30-03-2018 - 14:56

Maxim Gorky - Con người huyền thoại

Ngày 28/03/2018, tại Hội Nhà văn Việt Nam, đã có cuộc tọa đàm thân thế và sự nghiệp 150 năm ngày sinh văn hào Macxim Gorky ( 28/03/1868-28/03/2018). Tới dự cuộc tọa đàm có các nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội nhà văn VN. Giám đốc Trung tâm văn hóa Nga tại Việt Nam, bà Bà Natalia Shafinskaya và đồng sự cũng tham gia cuộc tọa đàm văn hóa thân mật, đầy ý nghĩa này.

Bên cạnh đó, các dịch giả tiếng Nga và những người yêu văn học Nga nói chung và yêu nhà đại văn hào nói riêng cũng đã có mặt để chia sẻ những cảm xúc, ngưỡng mộ đối với nhà văn lớn không chỉ của nước Nga mà của toàn thế giới.

Chào đời ngày 16 tháng 3 năm 1868, Maxim Gorky trong một gia đình người thợ mộc Maxim Savatievich Peshkov, ít ai biết rằng, Alexey Maximovich Peshkov, tức Maxim Gorky –sau này đã trở thành nhà văn lớn của nước Nga thế kỷ 20. Với phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa , ông là người mở đầu cho trào lưu sáng tác theo phương pháp này.

Hơn 40 năm miệt mài lao động sáng tạo nghệ thuật , Maxim Gorky đã từ biệt thế giới để vào cõi vình hằng vào ngày 18/6/1936. Tuy nhiên, với tất cả khối lượng tác phẩm đồ sộ và sự cống hiến cá nhân cho cách mạng tháng Mười Nga, ông mãi mãi là cậy đại thụ văn chung “ vạm vỡ” không chỉ một thời mà còn của muôn đời

Năm 1892, Peshkov xuất bản truyện ngắn đầu tiên Makar Chudradưới bút danh Maxim Gorky (đau khổ). Tác phẩm giành được những thành công đáng kể, mở một con đường sáng để Gorky đi vào thế giới văn chương. Năm 1902, ông viết vở kịch Dưới đáy từ những trải nghiệm thơ ấu của bản thân. Tác phẩm được dàn dựng, công diễn tại Nhà hát Nghệ thuật Matxcơva và giành được những thành công vang dội. Vở kịch sau đó còn được mang sang diễn tại ở châu Âu và Mỹ.

Năm 1890, Gorky trở thành biên tập viên tại NXB Znanie. Năm 1902, ông tham gia vào việc in ấn một số tài liệu bí mật và bị bắt đi đày tại Arzamas. Cùng năm đó, Gorky được bầu vào Viện Hàn lâm khoa học Nga nhưng bị một số viện sĩ phản đối và Nga hoàng bác bỏ vì những hoạt động dính líu đến chính trị. Năm 1905, nhà văn tham gia đảng Bolshevik dưới sự lãnh đạo của Lenin. Năm 1906, Gorky đến Mỹ, gặp “linh hồn của nền văn học Mỹ” - Mark Twain. Trong một bữa tối, tác giả của Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer đã tâm sự với Gorky: “Tất nhiên, tôi bày tỏ sự đồng cảm của mình đối với cuộc cách mạng Nga”. Trong khoảng thời gian sống tại Mỹ, nhà văn hoàn thành vở kịch Những kẻ thù và viết xong một phần cuốn tiểu thuyết xuất sắc - Người mẹ.

Năm 1906, Gorky chuyển đến sống tại Capri - một hòn đảo ở phía nam Italy. Năm 1908, Lenin đã đến thăm nhà văn. Được sự gợi ý và khuyến khích của Lenin, nhà văn đã viết bộ ba tiểu thuyết tự thuật nổi tiếng Thời thơ ấu(1913-1914), Kiếm sống (1916) và Những trường đại học của tôi(1922)

Sau khi cách mạng thành công, Gorky tỏ ra bất mãn với một số chính sách đối đãi với giới nghệ sĩ của chính quyền mới. Năm 1921, nhà văn đã tự nguyện xin sống lưu vong. "Với một kẻ già cả, bất cứ nơi nào ấm áp đều có thể trở thành quê hương”. Vào thập kỷ 20 của thế kỷ 20, Gorky đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết xuất sắc Sự nghiệp gia đình Artamov (1925).

Năm 1924-25, Gorky sống tại Sorrento, nhưng Stalin đã thuyết phục được ông trở về Nga. Năm 1934, ông tham gia sáng lập và trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Xô viết.

Ngày 18/6/1936, Gorky qua đời, mang theo những khát khao , và cả những mâu thuẫn nội tâm, giằng xé, đầy tính nhân văn .

Hiện thực cuộc sống hiện ra trong những truyện ngắn của Gorky với hai màu sáng - tối, làm nảy sinh cả niềm vui sướng lẫn nỗi khổ đau, sự cảm thông lẫn lòng công phẫn. Hiện thực đó trước hết là chính bản thân con người . Chất lãng mạn và chất hiện thực luôn đồng hành, bổ sung cho nhau trong nhiều truyện ngắn của Gorky. Là người có tâm hồn tinh tế, lãng mạn, ông còn là một nhà thơ với nhiều tác phẩm đem lại sự thích thú cho bạn đọc. Những tác phẩm thơ của ông đã được nhà văn Nguyễn Tuân dịch sang tiếng Việt từ thế kỷ trước.

Trong buổi tọa đàm nhân 150 năm ngày sinh Gorky, nhà thơ Bằng Việt, dịch giả Nga, Chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội cho rằng, Gorky là nhà văn của tầng lớp “dưới đáy”, mô tả những người thuộc tầng lớp bần cùng, ngoài diện mạo “gớm ghiếc”, cuộc sống khổ đau là ẩn chứ bên trong những khát vọng đẹp, nhân cách đẹp, nhân văn. Đánh giá Gorky, nhà thơ Bằng Việt cho biết, đại thi hào sừng sững trong văn đàn thế giới nói chung và văn đàn Nga nói riêng, chính là ở thiên tài văn chương, với chủ nghĩa nhân văn cao cả.

Dịch giả Thúy Toàn, người có công mang văn học Nga đến với độc giả Việt Nam mấy chục năm nay, khẳng định vị trí của đại văn hào trong lòng công chúng Việt Nam là vĩnh cửu. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, tốt nghiệp ở trường Viết văn Macxim Gorky đánh giá cao bút pháp nghệ thuật mô tả chân dung của Gorky. Chính Raxun Gamzatop, Hoài Thanh và Gorky đã ảnh hưởng tới cách viết của các nhà văn, trong đó có nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Trên thực tế, Gorky là người lắng nghe những câu chuyện kể, mở đầu và kết thúc tác phẩm với những ấn tượng, tình cảm hết sức thực, hết sức sống động về người kể chuyện, về thiên nhiên và cuộc sống con người bao quanh câu chuyện kể. Đó là một kết cấu trong đó thế giới tưởng tượng, thế giới huyền thoại cổ tích được nối với thế giới hiện thực bằng chính bản thân tác giả, vừa giúp làm nổi bật những mâu thuẫn hiện thực của cuộc sống, vừa giúp cho những khát vọng lãng mạn được thể hiện một cách chân thực hơn và mạnh mẽ hơn.

Còn nhà PBVH Lại Nguyên Ân, nghiên cứu kỹ về Gorky, khẳng định, những năm 1960-1970, độc giả Việt Nam đã biết đến nhà văn Gorky, một nhà văn có chiều sâu văn hóa, giàu tính nhân văn. Tuy nhiên, thế kỷ XX, các tác phẩm Nga được bạn đọc Việt Nam chững lại, những chuyên gia về Nga mỏng dần, nhiều công chúng không mặn mà với VH Nga. Đó là điều đáng tiếc.

Macxim Gorky, thiên tài văn học, với bút pháp giản dị nhưng luôn đầy ắp một sự sống phong phú, đa dạng và sâu lắng – chính điều đó tạo nên cốt lõi nghệ thuật truyện ngắn của Gorky.

Cũng trong buổi tọa đàm , bà Natalia Shafinskaya , Giám đốc Trung tâm văn hóa Nga tại Việt Nam đã trao tặng Hội Nhà văn Việt Nam bộ sách xuất bản mới nhất của Gorky bằng tiếng Nga . Bà cho biết, rất trân trọng và biết ơn Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm này. Bà khẳng định, di sản của Macxim Goorky rất đồ sộ, ông là người có ảnh hưởng rất lớn trong thời đại của mình và kể cả về sau. Bà cũng mong mối quan hệ văn hóa giữa hai nước sẽ mãi mãi phát triển.

Nguồn: Báo giáo dục thời đại

. . . . .
Loading the player...