20-05-2021 - 08:31

NGHI XUÂN - DẤU ẤN MỘT MIỀN QUÊ của Thanh Hữu

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Thanh Hữu- Nghi Xuân dấu ấn một miền quê

 

nghi xuân - dấu ấn một miền quê

 

                    Ghi chép   

       Nghi Xuân, Hà Tĩnh là một vùng “Địa linh nhân kiệt”, đại diện cho văn hóa miền Trung và của cả nước. Miền đất này không chỉ có nhiều danh nhân nổi tiếng như Đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân tài ba Nguyễn Công Trứ,… mà còn là một miền quê đã và đang ẩn chứa nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể với nhiều danh lam thắng cảnh. Kho tàng di sản văn hóa ấy là sự tích tụ của bao trí lực sáng tạo của lớp lớp tiền nhân để lại. Non nước sơn thủy hữu tình và những danh lam thắng cảnh đã được tạo hóa ban tặng và điểm tô bằng công sức ngàn đời nay mà có.

       Câu hát tương truyền của cụ Uy Viễn: “Trước Lam thủy sau Hồng sơn nhà nào đọc sách gảy đờn….” lại là niềm tự hào về con người ở đây, người cầm thư cung kiếm, hiển hoạn cao khoa. Nhưng không chỉ có tao nhân mặc khách, khanh tướng công hầu, không chỉ có “quan Tiên Điền” mà còn có những con người biết làm nên “ló Xuân Viên, tiền Hội Thống, trống Đan Tràng, đục chàng Đan Phổ” biết mở ra chợ Quế, chợ Đình, trên bộ dưới thuyền, bán buôn tấp nập... Bên những con người tài cao đức trọng được lịch sử ghi tên còn có những con người được dân gian đời đời truyền tụng: một Võ Đức Huyền - Thánh sư địa lý, một Hà Thiềm - thợ khắc đá tài hoa, một Ngô Trác - ông lão mở đường Truông Ghép. Tất cả những con người ấy đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử Nghi Xuân, bằng những sáng tạo văn hóa tinh thần và vật chất mà ngày nay người ta còn được chiêm ngưỡng: một tục lễ mừng thọ, một lễ hội cầu ngư, một pho “Truyền Kiều”, một tiếng hát ả đào Cổ Đạm, một thể thơ hát nói của Nguyễn Công Trứ… không chỉ là báu vật của địa phương mà còn là báu vật của cả dân tộc.

       “Nghi Xuân bát cảnh” - thế đất tam hợp của núi sông và biển chung tụ đã tạo nên một bức tranh nhiều sắc màu về cuộc sống của đất và người Nghi Xuân, đó là vẻ đẹp kỳ bí của Hồng Sơn liệt chướng, là sự no đủ của Đan Nhai quy phàm, sự sống động của Song Ngư hý thủy, sự linh thiêng như Cô Độc lâm lưu, vẻ đẹp thơ mộng của Giang Đình cổ độ, sự bí ẩn của Quần Mộc bình sa, sự uy nghi như Uyên Trừng danh tự và đông đúc sum vầy như Hoa phẩm thắng triền.… Bấy nhiêu di tích là những kỷ niệm thiêng liêng có ý nghĩa giáo dục to lớn. Từ hàng trăm hàng ngàn năm nay, những lùm cổ thụ, những điêu tàn lịch sử, những thành lũy cổ kính, những tấm bia những pho tượng bằng đất, gỗ đã nứt nẻ đó vẫn góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng tinh thần yêu chuộng lý tưởng và ý chí hy sinh cho chính nghĩa của các thế hệ thanh niên… Trải qua bao thăng trầm biến chuyển của lịch sử một số danh thắng đã bị mai một nhưng Nghi Xuân đã cố gắng tôn tạo, và gìn giữ, lưu truyền cho đời sau những danh thắng  trở thành điểm du lịch về với cội nguồn lịch sử.

       Nghi Xuân là vùng đất thịnh vượng, vì thế Kinh Dương Vương đã định chọn đất này làm đế đô. Vận động kiến tạo địa chất với nhiều lợi thế từ núi theo sông mà lần ra biển, văn minh loài người cũng được sinh ra từ đó, bởi thế mà Nghi Xuân có một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, những địa danh kỳ bí, những vẻ đẹp hoang sơ độc đáo lạ thường. Những hiện vật này được các nhà khảo cổ học khai quật trong thời gian qua tại Di chỉ cấp Quốc gia Bãi Cọi thuộc xã Xuân Viên - huyện Nghi Xuân. Khẳng định miền quê này có nhiều phong tục tốt đẹp, có tính cội nguồn sâu nặng, con người có mặt nơi đây rất sớm, sự giao thoa của 2 nền văn hóa Ðông Sơn, Sa Huỳnh. Những giá trị văn hóa của Di chỉ khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi đã, đang còn nhiều tiềm ẩn,  thu hút sự quan tâm của các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước.

Hoàng hôn trên cầu cửa Hội (ảnh Đậu Hà )

       Một Nghi Xuân với thế núi nguồn sông đã tạo nên một vùng. “Địa linh” tiếp nhận cái vương khí của 2 miền nam bắc hội tụ. Một Nghi Xuân tuy nhỏ hẹp nhưng địa hình đa dạng và phong phú, từ vùng núi đá vôi đến núi đồi trung du, từ đồng bằng chiêm trũng đến đồng bằng cát ven biển. Khí hậu thời tiết Nghi Xuân khắc nghiệt “Gió lào cát trắng”, hạn hán lũ lụt thường xuyên, để cho những con người Nghi Xuân hôm nay thêm phần rắn rỏi, kiên gan trước thiên nhiên bất hòa, nhưng đã tạo nên một Nghi Xuân hài hòa thế núi, nguồn sông cũng như tính cách con người trầm tĩnh mà linh hoạt, tiềm ẩn một tâm thế sẵn sàng vì một Nghi Xuân chuyển mình đổi mới.

       Nếu như nói núi Hồng sông Lam là biểu tượng của vùng đất văn hóa, văn hiến xứ Nghệ thì Nghi Xuân được ưu ái nằm gọn trong vòng tay đó của tạo hóa.

       Núi Hồng Lĩnh có 99 đỉnh nhấp nhô, thấp thoáng giữa màn sương bao phủ, mờ mờ ảo ảo, kỳ bí đến lạ thường, đỉnh cao nhất tới 678m. Dưới chân núi Hồng Lĩnh là những hồ nước ngọt trong xanh, nước có quanh năm không bao giờ cạn, đây là nguồn tài nguyên nước phong phú cần được phát huy và bảo tồn. Truyền thuyết có đàn chim hồng 100 con định về yên tọa nhưng chỉ có 99 đỉnh núi, vì đỉnh thứ 100 dù là đỉnh Ngọc, nhưng lại tách ra đứng một mình, nên con chim còn lại không xuống đậu, làm cả đàn cùng bay đến nơi khác, để lại bài học “Phải biết đoàn kết trong một cộng đồng” và 99 ngọn núi Hồng ra đời từ đó.

       Nghi Xuân là huyện có nhiều di tích danh thắng, phong phú với 7 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia và hàng trăm di tích được xếp hạng nhưng nổi bật nhất là khu di tích đại thi hào Nguyễn Du và lăng mộ dinh điền  sứ Nguyễn Công Trứ là điểm du lịch văn hóa doanh nhân tiêu biểu nhất của Huyện. Câu chuyện về Truyện Kiều của Đại Thi hào Nguyễn Du ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh còn vang mãi với thời gian và là niềm tự hào của cả dân tộc và là cú huých trong ngôn ngữ tiếng Việt.

       Khu di tích văn hóa Đại thi hào Nguyễn Du nằm ngay bên đường, thuộc xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân ngày nay đã trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn hàng năm thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan nghiên cứu và khám phá để được sống trong không khí văn hóa thi vị đậm đà bản sắc Nghệ Tĩnh. Khu di tích này được hình thành và tôn tạo từ những năm đầu thập kỷ 60. Khu di tích tọa lạc trên khuôn viên rộng hơn 40.000m2 với kiến trúc xây dựng hài hòa, với nhiều cây xanh, cây cảnh tỏa bóng mát. Đặc biệt phía trước bia có 2 cây Muỗm cổ thụ do cụ Nguyễn Quỳnh trồng, tính đến nay đã có tuổi thọ hơn 300 năm.

       Từ đường và lăng mộ dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ cũng là điểm du lịch văn hóa hấp dẫn thu hút nhiều du khách. Đền và mộ của ông hiện ở làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân.  

“Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông”

       Đặc biệt ở ông là chí làm trai, dám xả thân, không ngại hy sinh gian khổ, không cam chịu cuộc sống tầm thường. Quyết làm được cái gì xứng đáng cho dân, cho quê hương, đất nước.

       Tất cả những việc ông làm đều xuất phát từ nhân cách tâm hồn, dù sống trong cảnh nghèo, làm quan ở cái thời nhiễu nhương nhiều lúc bị đối xử bất công nhưng ở cương vị nào ông cũng làm tròn chức phận của mình. Là một ông quan ông giữ đúng “Thanh, cần, thận, trực” là một con người ông có đủ trung dũng trí tín, ông là một phẩm cách cao đẹp luôn luôn nhập thế hành động vì cuộc đời vì con người.

       Cổ Đạm được xem là đất tổ, cái nôi của ca Trù, những làn điệu đã làm ngây ngất lòng người, ta có thể dễ dàng cảm nhận được ca trù ở đây nó như ngấm vào máu, vào thịt mỗi người dân. Ca trù là một loại hình nghệ thuật tổng hợp vừa đàn, vừa hát, vừa ngâm thơ… vừa mang tính chất dân gian, vừa mang tính bác học. Ở mỗi địa phương, ca trù được gọi bằng các tên gọi khác nhau như: hát Cửa đình, hát Nhà tơ, hát Cô đầu, hát Nhà trò, hát Cửa quyền… còn ở mảnh đất Cổ Đạm - ca trù được gọi là hát Ả đào.  Tháng 10 năm 2009 ca Trù được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Là niềm vinh dự lớn cho Nghi Xuân nói riêng và cả nước nói chung.

       Sau những Nghiên cứu và trải nghiệm hết những danh lam thắng cảnh, những doanh nhân văn hóa lịch sử của Nghi Xuân là cả một công trình lớn lao đầy huyền bí thì biển Xuân Thành là một thiên tạo bí ẩn, khi trầm mặc, khi xao động dạt dào sức sống. Biển là một sinh thể với tâm hồn phong phú được cách điệu bằng những nét nhạc khiến cho con người mỗi khi về với biển lại có cảm giác khoan khoái với một sự lãng mạn suy tư.

       Bồng bềnh trên sóng nước của biển Xuân Thành ta mới thấy hết cải vẻ đẹp hoang sơ, mênh mông bờ bãi. Bãi cát sạch, trắng xóa, những rặng dừa, những rừng phi lau, những cây muống biển khoe sắc tạo nên một khung cảnh lãng mạn, thơ mộng. Từ xa nhìn vào, thấp thoáng những những đoàn thuyền đánh cá nối đuôi nhau cập bến.

       Bình minh trên biển cũng là lúc những ngư dân bám biển trở về với đầy ắp hải sản tươi sống. Người dân Nghi Xuân chủ yếu sống bằng nghề biển, biển cho họ cái ăn, cho họ nguồn thu nhập chính. Làn da rám nắng của người con vùng biển này đã mang đầy sự mặn mòi của biển, đem đến cho du khách những đặc sản tươi sống.  

       Không như những bãi biển du lịch khác, biển Xuân Thành được một dòng sông nước ngọt mang tên Mỹ Dương bắt nguồn từ núi Hồng Lĩnh bao quanh với những rặng dừa ngày đêm soi bóng, tạo nên một không gian mát mẻ, chảy song song theo chiều dài bãi biển. Nước ở đây không bao giờ cạn.

       Toàn cảnh đó còn đương đòi hỏi

       Đòi hỏi ai sống cõi Lam Hồng

       Nên cùng nhau tô điểm lấy non sông

       Cho xứng đáng với con hồng cháu lạc

       Thời thế khác nhưng giang sơn không khác;

       Nhớ câu thơ chim hạc đỉnh linh uy

       Thành quách như cổ nhân dĩ phi

       Vâng, dẫu biết rằng phía trước là một Nghi Xuân đầy hiển hách, nhưng  thời thế khác nhưng giang sơn không khác, chắc chắn rằng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương cũng như tỉnh Hà Tĩnh miền quê này sẽ là một điểm đến lý tưởng của du lịch Miền Trung và cả nước.

 T.H

           

. . . . .
Loading the player...