08-09-2019 - 16:57

MỘT DI TÍCH THỜI TRỊNH- NGUYỄN BỊ LÃNG QUÊN

Trong cuốn “Kỳ Anh phong thổ ký” của Tri huyện Lê Đức Trinh viết năm Bảo Đại thứ 5 (1930) có ghi: “ Ninh quận công Trịnh Toàn, trú quân dưới chân đèo Ngang đã đắp lũy ở núi Từ Lĩnh thôn Xuân Sơn, để cầm cự với quân phương Nam ( Nhà Nguyễn ). Lại có “ Hộc đong quân” ở thôn Hữu Lễ, tổng Cấp Dẫn, bên dưới gò “Hỏa hiệu”, dài rộng mỗi phía 10 trượng, dùng để đong quân.

 

    Chúng tôi được anh Phan Công Kiền, CCB xã Kỳ Phong dẫn đi xem và may mắn tận mắt nhìn được di tích. Toàn bộ diện tích đất trong và ngoài “Đấu lường quân” hiện nay được giao cho một hộ dân trồng cây lâm nghiệp. 
    Ninh Quận công Trịnh Toàn là con trai út của Thanh Đô Vương Trịnh Táng thời Lê – Trịnh. Năm 1656, ở kỳ Anh thuộc trấn Nghệ An ( An -Tĩnh), nơi giao tranh ác liệt của hai bên Trịnh – Nguyễn. Quân chúa Nguyễn thường vượt đèo Ngang sang đánh nhau với quân Trịnh. Quân Trịnh nhiều lần bại trận, phải lui về  Yên Trường, Bắc sông Lam để bảo toàn lực lượng. Trước tình hình đó, Trịnh Táng đã cử con trai Ninh Quận công Trịnh Toàn làm“ Khâm sai”, “Tiết chế” tổng chỉ huy đường bộ và đường biển với tất cả quyền hành để cai quản Nghệ An, chống lại quân nhà Nguyễn”  
( An Tĩnh cổ lục, NXB Nghệ An, 2005, trang 242)
     Ninh Quận công Trịnh Toàn là vị tướng trẻ “ Khôn ngoan và dũng cảm” biết “ Hậu đãi tướng sĩ, yêu mến quân dân, lòng người đều phục.” (Sách đã dẫn). Khi vào cai quản Nghệ An ( An - Tĩnh), ông đã tập trung hết sức chăm lo công viêc “ Đào hào lũy, đựng pháo đài, đài tải cung cấp lương thực, vũ khí, ...Hầu hết các thành lũy, đồn bảo trước đây đều được khôi phục lại. Một số đồn lũy mới được xây dựng, nhân đân quen gọi là “ Thành ông Ninh”. ( Lịch sử Nghệ Tĩnh, Tập I, NXB Nghệ An, 1984, trang 248). Nhờ vậy mà Trịnh Toàn đã chỉ huy quân lính đánh thắng quân Nguyễn nhiều trận, ổn định tình hình trấn Nghệ An. Trong những công trình ấy, Trịnh Toàn cho xây “ Đấu lường quân” tại vùng đất bằng phẳng dưới chân núi Lạc Sơn, làng Hữu lễ, tổng Cấp Dẫn. Hữu Lễ hiện nay là thôn Trung Phong xã Kỳ Phong huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
   “Đấu lường quân”, “Hộc đong quân”  hay còn gọi là “Lượng quân đấu”, một hình thức đo lường để kiểm tra quân số binh lính dưới thời phong kiến. “Đấu lường quân” do Trịnh Toàn xây đắp ở Hữu Lễ, nhân dân thường gọi là “ Đấu ông Ninh”. “Đấu” được xây đắp trên một vùng đất rộng rãi, hình vuông, mỗi cạnh dài 10 trượng,  thành “Đấu” cao khoảng 2m, chân thành “ Đấu” rộng khoảng 6 – 8 m. Bên ngoài thành “ Đấu” 4 phía có hào sâu bảo vệ. “Đấu” có 4 cửa Đông, Tây, Nam, Bắc. Chính giữa trên thành “Đấu”  có “Vọng lâu”  để người chỉ huy đứng điểm quân. Trải qua mưa gió bào mòn, con người cày xới, trồng trọt nên các bờ thành “Đấu” bị thấp xuống rất nhiều. May thay hình chiếc “ Đấu” vẫn còn. Các góc thành “Đấu”  vẫn vuông vức, diện tích mặt sân của “ Đấu” vẫn bằng phẳng.

Một góc " Đấu lường quân"

      Bên ngoài thành “Đấu” phía Bắc có một miếu thờ Thổ Thần. Miếu này theo nhân dân kể lại trước được xây cao ba bậc như cái bục thờ. Cách  miếu Thổ Thần khoảng 50 m về phía Bắc nhân dân còn xây một miếu thờ Ninh Quận công Trịnh Toàn. Cả hai miếu thờ này hàng năm nhân dân đều có dâng hương, lễ bái đầy đủ. Rất tiếc là có những người nghi dưới chân các miếu ấy có cất giấu vàng bạc, nên đã đến đào trộm. Hai miếu này nay chỉ còn nền móng.
       Một công trình gần 400 năm, gắn liền với nhân vật lịch sử và cuộc chiến Trịnh – Nguyễn trên đất Kỳ Anh, Hà Tĩnh, một vùng đất sôi động, ác liệt thế kỷ thứ XVII, nay vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Chúng tôi mong các nhà chức trách nên tổ chức khảo sát, hoạch định,gìn giữ di tích có giá trị lịch sử này. 


                                                           Nguyễn Tiến Chưởng


 

. . . . .
Loading the player...