Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu chân dung Nhà thơ Tùng Bách quê quán Xã Sơn Bằng - Hương Sơn - Hà Tĩnh, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, được rút từ tập sách "Những gương mặt nhà văn Hà Tĩnh".
Nhà thơ Tùng Bách
Bút danh khác: Hữu Bằng Sơn
Họ và tên khai sinh: Lê Tùng Bách
Quê quán: Làng Đông, xóm Kim Sơn, xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh
Dân tộc Kinh
Hiện thường trú tại thành phố Vinh - Nghệ An
Vào Hội Nhà văn năm 2004.
* Vài nét về quá trình học tập và công tác:
Từ năm 1969 - 1974 công tác tại ngành kiến trúc Hà Tĩnh. Từ năm 1973 đến 1984 công tác tại Hội văn học nghệ thuật Hà Tĩnh, rồi Nghệ Tính. Từ năm 1984 đến 2009 công tác tại Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, nay là tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (làm văn nghệ - Báo chí)
* Tác phẩm chính đã xuất bản:
Đã xuất bản 8 tập thơ, gồm:
- Mình Với Bóng - Vịt Đực và Mào Gà Trống - Bầu Trời Của Ếch - Người Gieo Hạt - Đi và Nhặt - Bên Bờ Ao Nhà Mình - Vừa Hót Vừa Bay - Bước Thời Gian.
* Giải thưởng văn học:
- Giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - tập thơ Người Gieo Hạt.
- Giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - tập thơ Đi và Nhặt .
- Giải thưởng thơ viết cho thiếu nhi do NXB giáo dục - Vụ giáo dục mầm non và Hội Nhà văn tổ chức năm 2005.
Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết “Tùng Bách – Niềm trắc ẩn dấu sau nụ cười” của Nhà văn Hà Quảng được rút từ tuyển sách “Những gương mặt” Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh, Nxb Hội Nhà văn, 2019.
TÙNG BÁCH – NIỀM TRẮC ẨN DẤU SAU NỤ CƯỜI
Nhà thơ Xứ Nghệ - Chưa hẳn vì mưu sinh, đã lưu lạc hơn một phần tư thế kỷ (26 năm) nơi chân trời Nam. Như Tản Đà, Nguyễn Bính… ngày trước. Những cuộc đi, về đầy cam go, nhiều tình yêu, nhiều từng trãi, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo: Thi sĩ mà lại! Vui chăng, Tùng Bách có được một số tập thơ dâng hiến cho người đọc.
Đọc thơ Tùng Bách người đọc cảm thấy thoải mái vì đa phần các bài thơ ngắn, giản dị và vui. Người đọc thời nay cảm thấy ngại các bài thơ dài hàng trang, hàng trang, vừa thuyết vừa kể (Chẳng thà trường ca hay truyện thơ thì đã hẳn là dài như vậy cho phải phép). Ai đó nói rằng Thơ đi liền với “thở”, một nhịp thở có thể là một ý thơ! Đặc biệt thơ ông vừa ngắn lại vừa có “tứ”, một thủ pháp mà nhiều thi sĩ rất đề cao. Hoặc lập tứ kiểu tỷ, hứng (dân gian) hoặc song song, điểm đọng hay tương phản (hiện đại), bài nào cũng gợi cho độc giả một ấn tượng để mà suy cảm, mà ghi nhớ. Thử chọn bất ngờ một bài :
Thôi nào, để cụ Nguyễn yên
Đừng giả với sử chi phiền lòng nhau
Truyện Kiều được viết ở đâu?
Ở ngay trong cõi bể dâu đời này!
(Nơi Nguyễn viết Kiều)
Trong học thuật, cố nhiên ta cần biết đích xác nơi Nguyễn Du viết Kiều và đã có nhiều luận giải đầy nghi vấn, tuy nhiên bằng cách cảm nhận hư tạo cuả nhà thơ, ông có thể xác định được ngay nghi vấn đó một cách giản đơn mà không kém phần sâu sắc: Truyện Kiều được viết Ở ngay trong cõi bể dâu đời này!
1 - Thơ Tùng Bách như nhà thơ Trúc Thông đã nhận xét “Hóm mà nghiêm, nghiêm mà hóm, đùa mà thật, thật mà đùa”, Tùng Bách đã áp dụng thủ pháp ấy của nghệ thuật dân gian vào những trang thơ của mình. Anh nói về sự mất ngủ vì cái “dấm dứt” trần thế “Cái ngủ không ngoan - cái ngủ ngọ ngoạy”. Tác giả biết cái dấm dứt, cái ngọ nguậy hay làm rách việc lắm. Chỉ biết hoá giải ở sự đồng cảm bạn bè “Ngà ngà rách việc lắm/ Bạn đã từng như tôi đêm qua?” Là con người, vừa tự nhiên, vừa xã hội, có những dấm dứt nhân thế, khát vọng nhân thế, nhưng đôi khi cũng có những dấm dứt trần thế, những dấm dứt “Rách việc” phải vượt qua. Thiếu nó Ta chỉ là một hình máy! Có nhiều lúc ta nghĩ phải nói những cái gì to tát mới mong có một ý nghĩa tương ứng, nhưng thực ra nói cái lớn mà trôi tuột đi thì cũng bằng không, nhưng nếu một cái nho nhỏ mà gợi người đọc một cảm xúc, một ấn tượng thì cái điều tưởng nhỏ đó lại chính là nghệ thuật! Một bài thơ khác cũng với thủ pháp đó. Làng Lòi ở Yên Thành, Nghệ An, làng gồm những chị em từng là TNXP, bộ đội, dân công hỏa tuyến, sau chiến tranh trở về, không còn cơ hội lấy chồng nhưng vẫn có thể làm mẹ!
Trẻ con Làng Lòi nỏ đứa mô có cha
Làng không cha có mà Làng Gióng
…Tôi từng đến Làng Lòi, mục kích sở thị
Trẻ con Làng Lòi tuấn tú khôi ngô
Biết giúp mẹ quét nhà, lặt rau, rửa đọi
Ngoan như cháu ngoan Bác Hồ
…Đã là con đều sinh ra từ mẹ
Cha chúng là ai ư? Đi mà vấn ông trời?
…Nếu có thể, bạn viết dùm đoạn kết
Để làng Lòi - ký ức sớm thành thơ.
(Ký ức làng Lòi)
Ký ức làng Lòi - một bài thơ rút ra từ báo chí, mang rất rõ cái chất “Hóm mà nghiêm, nghiêm mà hóm” của Tùng Bách. Trẻ con Làng Lòi nỏ đứa mô có cha/ Làng không cha có mà Làng Gióng… Viết tưng tửng như cười mà như khóc , “nhầm lẫn” tạo cái cười ra nước mắt ta thường gặp đâu đây trong VCDG. Có suồng sả quá không? Có “giải huyền thoại” không? Không, rất chân thực “Hóm mà nghiêm, nghiêm mà hóm”. Những em bé không cha, trong nếp nghĩ hạn chế bảo thủ cũ là những đứa trẻ vô thừa nhận bị khinh rẻ, nhưng dưới con mắt tác giả chúng đáng thương và đáng trân trọng vì chúng cũng như bao trẻ khác: tuấn tú khôi ngô/ Biết giúp mẹ quét nhà, lặt rau, rửa đọi/ Ngoan như cháu ngoan Bác Hồ. Đã là con đều sinh ra từ mẹ, đều cần hy vọng, cần có tương lai. Nhà thơ mong người đời với cái nhìn độ lượng, nhân đạo thương cảm “viết” cho các em bé đoạn kết “ký ức sớm thành thơ” thành nhân ái cuộc đời.
Tùng Bách gợi cảm ở những thi tứ giàu chất “hài”, trữ tình ngay trong cái “hài”, ấy mới chính là cái riêng của nhà thơ. Bài “Chuyện dọc cánh rừng”, nhà thơ dặn dò người em di dân vào Tây Nguyên tập làm quen vớí nắng gió, khí hậu, làm quen với phong thổ, sản vật, với tập quán và với cả những điều “tầm phào” khác. Con người buổi đầu còn lạ lẫm, khi đã thành quen, thì tất cả đều thấm đượm một tình yêu sâu đậm muôn thuở - tình người . Ngồ ngộ, pha chút trào lộng nhưng thật dễ thương khi tác giả dặn dò người em đang ở cái tuổi “ban đầu” mơ màng ấy: “Em ơi đừng quên cài khuy áo/ Cũng lắm lúc thành giông thành bão (vì) Gió cũng lành cũng dữ cũng buồn vui”, nhưng rồi “Em sẽ quen với tiếng đàn môi, Tiếng tơ rưng, điệu đinh năm dịu ngọt”…quen với tình người nơi đất lạ.
2 - Thơ Tùng Bách giản dị, ngọt ngào thế đấy, nhưng một phương diện khác không thể không nhận thấy khi ông nói về cái sự đời, nhận thức của một trái tim yêu thương nhưng cũng từng trải. Cuộc đời trong suy ngẫm sâu xa, ông thấy có những ràng buộc, có những nghịch lý mà người đời đôi khi ngộ nhận sinh ra bi - hài kịch:
Đã vào chậu làm bonsai
Còn mơ chi đại thụ
Gai nhọn không ưa lý sự
Hoa hồng có lỗi gì đâu
(Đời)
Một kết cấu song song hai chân lý tự nhiên, một tứ thơ đầy ắp hương vị đời sống! Đã nhốt mình vào vòng danh lợi thì mong chi làm một người cao thượng, đã ở trong vũng lầy vật chất, thật khó lòng có được một cái gì to lớn cao xa. Một chân lý khác: Hoa hồng xinh đẹp, thiên nhiên tạo cho nó một thứ gai nhọn để tự bảo vệ. Nó làm anh chảy máu, nó làm anh bị thương. Không nên trách hoa, hãy tự trách mình!.
Làm người không nên đứng núi này trông núi nọ. Mặc ai tự thị, mặc ai xa vời, riêng nhà thơ bằng lòng với cái mình đang có, một hạnh phúc nho nhỏ giúp đời vui và người sống lương thiện. Câu thơ lục bát vắt dòng tân kỳ làm nổi rõ cái triết lý nhân sinh ngồ ngộ mà thâm thuý. Ngoài năm mươi, từng trải rồi, bớt đi cái chủ quan mà người đời hay mắc phải :
Tài này/Tâm này/Đời này/Chưa là hành khất đã may lắm rồi. /Ta giờ/Tuổi ngoại năm mươi/Vợ ta ư ? Tuyệt!/ Thơ người ư ?/Hay - (Tự biết)
Nhà thơ sống một cuộc đời giản dị trung thực nhưng cái nhìn lại không kém phần sâu sắc. Những nghịch lý trong cuộc sống, ông không đơn giản nghĩ rằng sẽ hết, nghĩ vậy chỉ là mộng mơ. Ông nhận chân được những khó khăn mà cuộc đời không dễ xoá được ngày một ngày hai, hiện thực và ước mơ, nó như hai mặt một tờ giấy, có mặt này không thể không mặt kia. Có những chiếc cầu để đi, nhưng cũng cần những chiếc cầu để ngắm… Những gì chưa thành toại cứ cho là mộng mơ.
Bảy sắc cầu vồng trời bắc sau mưa
Thứ cầu không thể đi mà để ngắm
Với tay người khéo nặn
Đất nào chả nên hình!
Cuộc sống thực nghiệt ngã hơn nhiều, con người cần tỉnh táo:
…Giáo khoa thư dạy tôi: Hai lần năm là mười
Giữa xuôi ngược dòng đời: Hai lần ba,lắm khi thành bảy!
…Ôi, phải vì đời lắm khôn ngoan nên Xúy Vân giả dại!
Có nỗi oan chùa chiền không thể giải
Ngậm ngùi theo Thị Kính xuống mồ!
Những câu thơ khiến ta nghĩ đến lời khuyên của J. Phuxich: Nhân loại hỡi. Tôi yêu tất thảy mọi người. Hãy cảnh giác!
3 - Thơ Tùng Bách còn làm người ta “say” khi ông trở về với quá khứ. Những tứ thơ thực ảo lẫn lộn. Khi thì ông trò chuyện với Trạng Quỳnh, khi thì hoá thân vào Nguyễn Công Trứ mà bộc bạch chuyện đời. Tình cảm và suy tư như mơ như thực, một triết lý nhân sinh đầy tính phản biện, sự phê phán gián tiếp mặt trái cuộc sống. Uống rượu với Trạng Quỳnh trên chuyến tàu nhanh Nam - Bắc, nhà thơ thấy Trạng như còn đâu đây cùng với nụ cười day dứt vì những ham muốn, mưu toan của người đời.
Trạng cười… rung mấy sợi râu
Làm sao ta nhắm được mắt
Còn da trắng vỗ bì bạch
Còn người sau cửa! Còn ta!
Với Nguyễn Công Trứ cũng vậy, trong thơ Tùng Bách, ông là một con người say mê tài tử, nhưng ông còn mang nỗi buồn cô độc truyền kiếp của thi nhân, luôn đau đáu day dứt về lẽ sống.
Có sao đâu, chi sá cái sự đời/ Miệng thế gian tàu cau che chẳng đặng/ Thì tom chat cùng các ả đào chơi.
… Thời ấy xem ra người như ông cũng hiếm/ Hồng Lĩnh giờ ứ hự…Ngút ngàn thông…
Nhà thơ Lê Quốc Hán đã bình bài thơ này với những nhận xét chí lý: “…không chỉ một lần Tùng Bách viết về Nguyễn. Dù ở bất cứ nơi nào, dù đi đến đâu, hình ảnh Uy Viễn Tướng Công vẫn luôn hiện lên trước mắt người thơ như một câu hỏi lớ, câu hỏi về lẽ sống làm người: “Đi hết ngày chửa hết thông / Biết đâu Uy Viễn Tướng công để chào / Đành rằng mây thấp non cao / Kiếp sau ư ? Kiếp sau nào nữa đây !” (Đà Lạt - thông)
Thơ ông có một mảng khá sâu phát hiện những nghịch lý cuộc sống trong cơ chế thị trường. Ở Huế có dịch vụ làm vua, ai thích làm vua chỉ cần bỏ ít tiền, thế là có đủ, ngai vàng, bệ ngọc, lọng tán, râu mày… cứ có dăm mươi ngàn là có thể được “làm Vua”. Cần nữa thì bỏ thêm chút đỉnh thuê người làm công công, làm hoàng hậu. Rồi những dịch vụ ăn theo như chụp hình, quay phim… Thêm cả dịch vụ “nịnh nọt” nữa, đều có thể thuê được cả. Người giả, vật giả, lời nói giả, lẫn trong vô vàn cái giả, chỉ có người vợ thực của “Vua giả” mới nói được một điều không giả: “Hoàng thượng hôm nay I xê hơi bị ẩm / Mấy đời Vua cầm quạt, quạt như hề”. Thì ra trên đời này nhiều người thích làm Vua, dẫu chỉ là Vua giả. Thích làm Vua để rồi thành hề. Vua hề, hề Vua… nó cứ lộn tùng phèo cả lên trong cuộc sống đang bị thị trường chi phối.
Trước quầy hàng mặt nạ có đủ mọi thứ mặt: Thày trò Đường Tăng, Bao Công, Thằng Bờm, Cô Tấm, Chú Cuội… “Mặt nhỏ/ Mặt to/ Mặt mỏng / Mặt dày… Đều chung một giá/ Các bản mặt treo trên quầy đều quen/ Chỉ mặt cô đứng quầy là lạ/ Lũ trẻ vừa đi vừa rúc rích… cười”.
Nói vậy mà không phải vậy, tác giả mượn hình thức nói bóng của văn học dân gian ấy mà. Người ta quen sống với các mặt giả mà lạ lẫm với các mặt thật! “Mới đọc thì thoáng cười. Đọc rồi ngẫm lại mà thương” (Nguyễn Đức Thiện).
4 - Tùng Bách vốn là người sống xuề xoà nhưng đòi hỏi cao ở nghệ thuật. Ông tâm sự “…Mươi năm lại đây, thơ ta cũng đã xuất hiện nhiều cái mới, nhưng cũng xin mở ngoặc: Mới thì có mới nhưng chưa lạ. Và những cái được coi là lạ thì lại quá xa rời với người đọc! Cái “tôi” được thể hiện khá nhiều với nhiều cây bút trẻ, nhưng xem ra còn lạc lõng, chưa toát lên và hoà nhập được vào cái Ta. Ngắn hay dài, vần hay không vần không quan trọng. Nhưng người đọc phải hiểu, phải cảm được tác giả đang nói gì? Muốn gì? Tôi chúa ghét loại thơ hoả mù. Đành rằng thơ là ý ngoài lời, nhưng ngoài xa quá đến mức ngoài vùng huy động của sự liên tưởng thì không thể gọi là thơ!’’
Quan niệm nghề thơ của ông thật rõ ràng. Rất khiêm tốn nhưng cũng khá sâu sắc. Nhà thơ lớn thì: “Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhất” (Xuân Diệu). Đứng ở đâu cũng chỉ thấy “Chỉ Ta với ngọn Kính Đình mà thôi” (Lý Bạch). Nhà thơ bình thường thì:
Tôi cứ đi…/và nhặt/ những cái trong tầm tay/ Những điều có thể/ Ví như: “Dẫm phải gai thì lấy gai mà lể/ “Ở bầu thì tròn ở ống thì dài
“Không biết thương mình đừng mở miệng thương ai/ “Chạy chưa hẳn đã nhanh hơn đi bộ/ “Học ăn, học nói, học gói, học mở/ “Học thắng đã đành/ còn phải biết học thua!” Tôi cứ đi/ và nhặt/ Xem có gì giúp được cho thơ…
Tùng Bách biết sức mình, đã thực hiện đúng như lời dạy của Chế Lan Viên: Hãy nhặt những chữ trong đời mà viết nên chương!
*
Tôi quen Tùng Bách từ những năm tám mươi (1980). Sau hai mươi năm mới gặp lại. Ông sinh ra ở mảnh đất nghèo miền Trung theo dấu chân Tản Đà, Nam Cao, Nguyễn Bính lưu lạc khắp miền kiếm sống, những năm cuối trước khi về hưu, trụ lại một thành phố rộn rịp loại bậc nhất nước nhà, từng trải nhiều về vốn sống nhưng bộ dạng vẫn như xưa: khuôn mặt chất phác, nước da ngăm đen, giọng nói trầm nhẹ, lúc nào cũng như tâm tình, thủ thỉ. Chỉ có đôi mắt có vẻ đượm buồn và từng trải hơn. Thơ như người vậy, bây giờ so với lúc trước, thơ Tùng Bách đã đi một chặng đường dài, rất nhiều thủ pháp hiện đại có mặt trong thơ ông rất tự nhiên và nhẹ nhàng không một chút điệu bộ hay gắng sức. Đó là sự giễu nhai, cười cợt những mô chuẩn giả dối của đời sống thị trường, là lối lắp ghép các vấn đề thời sự trên báo chí, là những hình ảnh thực ảo lẫn lộn, là ngôn ngữ dân dã tưng tửng rặt cách nói Xứ Nghệ. Và trong tận cùng sự đổi thay là cách nhìn đời không còn giản đơn theo mô hình như ngày xưa. Bao tháng ngày từng trải ông đã chiêm nghiệm nhiều nghịch lý đời sống chắt thành thơ thổ lộ với độc giả, rất khiêm tốn. Thoáng nghe thì nhẹ tênh, như một nhếch mép, nhưng lắng lại sâu nặng trong ông những giọt đời!
Thơ Tùng Bách đã theo kịp thời gian, không chậm lại sau bè bạn cũng như sau cuộc cách tân thi ca thời kỳ mới./.
H.Q