, Nxb Lao Động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.

5. Nguyễn Huy Quýnh (2018), Quảng Thuận đạo sử tập, Nxb. Đại học Vinh, Nghệ An.

6. Trần Văn Quyến (2013), Hoàng sa trong Quảng Thuận đạo sử tập của Nguyễn Huy Quýnh, Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, số 41. 

7. Trần Tử Quang (2013), Ngưi Ngh viết v Hoàng Sa Trưng Sa, Thông tin Khoa học Công nghệ Nghệ An,  số 1+2.

. . . . .
  00:00           
00:00
 
00:00