Tạp chí Hồng Lĩnh số 143 giới thiệu bài viết về chân dung nhạc sĩ Mạnh Chiến của nhà văn Đức Ban.
DƯ ÂM NGÀY THÁNG
(Lời bạt Tuyển tập ca khúc “Nối nhịp thời gian”; Nxb Nghệ An; 2014)
Nhạc sĩ Mạnh Chiến
Tôi biết ông vào năm 1994, trong lần ra Hà Nội nhận giải thưởng hàng năm của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, hồi ấy gọi là Ủy ban toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam do Nhà thơ Cù Huy Cận làm Chủ tịch. Năm đó, ca khúc Tìm về thủa ấy của Mạnh Chiến đạt giải A. Lần gặp ấy bắt đầu cho mối quan hệ bè bạn giữa tôi và ông.
Năm 17 tuổi, Mạnh Chiến đã là diễn viên của đoàn Văn công Hà Tĩnh. 21 tuổi tốt nghiệp trung cấp Violon Trường Âm nhạc Hà Nội, nay là Nhạc Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tám năm sau, tốt nghiệp Khoa sáng tác, lý luận Đại học Văn hóa Hà Nội. Rời ghế nhà trường, năm 1968, Mạnh Chiến đi làm thầy: Giảng dạy ở Trường Văn hóa Nghệ thuật Nghệ Tĩnh. Năm 1990 làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Triển lãm Hà Tĩnh. Từ những năm chiến tranh chống Mỹ và thời hậu chiến, Mạnh Chiến đã là một trong không nhiều các nhạc sỹ ở xứ Nghệ nổi danh: Lê Hàm, Vi phong, Ánh Dương, Quốc Nam, Ngọc Thịnh...
Nhạc sĩ Mạnh chiến (ở giữa) trong chuyến đi thực tế sáng tác của đoàn văn nghệ sĩ Hà Tĩnh tại tỉnh Nghệ An
Gương mặt khả ái, với giọng Basso ấm áp anh xuất hiện ở nhiều nơi và bao giờ cũng trở thành trung tâm chú ý của đám đông. Một lần nhìn dáng vẻ trang nhã có chút chải chuốt của Mạnh Chiến tôi nói đùa, cái tên ông xưng lên cứ nghe loảng xoảng như kim khí ấy. Mạnh Chiến cười hiền nói, lúc mới sinh ốm đau quặt quẹo, cha mẹ mới cho hai chữ Mạnh và Chiến, như là một ước mong về sự mạnh khỏe, can trường vậy. Lặng một lúc rồi ông phán thêm rằng, cái tên ấy đã giúp ông vượt qua bao nỗi thăng trầm, bao nhiêu tình thế của thời cuộc … Nỗi thăng trầm, tình thế của thời cuộc, Mạnh Chiến nói ấy nằm trong những gian nan của gia đình, của đời sống xã hội: Nắng mưa, lửa nung, gót chân trần, đá mòn. Mẹ còng lưng mẹ oằn vai gánh vui, buồn, khổ đau, gánh hai đầu non nước... nằm trong những khát khao, ước nguyện: Khi mùa đông qua, câu thề ấm lại, người lính mang theo điệu ví giặm bên mình. Khắc đậm nghĩa tình cho câu hát bình yên... Trong cuộc sống triền miên “cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia”, người ta đợi chờ mong ngóng, tìm kiếm “bao niềm khát vọng dấu trong hoang sơ những câu hát ngân trong vòng tay mẹ”. Ấy là thao thức của nhiều người. Sức sáng tạo của Mạnh Chiến từ những thao thức trên, từ cội nguồn âm nhạc dân gian với các làn điệu cổ truyền và một hiện thực sinh động với “áo nhuộm nâu sồng. Mặn chát, đục trong neo vào tấm lòng. Bão tố cuồng phong, lưng còng chắn gió ...”. Trong cõi nhân sinh đục, trong, giữa thiên nhiên khắc nghiệt vẫn “nụ hôn đầu, giọt nước mắt,nụ cười, áo nâu non, trầu cánh phượng, giải yếm đào đến nắng đỏ đồng, mưa thâm bùn non, đến câu ca trù làng Cổ Đạm hòa trong câu Kiều tím cả bầu trời, đến dòng sông Lam, dãy Ngàn Hống…”
Mạnh Chiến chọn được những câu ca từ đầy chất trữ tình, tinh tế, đằm thắm: “Sông Lam vấn vít non Hồng/ Hèn chi cò trắng phải lòng ca dao/ Giếng làng long mạch Tả Ao/ Cây thông biết mọc thế nào là thơ/. Rồi: Trăng Phường vải/ gió đò đưa/ Mưa mai lục bát/ nắng trưa ca trù.”
Mạnh Chiến bảo những ca từ ấy đọng trong đâu đấy lòng anh, từ thuở nào đấy rồi gặp được nhịp điệu ca trù với âm thanh của đàn đáy, của phách, của trống chầu, cùng phong vị các làn điệu dân gian mà nên âm nhạc. Từ đầu năm 2002, Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo đã viết về Mạnh Chiến thế này: “Những âm hưởng dân ca xưa Nghệ bám riết lấy người nhạc sỹ này và nhập vào âm nhạc của anh thật sáng, thật trong và cũng thật mãnh liệt. Dường như ngọn lửa trong trái tim anh cháy sáng niềm khát khao tình yêu không bao giờ tắt. Nhờ thế mà âm nhạc của anh tràn trề sức sống trẻ trung.”
Nhiều lần tôi cứ mường tượng những lần Mạnh Chiến về quê Nghi Xuân, chân trần lội qua cồn cát, xuống ruộng ngấu bùn non, về ngồi uống chè xanh với dân làng dưới gốc tre làng Tả Ao, nơi bến Giang Đình bên bờ sông Lam nghe ví đò đưa, hát giặm, lẩy Kiều... Rồi thì thao thức mà viết nên Vọng bến quê: Ai thả cánh buồm xuôi tận biển khơi để vương trong em một thời bến nhớ, Sóng nước sông Lam in thành hơi thở để một đời thơ nặng ân tình, non nước hết đơn côi, vọng câu Kiều nơi bến cũ Nghi Xuân...
Và hầu hết những ca khúc của Mạnh Chiến từ ngôn ngữ với tính biểu hiện và chất trữ tình của ca từ, khúc thức, giai điệu với những biến tấu phức tạp nhưng chân thành, giản dị của âm nhạc, đem đến cho người nghe bao nhiêu nông nỗi đẹp và buồn. Sự chân thực, sự lịch lãm, sự trải biết đã giúp âm nhạc ông giữ mãi dư âm trong lòng công chúng.
Làm văn chương nghệ thuật không thể có ai cả đời rực rỡ toàn những tác phẩm hay. Huống hồ Mạnh Chiến còn gánh trên vai cái chức phận một công chức, cái vai trò trách nhiệm của một Giám đốc một cơ quan với chức năng chính là tuyên truyền, động viên quần chúng nhân dân thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị. Tôi từng nghĩ rằng, cái hay là ở đó và cái dở cũng ở đó, nó không buông tha ông. Những ca khúc ra đời vội vàng cho kịp kỳ Hội thi, Hội diễn, những ca khúc mở, kết cho một đêm diễn phục vụ kỷ niệm này, tổng kết nọ nói là không hay thì chưa hết nhẽ, nhưng nghe thấy trống chỗ này, hụt hẫng chỗ kia. Mạnh Chiến chỉ thật riêng khi gắn bó máu thịt với miền quê dưới chân núi Hồng, dọc bờ bãi sông Lam, đậm đà và giàu có âm nhạc dân gian đã thành khao khát, thành ước vọng thiết tha và day dứt nữa trong tâm hồn ông. Ra khỏi nó Mạnh Chiến gặp ngay những bước đi chông chênh và để giữ cho bước đi vững anh phải vay mượn chất liệu âm nhạc và cả những ca từ khô xác. Trái tim yêu nước trên tàu LatutsTorevinl, Đến Huế… May thay không nhiều những ca khúc như thế. Vui thay anh rời ghế quan trường khi sức khỏe và năng lực sáng tạo còn dồi dào và nhất là vẫn nghe âm nhạc của ông xuất hiện thường xuyên trên làn sóng phát thanh, truyền hình, ở những lễ kỷ niệm, những cuộc Hội thi, Hội diễn, ở những quán cafe bè bạn ...Và vẫn thấy bộ áo quần trắng, mắt long lanh có cái gì đó gì đó giăng hoa...
Đến nay, năm 2015 này, Mạnh Chiến đã có tới 200 tác phẩm âm nhạc được xuất bản ấn hành với nhiều giải thưởng, huy chương vàng, bạc... của TW của tỉnh, của Bộ này, ngành nọ...Trong âm nhạc có vài ba tác phẩm đi cùng năm tháng, đọng lại trong tâm hồn công chúng đã là quý lắm, đáng tự hào lắm. Mạnh Chiến đã làm được như thế, tiếc là cuộc đời chưa mở rộng “vòng tay” với ông. Tôi nói với Mạnh Chiến vậy, ông nghe, trầm ngâm... Rồi bất ngờ cất giọng Basso hát một quãng trong bài Lửa trái tim: “Lặng nghe nhịp thời gian lắng trôi vào nỗi nhớ. Để lại mùa thu lá bay tràn qua phố. Dư âm tháng ngày...”
Tôi im lặng nghe ông hát...
Đ.B