10-06-2024 - 01:52

“Nét ngài” và sự võ đoán

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Nét ngài” và sự võ đoán của tác giả Phạm Quang Ái

       Từ khi "Đoạn trường tân thanh" của Nguyễn Du ra đời đến nay, lịch sử sinh tồn của tác phẩm đã có trên dưới 200 năm. Trong quảng thời gian dài đó, nó đã được người đời tiếp nhận, phẩm bình, đánh giá trên mọi phương diện. Thậm chí có những khía cạnh là đề tài tranh luận xuyên thế kỷ. Tuy nhiên, đối với giai đoạn từ 1945 trở về trước, có lẽ do trình độ và khoảng cách thời gian người tiếp nhận, nên việc tranh biện về chữ nghĩa ít xảy ra. Giai đoạn sau này bên cạnh sự đào xới ngày càng sâu thêm về nội dung, ý nghĩa, người ta cũng bàn cãi rất nhiều về việc hiểu chữ nghĩa tác phẩm. Có một điều rất thú vị là từ những năm giữa thập kỷ 70 của thế kỷ XX, không hẹn mà gặp, có hai từ tổ được đưa ra bàn luận trên sách báo chuyên ngành mà thậm chí đến nay vẫn chưa dứt. Đó là từ tổ "gươm đàn" và từ tổ "mày ngài" (hoặc "nét ngài"). Nói thú vị là vì cả hai từ này đều liên quan đến cặp "trai anh hùng, gái thuyền quyên" Thuý Kiều - Từ Hải.

       Tưởng khi nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo lên tiếng kiến giải bằng bài viết "Nghĩa của chữ "mày ngài" trong câu thơ "râu hùm, hàm én, mày ngài" (Tạp chí Ngôn ngữ số 4-1982) thì vấn đề chữ "mày ngài" coi như đã giải quyết xong. Thế nhưng gần mười năm sau, ông Nguyễn Quảng Tuân lại đụng đến chữ mày ngài khi ông bác bỏ cách phiên âm của Trương Vĩnh Ký ở câu 20 (Truyện Kiều) là "Khuôn lưng đầy đặn, nét người nở nang" (Xin xem: "Chữ nghĩa Truyện Kiều" - Nxb KHXH-1990). Hai năm sau, ông Đinh Trần Cương lại bàn lại về chữ này để bảo vệ cho cách phiên âm của Pétrus Ký, như đã dẫn trên. (xin xem tạp chí Hán Nôm số 1-1992-tr.61). Và sau đó, trên báo GD&TĐ số 78 ra ngày 01/7/2003 lại có bài trao đổi "Nét ngài" là gì? của ông Nguyễn Xuân Tùng. Và từ đó đến nay, thỉnh thoảng, vẫn có người xới lại vấn đề nghĩa của hai từ “mày ngài”, “nét ngài”!.

       Trong bài viết này, chúng tôi chỉ dành thời gian để đối thoại với ông Nguyễn Xuân Tùng trong bài viết nói trên. Nhìn chung, so với các tác giả trước đó, Nguyễn Xuân Tùng không những không đưa ra được kiến giải nào độc đáo, mới mẻ mà qua sự biện giải của mình ông lại làm lệch lạc tinh thần câu chữ của Nguyễn Du. Sau khi phân tích dẫn giải, ông Tùng cho rằng: ..."Như vậy "nét ngài nở nang" theo tôi cách hiểu hợp lý nhất là con người đầy đặn, cơ thể nở nang."...Tình huống dẫn ông Tùng đến phát hiện đầy hứng thú này là sự khác nhau khi chú giải chữ "ngài " trong hai câu "Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang" và "Râu hùm, hàm én, mày ngài " ở sách giáo khoa Văn học 9 (Nxb GD-1999) và tương tự là cách giải thích của Đại từ điển tiếng Việt (do Nguyễn Như ý chủ biên), một cuốn từ điển đã được dư luận quan tâm tới nhiều. Từ mâu thuẩn của những cách cắt nghĩa nói trên, ông Tùng chỉ ra cách giải quyết tiện lợi nhất là cứ gán cho chữ "ngài" cái nghĩa của phương ngữ Nghệ. Như trên đã nói, kiến giải này 11 năm trước ông Đinh Trần Cương đã nêu và luận giải rất kỹ càng, rồi ông Bùi Thiết đã đưa chữ ngài/ người đó vào hệ thống những từ địa phương cần phải khôi phục trong Truyện Kiều. Nhưng theo chúng tôi dù biện thuyết cách nào thì hiểu như vậy cũng không ổn.

       Thứ nhất, nếu Nguyễn Du muốn chỉ vóc dáng con người thì ông cũng chẳng cần phải dùng chữ ngài mà cứ dùng hẳn chữ người như trong bản phiên âm của Trương Vĩnh Ký có phải dễ hiệp vần hơn không? Thứ hai, chữ nét trong các từ điển Tiếng Việt hiện có cũng như trong cách nói thông dụng xưa nay không có nét nghĩa nào cho phép dùng theo kiểu nét người nở nang. Thử giở cuốn từ điển Tiếng Việt tương đối xưa và gần thời Nguyễn Du là Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của (Nxb Trẻ-1998) thì chữ nét được chú giải như sau: " Nét.n. Đàng viết mực kéo qua; cách thế" (tr.691). Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên chú giải là: " Nét 1.d. 1 Đường vạch bằng bút. Nét bút chì. Nét vẽ phác thảo. Một chữ Hán có nhiều nét. 2 Đường tạo nên hình dáng riêng, thường là hình dáng khuôn mặt. Nét lông mày đậm. Nét mặt hài hoà. Thành phố hiện lên rõ nét. Hình ảnh đậm nét. (b.) 3 Biểu hiện của tình cảm, cảm xúc, tính cách con người bằng những nét trên mặt, vẻ. Nét mặt cương quyết. 4 Điểm cơ bản tạo nên, khắc hoạ nên cái chung. Nét chính của tác phẩm. Vài nét về tình hình. Nét nổi bật. Nét 2 (kng). Có đường nét hay âm thanh phân biệt rất rõ. Bức ảnh rất nét. Tiếng đài nghe nét" (TTTĐ-1992-tr.659). So sánh hai định nghĩa cách nhau hơn 100 năm thì từ nghĩa gốc đến nghĩa phái sinh, nghĩa đen đến nghĩa bóng của chữ nét không có gì khác nhau đáng kể. Chổ khác là Từ điển của Hoàng Phê chú giải cụ thể hơn Tự vị của Paulus Của. Vậy rốt cuộc, nét ngài là cái gì? Ông Nguyễn Quảng Tuân cho rằng nét ngàilông mày như con tằm nằm (dịch chữ ngoạ tàm my). Nhưng sách tướng xưa lại nói ngoại tàm là vết quầng dưới mắt "Ngoại tàm xanh xẩm, hình dung âu sầu" (Ma Y thần tướng diễn ca). Như thế, chỉ có cách hiểu nét ngài là nét lông mày hình râu con bướm tằm là hợp lý hơn cả. Điều khiến các nhà Kiều học lúng túng, dẫn đến tranh cãi nhau nhiều, là hiểu nét ngài như vậy thì khó kết hợp với nở nang. Bởi nếu hiểu nở nang như bây giờ. [Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê chú giải: Nở nang: (thân thể hoặc bộ phận của thân thể) được phát triển một cách đầy đặn] thì quả là khó chấp nhận khi cho kết hợp với nét ngài (lông mày như râu con bướm tằm). Song, nếu tra Tự vị của Paulus Của thì tình hình lại khác. Tại trang 766, soạn giả chú: Nở nang: Nở ra tươi tốt đẹp đẽ. Tiếp đó thành ngữ nở mày nở mặt được chú giải là: lấy làm rỡ ràng, toại chí. Rõ ràng là Nguyễn Du dùng từ nở nang với nghĩa này thì rất hợp với nghĩa nét ngài như đã nói trên. Cách hiểu này cũng rất hợp với tính cách và số phận Thuý Vân trong Truyện Kiều. Không phải Nguyễn Du mô tả một nàng Thuý Vân vóc người đậm đà, mập mạp hoặc có cặp lông mày rậm, thô như một số người hiểu mà là một tiểu thư rất đổi yểu điệu. Tuy nhiên, người con gái ấy vốn hồn nhiên, vô tư, không đa sầu, đa cảm như Kiều nên nét mặt, nét mày có cái rỡ ràng, tươi tốt của con người phúc hậu, an nhàn. Chính thế, nên trong Từ điển Truyện Kiều cụ Đào Duy Anh đã chú từ nở nang như sau: Nở nang (2): 1.Có vẻ rộng rãi, tươi sáng(1). Vd. Nét ngài nở nang, 20 - 2. Có vẻ hớn hở, vui tươi, tốt đẹp (1). Vd. Nở nang mày, 2482.

       Điều cuối cùng chúng tôi muốn đề cập đến là vấn đề phương ngữ Nghệ trong Truyện Kiều. Trong hàng chục bản Kiều mà các nhà nghiên cứu đã sưu tầm được từ trước đến nay, thì chỉ có những bản chép tay tìm được tại Nghệ Tĩnh hoặc những bản in của soạn giả người Nghệ hoặc người miền Nam là có nhiều từ địa phương. Điều đó nói lên rằng: các soạn giả này tuỳ ý phiên âm theo phương ngữ của mình. Còn bản thân Nguyễn Du, như ta đã biết, ông sinh ra, trưởng thành và sống ởThăng Long-Kinh Bắc là chủ yếu, do đó khi viết Truyện Kiều tâm thức bản ngữ chi phối ông cơ bản là phương ngữ Bắc bộ. Vì thế trong các hướng truy tìm nguyên tác thì việc tìm cách phục hồi hàng loạt tiếng Nghệ trong văn bản Truyện Kiều chưa chắc đã đúng hướng. Còn như việc vì không giải cấu nổi ngữ đoạn nét ngài nở nang mà cho chữ ngài/người là phương ngữ Nghệ thì quả là võ đoán.

       Tóm lại, mặc dầu Nguyễn Du tuyên bố: Truyện Kiều viết ra là để "mua vui", nhưng câu chữ của cụ rất hợp cách, hợp thế, rất chặt chẽ, đảm bảo tính lô gíc - thẩm mỹ cao (tất nhiên là theo cách dùng của thời ấy). Việc ông Nguyễn Xuân Tùng đưa ra một cách hiểu như thế thì chưa bàn đến đúng, sai như thế nào cũng đã rất đáng quý. Vì vậy, tuy đọc bài của ông đã lâu, nhưng chúng tôi rất thận trọng trong việc xây dựng ý kiến. Có điều, mọi việc không thể cầu toàn được, đành mạo muội nêu chủ kiến của mình, mong được trao đổi cùng ông.

Phạm Quang Ái

. . . . .
Loading the player...