12-02-2025 - 02:29

Tản văn CẢM XÚC CHIỀU CUỐI NĂM của Nga Trịnh

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Ất Tỵ 2025 (221+222) trân trọng giới thiệu Tản văn CẢM XÚC CHIỀU CUỐI NĂM của Nga Trịnh

Cảm xúc chiều cuối năm

Tản văn

NGA TRỊNH

 

Chiều cuối năm luôn rót nhẹ vào lòng ta một chút bâng khuâng, hoài niệm khó tả. Chút nắng cuối đông hừng lên, như muốn hong khô hết mọi ưu phiền của năm cũ. Lòng ta như chìm vào một nốt lặng, nghĩ về những gì đã qua trong thời khắc cuối cùng của năm cũ.

 

Cái không khí ngày cuối năm là không khí của sum họp. Anh em quần tụ bên nhau sau một năm trời tha hương nơi đất khách. Một chuyến về quê với người công nhân từ Bình Dương, Sài Gòn, người làm rẫy cà phê nơi Buôn Mê, Đắc Lắc quả không phải đơn giản. Làm ăn tằn tiện tích góp cả năm trời có khi chỉ đủ phục vụ cho một chuyến về Tết. Nhưng lòng họ háo hức biết bao khi tay xách túi quà, bắt chuyến xe cuối cùng để trở về mái nhà xưa, được quây quần bên bếp lửa, gói cùng cha chiếc bánh chưng, mua cho mẹ nhành đào, dắt em thơ dạo chợ Tết. Cả năm vất vả ngược xuôi, có hạnh phúc nào bằng đón xuân mới trên quê hương mình.

Khác với cái bận rộn náo nhiệt của dòng người xuôi ngược ngoài kia, chiều cuối năm của ông tôi luôn thong dong bên khu vườn nhỏ. Mặc cho cuối năm ai nấy tất bật, ông tôi vẫn chậm rãi. Chiều ba mươi nào ghé về ông, tôi cũng thấy ông dọn vườn, quét lá. Tôi không quên được tiếng lửa cháy tí tách trong chiều ba mươi và mùi hương của các loại lá rụng trong vườn tan theo làn khói. Mùi lá ổi cay nồng, mùi trầu không ngai ngái, mùi lá cam, lá khế, mo cau,... tất cả quyện hòa hương vị Tết của tôi thời thơ bé. Ông bao giờ cũng dọn sạch vườn, đốt hết những cũ kĩ, già nua của năm cũ. Không ít lần, ông trầm ngâm bên bên đống lửa, ngắm ngọn lửa reo tí tách, nhìn những chiếc lá về cội đã làm xong sứ mệnh của đời lá, rực cháy lần cuối trong ánh lửa hồng… Chiều ba mươi của ông tôi luôn như thế. Và có lẽ với người già, chiều ba mươi càng khiến họ nghĩ suy về thời gian của đời người. Trở về bên ông trong cái ấm áp của bếp lửa cuối năm, chúng tôi luôn được sống thật chậm rãi những khoảnh khắc cuối cùng của năm cũ.

Chiều ba mươi, gác lại bao rối bời, bao nhọc nhằn mưu sinh, ta thường dễ tha thứ cho những đố kỵ, ganh đua của người, ta cũng bao dung hơn với chính mình, cho qua những lỗi lầm vụng dại để quyết tâm, nỗ lực hơn cho những gì tốt đẹp sắp tới. Chiều ba mươi, gác lại những nuối tiếc, lòng ta ngập tràn hi vọng!

Chiều ba mươi, tất tả làm những gì còn sót lại, để mọi thứ phải thật sạch sẽ, thật tinh tươm… Ô cửa kính cũ kĩ, vết tường loang lổ, góc rác trong vườn,..tất cả được chùi dọn. Ta điểm tô cho gian nhà bằng cành đào khoe sắc, bộ ly cốc mới, đèn trang trí nhấp nháy, bàn thờ gia tiên đã đầy đủ ngũ quả. Một cảm giác thật ấm cúng trong mùi hương trầm thoang thoảng.

Chiều cuối năm, trong gian bếp, mẹ đang chuẩn bị cho mâm cơm tất niên. Tuổi thơ tôi, mâm cơm tất niên được chờ đón trong sự háo hức vô cùng. Đó là bữa ăn no đủ, thỏa thuê nhất trong năm mà lũ trẻ con chúng tôi không phải dè sẻn, tiết kiệm. Ánh mắt mẹ hiền từ nhìn các con, bảo các các con ăn nhiều, ăn hết vì “một năm được 3 ngày tết mà”. Nghĩ đến mâm cơm chiều tất niên trong những năm đói nghèo ấy, lòng tôi không bao giờ tránh khỏi cảm xúc nghèn nghẹn, rưng rưng. Mâm cơm chiều ba mươi khác với những bữa cơm bình thường. Mâm cơm trước là để cúng gia tiên, bày tỏ lòng hiếu kính của con cháu với ông bà tổ tiên. Sau khi cúng xong, con cháu sẽ quây quần bên mâm cơm để hàn huyên. Lòng cha mẹ sẽ buồn biết bao khi bên mâm cơm tất niên đứa con xa xuân này không về. Chẳng gì hạnh phúc bằng bên mâm cơm với chiếc bánh chưng xanh, đĩa thịt kho tàu, dưa món cay nồng, ly rượu chúc phúc, các thành viên gia đình đông đủ, cùng nhìn lại những buồn vui của năm cũ, chúc cho năm mới vạn sự tốt lành…

Chiều ba mươi, nguời con nào còn đang vội vã trên những chuyến tàu cuối cùng rời bến, lòng mong nhớ biết bao đôi tay gầy guộc của cha đang gói bánh chưng, đôi mắt hằn dấu chân chim của mẹ đang ngóng đợi con về. Dù có đi khắp mọi miền nơi đất nước, chiều cuối năm nào lòng người xa xứ cũng chỉ có một mong ước: trở về bên gia đình.

                                                                                                              N.T

. . . . .