17-02-2019 - 10:05

Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III

Sáng 16-2-2019, tại Hà Nội, Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III đã được khai mạc trọng thể tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt - Xô.

Đây là hai nội dung quan trọng trong khuôn khổ chương trình Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII-2019.  Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TW và đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư TW Đảng, Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đến dự. Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành trung ương và TP Hà Nội; các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, dịch giả trong nước và gần 200 nhà thơ, dịch giả đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đoàn Chủ tịch Hội nghị

Thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã phát biểu khai mạc Hội nghị, nhiệt liệt chào đón và cảm ơn các nhà thơ trong nước và quốc tế đã có mặt tại Hà Nội để tham gia sự kiện văn học này. Trong nhiều năm của thế kỷ trước, các nhà văn thế giới đã có nhiều sáng kiến và bằng nhiều hình thức đoàn kết sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc; nhiều nhà văn do ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của Việt Nam mà đã bị cầm tù, anh dũng hy sinh như những chiến sĩ ngoài mặt trận. Nhân dân Việt Nam luôn luôn biết ơn những chiến sĩ quốc tế cao cả đó, coi đó cũng là những người hy sinh vì nền độc lập và tự do của Việt Nam.

Lời khai mạc của nhà thơ Hữu Thỉnh cũng đã khái quát một số vấn đề về tình hình văn học Việt Nam đương đại và công tác giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới. Theo đó, gần 20 năm trôi qua kể từ hội nghị Quảng bá văn học lần thứ nhất tổ chức năm 2002, đến nay đã có thêm nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và xuất bản tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và được đón nhận một cách trân trọng. Trong đó có các tác phẩm được tặng giải thưởng tại các Hội chợ sách quốc tế hoặc của các Nhà xuất bản, các tổ chức văn học quốc gia... Tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được dịch và xuất bản tại các quốc gia Mỹ Latin. Ngoài sách văn học, các tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của Tổng Bí thư-Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng... đã được dịch và xuất bản tại một số nước.  Nhiều tạp chí văn học lớn của thế giới đã ra số đặc biệt về văn học Việt Nam; thêm nhiều giáo trình về văn học Việt Nam được giảng dạy ở các trường đại học lớn trên thế giới. Số sách văn học Việt Nam trong thư viện các trường đại học lớn của nhiều nước tăng nhanh với tốc độ đáng mừng. Song song với các hoạt động dịch thuật và xuất bản, việc trao đổi các đoàn nhà văn thăm viếng giao lưu và tìm hiểu sáng tác về đất nước của nhau cũng diễn ra nhiều hơn và đạt được những kết quả đáng phấn khởi.

Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: Với tinh thần mở cửa đón nhận các giá trị văn học của nhân loại, công việc giới thiệu tác phẩm văn học của thế giới tại Việt Nam chưa bao giờ diễn ra nhộn nhịp, cập nhật và thông thoáng như hiện nay. Sách dịch được bạn đọc Việt Nam đón nhận nồng nhiệt và chiếm một thị phần cao trên thị trường sách cả nước. Văn học dịch cùng với các sản phẩm điện ảnh, âm nhạc đã đặt VN vào tình trạng nhập siêu văn hóa kéo dài khiến các nhà văn và các nhà quản lý văn hóa VN phải nghĩ đến việc lấy lại sự hài hòa trong phát triển văn hóa dân tộc. Sáng kiến tổ chức Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam và Liên hoan thơ quốc tế chính là góp phần lấy lại sự hài hòa đó. Văn học Việt Nam đương đại đang từng bước đổi mới để phản ánh sâu sắc hiện thực đất nước, con người Việt Nam hiện đại và nhân loại trong một thế giới phẳng. Đồng thời, các tác phẩm vẫn gắn bó bền chặt với những giá trị nguồn cội của dân tộc, bổ sung làm giàu có thêm những giá trị văn hóa của nhân loại. Cùng với việc thực thi những quyết sách chiến lược của Đảng và Nhà nước trong tiến trình hội nhâp văn hóa, Hội Nhà văn VN đang xây dựng kế hoạch dài hạn cho việc chọn dịch các tác phẩm văn học Việt Nam ra các ngôn ngữ khác, thông qua công việc của Trung tâm Dịch thuật thuộc Hội Nhà văn VN.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tiếp theo lời khai mạc của nhà thơ Hữu Thỉnh, đại biểu các đoàn nhà thơ Colombia, Lào, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga... và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã phát biểu tham luận bày tỏ sự vui mừng khi tham gia hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III, coi đây là cơ hội để các quốc gia tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, lịch sử của nhau, cùng trao đổi sâu hơn về nghề nghiệp để phản ánh những vấn đề của nhân loại… Nhiều nhà thơ quốc tế đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc trước đây cũng như sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay. Các nhà thơ quốc tế cũng mong muốn văn học Việt Nam cần được giới thiệu rộng rãi với bạn bè quốc tế trong thời gian tới. Tại hội nghị này, cần tập trung thảo luận về một số vấn đề quan trọng và thiết thực, như: Việc biên dịch văn học Việt Nam ra các thứ tiếng; tính khả thi trong việc giao lưu thơ ca quốc tế; giao lưu văn hóa, văn học… Các nhà thơ quốc tế đều nhấn mạnh: Văn học và thơ ca có thể góp phần thay đổi thế giới, vì vậy cần tìm cách làm cho văn học và giao lưu văn hóa trở nên mầu nhiệm hơn, làm cho sức chinh phục của ngôn ngữ ngày càng mạnh mẽ hơn; thông qua giao lưu văn học để gắn kết mọi lương tâm, đẩy lùi mọi hiểm họa, bắt đầu từ con người, vì con người, cho con người…

Các đồng nghiệp VN và quốc tế tham dự Hội nghị cùng chụp ảnh lưu niệm

Sau lễ khai mạc buổi sáng, những vấn đề trên đây được các đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội nghị cùng chủ đề tổ chức buổi chiều cùng ngày tại Nhà khách Chính phủ (37 Hùng Vương – Hà Nội). Đồng thời chiều cùng ngày đã diễn ra các cuộc giao lưu và đọc thơ với các chủ đề “Trên đôi cánh thơ ca” và “Những chân trời thi ca” giữa các nhà thơ quốc tế và Việt Nam với sinh viên các Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội và Đại học sư phạm 1 Hà Nội.

Theo vanvn.net

 

. . . . .
Loading the player...