60 năm qua, từ cái nôi của Học viện Múa, hơn 3.000 nghệ sỹ múa đã được đào tạo và phục vụ cho đất nước. Đa phần trong số họ đều là những nghệ sỹ, diễn viên múa hàng đầu của Việt Nam, thậm chí một số người còn thành danh trên sân khấu quốc tế...
Sáng 25/10 tại Hà Nội, Học viện Múa Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba (lần thứ II).
Học viện Múa Việt Nam, tiền thân là Trường Múa Việt Nam được thành lập ngày 25/10/1959. Năm 2001, Trường Múa Việt Nam được Bộ Giáo Dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nâng cấp lên thành Trường Cao đẳng Múa Việt Nam. Năm 2019, Trường tiếp tục được nâng cấp thành Học viện Múa Việt Nam.
Học viện Múa Việt Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba (lần II)
60 năm qua, từ cái nôi của Học viện Múa, hơn 3.000 nghệ sỹ múa đã được đào tạo và phục vụ cho đất nước. Đa phần trong số họ đều là những nghệ sỹ, diễn viên múa hàng đầu của Việt Nam, thậm chí một số người còn thành danh trên sân khấu quốc tế. Đội ngũ giảng viên có trình độ và chất lượng cao, trong đó 100% giảng viên có trình độ đại học, hơn 50% có trình độ thạc sỹ, 07 giảng viên có trình độ tiến sỹ, nhiều thầy cô được đào tạo tại nước ngoài: Nga, Ấn Độ, Trung Quốc...
Nhiều giảng viên, biên đạo, diễn viên múa trưởng thành từ mái trường này đã tỏa sáng và tạo dựng vị trí nghề nghiệp của mình cả trong nước và quốc tế. Nhiều nghệ sỹ đã sống được bằng nghề và khẳng định tài năng bằng nghề, họ tham gia ở các thành phần biên đạo, diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật cho các chương trình nghệ thuật khắp đất nước. Những tên tuổi như: Vương Linh, Đặng Hùng, Cao Chí Thành… đã trở thành lớp nghệ sỹ nổi tiếng trong và ngoài nước.
Không ít tài năng biên đạo do Học viện đào tạo đã trở thành những nhà quản lý của các nhà hát nghệ thuật lớn (như Huy Trần, Giám đốc nghệ thuật của Nhà hát Pfalztheater Kaiserslautern, Đức; Vũ Ngọc Khải làm việc tại Nhà hát Konzert Theater Bern, Thụy Sĩ... Và các tài năng này thường xuyên trở về quê hương để tham gia giảng dạy, tập huấn, biểu diễn... Học viện Múa Việt Nam đã trở thành cái nôi của ngành nghệ thuật múa nước nhà, là cơ sở đào tạo đầu ngành về nghệ thuật múa.
Với quá trình phấn đấu không ngừng, học viện đã được tặng thưởng nhiều Huân chương trong nước cũng như nước ngoài: Huân chương Lao động hạng Ba năm 1980, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1989, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1995, Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2004, Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2009, Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2014, Huân chương Lao động hạng Nhì Nhà nước Lào năm 2009.
Một tiết mục biểu diễn của các học viên của Học viện Múa Việt Nam
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông chúc mừng những thành tích mà tập thể lãnh đạo, giảng viên, học viên của trường đã đạt được trong 60 năm qua. Thứ trưởng khẳng định, 60 năm qua, các thế hệ thầy và trò Học viện Múa Việt Nam đã viết nên những trang sử vẻ vang, đáng tự hào của nhà trường.
Tiếp tục sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước trong giai đoạn mới, đáp ứng sự phát triển chung của ngành và hiện thực hóa niềm tin, sự kỳ vọng của xã hội, Thứ trưởng yêu cầu Nhà trường tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục triển khai và thực hiện tốt Nghị quyết số 29, Trung ương VIII khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Bên cạnh đó, triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý có phẩm chất chính trị đạo đức, lối sống và trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường và nhu cầu phát triển của ngành. Chủ động trong việc thu hút các biên đạo múa, các nghệ sĩ múa, các NSND, NSƯT, các giảng viên trong và ngoài nước đến giảng dạy tại Trường. Có chế độ tôn vinh các nghệ sĩ, các giáo viên tài năng tâm huyết có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đào tạo của Nhà trường.
Thứ trưởng cũng yêu cầu, tập thể đơn vị và cá nhân cán bộ, viên chức Nhà trường chủ động tích cực hơn nữa trong xây dựng và triển khai các nhiệm vụ được giao, tranh thủ và khai thác tối đa sự giúp đỡ của các tập thể cá nhân trong và ngoài nước nhằm huy động sức mạnh tổng lực trong sự nghiệp phát triển Nhà trường. Cần đặc biệt quan tâm chăm lo giáo dục học sinh toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, nhất là chăm lo xây dựng nhân cách, lối sống đẹp, đạo đức nghề nghiệp, Nhà trường vừa là trung tâm giáo dục, vừa là trung tâm văn hóa, có môi trường dân chủ, nhân ái, nghĩa tình, nơi con người được coi trọng, được yêu thương, được trau dồi kỹ năng sống, kỹ năng sáng tạo để phát triển. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, là nhiệm vụ cao cả của Nhà trường.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba (lần II) cho Học viện./.
Nguồn tin: Dangcongsan.vn