09-08-2020 - 19:18

Kịch dân ca Nghệ Tĩnh TRỌN MỘT LỜI THỀ

Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu Kịch dân ca Nghệ Tĩnh "Trọn một lời thề" của Nguyễn An Ninh - Nguyễn Đức Bình được rút từ tuyển sách Biển đảo yêu thương

Nhân vật:

Ông Trung:

Bà Hồng:

Thạch:

Hiền Lương:

 

Cựu chiến binh (làm trang trại giỏi)

Vợ ông Trung

Cán bộ Ban CHQS huyện

Con gái ông Trung (Bí thư Đoàn xã- người yêu Thạch)

(Cảnh nhà ông Trung, bà Hồng, ở giữa có một bộ bàn ghế, trên bức tường treo huân, huy chương kháng chiến và Bằng khen Hội Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi. Âm nhạc man mác trữ tình, ông Trung ngắm nhìn ra vườn lòng rất vui, đâu đó vọng vào câu ví chuyển điệu).

Ví vọng:

Người ơi… Người lính năm xưa trên chiến trường đánh ơ… ơ giặc

Trước đồng đội hy sinh trọn một lời thề

Xứng danh anh bộ đội Cụ Hồ

Vì dân, vì nước, dệt bài ca xây ơ… ơ đời

Bà Hồng:

(Bà Hồng tay xách ấm nước từ trong ra khẽ lên tiếng)

- Ông Trung, ông ngắm gì mà mải mê đến vậy?

Ông Trung:

Bà Hồng ơi! Tôi đang mải mê ngắm nhìn trang trại. Hơn 10 năm tôi trở lại quê hương. Ngày ấy nơi đây là vùng đất bỏ hoang. Nay chẳng khác một bức tranh sống động.

Hát khuyên:

Bàn tay ta làm nên tất cả

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm

Từ mảnh đất hoang sơ, nay vườn cây, ao cá

Bưởi cam trĩu quả, gà lợn đầy chuồng

Hứa hẹn những mùa vui, bỏ công mình vun xới

Bà Hồng:

(Tiếp)

Tôi nhớ như in ngày ông rời quân đội

Nhìn quê hương đắp đổi đói nghèo

Ông nhận mảnh đất hoang hẹn 10 năm thu hoạch

Đưa bàn tay bấm đốt tôi cứ ngỡ trong mơ

Thương ông chẳng nghỉ ngơi, chỉ lo làm kinh tế

Ông Trung:

- Hà hà… Nghỉ thế nào mà nghỉ, là người lính hết đánh giặc thì phải xông pha trên mặt trận kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bà ạ.

Hiền Lương:

- Bố ơi, mẹ ơi! Có chuyện quan trọng rồi!!!

Ông Trung:

(Hoảng hốt)

- Có chuyện gì mà mày hốt hoảng vậy?

Hiền Lương:

- Con vừa đi họp và trên đã quyết định, dự án Pomosa sẽ khởi dựng nay mai, trang trại nhà mình cũng thuộc diện di dời. Con vội về đây báo để bố mẹ biết ạ.

Ông Trung:

- Cái gì… dự án Pomosa… trang trại nhà ta thuộc diện di dời à?

Hiền Lương:

- Vâng ạ!

Bà Hồng:

- Hiền Lương… con vừa nói gì? Nhà mình phải di dời trang trại nhường chỗ cho dự án à?

Hiền Lương:

- Dạ… đúng ạ!

Bà Hồng:

- Thế là… hết (Âm nhạc mạnh, bà Hồng ngồi phẹt xuống ghế)

Ông Trung:

- Không… không thể như thế được, bao nhiêu năm tôi đào đất trồng vườn, nay trang trại đến mùa thu hoạch lại di dời là di dời thế nào. Tôi phải đi lên xã hỏi… tôi phải đi lên xã để hỏi cho ra nhẽ (định đi).

Hiền Lương:

… Bố… bố ơi! Khoan chớ vội vàng

Bớt cơn nóng dận, kẻo mang tiếng đời

Giận thương:

Con thương bố không chút nghỉ ngơi

Hơn 10 năm từ ngày rời quân đội

Chẳng quản ngày đêm mưa dầm nắng dội

 

Bố chăm lo vun xới, cuốc đào

Nay vì xã hội biết tính sao

Vì dự án là cả những ước ao

Nay mai rồi nơi đây thành nhà máy

Bố mẹ hiểu cho con cũng là cán bộ

Cũng muốn cho dân ơ… ơ… bớt khổ bớt ơ nghèo

Bà Hồng:

Tiếp: Là cán bộ không bảo vệ thì thôi

Việc gì con về đây mà vận động

Trang trại nhà mình bàn tay lao động

Hơn 10 năm bố vất vả nhọc nhằn

Ông Trung:

Tiếp: Nay vườn trại đã khang trang

vườn cây trĩu quả, ao cá sủi tăm

Lệnh trên về di dời làm sao được

Khỏi phải tuyên truyền, đừng mong vận động

bố chẳng chịu đi đâu ơ… ơ… sau trước một ơ lời

Hiền Lương:

- Bố! Nhưng bố đã từng là người lính, con lại là Bí thư Đoàn xã, nếu nhà mình không chịu di dời thì con biết vận động ai?

Ông Trung:

- Vận động là việc của mày, còn tao, tao không đi đâu hết.

Hiền Lương:

- Bố! Con biết là công sức của bố, nhưng xin bố hãy suy nghĩ tận tường. Thôi, con phải đi thông báo cho các gia đình về quyết định di dời của dự án để bà con còn mà lo liệu (Chạy đi)

Ông Trung:

- Không được… Hiền Lương…Hiền Lương. Trời ơi là trời!

Bà Hồng:

- Kìa… con… Thế là hết, thế là hết bao năm chờ đợi, cây đến mùa kết trái đơm hoa. Ông ơi, thế là hết, thế là hết rồi ông ơi!

Ông Trung:

- Thôi bà đừng than thở nữa. Nhà của ta ta ở… ao cá, vườn cây, chuồng trại của ta, công sức ta đổ ra… Ta không đi đâu hết

 

(Thạch vào phía sau đứng nghe rồi lên tiếng)

Thạch:

Dạ… cháu chào hai bác ạ.

Ông Trung:

Ồ… chào chú bộ đội, chẳng hay, chú bộ đội đến nhà tôi có việc gì đấy nhỉ? Mời đồng chí ngồi uống nước.

Thạch:

- Thưa bác, cháu là Thạch công tác ở BCHQS huyện, trong đợt này, cơ quan chúng cháu xuống cơ sở để cùng với bà con xã nhà di dời nhà cửa về nơi tái định cư theo chủ trương của trên đấy ạ.

Ông Trung:

- Lại tuyên truyền, lại vận động, lại di dời… này chú, tôi biết rằng, công việc của các chú là cầm súng bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ của các chú là ở nơi thao trường, bãi tập chứ không phải mang ba lô đến đây để giải thích, lý sự.

Thạch:

- Thưa bác, theo chủ trương của trên thì tỉnh ta đang…

Ông Trung:

- Dự án Fomosa, nhà máy nhiệt điện, khu công nghiệp này, khu kinh tế nọ chứ gì. Thôi cậu đừng thuyết phục tôi nữa.

Bà Hồng:

- Kìa ông… mời chú ngồi uống nước. Có gì cứ bình tĩnh đã nào!

Thạch:

- Thưa hai bác! Trang trại của hai bác thật đẹp, mới nhìn qua đã biết được sức người, nhưng dự án Fomosa là ước mơ của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đấy hai bác ạ.

Bà Hồng:

- Mơ ước của ai thì tôi không biết, nhưng đây là công sức và mồ hôi, là tâm huyết của chồng tôi, đã hơn 10 năm kể từ ngày ông ấy rời quân đội, chú có biết không?

Thạch:

- Kìa bác… Chúng cháu hiểu nổi gian truân vất vả, nhưng gia đình ta là gia định “cựu chiến binh gương mẫu”, xin hai bác hãy đi đầu.

Ông Trung:

- Thôi, cậu đừng thuyết phục tôi nữa. Đây này, các người hãy nhìn đi, đó bằng khen của huyện, của tỉnh về thành tích làm trang trại đó. Bằng khen của Hội Cựu chiến binh công nhận làm kinh tế giỏi. Tôi vừa mới nhận năm trước, vậy mà giờ đây bảo tôi di dời là di dời thế nào?

Thạch:

- Thưa bác! Bác từng là người lính. Bác hiểu được mơ ước khát khao của người lính năm xưa, dẫu phải hy sinh trước đạn giặc bom thù.

Thơ: Chỉ mơ ước mai sau nước nhà giàu đẹp

Nay dự án về đây thỏa tháng năm mơ ước

Xây dựng quê hương thêm đẹp thêm ơ… giàu

Tứ hoa:

Rồi ngày mai đây trên mảnh đất này

Rộn rã những công trình rền vang tiếng máy

No ấm đến muôn nhà quê hương đổi mới

Xin bác hãy nêu gương người chiến sỹ năm xưa!

Ông Trung:

- Thôi. Cậu đừng dạy khôn tôi nữa. Tôi đã từng chiến đấu trên mọi chiến trường, vào sinh ra tử, bom đạn giặc còn chừa tôi ra nữa là…

Thạch:

- Thưa bác, không chỉ riêng bác mà còn biết bao người đã hy sinh cho cuộc sống hôm nay… ngay bố cháu đây cũng là…

Ông Trung:

- Là gì? Là ông gì hả?

Thạch:

- Thưa bác! Bố cháu không là ông gì cả, mà bố cháu là… là liệt sỹ ạ.

Ông Trung:

- Là liệt sỹ à?

Thạch:

- Vâng. Bố cháu hy sinh tại chiến trường Tây Nam khi cháu còn nằm trong bụng mẹ. Kỷ vật cuối cùng của bố cháu để lại là một cuốn sổ, những bài thơ lính, những hình vẽ chùa tháp của đất nước Ăng Co.

Ông Trung:

- Cái gì? Đồng chí nói sao? Một cuốn sổ… bài thơ lính… những hình vẽ chùa tháp của đất nước Ăng Co ư?

Thạch:

- Dạ, đúng đấy ạ. Ngay từ trang đầu của cuốn sổ đã có bài thơ thấm đẫm tình đồng đội, để cháu đọc bác nghe

Ta sống giữa bom thù đạn dội

Ông Trung:

… Đơn vị là nhà, đồng đội là anh em

Chiến trường chia lửa tử sinh

Lời thề đồng đội, đinh ninh một lòng

Thạch:

- Kìa bác! Sao bác lại biết vần thơ này ạ?

Ông Trung:

- Bài thơ này là do chính bác đã viết vào cuốn nhật ký năm xưa

Thạch:

- Vậy bác là…

Ông Trung:

- Bác là đồng đội và là người chứng kiến những giây phút cuối cùng của bố cháu. Thế có phải tên cháu là Thạch, quê cháu ở huyện Thạch Hà và tên bố cháu là Trần Quang đúng không?

Thạch:

- Vâng, chính là là Thạch, con của bố Quang đây ạ.

Ông Trung:

- Bà ơi, bà nó ơi, thằng Thạch mà tôi thường kể cho bà nghe đây này, Trần Quang ơi, thằng Thạch, con trai của cậu đây này.

Thạch:

Bác… (hai người ôm chầm lấy nhau nghẹn ngào)

(Tiếng hò vang vọng từ trong sân khấu)

Ờ… ơ… Ta sống giữa bom thù đạn dội

Đơn vị là nhà, đồng đội là anh em

Chiến trường chia lửa tử sinh

Lời thề đồng đội, đinh ninh một lòng

Ông Trung:

Thơ: Trần Quang……….

Trần Quang ơi! Ngày cậu ra đi giữa núi rừng biên giới

Nước mắt tuôn rơi vòng tay đồng đội

Lời trối trăn xưa còn nguyên vẹn trong… tôi

còn nhớ ngày xưa bom đạn chiến trường

Đêm lạnh chung chăn, thư nhà chung đọc

Sau mỗi trận đánh về lại dệt niềm mơ ước

Mong đến ngày đất nước bình yên

Vậy mà hôm nay vì cuộc sống gia đình

Tôi đã nỡ quên đi sự hy sinh mất mát

Lời thề hẹn năm xưa một lòng vì đất nước

Vì Tổ quốc vinh quang, ta gạt hạnh phúc riêng.

Thạch:

- Bác ơi! Vậy mà bao lâu nay cháu không hề hay biết. Bố cháu còn có những người đồng đội đã từng chung chiến hào… như bác

Ông Trung:

- Thạch, lại đây với bác!

 

Thạch:

- Bác… bác Trung… (hai người ôm nhau- Hiền Lương về)

Hiền Lương:

- Bố ơi! Mẹ ơi… Kìa anh, anh Thạch

Thạch:

- Hiền Lương, sao em lại ở đây?

Bà Hồng:

- Thì ra… thì ra hai đứa quen nhau à?

Hiền Lương:

- Thưa bố, mẹ. Đây là người mà con từng thưa chuyện, vì điều kiện công tác nên chưa có dịp về thăm.

Ông Trung:

- Thì ra, đây là người mà con đã từng thưa chuyện ư? Trần Quang ơi. Vậy là lời thề hẹn năm xưa đã thành sự thật. Thằng Thạch và con Hiền Lương đã tìm được nhau, cậu có linh thiêng thì hãy về đây mà chứng dám tình yêu của hai đứa con đồng đội

Hiền Lương:

- Bố …

Bà Hồng:

- Thế còn chuyện di dời trang trại ông tính sao?

Ông Trung:

- Còn tính gì nữa, quả là tiếc thật. Bao nhiêu công sức mồ hôi, trải bao mưa đông nắng hạ, thành quả này không thể một sớm một chiều có được… thành quả này không thể một sớm một chiều có được bà ạ.

Bà Hồng:

- Lại một bãi hoang… một nơi ở mới… sức ông đã già rồi mà.

Ông Trung:

- Kìa bà, bao nhiêu năm làm vợ lính mà bà không hiểu hết hành trình người lính, ngày xưa không sợ gian khó, hy sinh trước kẻ thù, bây giờ trên mặt trận kinh tế người lính cũng phải đi đầu bà ạ.

Thạch:

- Bác Trung, cháu cảm ơn bác!

Hiền Lương:

- Hoan hô bố, bố con vẫn là người lính, trong lòng bố vẫn giữ trọn phẩm chất cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ.

Ông Trung:

- Phải. Bước chân ra từ cuộc chiến tranh, người lính lại hát khúc quân hành xây dựng. Nào các con hãy hát mừng tình yêu đôi lứa, mừng người lính năm xưa trọn một lời thề.

Đông Xuân:

“Cùng hát lên khúc quân hành xông trận

 Bảy mươi năm tròn lực lượng vũ trang

Anh dũng kiên trung trong khói lửa chiến tranh

Nay vững bước quân hành xây đời mới

Đường tương lai bước chân không chùn mỏi

Trọn một lời thề đồng đội năm xưa

Rộn bàn chân, đường hành quân,

            Lực lượng vũ trang

           Xây đời đẹp tươi”.

. . . . .
Loading the player...