Sáng 28-2-2018, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Đổi mới tư duy tiểu thuyết”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chuỗi sự kiện của “Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI” diễn ra từ ngày 27-2 đến ngày 2-3 (Nguyên tiêu Mậu Tuất 2018), hướng tới nâng Ngày thơ Việt Nam thành Ngày văn học Việt Nam hằng năm
Đoàn Chủ tọa điều hành Hội thảo có: Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà phê bình Lê Thành Nghị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận-Phê bình, Hội Nhà văn Việt Nam Khóa IX và Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng. Đông đảo các nhà văn, nhà nghiên cứu-lý luận-phê bình văn học, phóng viên các cơ quan báo chí và công chúng yêu văn học đã đến tham dự.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Báo cáo đề dẫn của Nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhận định: Tiểu thuyết đương đại Việt Nam đang được quan tâm nghiên cứu một cách thích đáng. Vì thực tiễn sáng tác tiểu thuyết hết sức phong phú, vì nó là một đối tượng còn được tiếp tục nghiên cứu không chỉ với tư cách một thể loại rường cột của văn học mà còn là một hình thức nghệ thuật đặc biệt có khả năng lưu giữ hình ảnh lịch sử và là chứng tích tâm hồn người Việt Nam trong một giai đoạn phát triển xã hội chưa từng thấy. Từ nhiều năm nay, tiểu thuyết là là đối tượng nghiên cứu của nhiều công trình chuyên khảo cũng như tiểu luận, phê bình (về thể loại nói chung, về tác giả nói riêng). Điều đó cũng được thể hiện qua số lượng và nội dung của các tham luận tham gia Hội thảo lần này của các nhà văn và nhà nghiên cứu bàn về nhiều vấn đề của của tiểu thuyết vốn được coi là một thể loại nòng cốt, hay còn được gọi là “máy cái” của văn học: Nguyễn Bắc Sơn (Nghĩ và viết về tiểu thuyết của tôi), Trần Mai Hạnh (Về một cách nhìn lịch sử trong tiểu thuyết đương đại),Nguyễn Thế Quang (Đề tài lịch sử và những vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới tư duy tiểu thuyết), Bùi Việt Sỹ (Tiểu thuyết đương đại Việt Nam – Có rừng mà không thấy cây to), Nguyễn Trọng Tân (Tiểu thuyết đang âm thầm trổ hoa kết trái), Phạm Hoa (Hãy viết bằng kinh nghiệm của chính mình), Lê Hoài Nam (Sự mặc cảm “nhà quê” trong tiểu thuyết đương đại Việt Nam), Trần Thanh Cảnh (Viết tiểu thuyết lịch sử), Nguyễn Hiếu (Từ thực tế sáng tác cá nhân nói đến sự đổi mới bút pháp tiểu thuyết), Phong Lê (Về văn học hôm nay – Ghi chép và cảm nghĩ), Lê Thành Nghị (Một thể loại với những đòi hỏi rất cao), Tôn Phương Lan (Tiểu thuyết đương đại – Mấy cảm nhận), Nguyễn Bích Thu (Tiểu thuyết đương đại Việt Nam – Con đường và ngả rẽ), Nguyên An (Phong tục - Thế sự - Đối thoại trong tiểu thuyết đương đại Việt Nam)....
Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tại hội thảo
Hầu hết các ý kiến tham luận đều cho rằng: Khác với truyện ngắn, những thể loại văn học khác, tiểu thuyết cần một cường độ lao động đặc biệt. Viết tiểu thuyết thật sự là cuộc vật lộn đi tìm cái đẹp bởi tiểu thuyết không hề có mô hình có sẵn. Đổi mới tư duy tiểu thuyết chính là đổi mới tư duy của người viết, là lấy con người để làm đích cuối cùng cho mọi sáng tạo nghệ thuật. Thông kê sơ bộ qua 5 lần phát động, cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam (từ năm 1998 đến nay) đã có gần 1.000 tiểu thuyết được in hoặc đang trong dạng bản thảo. Nhưng thực tế, sau gần 20 năm đầu thế kỷ XXI, tiểu thuyết Việt Nam tuy tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu chính đáng của công chúng nghệ thuật. Nhiều vấn đề xung quanh “tương lai của tiểu thuyết được đặt ra và trao đổi tại hội thảo lần này, đó là: Vấn đề kế tục thế hệ; Quan niệm về tiểu thuyết; Đổi mới tư duy tiểu thuyết phải bắt đầu từ đâu?; Những nguyên tắc sáng tạo tiểu thuyết lịch sử; Vị thế của tiểu thuyết tư liệu trong văn học đương đại; Có hay không chủ nghĩa hậu hiện đại trong sáng tác văn chương/tiểu thuyết đương đại Việt Nam?; Xu hướng đối thoại chính trị trong tiểu thuyết đương đại; Kỹ thuật tiểu thuyết...
Phát biểu kết luận Hội thảo, Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh: Vấn đề “Đổi mới tư duy tiểu thuyết” được đặt ra từ cuộc hội thảo năm 2002 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, nhưng đến nay vẫn hết sức thời sự bởi 16 năm qua, tiểu thuyết Việt Nam tuy có nhiều đóng góp và đổi mới ở nhiều phương diện, nhưng tư duy tiểu thuyết và cách tân nghệ thuật vẫn chưa có những chuyển biến đáng kể. Giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam vẫn hiếm có những tiểu thuyết được tôn vinh. Tại Hội thảo lần này, các ý kiến đã đề cập nhiều vấn đề khác nhau của tiểu thuyết, nhưng đều thống nhất là cần phải tập trung đầu tư cho thể loại này nhiều hơn nữa, trước hết là đầu tư cho đội ngũ sáng tác. Đồng thời, đòi hỏi tiểu thuyết chuyên nghiệp thì lý luận-phê bình về tiểu thuyết cũng phải hết sức chuyên nghiệp. “Nghiêm khắc” tháo gỡ cho tiểu thuyết là nghiêm khắc về tri thức và nhận thức. Đặc biệt phải khắc phục tình trạng “không tải” (tư tưởng) của tiểu thuyết; viết tiểu thuyết lịch sử không hạn chế hư cấu nhưng tuyệt đối không được đánh tráo lịch sử...
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng trình bày báo cáo đề dẫn
Nhà phê bình Lê Thành Nghị điều hành hội thảo
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng ghi nhận nhiều kiến nghị được nêu ra trong Hội thảo. Theo đó, trước mắt có 2 việc sẽ được giải quyết trong thời tới, đó là: Đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng Hội đồng Giải thưởng tiểu thuyết và mở trại sáng tác tiểu thuyết trong nửa đầu năm 2018.
Theo vanvn.net