12-10-2018 - 15:46

Một thời Bùi Xá- hồi ký của Đặng Đình Cầm

ĐẶNG ĐÌNH CẦM

(Quê Bùi Xá, Đức Thọ. Thượng tá, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm GDQP Đà Nẵng ( Quân khu V), hiện công tác tại Trường Cao đẳng Phương Đông, Đà Nẵng.

 

MỘT THỜI BÙI XÁ

( Hồi ký)

         Ngược dòng thời gian, để rồi ta sẽ gặp lại chính mình, gặp lại bóng hình của ông bà, cha mẹ chúng ta một thời lam lũ và chịu thương, chịu khó trong sản xuất và đời sống nhưng đã để lại rất nhiều dấu ấn, kỳ tích của một thời  về con người, về làng quê Bùi Xá không dễ gì quên vẫn được hiện hữu hàng ngày trong tâm khảm của mỗi người.

        Cách đây đã ngót bốn mươi năm, ngay sau khi Miền Nam hoàn toàn giải phóng đã diễn ra sự kiện rất quan trọng và có ý nghĩa đó là việc sát nhập, hợp nhất hai xã Đức Bùi và Đức Xá thành xã Bùi Xá vào năm 1978 cho đến tận bây giờ. Các bậc cao niên hiện còn sống ở quê nhà kể lại rằng: Phong trào cách mạng ở xã Bùi Xá giai đoạn thời bấy giờ có rất nhiều kỷ niệm. Sở dĩ hai xã Đức Bùi và Đức Xá sớm được gắn kết bên nhau, vì từ lâu đã có nhiều nét rất tương đồng như: cùng tiếp giáp địa giới hành chính " đất liền đất, ruộng liền bờ ". Rồi các phong tục tập quán, đời sống tinh thần của hai xã cũng rất giống nhau, tựa như hai anh em sinh đôi. Dân của hai xã, từ xa xưa cùng giao thương cùng đi một chợ Cầu ( cũ) ở đền Làng Khê thuộc xóm Thọ Giai ( Đức Bùi cũ) và sau này là cùng đi một chợ Cầu ở cổng đền Cả ( thôn Hạ Tứ ngày nay). Hai xã đã có sự giao thoa, giao lưu gắn kết trong sản xuất, trong buôn bán, giao thương với nghề làm hến, nghề kẹo che, ép mật làm đường và nghề làm bột, miến rất thịnh và nổi tiếng. Ngày ngày, sản vật của quê mình Bùi Xá như: mật mía đường và miến bột gạo ngon nức tiếng xa gần cứ thế được chuyển lên thuyền theo đường sông, để chuyên chở xuôi về buôn bán ngoài chợ Vinh sầm uất nhất lúc bấy giờ, còn ra mãi tận xứ đàng ngoài. Nghề truyền thống làm miến và ép mật mía này rất có tiếng, nổi tiếng đến mức có nhiều gia đình, như gia đình ông Trần Ty ( thôn Hạ Tứ) đã giành Huy chương vàng về sản phẩm miến gạo trong một cuộc thi đấu xảo ở Huế.  Học trò hai xã đã học chung một trường tư thời xa xưa và sau này là cùng trường cấp 1, cấp 2 ở Bùi Xá.  Trải qua bao đời, bao thế hệ mối lương duyên trai- gái cả hai xã đã có sự bén duyên rất gắn bó; Trong nhiều gia đình, cha là người làng Hạ Tứ( Đức Xá) và mẹ là người làng xóm Thọ Giai ( Đức Bùi). Giỗ chạp, ma chay cưới hỏi " trên ni và dưới nớ" ngồi chung một mâm. Sự hợp nhất hai xã Bùi Xá như là sự sắp đặt rất thiên định của đất trời, của lòng người, rất hợp thời và đi trước thời cuộc.

Sông La. Ảnh Bảo Phan

         Vào những năm đầu của những năm 1958- 1960, lứa chúng tôi chỉ mới là những cậu bé tuổi học trò ấu thơ vô tư và ngô nghê. Nhưng những hình ảnh về sự khởi đầu của tình đoàn kết xóm làng, đã được bắt đầu từ những tổ đổi công nhỏ bé để giúp nhau sản xuất khi chưa hề có hợp tác xã nông nghiệp. Vận động mãi, mấy năm sau mới có vài ba gia đình tự nguyện góp ruộng, góp trâu bò, vật dụng để manh nha hình thành một hợp tác xã nông nghiệp, bước đầu có quy mô nhỏ vài chục hộ gia đình thôi. Gia đình nào tích cực, tình nguyện vào hợp tác xã trước và sớm nhất, thì nhà đó được coi là hộ sớm giác ngộ và yêu nước nhất, ngoài ra còn vận động gia đình cán bộ, đảng viên gương mẫu tham gia, vào hợp tác xã nông nghiệp trước nhất. Và sau này quan hệ sản xuất lớn được mở ra, mới có các Hợp tác xã nông nghiệp ( HTX) liên thôn to hơn, rộng lớn hơn với những cái tên rất mới mẻ như: HTX Vạn Thành, Long Thành, Ba Trúc( ở xã Đức Xá) và trên xã Đức Bùi thời đó có HTX Đại Phúc và Thống Nhất. Giai đoạn này, HTX Thống Nhất và HTX Đại Phúc ( xã Đức Bùi cũ) trong nhiều năm liền, đã được coi là lá cờ đầu về những tập thể HTX sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của huyện Đức Thọ. Giai đoạn này, nhà nước đã đầu tư để có trạm bơm tưới nước từ công trình đại thủy nông Linh Cảm ( thuộc xã Đức Sơn ( cũ), nay là xã Tùng Ảnh) để phục vụ thủy lợi cho toàn huyện. Cũng từ đây quê mình và toàn Huyện, đã chấm dứt cảnh làm ăn manh mún, nhỏ lẻ từng nhà phải lo chống hạn, tự lo chống úng khổ sở như những năm trước, cũng không còn cảnh phải chống hạn, chờ trời mưa cho nước để sản xuất, đói nghèo cũng từng bước được đẩy lùi. Mãi sau này này, khi kinh tế khá lên được Nhà nước đầu tư lớn, mới có  thêm công trình thủy lợi là cống qua đê ở Bùi xá như hiện nay, để phục vụ giao thông thủy và kết hợp thủy lợi, từng địa phương lo việc chống hạn, chống úng kịp làm mùa. Không còn cảnh phụ thuộc trạm bơm Linh Cảm, với cảnh tranh giành nhau có khi đến đổ máu khi phải canh giữ nước thủy lợi để phục vụ kịp thời việc đổ ải, cấy cày. Đã có một thời xã này tranh giành, ẩu đả với xã kia. Xã trên thượng nguồn kênh cấp 1, cấp 2 đã hứng trọn, để các xã dưới hạ nguồn, thì kênh mương trơ đáy khô hạn, thất bát mùa màng.

Cầu Bại Khảo. Ảnh: Trần Bình

        Trong ký ức của lớp người như chúng tôi luôn tự hào, kiêu hãnh về tình đất, tình người quê mình Bùi xá với bao chuyện vui buồn. Rất nhiều người con quê hương Bùi Xá sống rất nhân hậu, nghĩa tình và được lòng dân, gắn bó với mảnh đất bao đời chủ yếu sống bằng nghề nông này. Mảnh đất Bùi Xá này từ xưa đến nay đã có rất nhiều người thành đạt, ở nhiều lĩnh vực trở thành tướng lĩnh, cán bộ cao cấp trong quân đội, là nhà văn , nhà thơ, nhà giáo có uy tín, nhà khoa học.. Nhưng xin phép không liệt kê ra hết và  kể chi tiết ( vì đã được nói rất đầy đủ trong cuốn lịch sử  Đảng bộ xã Bùi xá) . Ở đây xin chỉ kể ra một vài người từng gắn bó lâu với mảnh đất quê mình Bùi Xá, trưởng thành trong phong trào ở địa phương, với đời sống của bà con quê nhà. Những người Bùi Xá rất thành danh như ông Đặng Đình Tứ ( người thôn Hạ Tứ - Đức xá) nguyên là Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Đức Thọ nhiều năm liền, từ Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh, còn rất trẻ đã được điều động về làm Bí thư Huyện ủy Đức Thọ từ thời chiến tranh phá hoại, đánh phá quê mình ác liệt nhất năm 1968, cho đến khi hợp nhất hai tỉnh Nghệ Tĩnh, thì được điều ra Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh và sau này là cán bộ chủ chốt của Tỉnh Hà Tĩnh; Đó là ông Nguyễn Xuân Đích ( người thôn Hoa Đình ), nguyên ủy viên BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Nghệ- Tĩnh, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ nhiều năm liền. Còn có rất nhiều công chức mẫn cán, tích cực và thành danh khác. Lần đầu tiên ngành giáo dục mầm non có một cô giáo là người quê Bùi Xá, cô Nguyễn Thị Thảo giáo viên trường Mầm non của HTX Thống Nhất ( Đức Bùi cũ) đã được tuyên dương anh hùng lao động những năm 1962- 1965 . Đó còn là những nhân viên, công chức ở xã Đức Xá và xã Đức Bùi, mà chiến công của họ rất lớn và thầm lặng, họ có bề dày kinh nghiệm, làm rất lâu năm và trở thành bậc cao niên lão làng cả về tuổi đời và kinh nghiệm chuyên môn, là những người có công việc và bề dày rất thâm niên, công tác ở trạm xá xã nhà đã dành trọn cả cuộc đời từ lúc thanh xuân cho đến khi về nghỉ chế độ để chăm sóc sức khỏe và cứu nhân cho dân làng Bùi Xá  khi đau ốm, mà điều kiện rất xa ngái bệnh viện tuyến trên. Phải ghi nhớ tâm đức của các ông: Trần Triêm ( thầy thuốc), ông Nguyễn Xuân Kỷ ( Y sỹ ), bà Trần Thị Kim (hộ sinh), ông Trần Nhạ ( Y sỹ)… Thời ấy, khi mà điều kiện chăm sóc sức khỏe ở địa phương còn quá sơ khai và còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nguồn nhân lực đã qua trường lớp, phục vụ việc điều trị ốm đau bệnh tật chủ yếu ở quê còn khan hiếm. Thì sinh mạng bà con ta chỉ nhờ vào chuyên môn, y đức của các thầy thuốc ở trạm xá xã nhà. Biết bao nhiêu đứa trẻ, với nhiều thế hệ đã cất tiếng khóc chào đời, được bắt đầu từ bàn tay vàng của bà đỡ mát tay Trần Thị Kim và các nữ hộ sinh khác của hai xã Bùi xá. Bao người đã qua được cơn bạo bệnh hiểm nghèo được chẩn đoán chính xác, kịp thời từ sự chăm sóc của ông Triêm, ông Kỷ, ông Nhạ…( và còn có nhiều người rất tâm đức ở trên xã Đức Bùi..). Vào những năm trăm bề còn khó khăn của ngày xưa ấy, bệnh viện huyện Đức Thọ lại xa tít tận Linh Cảm, mỗi khi ốm đau và sinh đẻ chỉ di chuyển bằng xe đạp và võng cáng thương, thì công lao của những thầy thuốc, nữ hộ sinh thời đó rất được trân quý, nhất là vào những lúc đêm hôm giá rét, tiết trời mưa gió, đường trơn như đổ mỡ hay lụt lội ở quê mình.

      Trong số những người con quê mình Bùi Xá như thế, còn có một con người cũng hết sức bình dị, nhưng rất đặc biệt ( theo suy nghĩ của tác giả và rất nhiều người). Nhớ lại, ngược dòng thời gian vào những năm 1960, thời kỳ cả nước và quê ta, phải chống hai thứ giặc: " Giặc đói và giặc dốt ", kinh tế ở các địa phương và xã Bùi Xá ta, còn hết sức đói nghèo và nhỏ bé, lạc hậu. Thì ở hợp tác xã Thăng Long ( Đức Xá) quê ta thời bấy giờ, có một ông  chủ nhiệm hợp tác còn rất trẻ, mà năng động, dám nghĩ, dám làm. Đó là ông Phạm Chí Thiết rất tiêu biểu và nổi tiếng, một người mà bà con thường nói: " học chưa cao  mà hiểu rất rộng, rất sâu sát, làm việc rất hiệu quả". Ông đã hết lòng vì dân, rất gần dân, thương dân, được dân thương quý, rất năng động và nhạy bén mà vô tư, liêm khiết. Chính vì vậy, từ một Chủ nhiệm hợp tác xã ở quê mình, ông Phạm Chí Thiết nỗ lực phấn đấu và đã được điều động lên làm Phó phòng, rồi trưởng phòng nông nghiệp huyện Đức Thọ trong một thời gian dài, sau đó được tín nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đức Thọ nhiều năm, trước khi về nghỉ hưu ở thôn Hạ Tứ ( Đức Xá) quê mình.

Ông Phạm Chí Thiết ( mặc áo vàng thứ năm bên phải sang) với người dân trong xã

 

      Mọi so sánh có thể khập khiễng, nhưng ở ông Phạm Chí Thiết, Chủ nhiệm HTX quê ta cũng có nhiều nét rất tương đồng với  một vị chủ nhiệm HTX nông nghiệp ở xã Hòa Nhơn - Hòa Vang ( Thành phố Đà Nẵng) sau này ông đã  trở thành vị chủ tịch Thành phố và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng rất năng động và nổi tiếng một thời, nhận được khá nhiều sự đồng thuận trong lòng dân để có một “ thành phố trẻ, năng động, đổi mới “ như thời gian qua. 

        Ông Thiết thuộc lớp người là bậc cha, chú của chúng tôi. Nhà cũ của ông trước đây ở xóm cầu sang Bại Khảo ( nay thuộc thôn Hoa Đình, rất gần với nhà tôi). Vào thời điểm những năm  1960, 1961, đất nước ta còn đói nghèo và lạc hậu nhưng ông Thiết đã có những suy nghĩ, việc làm để giúp dân làng mình ấm no hơn, thoát dần cảnh đói nghèo, lạc hậu. Đó chính là việc phát triển kinh tế bằng hình thức phát triển kinh tế hộ tập thể HTX, sớm có chủ trương di dân, khai hoang đưa bà con xã viên lên tít miền núi ở thôn Trậm Thị, xã Hương Điền,( huyện Hương Khê – Hà Tĩnh ) để khai phá rừng, lập trang trại sản xuất, canh tác cho tập thể. Để làm được việc này thành công, trước hết ông bám dựa vào một người làng ( ông Quế và ông Chín) lên vùng đất này lập nghiệp, đã có cuộc sống rất ấm no. Thời đó, từ quê Đức Xá lên mảnh đất Hương Điền này xa lắm, chủ yếu là đi bộ, đi trọn một ngày đường, làm chi có có xe đạp, xe máy , ôtô như thời nay, phương tiện thong tin lien lạc cũng chư có. Phương tiện vận tải chỉ có vài chiếc thuyền gỗ, còn lại chủ yếu là bè mảng. HTX Thăng Long mà ông là Chủ nhiệm đã đứng ra vận động cắt cử xã viên lần lượt, luân phiên thay nhau đi mỗi đợt từ 15, 20 ngày, lên trang trại để sản xuất được  tính bằng công điểm của tập thể lúc bấy giờ ( người dân quê ta, gọi là đi Trại..).

         Thành quả là hàng năm, theo mùa vụ  cứ thế nối tiếp nhau ở bến sông quê mình, nơi có cây cầu Bại Khảo ( thôn Hạ Tứ) bắc qua sông là quang cảnh những chiếc bè nứa, kết thành mảng dài cứ nối đuôi  nhau xuôi từ thượng nguồn trên dòng sông La, để về cập bến sông quê. Mỗi chiếc bè chở đầy ắp hàng hóa: Lúa, ngô, khoai sắn và cả nhiều chum mật mía đường… đem về ấm no, đổi đời cho bà con xã viên, trên mỗi chiếc bè được kết bằng nứa, đều có cắm một lá cờ đỏ sao vàng, khí thế như trẩy hội.

Ông Thiết  với Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh

 

       Báo Hà Tĩnh thời đó đã liên tiếp đăng nhiều kỳ nêu gương về mô hình sản xuất bằng hình thức khai hoang lên miền núi của HTX Thăng Long ( Đức Xá). Mô hình khai hoang lên miền núi, đưa dân đi phát triển kinh tế mới của HTX Thăng Long ( Đức Xá) đã rất thành công và tạo được sức lan tỏa khắp cả tỉnh. Sau này, đến những năm 1963, 1964, phong trào đưa dân đi khai hoang phát triển kinh tế đã hình thành nhiều cụm dân cư, xóm, làng tất cả đều là người cùng một xã như Đức Xá, hoặc Đức Bùi, Đức Nhân, Đức Quang… như: xóm Trậm Thị, Khe Cò ( ở xã Hương Điền – Hương Khê ); rồi xóm mới ở xã Sơn Thọ ( huyện Hương Sơn) bao gồm các gia đình ở Đức Yên, Thị Trấn Đức Thọ; đến xóm Trại Côốc thuộc Xã mới Tân Hương ( Đức Thọ) hiện nay, đều bà con cùng xã Đức Nhân, Đức Quang vào định cư lập nghiệp. Chủ trương đưa dân lên miền nùi lập làng, khai hoang không chỉ nhằm mục đích phát triển kinh tế. Những năm 1971, 1972 khi chiến tranh phá hoại, giặc Mỹ đánh phá Bùi Xá quê ta và các xã vùng đồng bằng rất  ác liệt, thì việc đưa người dân quê lên định cư ở miền núi xa xôi đã có tác dụng làm điểm sơ tán, chỗ dựa cho rất nhiều gia đình ở dưới quê lên, tránh được tổn thất thương vong bởi bom đạn chiến tranh. Đời sống các gia đình lên các vùng miền đó cũng no ấm, giàu có hơn hẳn khi còn ở dưới xuôi, con cái cũng được thụ hưởng nhiều chính sách gia đình đi di dân khai hoang của Đảng và Nhà nước, nay cuộc sống của họ cũng rất ổn định và thành đạt. Thiết nghĩ việc làm để người dân quê ta thực sự được đổi đời, no ấm một thời của ông Chủ nhiệm HTX Phạm Chí Thiết ở quê mình rất xứng đáng được tôn vinh, được trao tặng một danh hiệu cao quý. Nhưng có lẽ phần thưởng lớn và vô giá nhất là cả cuộc đời, sự nghiệp hoạt động của ông Phạm Chí Thiết là luôn được dân quý trọng, tin yêu và cảm mến ghi nhận.

         Hiện nay bước vào thời kỳ mới, nhất là trong những năm qua với sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ và nhân dân toàn xã, Bùi xá quê mình cũng đã thu được nhiều thắng lợi mới khi được công nhận là địa phương về đích sớm trong xây dựng nông thôn mới của toàn tỉnh và đang phấn đấu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu. Từ trong phong trào, đã và sẽ xuất hiện rất nhiều người là cán bộ, đảng viên tiếp tục tiên phong, đi đầu nêu gương sáng về đức tận tụy, sáng tạo trong công việc, tạo được dấu ấn trong lòng dân. Điều này như minh chứng cho mảnh đất Bùi xá một thời, hôm nay và ngày mai, thời nào quê mình cũng có những con người luôn tỏa sáng, đã thật sự như những đóa hoa thơm trong một vườn hoa thắm.

                                                                                          Tháng 9/ 2018

                                                   Đ.Đ.C

 

. . . . .
Loading the player...