08-01-2025 - 00:40

Một số vấn đề về dạy học Ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018

Tạp chí Hồng Lĩnh số 220 trân trọng giới thiệu bài viết “Một số vấn đề về dạy học Ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018” của tác giả Phan Thế Toàn

So với chương trình cũ, chương trình Ngữ văn 2018 có nhiều đổi mới. Mục tiêu của chương trình Ngữ văn mới hướng tới dạy học phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, giúp hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm; bồi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách và phát triển cá tính; góp phần giúp học sinh phát triển các năng lực chung: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Đặc biệt, môn Ngữ văn giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học: rèn luyện các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe. Chương trình mới có sự kế thừa và phát huy những ưu điểm của các chương trình môn Ngữ văn trước đó, song cũng có nhiều đổi mới căn bản. Vì vậy, khi thực hiện chương trình, giáo viên gặp không ít những vướng mắc và băn khoăn. Từ kinh nghiệm của bản thân, và tìm hiểu từ các chuyên gia, ở bài viết này, chúng tôi muốn đề cập tới một số vấn đề còn gây nhiều lúng túng cho giáo viên trong thực hiện chương trình, nhất là những vấn đề mới.

Ảnh: Internet

 

1. Bình văn và đọc hiểu văn bản

Nhiều giáo viên băn khoăn là dạy Ngữ văn bây giờ có bình văn trong những giờ đọc văn hay không? Lí lẽ đưa ra là Chương trình Ngữ văn mới dạy theo thể loại, giáo viên chỉ cần nắm vững đặc trưng thể loại, giúp học sinh biết đọc những văn bản tương đương theo thể loại nên không cần bình văn trong dạy văn.

Qua các thời kì phát triển, quan điểm dạy học văn có nhiều thay đổi, từ bình văn, giảng văn, phân tích tác phẩm đến đọc hiểu văn bản. Trước năm 2000, dạy văn là bình văn, giảng văn, phân tích văn, người thầy vẫn đóng vai trò chủ đạo. Chương trình Ngữ văn 2000 thay đổi quan niệm giảng văn bằng đọc hiểu văn bản. Chương trình Ngữ văn 2018 lại hướng tới dạy học Ngữ văn theo đặc trưng thể loại, trao quyền chủ động cho học sinh.

Trong chương trình Ngữ văn 2018, quan niệm về dạy học có đổi mới, nhưng không phải không có tính kế thừa. Dạy học Ngữ văn định hướng cho học sinh đọc hiểu theo đặc trưng thể loại, tuy nhiên đối tượng đọc hiểu là các văn bản văn học đã được chọn lọc, có tính hấp dẫn và tính nghệ thuật cao, tác phẩm văn học lại có tính đặc thù, nên khi dạy đọc hiểu không chỉ áp dụng các phương pháp một cách khô khan và cứng nhắc. Dạy đọc hiểu giúp học sinh biết cách đọc, tự tiếp nhận tác phẩm nhưng không vì thế mà thủ tiêu vai trò của người thầy. Người thầy ngoài việc dẫn dắt học sinh đọc hiểu văn bản, khi gặp những câu thơ lời văn hay, gặp những chi tiết đắt giá, những hình ảnh đẹp trong tác phẩm, lúc tâm hồn thăng hoa, người thầy vẫn có thể có những lời bình xác đáng. Đó không phải là việc áp đặt của thầy, mà góp thêm cho giờ học một cách đọc để học sinh tham khảo, hoặc cùng trao đổi. Ngược lại, học sinh cũng có thể bình những điều mình tâm đắc. Điều đó sẽ góp phần làm cho giờ đọc văn thêm sinh động, giàu màu sắc văn chương.

2. Vấn đề lí luận văn học, lịch sử văn học đối với đọc hiểu

Đây là điểm khác biệt với chương trình Ngữ văn trước đó. Trong các chương trình Ngữ văn truyền thống, lí luận văn học và lịch sử văn học được coi trọng, do đó, trước khi dạy các bài đọc văn, học sinh được cung cấp những kiến thức về văn học sử qua các bài khái quát (như Tổng quan về nền văn học Việt Nam qua các thời kì lịch sử, Khái quát về văn học dân gian, …), và có những bài riêng về lí luận văn học (như phong cách nghệ thuật, tiếp nhận văn học, giá trị văn học,…). Giáo viên đã quen với việc trang bị cho học sinh đầy đủ kiến thức về văn học sử và lí luận văn học để giúp học sinh đọc và khám phá được chiều sâu của các văn bản văn học, chính vì vậy, khi dạy học chương trình mới, giáo viên thường băn khoăn có nên dạy lí luận văn học và văn học sử để giúp học sinh có cơ sở để tiếp nhận tác phẩm văn học hay không?

Chương trình mới cũng như trong các sách giáo khoa đều có phần trang bị kiến thức lí luận văn học, tuy không còn được biên soạn thành các bài riêng biệt. Kiến thức lí luận văn học được cung cấp ở phần “Tri thức Ngữ văn”, “Kiến thức ngữ văn”, gồm các kiến thức về nội dung với các khái niệm như: đề tài, chủ đề, tư tưởng, cảm hứng…; kiến thức về hình thức như: thể loại, cốt truyện, nhân vật, người kể chuyện, điểm nhìn và ngôi kể, tiếp nhận văn học,... Kiến thức lí luận dù không được viết thành bài, song vẫn là phương tiện để giúp học sinh hiểu văn bản một cách tốt hơn. Vì vậy trong dạy học Ngữ văn, giáo viên cũng cần phải trang bị kiến thức lý luận văn học để giúp học sinh hiểu được văn bản – tác phẩm.

Trong chương trình Ngữ văn 2018, lịch sử văn học không được xem như một đối tượng cần dạy, cần học. Không có những bài học về lịch sử văn học trong chương trình, thay vào đó, chương trình hướng tới việc đưa những kiến thức lịch sử văn học gắn với từng văn bản – tác phẩm, làm sáng tỏ và giúp cho việc hiểu văn bản ấy. Chương trình cũng không sắp xếp các văn bản đọc hiểu theo tiến trình lịch sử, mà xếp theo thể loại văn học. Do mục tiêu của chương trình là rèn luyện kĩ năng đọc hiểu văn bản nên đã không đưa lịch sử văn học thành những đơn vị kiến thức để dạy học.

3. Dạy tìm hiểu tác giả trong giờ đọc văn

Nhiều giáo viên khi dạy đọc hiểu văn bản trong Chương trình mới vẫn dành thời gian tương đối để dạy tác giả. Họ cho rằng dạy tác giả là quan trọng, không chỉ giúp học sinh hiểu về thời đại, con người, sự nghiệp sáng tác, đặc biệt là giúp học sinh biết được phong cách nghệ thuật của tác giả, có như vậy việc đọc hiểu văn bản mới hiệu quả. Do vậy, giáo viên vẫn dành thời gian lớn để truyền thụ kiến thức về tác giả, bổ sung thêm cả những kiến thức không có trong sách giáo khoa. Vậy việc dạy tìm hiểu tác giả như thế nào cho phù hợp, đó là điều đáng bàn.

Quan sát các bộ sách khác nhau, chúng ta thấy phần giới thiệu tác giả không dài như sách giáo khoa trong chương trình cũ, thay vào đó người viết sách khi giới thiệu tác giả thường đưa các thông tin vắn tắt như năm sinh, năm mất, quê quán, một vài nét về các tác phẩm và một ít thông tin về đặc điểm sáng tác. Nội dung này thường đặt sau các văn bản.

Chương trình Ngữ văn 2018 hướng tới dạy đọc hiểu văn bản là chính, trong dạy đọc hiểu văn bản lại chủ trương đọc hiểu theo thể loại, nghĩa là học sinh nắm vững đặc trưng thể loại sẽ phát triển được năng lực đọc hiểu văn bản. Tìm hiểu tác giả là để giúp cho học sinh hiểu thêm về tác phẩm, nhưng chỉ là những thông tin cơ bản có ích trong việc khám phá văn bản mà thôi. Yêu cầu đọc hiểu phải tập trung vào văn bản, tất cả các yếu tố khác, trong đó có tác giả đều không thay cho việc tìm hiểu chính văn bản. Vì vậy, giáo viên cần dành nhiều thời gian giúp học sinh tìm hiểu các yếu tố nghệ thuật, kết hợp với tri thức và vốn sống của học sinh để đọc ra ý nghĩa của văn bản. Trong các đề thi sẽ đưa ngữ liệu mới, ở đó phần tác giả có thể không được giới thiệu, hoặc nếu có thì chỉ vài nét trong phần chú thích. Điều đó cho thấy nếu không có thông tin về tác giả thì học sinh vẫn đọc hiểu được văn bản theo đặc trưng thể loại.

4. Chọn ngữ liệu mới và tương đương

Trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (Ban hành kèm theo thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã chỉ rõ rằng trong việc đánh giá kết quả học tập cuối năm học, cuối cấp học, cần đổi mới cách thức đánh giátránh dùng lại các văn bản ngữ liệu đã học để đánh giá được chính xác khả năng đọc hiểu và phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học” (trang 87). Để học sinh làm được bài văn sử dụng ngữ liệu mới ngoài sách giáo khoa trong các đề thi buộc giáo viên cũng cần phải thường xuyên đưa các ngữ liệu mới để học sinh được làm quen trước, không bất ngờ trước đề thi. Vấn đề cần bàn ở đây là quan niệm về ngữ liệu mới ngoài sách giáo khoa và tính tương đương của ngữ liệu mới được hiểu như thế nào? 

Việc không dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu hiện nay là cần thiết. Hiện tại trên toàn quốc đang có 3 bộ sách đáp ứng được yêu cầu của Chương trình và đang được lựa chọn để triển khai dạy học trên cả nước. Nhà nước cũng đang tổ chức một kì thi Tốt nghiệp bậc THPT chung cho tất cả học sinh. Các ngữ liệu được dùng trong các sách giáo khoa lại không giống nhau, vì vậy nếu dùng ngữ liệu trong một bộ sách nào đó đều không đảm bảo công bằng cho học sinh học những bộ sách còn lại. Việc chọn ngữ liệu mới cũng là cách để phòng tránh học sinh việc học tủ, hoặc làm bài theo văn mẫu đã gây ra bao nhiêu hệ lụy cho việc đánh giá năng lực của học sinh.

Về tính tương đương của ngữ liệu mới. Đề thi/kiểm tra theo định hướng phát triển năng lực, việc lựa chọn các ngữ liệu cho đề thi là hết sức quan trọng. Có nhiều tiêu chí trong việc chọn ngữ liệu mới, chúng tôi đã có dịp bàn về vấn đề này (xem thêm Tạp chí Nhà văn và cuộc sống số 20 năm 2024, hoặc xem trang  https://nhavanvacuocsong.net/van-de-chon-ngu-lieu-cho-de-thi-ngu-van-trung-hoc-trong-chuong-trinh-moi/). Ở đây, chúng tôi muốn bàn thêm về tính tương đương của ngữ liệu mới sử dụng trong dạy học và kiểm tra môn Ngữ văn. Theo chúng tôi, khái niệm “tương đương” ở đây cần hiểu là:

Thứ nhất, ngữ liệu mới phải đảm bảo tương đương về thể loại (cùng thể loại với các văn bản đã học trong chương trình).

Thứ hai, tương đương về dung lượng, độ dài. Ngữ liệu được lựa chọn để dạy học phải có độ dài vừa phải, tương đương với độ dài của các ngữ liệu có trong bộ sách giáo khoa. Ngữ liệu dùng để ra đề thi cũng phải có độ dài phù hợp. Trong qui định về đề thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã ghi rõ, dung lượng ngữ liệu của các loại văn bản được sử dụng trong Đề thi không vượt quá 1300 chữ (cho tất cả ngữ liệu). Đó là trong trường hợp đề thi sử dụng tới 2 ngữ liệu (cho cả phần Đọc hiểu và Viết). Trường hợp chỉ sử dụng 1 ngữ liệu, và với đề thi định kì, chỉ nên chọn văn bản có độ dài dưới 1000 chữ.

Thứ ba, ngữ liệu phải đảm bảo phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm - sinh lí của HS. Nếu chọn một ngữ liệu nội dung quá đơn giản hoặc quá khó tiếp nhận, không phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh thì sẽ không đảm bảo yêu cầu.

Thứ tư, tương đương về độ khó của ngữ liệu. Ngữ liệu được chọn phải đáp ứng các yêu cầu đặt ra như yêu cầu về thể loại, dung lượng, chứa đựng những yếu tố tiêu biểu cho thể loại cần đánh giá,…Việc chọn ngữ liệu phải đảm bảo tương đương về độ khó mà chương trình đặt ra mới đánh giá đúng năng lực học sinh.

Thứ năm, hạn chế dùng văn bản thơ dịch làm ngữ liệu, vì như vậy, sẽ rất khó cho người dạy và ra đề khi hỏi, hoặc ra những câu hỏi về ngôn ngữ, nghệ thuật để đánh giá năng lực đọc hiểu của người học.

Thứ sáu, ngữ liệu phải đảm bảo được trích dẫn đúng quy cách, nguồn rõ ràng. Nghĩa là ngữ liệu phải đảm bảo tính minh xác, phải có nguồn rõ ràng, trích từ sách báo nào, tác giả, năm xuất bản, trang trích (nếu in trong sách), đường link (nếu trích từ các trang mạng Internet). Thực tế có những ngữ liệu hay, phù hợp nhưng không có nguồn trích rõ ràng sẽ không thể đưa ra sử dụng được. Điều này đặt ra cho người dạy học và ra đề thi phải có sự tích lũy ngữ liệu, phải đọc và nghiên cứu nhiều mới giải quyết được vấn đề.

Trên đây là một số vấn đề liên quan đến dạy học Ngữ văn theo chương trình mới, những vấn đề mà nhiều giáo viên và bản thân khi thực hiện chương trình mới còn băn khoăn hoặc vướng mắc. Người viết chỉ nhìn từ góc độ cá nhân và kinh nghiệm của bản thân trong quá trình dạy học, vì thế sẽ không tránh khỏi khiếm khuyết. Mong nhận được sự lưu tâm và trao đổi của quý đồng nghiệp và độc giả.

P.T.T

. . . . .
Loading the player...