Chẳng cứ gì phải về vùng Thượng mới được ăn cơm hến. Từ xưa cho đến bây giờ, hến được bày bán khắp nơi. Vậy mà “Đi quanh về quắt không khỏi nước dắt chợ Cầu”. Tôi đã từng ăn hến Huế, hến Thanh Hóa nhưng quả thật không sao so được với hến dắt của Sông La. Mùa hạ oi nồng, bất chợt thèm đến quay quắt bát canh hến ngọt mát kèm với quả cà pháo giòn tan. Những lúc ấy, nếu xa chợ thì chỉ còn biết đợi chờ tiếng rao đến nát lòng.
Bao giờ hến sẽ lên ngôi
Với người Hà Tĩnh, ăn hến có thể quy về hai cách: khô và ướt. Cánh ăn khô truyền thống vẫn là món hến xào. Phi thơm hành mỡ (lượng mỡ chỉ đủ hành dậy mùi thơm vì hến thường kỵ mỡ), đổ ruột hến và ruốc bể vào đảo cho khô bớt nước. Đợi ruột hến săn lại, chế muối mắm, tiêu ớt và gia thêm ít lát gừng tươi. Hến xào kỹ, cho tiếp giá đỗ xanh vào đảo nhanh rồi rắc thêm ít hành lá, mùi ngò. Nhắc chảo xuống xúc hến ra đĩa, rắc lên ít lạc rang giã nhỏ. Đĩa hến mang ra còn bốc khói thơm, trông xa như một đĩa hoa xoan trắng tím. Lúc này, chủ khách đã chờ sẵn bên cút rượu nếp, chồng bánh đa nướng. Chẳng cần phải thìa đĩa, bẻ bánh ra từng miếng lớn, xúc với hến cặp ăn. Bánh đa giòn tan ăn lẫn với hến béo ngọt thơm phức. Một cách ăn khô khác có vẻ “tạp” hơn là món hến trộn nộm, không cần xử lý qua củi lửa. Dân ven sông bảo, ăn thế mới ngọt và thơm. Hến xào hay trộn nộm xúc cặp ăn với bánh đa được xếp vào loại món ăn đặc sản và hơi bị tốn... rượu. Đã ngon lại rẻ. Một đĩa hến mươi ngàn đồng cộng thêm vài cái bánh đa đủ để vài ba người bạn tâm giao khề khà đủ thứ chuyện trên đời.
Cách ăn ướt thì món truyền thống vẫn là canh hến, được nấu bằng nước luộc hến đục nhờ như nước gạo. Canh hến có thể nấu lẫn với ruột hoặc không nhưng thường nấu chung với lá hẹ, rau vặt (mồng tơi, tàu bay, khoai lang, muống, đọt bầu, rau hao), hoặc cà dừa, bù eo thái nhỏ. Khi nấu, người phụ nữ quê tôi thường cho thêm thìa ruốc bể để hến dậy mùi thơm. Canh chín, múc ra bát lớn, mở vại lấy đĩa cà pháo muối trắng vàng để cạnh. Ở quê tôi còn lưu lại câu ca:
"Kéo gỗ nhờ mạnh có đà
Cơm canh nước hến có cà mới ngon"
Ngẫm một chút mới thấy văn hóa ẩm thực của cha ông ta thật là tinh tế. Ăn canh nước hến phải có quả cà pháo mới ra chuyện. Chiêu vài hớp cơm canh, khi vị ngọt nơi cổ đã bắt đầu lờ lợ thì quả cà đưa vào miệng cắn cái rốp giống như cái “đà” để mà ăn tiếp. Sì soạp cơm canh hến- cà pháo, nhiều bữa mất chừng, ăn xong thấy bụng tròn căng đứng dậy không nổi.
Không tiện kể thêm những món khác như: cháo hến, lẩu hến, bánh hến... Từ con hến, tuỳ theo khẩu vị mà các bà nội trợ có thể chế thành những món ăn độc đáo. Bấy lâu, lũ lươn, ếch, ốc, ba ba... đã đàng hoàng có mặt trong các bữa tiệc cao cấp. Lẽ nào món hến đậm đà bản sắc quê hương lại không xứng đáng được ghi tên trong “menu”- thực đơn của Restaurant, Hotel hay chí ít cũng là món ăn dễ kiếm ở các quán cơm bình dân? Hến ơi, bao giờ mới được lên ngôi?
Phường cào hến Thượng
Về Đức Xá vào một sáng hè nóng nực, tôi rẽ thẳng vào đường làng, nơi ngày trước dẫn thẳng ra bến hến. Nghe kể, một thời làng tôi sống bằng nghề cào hến. Thời ấy, lâu rồi, trước khi dân cày được chia ruộng đất- bà bác họ trong làng hồi tưởng. Chẳng biết làm hến trở thành nghề ở làng tôi từ khi nào nhưng khi bọn trẻ chúng tôi cởi trần đánh đu từ cây sung già cả đổ nghiêng ven sông để nhảy ùm xuống nước thì vỏ hến ở bến tắm đã xếp dày thành gò, đống. Buổi ấy, hai kỳ phùng địch thủ làm nghề cào hến trên sông La là làng hến quê tôi và làng hến Đức Tân. Những chuyện ấy cũng xưa nốt, xưa hơn cả tuổi chúng tôi. Hiện nay, cào hến được coi như một thứ nghề ở Hà Tĩnh chỉ còn lại trên vùng Thượng. Trưa ấy, nằm lại nhà người bà con cạnh bến Hến ngày xưa, tôi cũng được ăn cơm hến nhưng không phải do người làng tự làm ra, được mua ngay tại bến mà phải đạp xe đi chợ Trổ. Chẳng biết nên buồn hay vui khi dạo bộ bên bờ sông, thi thoảng tôi mới được nghe tiếng vỏ hến lạo xạo dưới chân mình.
Chiều ấy, tôi phóng xe lên xã Đức Tân (nay gọi là xã Trường Sơn)- vùng hến Thượng nức tiếng trong cả tỉnh. Từ cầu chợ Thượng nhìn sang bờ tả ngạn sông La chừng cây số đã nom thấy xóm thuyền của làng hến đậu san sát ven sông. Tôi vào nhà rủ bác Lê Đức Tài cùng ra sông ngắm cảnh. Bến Hến buổi chiều tấp nập. Thuyền bè ken dày cả một khúc sông. Rộn rịp bóng người lên xuống, chao rửa, tắm táp, cười nói. Trên bờ, sát những túp lều dựng tạm để làm lò nấu, vỏ hến vun thành đống cao chất ngất trong những chấn thưng bằng cót. Một ngôi đền thờ ẩn mình dưới bóng lá của cây sung, ngô đồng già cả. Bác Tài cho tôi biết đây là đền thờ Tổ sư của dân phường cào, chữ trên hai câu đối trước cổng là: “Hữu chủ giang sơn thiên thánh đỉnh- Vô cùng tuế nguyệt mạnh quân châu”. Sợ tôi không hiểu, bác còn nói rõ thêm: “đỉnh tức là vạc, là cái chảo nấu, còn châu tức là trai, là con hến đó”. Bác Tài chắt lưỡi tiếc hộ cho tôi sao chẳng đến kịp tối qua, mười bốn âm, mà xem cảnh khói hương nghi ngút, đỏ lựng cả bến sông. Bác bảo, ngày trước việc cúng tế còn long trọng hơn nhiều. Rồi bác còn kể tôi nghe giai thoại truyền ngôn kể về gốc tích nghề làm hến. Chuyện xưa kể rằng, có gia đình bên Thượng hiếm hoi xin được một bé trai bên Hạ làm con nuôi, cho ăn học tử tế. Chàng trai sáng dạ, lớn lên thông minh, học giỏi và đỗ ông Cống trong một kỳ thi. Ngày mũ áo về quê, dân bên Thượng cho chàng chỉ là kẻ ngụ cư nên không thèm đón rước. Dân bên Hạ mời chàng trở về, mở tiệc khao mừng. Ông Cống trẻ giận người bên Thượng, quyết định từ biệt cha mẹ nuôi để trở về bên Hạ. Trước khi đi, ông viết bài văn án, nguyền trời đất đừng cho người bên Thượng có khoa danh và buộc vào hòn đá ném xuống sông La. Kể từ đó, năm nào bên Hạ cũng có người đỗ đạt còn bên Thượng dẫu có học trò giỏi nhưng liên tục hỏng thi. Học trò bên Thượng nhớ lại chuyện cũ, bàn với nhau là phải tìm vớt cho được văn án tai hại ấy. Họ thuê người chèo thuyền ra sông, dùng chiếc cào có cán dài, dưới có vỉ đan như cái nhủi đêm ngày cào vớt dưới sông. Người ta không tìm lại được hòn đá có buộc văn án có lời thề nguyền độc địa ấy nhưng lại bắt được rất nhiều hến. Kể từ đó, dân làng rủ nhau lập phường, đóng thuyền, đan cào đi vớt hến
để thành một kế sinh nhai.
Đêm ấy, khi đang chờ đợi để xem cảnh nấu hến đêm, tôi đã nghe bác Lê Thuật kể cho nghe bao thứ chuyện về con hến. Thì ra, để có con hến mà ăn cũng thật lắm công phu. Hến sông thường chỉ to bằng móng tay người. Cùng họ hàng với hến là ngao, sò, trai (bộp), vẹm... thường ưa sống nơi sông suối, kênh, rạch, ao hồ. Mùa nào thức ấy, làm hến cũng có thời vụ. Ăn tết xong, mồng 7 tháng Giêng, làng làm lễ khai hạ, nhổ neo thuyền đi làm dắt. Con dắt là anh em ruột của hến nhưng nhỏ và mỏng vỏ hơn, thường sống ở vùng nước lợ. Ngoài tháng Ba âm là mùa làm hến rạy (hến con). Sau mùa hến rạy thì bão lụt đến, hến nhất loạt ẩn sâu xuống đáy sông. Dân làm hến cũng chả dại gì đương đầu cùng sóng bạc, phường cào tạm nghỉ ngơi. Hết mùa lụt, hến rạy lớn lên rất nhanh và được gọi là hến cũ. Phường cào lại ra quân. Những con hến cũ qua được mùa này thì tự nhiên tách vỏ, nhả ra từng sợi dây trắng như sữa rồi chết. Từ dây sữa này, hến rạy lại được sinh ra.
Cách đánh bắt hến của dân phường cào cũng đã khác xưa. Dĩ nhiên là không dùng tay bới cát hay dùng rổ xúc như hồi chúng tôi còn bé. Với dân làm nghề họ có một dụng cụ chuyên dùng. Đó là cái cào cạy, cào lưng và gần đây là lưới vợt. Với cái cào lưng, người làm hến phải dầm mình trong nước, dùng lưng kéo cào chạy giật lùi. Tiếp nối “thế hệ” cào lưng là cào cạy (còn lại là cào tướt). Cào cạy cũng giống cào lưng, chỉ khác là cán dài hơn, có khi tới 5- 7 mét. Người làm hến đứng trên thuyền, tay cầm cán cào, lợi dụng sức nước chảy để “cạy” cào đi. Khoảng 3 năm trở lại đây, nghề cũ ở làng hến Đức Tân đã chuyển “đời” khác hiện đại hơn, đó là lưới vợt. Thả lưới vợt xuống sông, cho thuyền máy chạy khoảng mười phút lại kéo lưới lên một lần để đổ hến vào khoang. Nhờ vậy, người làm hến đỡ cái khổ phải dầm mưa dãi nắng như dùng cào lưng, cào cạy. Tôi đã có cuộc chuyện trò với một người dân của làng cào:
- Mỗi buổi, vợ chồng anh làm độ được bao nhiêu?
- Cùng tuỳ, độ trên dưới mươi thúng.
- Mỗi thúng bán sống giá độ bao nhiêu?
- Khoảng 8 đến 10 ngàn.
- Trừ chi phí, chắc còn lãi nhiều?
- Cũng vài ba chục ngàn nhưng có phải bắt về là đem bán được ngay đâu. Đãi thật sạch rều rác, nấu lên lấy nước và chao lấy ruột, rồi mang đi chợ.