08-10-2018 - 14:56

Khám phá những “khoảng trống” trong văn bản “Đàn Ghita của Lorca”

Bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” ( Thanh Thảo) được lựa chọn và đưa vào chương trình Ngữ văn 12, tập I từ năm 2008 đến nay đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu văn học, giáo viên và học sinh. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Phạm Phương Hoài, trường THPT Đồng Lộc.

           Có thể nói đây là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ của nhà thơ Thanh Thảo giai đoạn sau năm 1975. Tác phẩm có những tìm tòi, sáng tạo, đổi mới theo hướng hiện đại hoá thơ ca nước nhà với lối thơ tượng trưng, siêu thực. Đến với bài thơ này, người đọc có cơ hội để phát huy sự cảm thụ riêng của mỗi cá nhân với trí tưởng tượng và cảm xúc được giải phóng tới mức cao độ.
           Lý thuyết tiếp nhận cho rằng văn bản không còn là hệ thống (cấu trúc) khép kín, mà là hệ thống tương tác giữa văn bản và người đọc, là cấu trúc mở, cấu trúc mời gọi, mà yếu tố trung tâm của nó chính là khoảng trống về nghĩa và tính không xác định hay tính chưa hoàn thành của nghĩa. Khoảng trống ở đây không phải là khoảng trống về chi tiết sự vật, mà là khoảng trống về nghĩa và ý nghĩa hoặc ý vị.Từ những chỗ trống, chúng ta lấp đầy và kiến tạo nên ý nghĩa của văn bản. Trên nền tảng lý thuyết tiếp nhận văn bản, khám phá các “khoảng trống” trong bài thơ đã mở ra cho chúng ta những nhận thức thú vị về thi phẩm “Đàn ghita của Lorca” của Thanh Thảo. Bài viết này tập trung khám phá “khoảng trống” trên 4 phương diện: cấu trúc thơ; ngôn từ, hình ảnh; ngữ pháp và liên văn bản.
1. Khoảng trống về nghĩa trong cấu trúc thơ
           Thanh Thảo đã đưa ra nhiều quan niệm mới về bản chất, chức năng của thơ ca, tuy nhiên cách tân nghệ thuật của ông là trên phương diện hình thức. Khám phá cấu trúc tác phẩm “ Đàn ghi ta của Lorca” một cách thấu đáo, chúng ta thấy bài thơ là sự kết hợp cấu trúc tuyến tính của dòng tự sự, cấu trúc giàu nhạc tính (gợi ấn tượng một khúc bi ca cho Lorca) và cấu trúc rubic.
 1.1. Cấu trúc tuyến tính
    Xuôi theo kết cấu tuyến tính của bài thơ, chúng ta như đang đọc một câu chuyện về cuộc đời một người nghệ sĩ - một câu chuyện buồn đau, xa xót mà cũng ngập tràn niềm tiếc thương, tin yêu và ngưỡng mộ.Trong không khí ngột ngạt đầy xung đột, Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt, có một người nghệ sĩ lãng du với tâm hồn phóng khoáng, tha thiết yêu đời đi lang thang về miền đơn độc cùng cây đàn và tiếng hát ca ngợi tự do và khát vọng cách tân. Nhưng rồi hiện thực kinh hoàng, đau xót:
Lorca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du
Lor-ca đã bị hành hình trong phẫn uất, bàng hoàng. Sự vội vàng, đường đột ấy hẳn đã khiến cho người nghệ sĩ tài hoa nặng lòng với thi ca nghệ thuật, với đất nước quê hương không khỏi ngỡ ngàng. Lor-ca ra đi nhưng cuộc đời với tiếng đàn và khúc hát ấy vẫn vang vọng nỗi đau, tình yêu và sự sống. Trong niềm tiếc thương, trân trọng của người đời, cái đẹp không bao giờ bị hủy diệt:
không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
Kết thúc câu chuyện là thanh âm tiếng đàn vang vọng, là loài hoa lila miên man tỏa hương sắc với đời. Đó là sức sống tinh thần của một người nghệ sĩ!
1.2. Cấu trúc giàu nhạc tính
          Với Đàn ghi-ta của Lorca, âm điệu chủ đạo đồng thời cũng là nhạc điệu làm nền cho cả bài là âm thanh đặc trưng của tiếng Tây ban cầm “li - la li - la li - la”. Đây là kết quả, là bằng chứng của sự giao thoa giữa thơ và nhạc, giữa hình ảnh và âm thanh.Trên cơ sở của cái nền ấy, các hình ảnh thể hiện bản ngã và sự bi thảm nhất của cuộc đời thi sĩ, nhạc sĩ Lorca được thể hiện. Ngoài ra “Li-la” còn là tên của loài hoa có màu tím ngắt - hoa Tử Đinh Hương. Những chữ “li - la li - la li- la” ở đầu và cuối bài thơ như những vệt màu tím vô tận của những luống hoa này. Như thế, trong thơ không những “hữu nhạc” mà còn “hữu họa”. Bản nhạc trầm hùng ấy vẫn đều đặn vút lên những âm thanh nhói buốt tâm can người đọc, với: “đỏ gắt, chếnh choáng, mỏi mòn, kinh hoàng, bãi bắn, vỡ tan”… vừa là điểm nhấn trong âm nhạc vừa là điểm nhấn trong chuỗi hình tượng thơ.
          Thanh Thảo triển khai mạch thơ giống như mạch của một khúc ca với kết cấu gồm bốn phần trọn vẹn như một sản phẩm âm nhạc với những ý đồ nghệ thuật sâu sắc.Điều này khiến cho thi phẩm có một đời sống kép.
          Khổ 1 chính là phần giới thiệu khái quát bản chất của nhân vật trữ tình trong thơ. Đồng thời cũng là khúc dạo đầu của bản nhạc với những nốt trầm êm dịu, tiết tấu chậm và vừa dẫn bước chân người đọc dần bước vào thế giới âm thanh “li-la li-la li-la”… Khổ 2 hàm chứa sự kiện quan trọng nhất, “Lorca bị điệu về bãi bắn”.Đây là sự kiện chủ đạo là nguồn thi hứng cho sông thơ tiếp tục chảy.Lênh đênh trên dòng sông ấy là biết bao hình ảnh nhuốm màu tượng trưng, siêu thực. Nó cũng là đoạn phát triển ( khổ 3 và khổ 4) của bản nhạc với nhiều nốt thăng ở cuối mỗi câu. Đoạn phát triển này là tiền đề mà Thanh Thảo đã khéo léo chuẩn bị cho bước đột phá âm thanh ở đoạn cao trào. Đoạn thơ như một thước phim tài liệu phản ánh một điều không thể tin nổi nhưng nó lại là hiện thực, một hiện thực phũ phàng đã tràn ngập khắp không gian. Đó là cái chết của Lorca.9 dòng thơ cuối chính là đoạn cao trào của bản nhạc với dồn dập biết bao âm thanh xô đẩy nhau, gầm thét như dòng thác dữ.
Người nghệ sĩ xứ sở của những trận đấu bò tót và điệu flamenco đã lìa bỏ nhân thế “trên chiếc ghi-ta màu bạc”, chàng tự tìm đến với trạng thái thanh thản, nhẹ nhàng bằng cách tự giải thoát “ném lá bùa cô gái di-gan”, “ném trái tim mình/ vào lặng im bất chợt”. Đoạn kết của bản nhạc từ từ đổ xuống bằng những nốt trầm êm ái và chậm “li - la li - la li - la”... dần tan ra, tan ra như hơi thở… Dấu ba chấm ở cuối dòng thơ khiến cho dư âm của tiếng đàn như vang xa, xa mãi và chuỗi hoa tử đinh hương tưởng như tiếp nối đến vô cùng. Sự có mặt của chuỗi âm ấy ở phần đầu và phần kết chính là sự tuần hoàn của âm thanh và hình ảnh, của tiếng đàn ghita và loài hoa lila, của nghệ thuật và cái đẹp. Có phải vòng tròn ấy cũng là tấm lòng thủy chung, trọn vẹn với cuộc đời, với nghệ thuật của Lor-ca? Có phải trong cái nhìn mến yêu, trân trọng của Thanh Thảo, Lor-ca cũng như hoa lặng lẽ dâng đời?... Có lẽ sự trùng điệp ngữ âm và sự giao thoa ngữ nghĩa ở phần đầu và cuối bài thơ vẫn là ám ảnh nghệ thuật với những ai yêu mến Đàn ghita của Lor-ca.
1.3. Cấu trúc rubic
    Sự hiện diện nghệ thuật của Thanh Thảo trước hết là ở quan niệm của ông về cấu trúc Ru bic của tác phẩm thơ.Ru bic là một trò chơi sắp xếp những khối màu hỗn loạn thành từng mặt màu thống nhất của hình khối. Khối vuông Ru bic gồm 6 mặt màu được tạo thành bởi nhiều khối vuông nhỏ, sắp xếp hỗn loạn, có thể chuyển động tự do quanh một trục cố định. Thanh Thảo đã dùng hình ảnh khối vuông Ru bic để biểu thị cấu trúc của thơ: “Tôi xoay những ô vuông, những sắc màu đồng nhất. Ru bic một trò chơi kì lạ, chúng ta phải vất vả bao nhiêu để sắp xếp những ý nghĩ.Có hàng tỉ cách sắp xếp.Ru bic đó là cấu trúc của nhà thơ” (Khối vuông Rubic). Biểu hiện của cấu trúc rubic trong thơ trước hết ở việc tổ chức tác phẩm theo sự liên tưởng tự do. Theo quan niệm của Thanh Thảo, đó là những liên tưởng tự do, phóng khoáng miên man bất tận, đổi mạch bất ngờ và liên tục. Tâm sự về bài thơ viết cho người nghệ sĩ tài hoa của đất nước Tây Ban Nha, nhà thơ Thanh Thảo đã chia sẻ: “Một không khí hơi mờ ảo, những hình ảnh lãng đãng… là những gì tôi có được về xứ sở Andalusia mà tôi cảm nhận qua thơ Lorca và tôi đã cố gắng đưa vào bài thơ mình”. Thế nên, trong thi phẩm của nhà thơ Việt Nam, nhiều hình ảnh gắn với thế giới nghệ thuật thơ Lor-ca đã xuất hiện. Đó là chiếc đàn ghi-ta, con ngựa đen, vầng trăng đỏ, bài ca mộng du, áo choàng đấu sĩ, chàng kỵ sĩ đơn độc, cô gái Di gan, lá bùa hộ mệnh, hoa tử đinh hương. Những biểu tượng ấy “được Thanh Thảo tổ chức lại xoay quanh biểu tượng trung tâm là cây đàn” (Phan Huy Dũng). Chiếc ghita ấy tượng trưng cho âm nhạc và thơ ca, là hiện thân của Lorca với bao đam mê và khát vọng. Những thi ảnh ấy tựa như những ô màu ru-bic, tưởng như rời rạc mà nhất quán vô cùng.
Lúc làm thơ là lúc Thanh Thảo buông mình để “từ ngữ gọi từ ngữ, nhịp điệu đẩy đưa nhịp điệu”. Ngôn từ, hình ảnh trong Đàn ghita của Lor-ca đã huy động lẫn nhau theo mạch liên tưởng tự do. Cả bài gồm sáu đoạn thơ, không viết hoa đầu dòng, không chấm câu ở giữa; những dòng thơ thoải mái chảy tuôn mà không vướng vào cái khuôn câu chữ, vần điệu. Sự kiểm soát của lí trí dường như nhường chỗ cho mạch cảm xúc tự nhiên và điệu nhạc của tâm hồn. Tuy nhiên, sự xáo trộn và tán lạc đó vẫn luôn hướng về tâm để đậm tô tài năng, số phận và sức sống của Lor-ca, người nghệ sĩ Tây Ban Nha hết lòng vì tự do và nghệ thuật.
Góp phần làm nên vẻ đẹp tươi mới và hấp dẫn cho Đàn ghita của Lor-ca là nghệ thuật lắp ghép lạ, một biểu hiện của kết cấu lập thể trong thơ. Nhiều câu thơ trong bài được tổ chức ngẫu hứng với sự xếp đặt xô lệch của âm thanh, sắc màu và hình ảnh:
tiếng ghi-ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi-ta ròng ròng
máu chảy

Có những khổ thơ với nhiều mảnh rời và người đọc khó mà thấu hết chiều sâu ẩn trong lượng ngôn từ hữu hạn:
không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng

            Sự gắn kết nào giữa tiếng đàn và cỏ mọc hoang? Giữa tiếng đàn và giọt nước mắt? Giữa giọt nước mắt và vầng trăng?... Lối lắp ghép rời rạc ấy hẳn nhiên đẩy sự diễn giải đến vô cùng! Có thể thấy với nguyên lí liên tưởng tự do, mỗi câu thơ như một chuỗi tổ chức hỗn độn, không liên tục về ngữ nghĩa, gồm nhiều chữ ghép lạ, mỗi chữ gợi một hình ảnh, một ý nghĩa khác nhau. Cái còn lại sau cùng ở người đọc là những ấn tượng, cảm giác xao xuyến, mơ hồ.Khi kết thúc bài thơ âm điệu “li la ...” như một khúc giao hưởng dịu nhẹ, ngân nga trong lòng người đọc và mãi không thôi gợi cảm giác xót xa cho bi kịch của Lorca.

             Cấu trúc thơ theo kiểu Ru bic còn dẫn tới việc hoà hợp các phạm vi thời gian và không gian. Giữa thời gian và không gian thực với thời gian và không gian ảo: “Đây chính là cảm thức về thời gian tâm lí, thời gian phi tuyến tính, đó là một sự xáo trộn giữa thời gian quá khứ, thời gian kí ức với hiện tại và tương lai, đúng hơn là khoảnh khắc đồng hiện và chuyển động như những ô vuông Rubic. “ Đàn ghi ta của Lorca ” tiêu biểu cho sự hoà trộn các phạm vi thời gian và không gian: “ Tiếng ghi ta nâu/ bầu trời cô gái ấy/ tiếng ghi ta lá xanh biết mấy/ tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan/ tiếng ghi ta ròng ròng/ máu chảy”. Tiếng ghi ta gợi ra hành trình của không gian, thời gian quá khứ gắn với những kỷ niệm về quê hương, xứ sở thân yêu của Lorca, về cuộc sống thanh bình, về tình yêu với cô gái (An - na Ma – ri – a, là người yêu của Lorca ) cùng với khát vọng sống mãnh liệt. Quá khứ tươi đẹp, hiện tại đầy nghiệt ngã, đau xót và bi kịch, hiện thực đó mà ngỡ như một cơn ác mộng, một ảo ảnh của ác mộng mà thôi: khát vọng vỡ tan, tình yêu vỡ tan, quá khứ hiện tại, xa - gần, thực - ảo cứ đan cài vào nhau cùng hiện lên trên mấy dòng thơ ngắn ngủi. 
    Việc coi “Ru bic là cấu trúc thơ” còn là sự giản lược tối đa và gợi mở tối đa của hình thức thơ. Cấu trúc cuả tác phẩm thơ “ có vẻ lỏng hơn” và “Đàn ghi ta của Lorca ” là một cảm giác khó nói, khó đi vào lòng người đọc bởi đó là một bài thơ về hình thức có cấu trúc rời rạc, lỏng lẻo, hình ảnh xuất hiện không vần điệu không dấu chấm phẩy, đầu dòng không viết hoa, không xâu chuỗi lôgíc thông thường, đơn lẻ: “ đường chỉ tay đã đứt ” dòng sông rộng vô cùng / Lorca bơi sang ngang / trên chiếc ghi ta màu bạc ”. Lối thơ được viết tự do dường như không tôn trọng vần điệu, nhịp điệu câu chữ ... tạo nên cảm giác rời rạc trong khối cấu trúc ngôn từ và cảm xúc. Thật ra thơ không tác động trực tiếp đến người đọc bằng cảm xúc mà gián tiếp qua sự dẫn dắt của những liên tưởng. Nhà thơ cấu trúc tác phẩm của mình theo mạch liên tưởng tự do, người đọc cũng lắng nghe những vang động của tác phẩm theo lôgíc liên tưởng, theo kinh nghiện cá nhân của mình. 
             Như vậy, trong bài thơ, từng hình ảnh, biểu tượng đã được “ném ra” chừng như lộn xộn, mặt khác, đảm nhiệm một phần chức năng liên kết chúng lại thành một chỉnh thể, nhằm biểu hiện tốt nhất cái nhìn nghệ thuật của tác giả và giải phóng bài thơ khỏi sự trói buộc của việc thuật, kể những chuyện đã xảy ra trong thực tế. “Đàn ghi ta của Lorca ” dư âm vang lên trong lòng người đọc từ cấu trúc văn bản rời rạc kia chính là niềm cảm thông và xót xa sâu sắc trước cái chết bi thảm của Lorca, ở đó còn bật ra lòng ngưỡng mộ và đồng cảm với người nghệ sĩ đại diện cho tinh thần tự do và khát vọng cách tân nghệ thuật của dân tộc Tây Ban Nha thế kỷ XX. Vậy mạch liên kết trong bài thơ là mạch liên kết ngầm, tạo nên chất suy tư thâm thuý mà tự nhiên.Văn bản vì thế có thể đi vào chiều sâu tâm linh, đánh thức kho vô tận những ấn tượng, cảm giác người đọc.
 2. Khoảng trống đằng sau ngôn từ, hình ảnh 
    Là một nhà thơ luôn ý thức rằng ngôn ngữ thơ là “sự chắt lọc tinh túy của ngôn ngữ con người”,người làm thơ có những thời khắc “phải chiến đấu đến tuyệt vọng chống lại sự sáo mòn trong ngôn ngữ thơ mình”, Thanh Thảo đã viết nên những tác phẩm lấp lánh vẻ đẹp của những biểu tượng mang tính sáng tạo cá nhân.Hình ảnh thơ đầy ấp biểu tượng đòi hỏi sự giải mã và quá trình lấp đầy khoảng trắng, khoảng trống ở người đọc.Bài thơ Đàn ghi ta của Lorca đã được Thanh Thảo kiến tạo một cách rất thành thục trong sự vận dụng thủ pháp của chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực một cách tinh tế, tài hoa.
            Chủ nghĩa siêu thực tước bỏ hết những tính hiệu ngôn từ để người đọc có thể lí giải về nó theo “đường thẳng”. Mở đầu bài thơ là hình ảnh mang đậm tính siêu thực, lẫn tượng trưng: những tiếng đàn bọt nước. Tiếng đàn là âm thanh, là không hình hài, không màu sắc được phối hợp với  bọt nước – có hình hài, đường nét. Những tiếng đàn tượng trưng cho tài hoa và sinh mệnh của Lorca.Tiếng đàn ấy được cảm nhận là có đường nét, có hình khối. Bọt nước thì mong manh, dễ vỡ, chỉ tồn tại trong một lóe sáng… Dòng thơ đầu tiên này vừa gợi tả tiếng đàn kì lạ của Lorca vừa ngầm dự cảm về số phận bất trắc của ông.Tiếng đàn của Lorca ngân vang như một dòng suối lạ trên đời, Lorca đến với cuộc đời này như một huyền thoại. Nếu ai đó tinh ý sẽ thấy dòng thơ thứ hai đối lập gay gắt với dòng thơ đầu: Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt. Nếu như ta thay thế từ Tây Ban Nha bằng một chủ ngữ chỉ người nào khác thì tứ thơ không có gì khó hiểu, chả lẽ lại cắt nghĩa là cả đất nước Tây Ban Nha đang choàng áo đỏ?Chủ nghĩa siêu thực cho phép nhà thơ kiến tạo ngôn từ mang hình sắc khác thường như vậy. Áo choàng đỏ gắt là hình ảnh tượng trưng gợi ra tư thế của những đấu sĩ bò tót.Tây Ban Nha trong cảm nhận của Thanh Thảo là một đấu trường khổng lồ, một đấu trường khắc nghiệt bạn lực và đẫm máu.Những tiếng đàn kì diệu của Lorca, người nghệ sĩ tài hoa Lorca lại bị đặt trong một bối cảnh thời đại tàn khốc và đầy rẫy hiểm nguy ấy.Đó chính là sự đối lập gay gắt.Dòng thơ thứ ba mô phỏng âm điệu ngân vang của tiếng đàn Lorca, như trêu ngươi, như thách thức.
    Ba dòng thơ tiếp không hề có chủ ngữ, xây dựng chân dung và tư thế của Lorca một cách mờ ảo, khác thường. Người nghệ sĩ Lorca trên con đường đi tìm chân lí và cái đẹp là một kẻ lẻ loi, cô đơn. Lorca đi giữa thời đời đẫm máu, đường đầu với nó trong tư thế độc mã, đơn thương. Chân trời mà ông hướng tới cũng không hề có dấu chân của bạn đồng hành, đó là chân trời đơn độc. Cái lang thang, cái đơn độc của Lorca còn được hiểu ở một tầng nghĩa khác: không ai sánh được với ông. Trên con đường vinh quang đi tìm tự do và công lí, Lorca ngự ở một tầm cao chói lọi. Điều đó vừa là vinh quang, vừa là bi kịch.Thanh Thảo vừa ngợi ca vừa thương cảm.Bạn đồng hành của ông có chăng chỉ là vầng trăng chếnh choáng.
    Giữa thời đại bão tố và khốc liệt ấy, người nghệ sĩ dù đơn độc vẫn đường hoàng, không chỉ đi mà còn cất tiếng hát:
Tây Ban Nha
hát nghêu ngao

            Liên kết hai dòng thơ lại, không phải là cả đất nước Tây Ban Nha đang hát nghêu ngao. Dòng thơ đầu đóng vai trò gợi bối cảnh.Câu thơ thứ hai là hình ảnh của Lorca.Ông vẫn tiến về phía trước và cất tiếng hát đầy kiêu hãnh như chòng ghẹo, như thách thức và bất chấp.Và tại họa đã giáng xuống Lorca. Hình ảnh áo choàng bê bết đỏ là hoán dụ gợi tả cái chết đẫm máu của Lorca. Ta chú ý đến tư thế được gợi tả của Lorca: chàng đi như người mộng du. Bước chân của kẻ mộng du là bước chân của vô thức, bước chân không chủ đích. Chỉ có thân xác của Lorca bị bọn phát xít đày đến pháp trường, tâm hồn của Lorca không thể bị trói buộc và đưa đến mồ chôn hủy diệt.Hình ảnh ấy cũng diễn tả sự bàng hoàng, bất ngờ của Lorca, dù đã nhiều lần dự cảm về cái chết nhưng không ngờ nó lại đến đột ngột và phũ phàng như vậy. Và rồi những cung bậc của thơ siêu thực thăng hoa đến cao trào, mọi hình hài hiện thực được chứng kiến bằng đôi mắt đều chìm lấp, chỉ còn lại âm thanh ám ảnh của tiếng đàn:
tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy

            Tiếng đàn có hình sắc, tiếng ghi ta nâu, tiếng đàn trở nên trầm buồn, u ám. Chen giữa bản đàn sầu não ấy lại là một hình ảnh có sắc thái đối lập gay gắt: bầu trời cô gái ấy. Thơ siêu thực vượt khỏi những logic thông thường của ngôn từ để xây dựng nên cấu trúc chứa đầy khoảng mờ. Ta chẳng biết cô gái ấy là ai, là nàng thơ của thi sĩ hay tình nhân ta chỉ cảm giác được được là dòng suối trong, gợi ra khoảng trời tươi sáng, ấm áp. Tâm hồn Lorca lóe lên một tia hi vọng gì chăng?  Màu xanh của bầu trời, màu xanh của tiếng ghi ta lá xanh…màu xanh của hi vọng, màu của tương lai bỗng chuyển sắc bi thương:
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy
            Những tiếng đàn bọt nước ở khổ thơ đầu đã trở thành tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan.  Máu của Lorca như chảy mãi, không bao giờ ngừng cạn. Nỗi đau của cả dân tộc Tây Ban Nha về cái chết của người nghệ sĩ vĩ đại là một vết thương không bao giờ lành lại. Vết thương của tinh thần.
            Sinh mệnh của người nghệ sĩ Lorca đã hóa thân vào tiếng đàn bất tử. Tiếng đàn như cỏ mọc hoang, tiếng đàn không bị hủy diệt mà còn sinh sôi mãnh liệt.Hình ảnh này, trong sự gắn kết với câu đề từ còn thể hiện nỗi niềm day dứt của Lorca về cách tân nghệ thuật dang dở, nghệ thuật thiếu người dẫn đường, trở thành “cỏ mọc hoang”.Cái chết ấy được tưởng niệm bằng một biểu tượng đẹp.Nếu như ở khổ thơ đầu, vầng trăng chếnh choáng là người bạn đồng hành của Lorca thì đến khổ thơ này vầng trăng là kẻ khóc thương. Vầng trăng  – biểu tượng của hòa bình, của sự bình yên. Vầng trăng vừa tạo ra thứ ánh sang ma mị thêu dệt nên những bước chân huyền thoại của ông đi đến cuộc đời này; vầng trăng cũng là người bạn tiễn đưa, là vầng sáng diễm lệ bên thi hài Lorca. Cái chết của Lorca rất bi thương mà cũng rất huy hoàng.
            Và Lorca đã “trở về” trong tư thế của kẻ giải thoát:
Lorca bơi sang ngang
     Trên chiếc ghi ta màu bạc
            Sinh mệnh của cuộc đời một con người kết thúc nhưng sinh mệnh của một nghệ sĩ là bất tử. Lorca bơi sang sông cùng chiếc đàn ghi ta là một hình ảnh đậm chất tượng trưng, siêu thực. Dòng sông đó là dòng luân hồi, là cõi đời này.Cây đàn là phương thiện giải thoát.Nghệ thuật của Lorca là cứu cánh đưa ông vượt khỏi giới hạn của sự sống và cái chết.Lorca đứng ngoài vòng luân hồi nghiệt ngã ấy.Lorca chết đi không giận hờn, không tiếc nuối.Hành động ném lá bùa thể hiện sự dứt khoát.Ông không cần sự cứu giúp, ông không cần một phép màu.Lorca là đã đến với cuộc đời như một huyền thoại và ra đi thật thanh thản, siêu thoát vượt khỏi mọi định mệnh. Lorca là con người đứng ngoài vòng định mệnh. Có lẽ vì vậy mà Thanh Thảo đã chọn câu thơ khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn làm câu thơ đề từ. Lorca là con người không tiếc nuối không sợ hãi và chấp nhận sự lãng quên. Ông không muốn những thành tựu nghệ thuật của mình là đỉnh cao án ngữ sự phát triển của nghệ thuật đời sau. Lorca đã đến rất kiêu hãnh và ra đi thật nhẹ nhàng.
            Bằng việc sử dụng tinh tế chất tượng trưng siêu thực Thanh Thảo đã khắc họa thành công chân dung Lorca: Người nghệ sĩ đơn độc kiêu hãnh, cái chết bi kịch nhưng huy hoàng và sự bất tử, siêu thoát uy nghiêm.
3.Khoảng trống ở cấp độ ngữ pháp
    Thơ Tượng trưng siêu thực không chỉ hoán đổi các chủ thể tiếp nhận theo cách của các nhà lãng mạn mà còn lược bỏ rất nhiều chủ thể để khiến bất kì sự tưởng tượng nào cũng có thể chấp nhận được, miễn là chủ thể tiếp nhận đó có thể rung động trước hình tượng. Điều đó thể hiện rõ ở bài thơ Đàn ghita của Lorca  (Thanh Thảo).
    Ngay từ câu thơ mở đầu tác giả đã đưa ra một kết hợp phi lí “tiếng đàn bọt nước”. Đương nhiên sẽ chẳng có chút logic nào trong trật tự “tiếng đàn” và “bọt nước” kia. Thế nhưng, người đọc sẽ có thể đưa ra nhiều liên tưởng thú vị.Tiếng đàn mong manh như bọt nước. Tiếng đàn hình bọt nước, số phận nghệ sĩ mong manh như bọt nước,… các mệnh đề không cùng loại được đặt đồng hàng đã tạo nên sự độc đáo cho hình tượng thơ. Tiếp đó, cũng vẫn là cách nói đầy chủ quan: Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt. “Gắt” ở đây diễn tả sắc đỏ.Chữ này thì chẳng có gì lạ, nhưng sao lại “Tây Ban Nha/ áo choàng”. Nếu không hiểu văn hóa Tây Ban Nha, người đọc sẽ khó có thể cắt nghĩa được câu thơ này. Hoàn toàn không phải Tây Ban Nha có màu đỏ của tấm áo choàng đó mà Tây Ban Nha đích thực là xứ sở của đấu bò, xứ sở của những tấm áo choàng đỏ gắt. “Liền kề” giữa một bên là đất nước và một bên là biểu tượng văn hóa càng giúp cho biểu tượng đó thêm ngời chói.Ba dòng thơ tiếp không hề có chủ ngữ, xây dựng chân dung và tư thế của Lorca một cách mờ ảo, khác thường. Người nghệ sĩ Lorca trên con đường đi tìm chân lí và cái đẹp là một kẻ lẻ loi, cô đơn. Lorca đi giữa thời đời đẫm máu, đường đầu với nó trong tư thế độc mã, đơn thương.
    Có sự tương phản: “Tây-ban-nha/ hát nghêu ngao” đối lập với “bỗng kinh hoàng/ áo choàng bê bết đỏ”. Sắc đỏ của áo choàng được điệp lại nhưng đây là cái chết.Màu sắc của cái chết.“Hát” và “chết” thì chẳng có mối liên hệ liên tưởng nào ở đây cả.Thế nhưng sự thực là vậy, sự liền kề diễn tả nỗi mất mát đột ngột.
    “Lợi dụng” ngay chính sự “vô định” đó của Lorca, nhà thơ xâm nhập vào tâm hồn chàng để diễn tả tiếng đàn. Cách diễn tả này rất độc đáo vì nó đã “chập” hai cái nhìn của Thanh Thảo và Lorca vào nhau để từ đó tạo nên một dàn hiệu ứng siêu thực đặc thù:
tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy

        Tiếng ghi ta nâu, tiếng ghi ta xanh, tiếng ghi ta bọt nước, tiếng ghi ta máu chảy.Âm thanh được hiện hình thành màu sắc, hàng loạt màu được trưng dụng.Những sắc màu ấy vừa mang tâm trạng của người đứng trước cái chết vừa mang tâm trạng của người hoài niệm, tiếc thương. Từ màu sắc (nâu, xanh), tiếng ghi ta chuyển sang hình khối (bọt nước), rồi vận động (máu chảy), sự chảy tan của máu gợi màu đỏ. Chỉ cấu trúc siêu thực mới có thể thực hiện được điều này.
          Bên cạnh đó, Thanh Thảo còn đặt câu thơ theo lối thuận – nghịch kiểu như không ai chôn cất tiếng đàn rất sáng tạo. Tác giả biến điều bình thường thành khác lạ. Đương nhiên chẳng ai có thể chôn cất tiếng đàn, bởi có chôn cũng chẳng thể, hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vậy mà trong diễn ngôn thơ Lorca, hành động thuận – nghịch đó nghe thật nên thơ:
không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
          Trong giai đoạn sau 1975, với sự xuất hiện của tinh thần tự vấn, ý thức về cái tôi công dân hướng đến những câu hỏi nội tâm. Đó vừa là những bi kịch tâm trạng của mỗi cá nhân, cũng là niềm trăn trở của một thời đại mới. Kéo theo nó là một cú pháp thơ bình đẳng trong sự hô ứng, cú pháp không cần đến liên kết từ:
                                                 Giọt nước mắt vầng trăng
                                                 Long lanh trong đáy giếng

         Đó là kiểu cú pháp gợi nhiều đáp án. Người đọc có thể lí giải theo nhiều cách sau: nước mắt của vầng trăng, nước mắt và vầng trăng, nước mắt như vầng trăng, nước mắt từ vầng trăng… 
         Đoạn đầu bài thơ, Thanh Thảo bố trí câu thơ theo lối tồn tại độc lập: “tiếng ghi ta lá xanh biết mấy/ tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan” nhưng sang đoạn thơ sau, các câu thơ đã được dựng theo cặp đôi:
Lorca bơi sang ngang
trên chiếc ghi ta màu bạc

           Tính chất cặp đôi không phải kiểu các câu đối nhau trong thơ Đường mà là cặp đôi vắt dòng.Lối thơ thường được các nhà lãng mạn sử dụng.Cách đặt câu thơ này khiến các dòng thơ ngân nga tiếng nhạc, gợi nên sự sóng đôi, nhưng không để diễn tả sự trọn vẹn mà diễn tả sự mất mát.Lại một cách lạ hóa nữa của bút pháp Siêu thực.Những tiếng thơ tiếng nhạc tròn đầy chuyển tải trường liên tưởng đến mất mát, hư vô. Dẫu thế thì hình ảnh “sang sông” (trong bài Thanh Thảo dùng “sang ngang”) như đã nói, lại gợi hình dáng Kinh Kha, một anh hùng khí phách, nhưng không đi bằng thuyền mà bằng “ghi ta màu bạc”, một khát vọng hòa bình đau đáu, hoàn toàn khác với Kinh Kha trong sứ mệnh hành thích, một hình ảnh đẹp trong siêu thực ngỡ ngàng.
4. Khoảng trống từ mối quan hệ liên văn bản
         Theo lí thuyết văn học liên văn bản, bất cứ văn bản nào cũng là một liên văn bản, không phụ thuộc vào việc tác giả của văn bản có ý thức được điều đó hay không. Đọc Đàn ghi ta của Lor-ca, có thể thấy, mỗi từ, mỗi chi tiết, hình ảnh và cả hình tượng trung tâm trong đó đều là đầu mối của một quan hệ giao tiếp nghệ thuật rộng lớn, mà nếu thiếu tri thức về các văn bản (hiểu theo nghĩa rộng) có trước đó thì độc giả không thể cảm nhận được, hiểu được ý nghĩa của chúng. Nếu không chịu bỏ cuộc trên hành trình giải mã văn bản này và quyết tìm tới những văn bản khác đã làm nền cho nó (theo sự chỉ dẫn của các câu thơ trong bài), độc giả sẽ thực sự được đền bù. Trước mắt chúng ta lúc đó sẽ là một thế giới thi ca chói loà của thiên tài Lor-ca, là bức tranh bi tráng về thân phận người nghệ sĩ trong một thời đại biến động như bão táp, là vẻ đẹp lung linh của nghệ thuật vượt lên trên mọi sự đe doạ của các thế lực bạo tàn, hung hiểm. 
4.1. “Đàn ghi ta của Lor-ca” và văn hoá Đông Tây 
            Đọc hiểu văn bản “Đàn ghi ta của Lorca”, sẽ không thể thoát li được “môi trường” sống còn của hình tượng: đó là môi trường “liên văn bản” về người nghệ sĩ mang tên Lorca, về cây đàn ghi ta cùng những vần thơ của ông, về văn hóa Tây Ban Nha, bởi mỗi từ, mỗi chi tiết, hình ảnh và cả hình tượng trung tâm trong đó đều là một “mã đầu mối” mở ra các ngả quan hệ giao tiếp nghệ thuật rộng lớn, mà nếu thiếu tri thức “nguồn” thì độc giả chắc hẳn không thể cảm nhận được, hiểu được ý nghĩa của chúng. Nói cách khác, để khám phá bài thơ, người đọc không thể không đi tìm lời đáp cho các câu hỏi: Lorca là nhà thơ như thế nào? Đàn ghi ta của ông có cái gì đặc biệt? Vầng trăng, yên ngựa, bước chân lang thang, tiếng hát nghêu ngao, bãi bắn, tấm áo choàng bê bết đỏ, giọt nước mắt vầng trăng trong đáy giếng, lá bùa cô gái di gan... có nguồn gốc từ đâu?.
    Lorca là linh hồn thơ tự do của nhân dân Tây Ban Nha và của cả nhân loại. Văn hóa Tây Ban Nha được nhân loại biết đến với những phạm vi ngỡ như có phần tương phản nhau. Đó là đàn ghi ta, điệu nhảy Flamenco và đấu bò. Những biểu tượng này vừa sôi động, hào hùng vừa đắm đuối mê say mang trong nó cả cuộc sống cuồng nhiệt lẫn bóng dáng tử thần đã hình thành nên một phong cách Tây Ban Nha đặc thù. Khi sáng tạo thiên tình ca Siêu thực, Thanh Thảo đã nắm chắc những nét văn hóa đã trở thành biểu tượng không thể tách rời trong đời sống Tây Ban Nha đó. Để trên cái nền rộng, nhà thơ dựng xây vũ điệu bi hùng của cái chết, sự sống và đương nhiên là cả sự bất tử của một con người, một dân tộc, một cộng đồng những ai yêu cái đẹp, yêu cuộc sống hòa bình và cả sự bất tử cho con người, nghệ thuật mà nhân loại dày công vun đắp.
    Thanh Thảo không chỉ am hiểu văn hóa Tây Ban Nha mà còn gắn kết nền văn hóa phương Tây xa xôi đó với văn hóa phương Đông. Nếu bài thơ là lời ai điếu nghẹn ngào trước cái chết bi thương của Lorca thì thông qua điệu lòng ấy chúng ta sẽ bắt gặp được những tiếng nói quen thuộc, đầy sẻ chia trước sự ra đi đó. Tứ thơ dịch chuyển từ “áo choàng bê bết đỏ” (văn hóa Tây Ban Nha) đến “đường chỉ tay đã đứt” (cả phương Đông lẫn phương Tây đều tin vào dấu hiệu thần bí này) và sau cùng là “dòng sông rộng”, “sang ngang” (gợi triết lí nhà Phật: sang sông là giải thoát khỏi bến mê, là sự siêu thoát vĩnh hằng)…
    4.2. “Đàn ghi ta của Lor-ca” và thơ Lorca
    Với thơ, tính liên văn bản có thể mở đến vô cùng với mọi chiều kích. Khi xây dựng các hình ảnh trong bài thơ, Thanh Thảo đã cố tình mở ra trường nghĩa “liên văn bản” khi tái sử dụng một số thi ảnh và thi liệu của chính Lor-ca. Không biết Thanh Thảo có đọc nhiều Lorca không nhưng nếu đọc kĩ Thanh Thảo người đọc sẽ gặp nhiều điểm tương đồng trong thơ ông và thơ Lorca. Thể hiện rõ nhất là câu thơ “không ai chôn cất tiếng đàn” là ảnh chiếu của câu thơ bất hủ của Lorca trong bài Ghi nhớ : “khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” cũng là câu thơ được Thanh Thảo mượn làm đề từ cho bài thơ. Đặc điểm dễ nhận thấy trong thơ Lorca là tính nhạc rất cao với những câu những đoạn điệp. Bài thơ của Lorca như được cấu trúc theo kiểu vòng tròn xoắn ốc, cứ lặp và vươn lên mãi.
Khi tôi chết
nhớ chôn tôi với cây đàn ghi ta
dưới cát.
Khi tôi chết
giữa hàng cam
cụm húng.
Khi tôi chết
hãy chôn tôi, nếu các anh em mong muốn
trong chiếc chong chóng.
Khi tôi chết! (Đan Tâm dịch)

Lorca có bài thơ tuyệt hay về chuyện mộng du Bản Ballat của người mộng du (Ballat of the Sleepwalker). Đây là điệp khúc của bài thơ:
Màu xanh, tôi yêu nàng xiết bao màu xanh
Gió xanh. Cành xanh
Con tàu ngoài khơi
Con ngựa trên núi
Bóng tối quanh eo nàng
Nàng mơ trên ban công
Thịt da xanh, tóc nàng xanh
Mắt màu bạc lạnh
Màu xanh, tôi yêu nàng xiết bao màu xanh…
(Lê Huy Bắc dịch)

Mô típ mộng du lại trở về trong thơ Thanh Thảo: chàng đi như người mộng du để diễn tả phong thái đi của thi nhân chiến sĩ bước đến cái chết mà đâu hề bận tâm. Trong thơ Lorca, mộng du ấy là mộng du về cái đẹp, trong thơ Thanh Thảo tuy đang bước đến chỗ chết nhưng Lorca cũng vẫn mộng du về cái đẹp.Tâm hồn nghệ sĩ lớn thể hiện ở đây.Lorca có thể chết nhưng cái đẹp trong ông, cái đẹp ông tôn thờ sẽ còn mãi.Tư thế mộng du đó là tư thế thoát tục, tư thế của sự hiến dâng tận cùng mà không một thế lực phi nhân nào có thể ngăn cản.
    Không chỉ gắn cuộc đời mình với cây đàn, chính Lorca còn viết nhiều bài thơ về đàn ghi ta. Ghi ta khóc dưới đây là một trong những bài thành công nhất của ông:
Ghi ta bần bật khóc
Buổi sáng vỡ bình yên
Ghi ta bần bật khóc
Không thể nào dập tắt
Không thể nào bắt im(….)(Hồng Thanh Quang dịch)

     Vẫn có sự liên hệ nào đó giữa tiếng “ghi ta khóc” và “giọt nước mắt vầng trăng” của Thanh Thảo.Dẫu có đọc nhiều hay đọc ít Lorca thì Thanh Thảo vẫn cứ là người rất thấu hiểu Lorca và cũng là người đã xâm nhập được vào hồn cốt thi ca của thi nhân bậc thầy này.
    Giống nhiều nghệ sĩ thiên tài, Lorca cũng làm nhiều bài thơ về cái chết.Có lẽ trong Lorca vẫn luôn thường trực dự cảm về cái chết bất thường của bản thân?Cái chết trong thơ Lorca không chỉ nói về sự không còn của một sinh thể mà còn là sự mất mát của cái đẹp, nỗi tiếc nuối về sự hữu hạn của kiếp người. Vẫn điệu nhạc buồn man mác màu cổ tích vang vọng trong khúc ca Than thở về cái chết với thi pháp liền kề, đối ngẫu và sắp đặt ngẫu nhiên rất giống với cách làm trong thơ Thanh Thảo.
Hãy ném những trái chanh nho nhỏ ấy
vào gió.
Các người đã biết rõ điều ấy!... Bởi kế đó,
kế đó,
một ngọn nến, một tấm chăn
trên mặt đất.
Trên bầu trời đen,
những con rắn nước vàng vàng nho nhỏ.
(Diễm Châu dịch) 

              Nhờ liên văn bản, người đọc có thể cảm nhận được nhiều điều, nhiều ý nghĩa trên một văn bản gốc. Đọc thơ Thanh Thảo viết về Lorca, chúng ta đâu chỉ xúc động trước hình tượng nghệ sĩ chân chính xả thân cho lí tưởng cao đẹp, mà còn biết được nhiều điều về thơ Lorca và sau đó là chính phong cách thơ Thanh Thảo, phong cách thơ Siêu thực và cả cái cách nhà thơ đối thoại với những cái, những cách thức không thuộc về Siêu thực trong thơ. Sáng tạo nghệ thuật của Thanh Thảo được bộc lộ rõ trên các giao điểm này.Những hình ảnh, biểu tượng vốn có trong thơ Lor-ca được làm mới để chuyên chở những cảm nhận về chính thơ Lor-ca và về thân phận các nhà thơ trong thời hoành hành của bạo lực.
              Mỗi tác phẩm hay đều chông chênh giữa ranh giới của cái khả giải và bất khả giải. “Đàn ghi ta của Lorca” ( Thanh Thảo) cũng là một bài thơ như thế. Vì vậy, những kiến giải của bài viết này chỉ là một trong những nỗ lực tìm tòi trong hành trình khám phá vẻ đẹp độc đáo của bài thơ.Những “khoảng trống” của thi phẩm vẫn lấp lánh, vẫy gọi mọi thế hệ độc giả hôm nay và mai sau như sức sống từ hành trình không mệt mỏi của chàng nghệ sĩ du ca Lorca trên khắp đất nước Tây Ban Nha vậy.


 Phạm Phương Hoài (trường THPT Đồng Lộc, Hà Tĩnh)

. . . . .
Loading the player...