08-08-2012 - 03:37

Sáng tạo hay làm méo mó Kiều?

Vở kịch “Nguyễn Du với Kiều” ra mắt tối mồng 10/3 tại nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội) với cái kết Kiều hóa thân thành Phật bà nghìn tay nghìn mắt khiến khán giả không mấy đồng tình. Mấy ngày sau, báo chí và các chuyên gia cũng lên tiếng phản đối.

Sáng tạo hay làm méo mó Kiều ?
Sáng tạo để làm mới?
 
Suất diễn “Nguyễn Du với Kiều” tối 10/3 tại nhà hát Tuổi trẻ dù chỉ mới là đêm diễn thử nghiệm nhưng đã tung ra nhiều sự sáng tạo và đột phá.  
Được biết đây là vở kịch đầu tiên về Kiều được diễn bằng nghệ thuật hình thể. Bên cạnh đó, đây cũng là lần đầu tiên kịch bản “cho phép” đại thi hào Nguyễn Du và nữ sĩ Hồ Xuân Hương vào kịch trong vai trò người dẫn chuyện.
Vở kịch còn gây ra các “hiệu ứng” khác nhau khi lồng âm nhạc “ba miền” (hát chèo, hát văn vàDạ cổ hoài lang) vào các trích đoạn.


Cảnh Hoạn Thư đánh ghen Thúy Kiều (trái) trong vở Nguyễn Du với Kiều - Ảnh: Tuổi trẻ
 
“Làm mới sân khấu kịch” - đó chính là mong muốn của nhà hát Tuổi trẻ dành cho vởi kịch “Nguyễn Du với Kiều”. Tuy nhiên, nếu như những sự sáng tạo và đột phá nói trên được đón nhận thì cái kết của vở kịch khiến các khán giả lắc đầu phản đối.
Không giống như trong truyện, nàng Kiều đoàn tụ gia đình và sống thanh thản, cái kết của vở kịch “Nguyễn Du với Kiều”lại khép lại với hình ảnh nàng Kiều hóa thân thành Phật bà nghìn mắt nghìn tay. 
Vở kịch được diễn bằng nghệ thuật hình thể, chỉ có hành động và cử chỉ, không có lời nói nên khán giả đều tỏ ra không hiểu. Thậm chí, một khán giả còn trả lời PV rằng : “Không bàn về phẩm chất của Kiều vì ai cũng đã hiểu, nhưng đẩy Kiều lên thành một biểu tượng của đức tin thì thật bốc đồng, không nên”.
Tại sao Thúy Kiều không thể thành Phật?
Đạo diễn vở kịch “Nguyễn Du với Kiều”,NSND Lan Hương cho rằng: “Sự hi sinh và đức hiếu hạnh của nàng Kiều được sánh bằng Phật bà”.
Tuy nhiên, việc Thúy Kiều được thành Phật bàlà một điều không thể xảy ra. Đọc kỹ đoạn kếtKiều chúng ta sẽ thấy rõ hơn về điều này.
Thứ nhất, đến cuối cùng Kiều vẫn chưa thoát khỏi phong trần. Bởi Kiều đã “thanh lâu hai lần”, bị biết bao tủi nhục trong 15 năm lưu lạc. Câu 3243 – 3244 của Kiều cũng là: “Bắt phong trần phải phong trần, Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.
Như vậy, chuyện phong trần của Kiều đến cuối cùng vẫn được Đại thi hào Nguyễn Du nhắc đến như một điểm “nhấn”. Kiều đến cuối cùng vẫn phải sống ở chốn hồng trần, vẫn phải kết hôn với Kim Trọng chứ không thể “thanh y” ba lần.
Thứ hai, Thúy Kiều cũng không thể cưỡng lại dục vọng với Kim Trọng khi đã nên duyên vợ chồng. Xudan Xôntăc, nữ văn sỹ người Mỹ trong cuốn ký sự Chuyến đi Hà Nội đã viết rằng: “Với khẩu vị thẩm mỹ phương Tây, chúng ta thích thấy cô Kiều chết vì ho lao trên tay người yêu trong ngày tái hợp hơn là thấy nàng được ban thưởng một thời gian chung sống mà phải chịu đựng như vậy”.
Tại sao nữ văn sĩ Mỹ lại nhận định bi quan như vậy? Bởi lẽ thường con người phong trần như Kiều không thể cưỡng lại được dục vọng trong tình yêu. Nhất là sau khi Kiều đã 15 năm lưu lạc và Kim Trọng vẫn thủy chung chờ đợi và tìm kiếm nàng.
Và dù Thúy Kiều có xin đổi duyên “cầm sắt” (vợ chồng) với Kim Trọng thành duyên “cầm kỳ” (tri kỷ) thì cũng không ai có thể khẳng định cái duyên “cầm kỳ” ấy lại chiếm vị thế độc tôn mãi mãi trong cuộc sống vợ chồng giữa hai con người.
Dân gian ta đã có câu: “Tình cũ không rủ cũng đến”. Câu nói này rất hợp tình hợp lý để nói về trường hợp tình nghĩa vợ chồng của Thúy Kiều và Kim Trọng vào đoạn kết “Đại đoàn viên”. Việc hoán đổi duyên “cầm kỳ” thành duyên “cầm sắt” như năm xưa trong nội tâm của nàng Thúy Kiều do đó không phải không thể xảy ra. Và nếu có thể xảy ra thì Kiều không thể thành Phật được. Đó là một điều hiển nhiên và chắc chắn.
Cuối cùng, ngay cả tác giả Nguyễn Du cũng không muốn Thúy Kiều trở thành Tiên thành Phật. Trong câu kế cuối của truyện Kiều Nguyễn Du đã viết rằng: “Thiện tâm ở tại lòng ta”. Như vậy Nguyễn Du có muốn Kiều thành Phật bà Quan Âm nghìn tay nghìn mắt đâu?
Mua vui cũng được một vài… trống canh?
Nguyễn Du tự nhận về “đứa con tinh thần” của mình là những “lời quê’, “chắp nhặt”, “dông dài”, chỉ là để “mua vui”. Nhưng 3255 câu Kiều đã thành công vượt bậc hơn cả nguyên bản của nó từ Trung Quốc, đưa cả tác giả của nó thành một Đại thi hào và Danh nhân văn hóa của thế giới. Mua vui như vậy mới đáng là gọi “mua vui” của những bậc thi sĩ.
Vở kịch “Nguyễn Du với Kiều” của nhà hát Tuổi trẻ cũng có mục đích là mua vui. Nhưng có “vui” hay không thì chắc đến nay Ban lãnh đạo nhà hát Tuổi trẻ cũng đã cảm nhận được. Riêng người viết chỉ mong hậu thế đừng ép nàng Thúy Kiều trở thành thành Tiên thành Phật. Bởi sự ép buộc này đã không đúng (và đã không hay hơn?) với nguyên bản của nó mà còn làm méo mó ách hiểu của thế hệ trẻ về một tác phẩm văn học kiệt xuất của dân tộc và thế giới.
 
Huế, ngày 13/3//2012
Nguyễn Văn Toàn
Số nhà 287 Chi Lăng, phường Phú Hiệp, thành phố Huế.
Điện thoại: 01658679498
. . . . .
Loading the player...