Nếu lấy dấu mốc từ năm 1986, năm Việt Nam đổi mới đến nay đã là 33 năm. Đây là thời kỳ Nhiếp ảnh Việt Nam có bước phát triển vượt bậc trên mọi phương diện:
1. Lực lượng sáng tác.
2. Sự phát triển đa dạng của các thể loại ảnh.
3. Tư duy sáng tạo cởi mở và đổi mới.
4. Nhiếp ảnh tương tác với xã hội, với người xem ngày càng nhiều.
Xung quanh bốn vấn đề trên với tinh thần là một người đồng hành với hoạt động nhiếp ảnh trong những năm qua, xin đóng góp một số ý kiến như sau:
1. Về lực lượng sáng tác:
Nhiếp ảnh là một nghề tổng hợp vừa là nghệ thuật, vừa có tính báo chí, thời sự, là hoạt động sáng tạo, đem đến cảm xúc thẩm mỹ, nhân văn cho người xem, lại vừa cần phải có trình độ hiểu biết và áp dụng công nghệ kỹ thuật mới.
Chưa bao giờ nhiếp ảnh lại có đông đảo người tham gia vào các hoạt động sáng tác nhiếp ảnh như hiện nay; Người chơi ảnh, người hành nghề nhiếp ảnh, người sáng tạo nghệ thuật nhiếp ảnh ngày càng đông đảo; nhu cầu chụp ảnh, chơi ảnh, chụp ảnh để làm kỷ niệm, ảnh để giao lưu, trao đổi, chia sẻ thông tin, tình cảm, sự kiện, truyền tải thông điệp ngày một nhiều. Từ một chiếc máy điện thoại thông minh sẵn có của mỗi người trên trái đất, hàng ngàn bức ảnh đã ra đời trong một tích tắc.
Điều đó vừa là thuận lợi, lợi thế, nhưng đồng thời cũng là thách thức trong nhận thức về hoạt động sáng tạo nhiếp ảnh trong xã hội, để phân biệt được một bức ảnh bình thường do một người bình thường chụp và một bức ảnh của một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thực hiện!
Trong nghệ thuật mô hình sàng lọc tài năng theo hình chóp nón; Khi diện rộng, số lượng nhiều là cơ hội tốt để lọc, tìm ra đỉnh cao; Phong trào tốt là tiền đề cho phát triển và những đỉnh cao tài năng xuất hiện. Nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay phong trào đã rộng, đã nhiều, đã đông; Vậy đỉnh cao và tính chuyên nghiệp đã xuất hiện tương xứng với phong trào với diện ngày càng rộng chưa? Vì sao? Câu hỏi này xin đặt ra để cùng thảo luận.
Triển lãm Chuyên đề “Ảnh Nude nghệ thuật” do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức năm 2018
2. Sự phát triển đa dạng của các thể loại ảnh:
Nhiếp ảnh cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội, ngày càng trở lên phong phú, đa dạng các thể loại ảnh; Từ ảnh sinh hoạt đời thường, ảnh kỷ niệm, tư liệu, ảnh thời sự, ảnh báo chí, ảnh quảng cáo, ảnh du lịch, ảnh phong cảnh, ảnh chân dung, ảnh thời trang, ảnh ý tưởng, ảnh ý niệm, ảnh đồ họa v.v…
Với bất cứ thể loại ảnh nào cũng cần các yêu cầu về nghề nghiệp nhiếp ảnh như bố cục, ánh sáng. Người có nghề bức ảnh của họ khác bức ảnh của người bình thường là ở ý tưởng sáng tác, ở bố cục tạo hình và xử lý ánh sáng của bức ảnh được thực hiện một cách nghệ thuật, giúp cho thông điệp nội dung của bức ảnh qua ngôn ngữ ảnh được bộc lộ rõ và với mỹ cảm nhân văn tạo hiệu quả tốt và cảm xúc thẩm mỹ đến người xem. Một bức ảnh tốt dù ở thể loại gì, nội dung gì cũng cần phải có nghệ thuật bố cục, nghệ thuật ánh sáng và mỹ cảm tốt và yêu cầu này phải là yêu cầu cho tất cả các thể loại ảnh chứ không riêng chỉ với ảnh nghệ thuật.
Mầm sống. Ảnh: Trần Vũ Quang Duy
Đã đến lúc Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam cần xem xét việc chia các chuyên ngành Ảnh trong Hội để hoạt động nghề nghiệp chuyên sâu và hiệu quả hơn.
Ví dụ: Hội sẽ có các chuyên ngành như:
- Ảnh thời sự, báo chí;
- Ảnh nghệ thuật hiện thực truyền thống;
- Ảnh đồ họa (ý tưởng, ý niệm).
Các hội viên sẽ tham gia vào các chuyên ngành Ảnh theo sở thích và khả năng sáng tác, tạo ra những hoạt động nghề nghiệp đa dạng, chuyên nghiệp, chuyên sâu khuyến khích khả năng sáng tạo của anh em.
Công Nhân EVN - NPT bảo dưỡng đường dây 500 kV Phú Thọ - Yên Bái. Ảnh: Trần Thanh Hải
3. Tư duy sáng tạo cởi mở và đổi mới:
Đổi mới là nhu cầu tự thân, thường trực của những người hoạt động sáng tạo nghệ thuật.
Tư duy sáng tạo cởi mở, đổi mới phù hợp với sự phát triển, phù hợp với xu thế chung của cả thế giới, phù hợp với đời sống xã hội và đất nước là một đòi hỏi tất yếu.
Nhiếp ảnh là ngành mà ở những giai đoạn lịch sử, giai đoạn phát triển xã hội luôn gắn liền với tư duy sáng tạo của từng thời kỳ.
Có những giai đoạn, Nhiếp ảnh được quan niệm là nghệ thuật của khoảnh khắc. Nhiếp ảnh hiện thực đã được coi là chủ đạo là truyền thống của nhiếp ảnh Việt Nam; Quan niệm này đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với ảnh thời sự, ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật theo phong cách hiện thực truyền thống.
Tuy nhiên, nghệ thuật như một thân cây có nhiều cành, nhiều nhánh thì tán cây đó mới rộng, sức sống của cây mới mạnh mẽ; Văn hóa, nghệ thuật là dòng chảy từ truyền thống đến hiện đại và luôn tiếp biến, phát triển khi xã hội, khoa học, công nghệ phát triển, nhu cầu đa dạng các hình thức sáng tạo nhiếp ảnh cũng là điều tất yếu đòi hỏi và thực tế không thể cưỡng lại được điều đó.
Chính sự tiếp nhận và phát triển các hình thức biểu đạt đa dạng trong nhiếp ảnh sẽ mở rộng phạm vi phản ánh, phạm vi biểu hiện, nội dung ý tưởng trong một bức ảnh, giúp các nhiếp ảnh gia có thể làm được những điều tưởng như là không tưởng bằng ngôn ngữ ảnh. Nếu chúng ta không mở thông cánh cửa mà cứ giữ nguyên những chuẩn mực của nhiếp ảnh hiện thực truyền thống thì chính chúng ta đã tự kìm hãm sự phát triển của nghệ thuật nhiếp ảnh.
Cầu gỗ Ngọc Trai Vạn Giã. Ảnh: Ngô Thanh Minh
4. Tương tác với xã hội, với người xem ngày càng nhiều:
Chưa bao giờ nhiếp ảnh lại có điều kiện giới thiệu, công bố, phổ biến tác phẩm tốt, thuận lợi như hiện nay, trao đổi giao lưu ảnh trên cộng đồng mạng rất rộng lớn và đông đảo, đấy là lợi thế vô cùng mạnh của nhiếp ảnh hiện nay. Các nhiếp ảnh gia Việt Nam hiện nay có thể gửi ảnh tham gia các cuộc thi ảnh trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, cái gì nhiều, lớn, rộng, phổ cập thì vấn đề tinh, đỉnh cao, chuyên nghiệp cũng song song đặt ra và là đòi hỏi cấp bách. Diện rộng mà không có đỉnh cao để làm chuẩn, để làm định hướng thì chưa đạt được hiệu quả về chất.
Thực tế chỉ những tác phẩm ảnh chuyên nghiệp, xuất sắc, đỉnh cao mới có tác động và định hướng, ảnh hưởng cho đông đảo những người tham gia vào hoạt động sáng tạo nhiếp ảnh và công chúng thưởng thức nghệ thuật nhiếp ảnh. Vì thế, hơn lúc nào hết tính chuyên nghiệp, chất lượng nghệ thuật cao của tác phẩm nhiếp ảnh lại càng cần phải chú trọng. Nếu không nguy cơ nghiệp dư hóa nhiếp ảnh là có thật và đang cận kề.
Đổi mới trong tư duy, đổi mới sáng tạo, đổi mới trong hình thức biểu đạt, mới hơn, lạ hơn, mạnh bạo hơn là yêu cầu, là đòi hỏi đối với các nhiếp ảnh gia Việt Nam hiện nay.
Nguồn tin: Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục MTNATL/ape.gov.vn