19-07-2017 - 23:48

Hội thảo "Báo chí Văn nghệ Bắc miền Trung với phong trào xây dựng nông thôn mới"

Sáng ngày 19/7/2017, Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An đã tổ chức” Hội thảo văn nghệ văn nghệ Bắc miền Trung với phong trào xây dựng nông thôn mới”. Tham dự có nhà văn Đỗ Kim Cuông- Phó Chủ tịch Ủy ban liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, lãnh đạo các Hội và Ban biên tập Tạp chí văn nghệ 6 tỉnh Bắc miền Trung.

       Sau chương trình văn nghệ chào mừng của Đoàn ca múa nhạc dân tộc Nghệ An, phát biểu khai mạc của Nhạc sĩ Hoàng Thành - Phó Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Nghệ An, đại diện lãnh đạo, biên tập viên, CTV các Tạp chí đã có các tham luận xung quanh về vai trò và sự góp công của báo chí văn nghệ với chủ đề xây dựng nông thôn mới: Nguyễn Thị Phước,Thạch Quỳ, Văn Hiền ( Sông Lam), Hoàng Công Danh ( Tạp chí Cửa Việt), Lê Na ( Tạp chí Nhật Lệ), Lưu Nga ( Xứ Thanh), Lê Vĩnh Thái ( Sông Hương)…
    Vấn đề chung được mọi người quan tâm là chức năng, nhiệm vụ của báo chí, đặc biệt là báo chí văn nghệ phản ánh về chủ đề nông thôn mới, trong việc tổ chức cho văn nghệ sĩ đi thực tế về nông dân, nông nghiệp, nông thôn, ý thức khai thác hiện thực, sự vào cuộc của các chuyên ngành, thể loại và vấn đề lựa chọn công bố, quảng bá các tác phẩm về đề tài này trên Tạp chí văn nghệ các tỉnh.
       Nhà văn Đỗ Kim Cuông trong phát biểu đã yêu cầu các văn nghệ sĩ có trách nhiệm cao trong khai thác hiện thực của công cuộc xây dựng nông thôn mới. Ông cho rằng, đây là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách nhưng cũng đặt ra những thách thức mới về nhận thức, về khả năng sáng tạo, nắm bắt hiện thực của đời sống nông thôn đang diễn ra nhiều biến động xã hội phức tạp, đa dạng theo cả hai chiều tốt- xấu, có mặt đáng biểu dương khen ngợi song cũng có những mặt cần phê phán”. Mỗi một văn nghệ sỹ cần vượt qua những thách thức đó để đưa đến cho bạn đọc hình ảnh chân thực một nông thôn Việt Nam hôm nay.
Một số hình ảnh về Hội thảo:
 


Nhà văn Nguyễn Thị Phước ( Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An kiêm TBT Tạp chí sông Lam)

 Nhà văn Lưu Nga ( Tạp chí xứ Thanh)

 

Nhà văn Hoàng Công Danh ( Tạp chí Cửa Việt)

Nhà thơ Thạch Quỳ ( Tạp chí sông Lam)
 
 VẺ ĐẸP LÀNG QUÊ TRONG QUY HOẠCH VÀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
 
       Làng quê Việt đã tồn tại hàng ngàn năm với vể đẹp riêng biệt của nó. Vẻ đẹp đó thẩm thấu trong tâm hồn người Việt. Là tình yêu, là tính cách, là tâm linh, là văn hóa, là cách ứng xử với thiên nhiên, con người và xã hội suốt chiều dài hàng ngàn năm biến động của lịch sử. Một câu ca, một làn hát,  một cảnh sắc , một cây đa, một giếng nước, một sân đình, một chiếc cầu đá, một cái cổng gạch, một con đường, một ngõ xóm, một mái mái chùa…đâu đâu cũng gắn bó máu thịt với tình yêu con người trên mảnh đất đó. Vì thế, tôi nghĩ rằng chiến lược quy hoạch và xây dựng nông thôn mới không thể không đề cao ý thức gìn giữ vẻ đẹp làng quê – một vẻ đẹp thẳm sâu trong tâm hồn người dân Việt. Nó là tình yêu quê hương, đất nước, là tính cách, là lối sống tốt đẹp, là tình làng nghĩa xóm ấm áp  rất đáng được trân trọng gìn giữ cho muôn đời sau như ta vẫn thường nói. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới tất nhiên có yêu cầu của nó nhưng việc gìn giữ vẻ đẹp văn hóa làng quê cũng cần phải được đặt vấn đề đúng mức để song song với việc xây dựng cái mới chúng ta  vẫn bảo vệ được tối đa những vẻ đẹp văn hóa làng quê vốn có.
       Ngày xưa việc lập làng, lập ấp có thể có quy hoạch, cũng có thể do tự phát theo yêu cầu ăn ở mà hình thành nên không tránh khỏi sự xếp đặt tùy tiện. Chẳng hạn như đa phần đường làng đều men theo bờ ruộng mà thành nên  quanh co lượn khúc rất bất tiện cho giao thông, đi laị. Chẳng hạn như thời xưa do việc giao lưu bằng đi bộ hay gồng gánh nên  đường trong làng , đường ra đồng, ra ruộng rất hẹp không tiện lợi cho hoạt động của xe cơ giới hay máy móc ngày nay. Vậy thì việc uốn thẳng và mở rộng đường đi lối lại trong quy hoạch nông thôn mới là rất hợp lý. Tuy vậy, có những việc một số địa phương hiện đang làm, rất nên xem xét lại. Chẳng hạn như ở một số nơi người dân rất hăng hái nhiệt tình hiến đất vườn, đất ở của mình cho xã, cho huyện mở những con đường thẳng băng chạy dọc vào giữa các thôn xóm. Điều đó tất nhiên là tốt, là đáng biểu dương nhưng khốn nỗi sau khi mở con đường, thay vì việc chừa đất ra để trồng cây thì người dân lại xây những bức tường bằng bê tông, bằng gạch táp lô bịt kín con đường đó lại! Thế là từ đây, con đường thơ mộng ở các làng quê xưa  bây giờ đã biến thành cái ống,  mùa hè thì nóng như bưng, mùa đông tầm mắt cũng chẳng nhìn thấy gì ngoài gạch và gạch, ba phía một màu xám xịt! Nhân đây, tôi cũng nói thêm về việc lát gạch và trồng cây ở các làng quê ngày xưa để bạn đọc tham khảo. Việc lát gạch đường làng là truyền thống của nông dân bắc bộ. Ở miền bắc, khi trai gái thành hôn, làm lễ cưới , chú rể có nghĩa vụ góp 200 viên gạch để lát một đoạn đường làng , phần để tạ ơn mảnh đất nơi đã sinh ra cô gái vợ mình, phần để làm kỷ niệm dài lâu ngày hạnh phúc của chính mình. Ở miền Trung không có tục lát gạch đường làng nhưng một vài nơi như ở  Nghệ An, Hà Tịnh… lại có truyền thống trồng cây ở hai bên đường làng. Ở một số địa phương trong xứ Nghệ trai gái thành hôn có tục trồng hai cây cau đứng sóng đôi đối diện hai bên đường làng. Sở dĩ trồng cây cau là do sự tích tình chồng nghĩa vợ lấy từ chuyện “Sự tích trầu cau” ở trong chuyện cổ. Khi tôi lớn lên, cho đến khoảng năm 1960, đường làng tôi vẫn nguyên vẹn hai hàng cau xanh tốt, từng đôi, từng đôi một là niềm tự hào của các cặp vợ chồng chung thủy  đã sống cùng nhau cho đến tuổi răng long đầu bạc. Họ luôn tự hào là hai cây cau của họ mãi mãi xanh tươi! Ngày nay trong quy hoạch đường sá ở nông thôn không nhất thiết phải trồng cau nhưng rất nên trồng cây ăn quả, cây bóng mát hoặc cây đặc trưng của quê hương mình, phải tránh đi hiện tượng bê tông hóa phi khoa học và cũng rất thô thiển của hai bờ tường gạch táp lô bịt gió và màu sắc xám xịt! Nói gọn lại là đường làng nên lấy xanh tươi để chống lại xám xịt, lấy sức sống tươi vui chống lại sự ngưng trễ, buồn tẻ. Nông thôn mới phải là nông thôn của sức sống mới chứ không phải là cái nông thôn đô thị hóa, bê tông hóa theo kiểu trưởng giả làm sang học đòi! Chúng ta từng thấy những ngôi nhà sàn, nhà gỗ cực đẹp, cực quý ở các làng quê. Hãy làm cho người nông dân biết của quý mà họ đang nắm trong tay. Từ những bờ tre hùng vĩ, những cồn nghiên, cồn bút ở ngoài đồng, từ cái cổng gạch, cổng ván có khắc ghi câu đối ở trước cửa nhà mình cho đến mảnh sân, mái nhà mang vẻ đẹp cổ truyền giản dị mà độc đáo. Có đôi lúc ta đứng ngẩn ngơ thấy người nông dân phá đi những ngôi nhà cực đẹp để dựng lên cái nhà bê tông cốt thép phá vỡ cả cảnh sắc không gian tươi đẹp của những làng quê mà thấy thật là xót tiếc! Phá đi một cái cầu đá, một cái cổng ván, cổng gạch, một cây đa cổ thụ, một bờ mạn hảo xanh tươi, một bức tường rêu phong cổ kính…thì dễ thôi nhưng nếu chúng ta đánh mất đi những nét đẹp trong phong vị làng quê thì không bao giờ làm lại được. Sự thận trọng trong việc phá  cái cũ để xây cái mới là không bao giờ thừa! Hơn đâu hết, việc quy hoạch và xây dựng nông thôn mới rất cần đến tư duy văn hóa, cảm nhận văn hóa và sự đóng góp ý kiến dân chủ của mỗi người dân khi bày tỏ tình cảm đối với nơi ăn chốn ở của mình. Người dân là chủ của làng, ý muốn của họ rất nên được tôn trọng.
          Nhìn vào nông thôn ngày nay, ta thấy vấn đề vệ sinh môi trường còn nhiều bất cập. Nhiều người có thể bỏ tiền để xây cả cái bờ rào bằng gạch táp lô dài dằng dặc nhưng lại không muốn đầu tư vào việc xây cái nhà tắm, cái hố tiêu tự hoại! Hai bờ sông ở miền Trung, chẳng hạn như sông Gianh, sông Lam, sông Mã… đang có hàng vạn cái hố tiêu sơ sài, mất vệ sinh cứ tuôn thông thống cặn bã rác rưởi bẩn thỉu xuống các giòng sông này! Nên chăng, trong quy hoạch nông thôn mới, cần đặt đúng vị trí của vấn đề vệ sinh môi trường mà cụ thể là cái nhà tiêu, nhà tắm, cái bếp yoga tự hoại?
          Song song với quá trình hiện đại hóa đất nước, nông thôn Việt nam cũng phải là nông thôn sản xuất hàng hóa, nông thôn hiện đại nhưng không vì thế mà chúng ta bê tông hóa, đô thị hóa nông thôn một cách kệch cỡm. Nét đẹp làng quê, phong vị làng quê là tài sản vô giá trong tâm hồn người Việt rất cần được giữ gìn một cách cẩn trọng.
T.Q
 

Các Tạp chí nhận cờ lưu niệm của Ban tổ chức
Bảo Phan- Anh Đức
. . . . .
Loading the player...