26-02-2019 - 16:44

Năm tháng và kỷ niệm

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2). Văn nghệ Hà Tĩnh giới thiệu hồi ký "Năm tháng và kỷ niệm" của tác giả Nguyễn Xuân Kỷ, sinh năm 1940 tại thôn Hoa Đình - Xã Bùi Xá, nguyên Trạm trưởng Y tế xã Bùi Xá giai đoạn 1970 - 1999. Tác phẩm rút ra từ tập " Hương quê Bùi Xá" do Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh xuất bản năm 2018.

Cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước ngày càng trở nên ác liệt, Bùi Xá là trọng điểm địch thả bom ác liệt nhất của huyện Đức Thọ. Ngày nào cũng có người chết, bị thương, cán bộ y tế xã lại thiếu người. Tôi lúc đó đang là Phó Chủ  tịch phụ trách khối văn xã đã được lãnh đạo xã cho làm hồ sơ vào học Trường Trung cấp Y tế Hà Tĩnh. Sau ba năm miệt mài học tập, tôi mang về Bằng tốt nghiệp Y sĩ đa khoa và 3 giấy khen học sinh giỏi của 3 năm học tập do Sở Y tế Hà Tĩnh cấp. Tháng 12 năm 1970, tôi về làm việc tại Trạm Y tế xã Đức Xá. Lúc đó, Trạm xá xã do cụ Trần Triêm - Y tá làm Trưởng ban, bà Trần Thị Kim - nữ hộ sinh, chị Đặng Thị Đào - dược tá bán thuốc, tôi được giao phụ trách khám bệnh và điều trị. Tháng 6 năm 1971, chị Đặng Thị Đào lấy chồng về xã Đức Minh. Xã lấy chị Đặng Thị Hoan dược tá thay, ông Trần Triêm đến tuổi được nghỉ chế độ chính sách.

THỜI CHIẾN

Ai đã từng trải qua cuộc chiến tranh mới cảm nhận được sự vất vả khó khăn của người cán bộ y tế thời chiến. Sau trận bom nổ, người bị thương mong chờ người cán bộ y tế đến cấp cứu. Tôi vào ngành Y thầm lặng với những đêm dài cấp cứu chấn thương trong làn mưa đạn, phải chứng kiến bao lần những vết thương đau, những dòng nước mắt đau đớn chia ly. Ấn tượng nhất của tôi thời kỳ này là sự kiện cấp cứu chấn thương tại vụ bom Kho Mí năm 1972 đã làm chết 12 người, đa phần là thanh niên từ 16 đến 21 tuổi và một số người bị thương.

Năm ấy, khi nông dân vào vụ mùa thu hoạch lúa đông xuân, tất cả lúa của hợp tác xã nông nghiệp đều được chở và tập trung vào kho. Lúa của đội nào, Đội trưởng sản xuất có nhiệm vụ cắt cử xã viên của đội mình ra kho tuốt, sau đó được chia về xã viên theo công điểm mà họ làm được. Lúa nhiều, phải tuốt bằng máy cả ngày lẫn đêm. Công việc tuốt lúa máy cần rất nhiều nhân lực: một bộ phận chuyển các gồi lúa cho bộ phận bỏ lúa vào máy, người chia lúa bỏ vào máy, người chải lúa tách khỏi rơm,... Bộ phận tuốt lúa ban đêm chỉ được dùng một ngọn đèn chụp treo trên cao trong nhà có mái che. Thường vào các buổi đêm, đoàn viên thanh niên trong làng được huy động ra kho tuốt lúa tập thể.

Hồi ấy, Trạm Y tế xã Đức Xá có ba gian nhà ngói sát cạnh với Kho Mí hợp tác xã, ngoảnh mặt hướng ra đê La Giang. Cán bộ y tế trực ngày hai buổi tại trạm. Trước kho hợp tác xã và trạm xá là dãy phi lao bóng mát soi bóng xuống con hói khá rộng chảy qua. Tôi thường ra hóng gió khi chưa có bệnh nhân, còn các con em và xã viên cũng thường tập trung tại đó. Hàng ngày, tôi vẫn thường bắt gặp Đoàn thanh niên nam nữ xinh đẹp, vồn vã hay hát hay cười. Trần Thống thấy tôi từ xa đã gọi: “Chú Kỷ ơi! Lại đây uống nác mới” (nước chè xanh), rồi cháu nào cũng vồn vã rót nước cho tôi. Ban ngày, nhiều lần cán bộ trực trạm phải sang gọi tắt máy tuốt khi phát hiện thấy máy bay địch. Tôi bảo với bà Kim: “Cháu Hòa nhà chị ngoài công việc khi nào cũng thấy cầm quyển sách trên tay”. Bà Kim bảo: “Nó giống bố, mê sách lắm chú à!”. Tôi đùa: “Thế đứa nào giống chị thì cầm bơm tiêm chứ gì”. Bà Kim cười.

Đêm ngày 18/6/1972, khi đội 2 thôn Hạ Tứ đang tuốt lúa, máy bay Mỹ bay lượn nhiều vòng. Ông  Đặng Vinh - Đội trưởng nóng ruột chạy ra kho bảo: “Các cháu ơi, vặn đèn nhỏ lại”. Khi đang lay hoay chỉnh lại đèn thì vô tình ánh sáng bị lộ, máy bay Mỹ quay lại, một tiếng nổ kinh hoàng. Tất cả chìm trong lửa, khói, bụi. Dân làng nháo nhác chạy ra kho vừa gọi vừa khóc.
Tôi chạy đến ngay hiện trường mang theo theo túi cấp cứu chiến thương. Ông Nguyễn Xuân - Chủ tịch UBND xã Đức Xá bảo: “Anh về kho Hợp tác xã Hoa Long cấp cứu, còn ở đây đã có chúng tôi”. Ở đó, trăng rất mờ, tất cả không được dùng đèn, kể cả khi y tế làm việc cấp cứu. Tôi gặp nạn nhân đầu tiên là Trần Thị Phúc khoảng 18 tuổi, bị mảnh bom cắt từ cụt cả hai đùi trên đầu gối, máu đọng từng cục. Tôi bảo với anh trai của Phúc: “Không làm được gì nữa rồi!”. Phúc bảo với mẹ: “Mẹ ơi! Phải sống với chị dâu cho tốt mẹ nha, chào mẹ con đi!” rồi trút hơi thở cuối cùng trên tay mẹ. Nạn nhân thứ 2 là ông Đặng Vinh, Đội trưởng sản xuất bị thương chảy máu nhiều ở bụng, đầu, ngực. Dưới ánh trăng mờ khó mà nhìn hết, chỉ biết vết thương của ông rất nặng. Ông nói thì thào: “Cứu tôi với! Tôi có đứa con đang đi bộ đội”. Băng bó vết thương xong, tôi cho ông chuyển viện Đức Thọ nhưng tiếc thay vết thương quá nặng nên ông đã từ trần. Nạn nhân thứ 3 là anh Trần Thống khoảng 18 tuổi, bị gãy nát cánh tay trái, xương lòi xòe ra tứ phía như mũi tên. Thống luôn kêu to: “Mất hết cả gia tài rồi trời ơi!”. Tôi băng vết thương cho Thống, chuyển viện huyện gấp nhưng đến sáng hôm sau thì Thống cũng mất tại viện. Nạn nhân thứ tư là bà Đặng Thị Bỉnh, nằm im lìm không nói năng gì, chỉ nhìn thấy “hai đầu” . Đoán bà bị vỡ xương sọ (vết thương kín), dịch xuất sưng lên thành hình “đầu thứ 2”, tôi cho chuyển viện, Bệnh viện Đức Thọ rạch chỗ sưng thành bốn mảnh và trả về trạm xá điều trị. Sau ba tháng rửa vết thương, vết mổ nhỏ dần nhưng nước rò chảy từ vết thương ra nhiều. Tôi phát hiện một mảnh xương sọ bị tách ra nên sau khi lấy được mảnh xương sọ ra thì vết thương lành hẳn. Bà Bỉnh sống tàn phế độ 5 năm sau thì cũng mất. Nạn nhân thứ 5 là chị Vân khoảng 24 tuổi (thợ máy) bị gãy cánh tay trái, được bó bột và điều trị lành, một thời gian sau chị lấy chồng về xã Đức Thủy. Nạn nhân thứ 6 là ông Hoàng Ngụ bị nhiều vết thương phần mềm, được trạm xá xã trực tiếp điều trị sau đó khỏi hẳn. Riêng chị Trần Thị Quý khoảng 19 tuổi, con ông Trần Vỵ bị chết ngạt trong hầm.
Tôi làm việc mãi đến sáng, quần áo vương nhiều máu. Ba nam thanh niên khác là Đặng Như Hoa, Hoàng Hùng, Đặng Quý phụ trách bỏ lúa vào máy, bom bay qua đầu, đều bị xây xát toàn thân do lúa và rơm bắn vào cơ thể nhưng thật là kỳ lạ toàn thân không hề có vết thương nào. Tôi đến hiện trường và ông Nguyễn Xuân - Chủ tịch UBND xã Đức Xá báo cho tôi biết danh sách nạn nhân tử vong tại chỗ trong trận bom Kho Mí là 12 người, đa phần đều là những thanh niên lứa tuổi từ 16 đến 21 tuổi. Thật vô cùng đau đớn, những thanh niên bị sát hại như những nụ hoa chưa kịp nở đã bị chặt gãy cành, và tiếc thay đó đều là những đứa con ưu tú, đẹp và ngoan nhất của các gia đình.

Lễ khánh thành Bia tưởng niệm kho Mí năm 2018

Trạm Y tế xã chung số phận với Kho Mí. Sau trận bom, tôi và dược tá Đặng Thị Hoan nhặt tủ thuốc tây bị tung tóe khắp nền nhà. Không còn trạm xá, dược tá Đặng Thị Hoan phải bán thuốc tại nhà, bà Kim đi hộ sản ngay tại từng nhà sản phụ. Tính vui vẻ hay nói hay làm, nhiệt tình trong mọi công việc nhưng sau khi mất con gái trong trận bom Kho Mí, tuy vẫn lo lắng công việc nhiệt tình, chu đáo nhưng bà trở nên trầm lặng, ít nói vì trĩu nặng đau buồn.

Có hôm trời tối, sản phụ Đặng Thị Thảo chuyển dạ, nhiều tốp máy bay thay nhau quần đảo cả đêm. Bà Kim dự đoán là ca đẻ khó nên bảo ông Phan Quyến, chồng bà Thảo đi mời tôi đến cùng hộ sản. Ông Quyến bảo: “Tôi đã lấy hết chăn chiếu che khắp nhà không để lọt ánh sáng ra ngoài rồi”. Sau khi khám cho sản phụ, tôi hội ý với bà Kim và quyết định cho chuyển viện gấp. Mỗi lần máy bay sà xuống thấp, thầy thuốc và người nhà phải nằm sát đất. Võng cáng và người đã sẵn sàng nhưng họ bảo: “Khi nào ngừng tiếng máy bay hay chúng bỏ bom xong chúng tôi mới đi được”. Chờ mãi, khi máy bay sà xuống bỏ bom ở Bàu Ao, thôn Triều Đông, họ mới gánh sản phụ chạy lên tuyến huyện. Bà Kim và tôi thức trắng đêm, người phờ phạc nhưng vẫn nán ở lại chờ kết quả. Vì chờ đợi quá lâu, khi đến nơi thì cháu đã bị ngạt và mất. Tôi cứ nghĩ, cháu bé này cũng chết do chiến tranh mặc dầu không hề bị một vết thương nào.

Sau khi không còn trạm xá, tôi phải mượn nhà bà Trừ bên đê trực khám và điều trị. Một hôm, tôi môt lấy mảnh đạn ở cơ đen-ta cho ông Cường, thợ dép cao su thành công. Ông Cường mừng lắm, tặng tôi một đôi dép cao su đẹp nhất cửa hàng làm kỷ niệm. Sau đó, thấy bà Trừ bảo: “Ngày mai không cho chú trực ở đây nữa, thấy máu tôi khiếp lắm!”. Ủy ban nhân dân xã bố trí cho tôi vào trực tại lán học sinh gần nhà ông Nhung (Mỵ) lúc các cháu đang nghỉ hè. Ở đây không có giường, nhưng bàn ghế lại nhiều, rất tiện rửa vết thương cho nạn nhân. Đã đến ngày tựu trường, UBND xã Đức Xá huy động dân quân dựng hai gian nhà tre, trên lợp tranh dưới thưng phên nứa thành hai “phòng”, một phòng cho bà Kim hộ sản, một phòng để tôi khám và điều trị. Trạm Y tế dã chiến được đưa vào đình làng Đoài và tồn tại cho đến đầu năm 1973.

THỜI BÌNH

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Trạm Y tế xã và được xã cho xây dựng lại và hoàn thành vào tháng 3 năm 1973 gồm có 6 gian nhà ngói bố trí khá thích hợp (đối diện với nhà thờ đạo ở bên kia đê). Lúc này, chị Đặng Thị Hoan xin nghỉ việc do hoàn cảnh gia đình. Xã điều chị Phạm Thị Tứ, y tá thay. Cuối năm 1973, y sĩ Trần Văn Nhạ ra trường được bổ sung về cho xã. Trạm Y tế xã Đức Xá hoạt động mạnh và đều về mọi mặt, công tác phòng bệnh, phòng dịch, hộ sinh, sinh đẻ có kế hoạch, bảo vệ bà mẹ trẻ em, khám bệnh và điều trị. Trạm Y tế xã được Phòng Y tế huyện Đức Thọ xếp loại điển hình, được mời dự Hội nghị nhân điển hình tại xã Cẩm Long, huyện Cẩm Xuyên. Tôi thay mặt Đoàn báo cáo chuyên đề “Công tác phòng bệnh, phòng dịch, làm nhà tiêu hai ngăn hợp vệ sinh vùng lũ” được đánh giá đảm bảo kỹ thuật, kinh phí ít, dễ phổ cập. Trạm Y tế xã sau đó được Ty Y tế Hà Tĩnh về khảo sát và được bà Cẩn - Thứ trưởng Bộ Y tế và Giáo sư Hoàng Đình Cầu về tham quan.

Gặp gỡ Y sĩ Trần Văn Nhạ trên cánh đồng quê

Năm 1977, bà Trần Thị Kim được về nghỉ theo chế độ 130/CP của Chính phủ, chị Phạm Thị Tứ lấy chồng về xã Đức La. Xã lại bổ sung bà Đào Thị Quế - nữ hộ sinh vào Trạm. Đầu năm 1978, theo chủ trương của cấp trên về việc sáp nhập xã, Trạm Y tế xã Bùi Xá được thành lập gồm các thành viên sau đây: y sĩ Nguyễn Xuân Kỷ làm Trưởng ban; y sĩ Nguyễn Giang Sơn, Phó ban; y sĩ Lê Thị Hồng Quân phụ trách dược; y sĩ Trần Văn Nhạ phụ trách điều trị; nữ hộ sinh Lê Thị Nhiên làm hộ sản; nữ hộ sinh Đoàn Thị Quế hộ sản. Lúc này, chưa có Trạm xá vùng trung tâm nên tạm thời được bố trí như sau: y sĩ  Kỷ, y sĩ  Hồng Quân trực tại vùng trung tâm tại nhà bà Bút, y sĩ Sơn, nữ hộ sinh Lê Thị Nhiên trực tại Trạm Y tế Đức Bùi cũ; y sĩ  Nhạ, nữ hộ sinh Đào Thị Quế trực tại Trạm Y tế Đức Xá cũ. Hoạt động kém hiệu quả do bị phân tán, UBND xã Bùi Xá bố trí cho Trạm Y tế xã Bùi Xá về trực ở nửa sau của nhà Lương Sỹ Mai (nửa trước là trú sở của Đảng ủy và Ủy ban nhân dân xã). Năm 1985, Ủy ban nhân dân xã Bùi Xá cho xây dựng Trạm Y tế vùng trung tâm phía trong đê La Giang. Bà Lê Thị Nhiên, bà Lê Thị Hồng Quân được về nghỉ hưu theo chế độ 130/CP. Trạm Y tế xã còn lại bốn nhân viên nhưng hoạt động rất hiệu quả, luôn được Phòng Y tế huyện Đức Thọ đánh giá cao, được nhận nhiều Giấy khen của Sở Y tế Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Xuân Kỷ (thứ 5 bên trái sang) 
cùng lãnh đạo xã và anh chị em công tác tại Trạm Y tế xã Bùi Xá

Xã Bùi Xá được Sở Y tế Hà Tĩnh, Phòng Da liễu Y tế Hà Tĩnh chọn làm điểm thanh toán bệnh phong đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh. Y sĩ Nguyễn Xuân Kỷ được mời vào Sở Y tế Hà Tĩnh tiếp thu tài liệu, nghiên cứu về xã khẩn trương tiến hành. Mọi cố gắng của tập thể Trạm y tế xã, sự nhiệt tình của Ủy ban nhân dân xã nhất là Chủ tịch Nguyễn Phong Hà, mọi số liệu đều được hoàn tất. Năm 1994, Trạm Y tế xã Bùi Xá đón tiếp cán bộ tỉnh Hà Tĩnh, Khoa Da liễu Trung ương, Khoa Da liễu tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An về khảo sát số liệu và sau đó được công nhận là xã thanh toán bệnh phong đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh. Giáo sư Lê Kinh Duệ, Trưởng khoa Da liễu Trung ương hỏi tôi: “Anh tuyên truyền như thế nào?”. Tôi trả lời: “Chúng tôi tận dụng mọi trường hợp có thể để nói chuyện trong hội nghị và tuyên truyền trên loa phát thanh của xã”. Giáo sư đề nghị tôi mở băng thu âm và lắng nghe từ đầu chí cuối. Ông bảo: “Anh nói đúng nhưng chưa sâu”. Sau đó, tôi được mời phổ biến kinh nghiệm thanh toán bệnh phong cho tất cả các xã trên địa bàn huyện Đức Thọ. Trạm Y tế xã Bùi Xá được Khoa Da liễu Trung ương cấp Giấy khen. Hai năm liên tiếp 1997 - 1998, Trạm Y tế xã Bùi Xá và cá nhân tôi được UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Ông Nguyễn Xuân Kỷ và vợ tại nhà riêng thuộc thôn Hoa Đình, Bùi Xá

Tháng 2 năm 1999, Y sỹ Nguyễn Xuân Kỷ nghỉ chế độ 130/CP của Chính phủ. Trên bức tường của phòng Trưởng trạm treo kín Bằng khen và Giấy khen của Khoa Da liễu Trung ương, UBND tỉnh,  Sở Y tế Hà Tĩnh. Lòng đầy lưu luyến, chào tạm biệt Trạm xá và bạn đồng nghiệp, tôi đọc tặng mọi người mấy vần thơ:

Mừng bạn bước vào ngành Y

Một điều cần phải nhớ ghi hàng đầu

Chuyên môn phải hiểu thật sâu

Chăm sóc chu đáo làm dâu mọi người

Dầu bạn có giỏi mười mươi

Nên theo y lý gương soi mà làm

Ngành Y xin chớ có ham

Chức năng tuyến dưới đừng làm tuyến trên

Một điều cần nhớ ưu tiên

Bệnh nhân cấp cứu đưa lên hàng đầu

Bao giờ qua khỏi đớn đau

Người ta mới ngấm nhiệm màu nghề Y

Điều nữa bạn nên nghĩ suy

Năng xem sách vở ngành Y mà làm

Chúc bạn mạnh khỏe an khang

Lương y từ mẫu cả làng ngợi khen.

                                                      Bùi Xá, ngày 30/ 9/ 2018

                                                                  N.X.K

. . . . .
Loading the player...