06-05-2020 - 08:50

Mùa lễ Phật đản tại chùa Hạ Phúc

Một mùa Phật Đản lại về với nhân loại và với những người con Phật khắp năm châu. Trong thời gian này hàng triệu con tim hòa chung một nhịp đập, hân hoan đón mừng ngày Khánh Đản của Đức Từ Phụ. Năm nay, tại chùa Hạ Phúc, xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức lễ Phật Đản để kỉ niệm ngày Đản Sinh của Đức Phật.

Khác với cảnh đông đúc của lễ Phật Đản các năm trước tại Chùa Hạ Phúc, buổi lễ năm nay diễn ra rất gọn nhẹ theo tinh thần chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban bố trước đó. Trong buổi lễ mọi người đều tuân theo quy định giãn cách xã hội của Chính phủ và đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn cho xã hội. 

Buổi lễ diễn ra với sự chỉ đạo của sư cô Thích nữ Hương Vân (trụ trì chùa Hạ Phúc) nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của Đức Phật cũng như nhắc nhở chúng sinh về đại hạnh cứu thế của Đức Như Lai 

Đây là sự kiện tâm linh,văn hóa thiêng liêng đối với cộng đồng phật giáo thế giới nói chung và phật giáo Việt nam nói riêng. Trong suốt hơn hai mươi lăm thế kỷ qua, giáo lý của Đức Phật đã đem lại biết bao hạnh phúc cho nhân loại trên thế giới và dần dần được truyền bá rộng rãi.

Người dân sau khi tụng kinh, niệm Phật sẽ lần lượt xếp hàng chờ tới lượt tưới nước thơm lên tượng, với ý nghĩa tẩy rửa để Thân - Tâm thanh thản, tịnh khiết. Lễ Tắm Phật là một trong những nghi thức phổ biến của Lễ hội Phật đản, được xem như là một cử chỉ, một hành động để tỏ lòng tôn kính, hân hoan của người con Phật đối với sự xuất hiện của đấng Giác Ngộ trên cuộc đời này, cách đây hơn 2.600 năm. Nguồn gốc của Lễ Tắm Phật xuất phát từ sự kiện Đản sanh của Thái tử Tất-đạt-đa tại vườn Lâm-tỳ-ni. Các bản kinh thuộc hai truyền thống Nam và Bắc truyền đều ghi lại rằng, khi hoàng hậu Ma-da đản sanh thái tử, từ trên không trung có hai dòng nước của chư thiên, một ấm một mát, rưới xuống để tắm cho hoàng hậu và thái tử. Hai dòng nước lạnh và nóng tượng trưng cho hai cảnh giới thuận và nghịch của cuộc đời, hai cảnh giới vui buồn và sướng khổ của cuộc sống hằng ngày, mà tất cả mọi người sanh ra trên thế gian này phải chịu đựng. Thái tử Tất Đạt Đa đã chịu đựng được hai dòng nước lạnh và nóng đó, sau này trở thành Đức Phật Thích Ca.Lễ tắm phật thể hiện một ý nghĩa sâu sắc bởi trong biển sanh tử chập chùng, chúng sanh gây tạo vô số tội lỗi, tâm thức luôn bị vẫn đục bởi những phiền não, tà kiến. Nên khi mỗi người được tắm Như Lai thì tâm chúng ta được lắng đọng trong niềm tôn kính thanh tịnh. Đó là phước duyên để mỗi người tự gội rửa thân tâm, sám hối những lỗi lầm trong bao đời, để tẩy trừ mọi phiền não, sân si đang vướng bận trong lòng. Như thế,việc tắm tôn tượng Đức Như Lai là nhân duyên lớn để mỗi người con Phật trở về với Phật tánh thanh tịnh đang hiện hữu trong mình. Để từ đây hướng đời mình đến sự thanh tịnh, tinh khiết trong mỗi con người và tìm đến niềm an lạc đích thực của tâm hồn.

Khi múc gáo nước đầu tiên, tắm bên vai phải của tôn tượng Đức Phật đản sanh nhỏ nhắn, chúng ta tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp việc phải, vừa ý, gọi là thuận cảnh, tâm của chúng ta vẫn bình tĩnh thản nhiên.  Khi múc gáo nước thứ hai, tắm bên vai trái của tôn tượng xinh xắn, chúng ta tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp việc trái ý, gọi là nghịch cảnh, tâm của chúng ta vẫn bình tĩnh thản nhiên.

Lê Danh Khang
 

. . . . .
Loading the player...