Đất nước của Nguyễn Đình Thi, cùng với một số bài khác của Tố Hữu, Trần Mai Ninh, Hoàng Trung Thông... đã tạo nên một trường thơ khác, thực sự thoát ra khỏi cái bóng đồ sộ của thơ tiền chiến, góp phần tạo nên diện mạo riêng của nền thơ cách mạng Việt Nam thế kỷ 20.
Đất nước - Nguyễn Đình Thi
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa.
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Nhưng phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng nghe vui giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha.
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa.
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Từ những năm đau thương chiến đấu
Đã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn...
Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Đứa đè cổ, đứa lột da.
Xiềng xích chúng bay không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà.
Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những ngươi áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng.
Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh.
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa!
(1948-1955)
Nguyễn Đình Thi đặt bút viết bài thơ này năm 1948, khi cuộc kháng chiến chống Pháp mới bắt đầu chưa được bao lâu, tình thế đất nước còn rất khó khăn, những vùng đất thuộc về ta vẫn chủ yếu là rừng núi và một ít đồng bằng mà bây giờ ta gọi là “vùng sâu vùng xa”. Chỉ có thế thôi. Nhưng đọc bài thơ ta không thể không nhận ra một tâm thế rất lạ: toàn bộ bài thơ phơi phới một niềm lạc quan, một niềm tin không gì lay chuyển vào con đường đi và tương lai tất thắng của dân tộc, của đất nước. Toàn bộ niềm tin ấy, tình cảm ấy được hòa tan trong mỗi câu mỗi chữ, đặc biệt là nó vang lên trong một giọng điệu hào sảng là ấn tượng mạnh mẽ và mới mẻ đủ sức cắm một cột mốc khởi đầu cho một trong những dòng thơ chủ đạo xuyên suốt thế kỷ 20 - dòng thơ viết về cuộc chiến đấu trường kỳ chống xâm lăng, giành độc lập, tự do cho đất nước và nhân dân.
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa.
Cái hay của những câu thơ này đã đành là sự đóng góp của tài nghệ xử lý từ ngữ, hình ảnh và âm thanh của tác giả, nhưng rõ ràng, sức lay động và truyền cảm to lớn của nó chủ yếu nằm ở chất liệu của hồn người mà ở đây là một phong thái tự chủ, tự tại của một con người khi đã thấm nhuần đến máu thịt những chân lý sống cao cả. Bởi thế mỗi lời thơ ở đây đều trong suốt, đều được thốt ra tự nhiên như không:
Mùa thu nay khác rồi...
Câu thơ như một khẩu ngữ, chẳng thấy dấu vết niêm luật, thậm chí cũng chẳng có vẻ gì là một câu thơ. Cái ranh giới giữa hồn nhiên hợp lý và tùy tiện cẩu thả trông bề ngoài rất dễ lẫn vào nhau, nhưng thực ra là khác nhau một trời một vực. Được bảo lãnh bởi một nội lực có thật đằng sau, câu thơ ung dung thốt lên một chân lý, gọn và đủ, người đồng cảm và đồng điệu sẽ dễ dàng tiếp nhận lấy như không thể khác. Có lẽ đó cũng là phong cách thơ Nguyễn Đình Thi, bởi nó được sử dụng nhất quán ở nhiều bài khác nữa của ông. Những câu thơ của Nguyễn Đình Thi luôn gợi ta đến hình ảnh những nhà lực sĩ có hạng, những người có thể nhấc trên vai hàng trăm cân mà nét mặt vẫn tươi tỉnh, không hề biến sắc:
Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Đứa đè cổ, đứa lột da.
Và đỉnh cao nhất của thứ ngôn ngữ “lực sĩ” - vừa chắc nịch, cuồn cuộn vừa mềm mại, thả lỏng ấy chắc hắn là ở bốn câu kết mà đỉnh của đỉnh chính là câu cuối cùng:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa!
Hiệu quả của hình ảnh, của âm thành đã đạt đến tột bậc, xứng đáng với hào khí của cả một dân tộc đang vùng lên giành lại độc lập, tự do và cũng xứng đáng được xếp vào hàng những áng “thiên cổ hùng văn” của lịch sử văn học nước nhà.
Rõ ràng, nếu đem so sánh với một số tác phẩm thơ ra đời cùng thời gian mà cách cảm cách viết còn nhiều duyên nợ với thơ trước cách mạng, thì bài thơ này của Nguyễn Đình Thi, cùng với một số bài khác của Tố Hữu, Trần Mai Ninh, Hoàng Trung Thông... đã tạo nên một trường thơ khác, thực sự thoát ra khỏi cái bóng đồ sộ của thơ tiền chiến và góp phần tạo nên diện mạo riêng của nền thơ cách mạng Việt Nam thế kỷ 20.
Dẫn nguồn: Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội