06-11-2018 - 08:59

QUÊ NHÀ BÙI XÁ TRONG TÔI

Mặc dầu đã có rất nhiều đầu sách về thơ, dịch thơ, nghiên cứu khoa học nhưng Giáo sư Phùng Hồ khi vào tuổi bát thập vẫn dành thời gian để hồi tưởng về những kỷ niệm sâu đằm một thời trai trẻ gắn bó với quê hương. Van nghệ Hà Tĩnh xin trân trọng giới thiệu bài hồi ký " Quê nhà Bùi Xá trong tôi".

Giáo sư, Tiến sĩ  PHÙNG HỒ

(Sinh năm 1938, làng Triều Đông, xã Bùi Xá, Đức Thọ. Từng du học ở Liên Xô, sau về công tác tại trường Đại học bách khoa Hà Nội, hiện sống ở Hà Nội)

 

QUÊ NHÀ BÙI XÁ TRONG TÔI

( Hồi ký) 

 

        Mỗi lần về quê, tôi thường ngồi trên "nóc đường đê" chỗ "đầu voi" lối vào xóm để ngắm nhìn lại nơi tôi đã sinh ra. Nơi xóm tôi từng toạ lạc nay là một bãi đất loang lổ các loại hoa màu, trống trải, thông thống ra tận bờ sông La. Chỗ tôi ngồi bây giờ sâu xuống chừng bốn mét chính là nơi tôi đứng chụp ảnh vào mùa hè năm 1963 cùng các bạn trong dịp từ Liên Xô về nghỉ hè. Tôi cô đơn ngồi trên nóc đê lơ đãng nhìn về phía trước, chợt thấy trong tâm tưởng hiện lên rõ rệt những gì đã xảy ra trong đời như một bộ phim dài bất tận.

          Tôi sinh ra ở xóm Chùa, tức là xóm Thọ Giai, làng Hạ Tứ, xã Bùi Xá, tổng Yên Hồ, Huyện La Sơn, Phủ Đức Thọ, Hà Tĩnh.  Xã Bùi Xá theo tên gọi suy ra là cư xá của họ Bùi, tương tự như Đặng Xá, Dương Xá, Phùng Xá .., không rõ được thành lập từ bao giờ nhưng theo tôi ít nhất cũng phải dăm trăm năm trước. Xã Bùi Xá thời xưa gồm có ba làng là ba đơn vị hành chính:  Thượng Tứ, Triều Đông và  Hạ Tứ. Trước năm 1934, khi chưa có đê La Giang, cả ba làng đều nằm bên bờ hữu sông La, bị ngập lụt nhưng vì chưa có đê nên mức nước thường không cao. Thời phong kiến, xã Bùi Xá không phải là một đơn vị hành chính, không có Xã trưởng. Tất cả sổ sách đinh điền thuế bạ đều được quản lý ở ba làng trực thuộc thẳng lên tổng Yên Hồ, huyện La Sơn rồi lên phủ, lên tỉnh. Mỗi làng có một Lý trưởng riêng, ví như: Thượng Tứ có Lý Lan, Triều Đông có Lý Trừ, Lý Chơn..., Hạ Tứ có Lý Quán...Tuy thế, xã Bùi Xá vẫn là một thực thể thống nhất tồn tại từ lâu đời. Ngoài ba làng là ba đơn vị hành chính, ở Bùi Xá còn tồn tại một loại "làng tâm linh" nhỏ hơn (có thể gọi là các "giáp") theo phong tục thờ cúng tâm linh. Ở đây có các đền thờ hay đình làng riêng, những làng này có khi trùng với làng hành chính có đền thờ hay đình làng riêng như đình làng Triều Đông ( ở phía ngoài Nhà văn hoá thôn Triều Đông bây giờ), đình làng Thượng Tứ (ở "cơn da quai chảo" ngày xưa). Ngược lại, trong làng Hạ Tứ tồn tại mấy làng tâm linh nhỏ hơn nhiều, có các đền thờ riêng như: Đền làng Khê nơi hai làng nhỏ tế chung là làng Khê (xóm Cọc Khe trước kia) và làng Thọ (xóm Thọ Giai trước kia). Đền làng Khê là đền mới nhất và to đẹp nhất, nằm phía dưới làng Thọ và phía trên làng Khê (xóm Cọc Khe - xóm Trúc sau này), có lẽ bây giờ nó nằm sát cạnh bờ sông, đoạn phía dưới ngã ba sông La chảy vào cống Bùi Xá mới xây lại. Tôi nhớ năm còn ở lớp nhì (khoảng 1948), tôi theo học ở đền làng Khê với cậu Phong (thầy Nguyễn văn Phong là con cụ Tổng Trình người xóm Thọ Giai) và  có đi dự buổi mettinh mở đầu phong trào phát động quần chúng giảm tô (1954) ở thửa ruộng bên phải cổng đền trong mùa khô hạn. Đội trưởng "đội giảm tô" xã Bùi Xá hồi ấy là một cựu nữ du kích Thái Bình, diễn thuyết rất hùng hồn lưu loát nhưng phát âm lơ nờ lẫn lộn, "anh chị em lông dân nao động" ngồi nghe không dám cười. Phía cuối làng Hạ Tứ trước kia cũng có hai "làng tâm linh" nữa với đền làng Đông nằm ngoài đê phía dưới nhà thờ công giáo Hạ Tứ và đình làng Đoài nằm trong đê hướng Tây Bắc lăng cụ Hàn Kép. Đình làng Đoài là nơi tôi học lớp ba, phía trước đền có nhiều cây si cổ thụ lâu năm rất đẹp, cạnh đó còn có Nhà Văn Thánh, cũng là nơi thờ tự không biết của cả xã hay của làng Hạ Tứ và cũng thành lớp học. Nếu nói về chỗ thờ tự, tâm linh thiêng liêng nhất xã Bùi Xá thì phái kể đến đền Cả (còn có tên là đền Huyện). Sau Cách mạng, người ta tổ chức "hợp tự", rước  thành hoàng các đền khác trong xã về đây để thờ chung. Cạnh đó người ta xây dựng sân vận động xã Bùi Xá là nơi đã xảy ra rất nhiều những sinh hoạt văn hoá, thể thao, quân sự, chính trị, bao nhiêu phong trào tuyên truyền vận động, bao nhiêu những biến cố lịch sử phấn kích cũng như đau thương từ sau Cách mạng tháng Tám và có thời gian nó đã thành chợ Cầu. Ký ức đầu tiên của tôi về sân vận động Bùi xá cạnh đền Cả là khoảng năm 1946, khi xã tổ chức một cuộc mettinh liên hoan gì đó có bán vé xổ số gây quỹ. Năm ấy tôi mới tám tuổi nhưng đã đọc thông viết thạo nên được chọn tham gia trò xổ số đó cùng anh Trần Hấp trạc tuổi tôi (con ông giáo Tường xóm Trúc, sau anh đổi tên không nhớ là tên gì nữa). Tiếp theo không biết bao nhiêu những kỷ niệm vui buồn tôi đã trực tiếp tham gia hoặc đã chứng kiến ở sân vận động xã: những đêm lửa trại, diễn tuồng, những ngày vui chơi xem thi thể thao, đua thuyền, xem du kích tập quân sự, những cuộc mettinh đông đúc... và cả những cuộc đấu tố, xử án, hành quyết sai lầm hai nhà cách mạng lão thành Nguyễn Oánh và Đặng Yên trong cải cách ruộng đất. Kỷ niệm cuối cùng về sân vận động trong tôi là vào mùa hè 1960, khi tôi đã học xong khoá chuyên tu tiếng Nga ở Gia Lâm được về thăm nhà trước khi đi học ở Liên Xô. Lần ấy, tôi mặc áo cộc quần đùi đẩy một xe "ngọn mía" từ nhà cậu Cu Sáu đi qua sân vận động đã thành chợ Cầu và tình cờ gặp cô Cúc em gái bạn tôi Nguyễn Bá Hà, người Đồng Dâu, mười tám mười chín tuổi lấy chồng về La Ngạn qua đò đi chợ Cầu.

Dốc đầu voi, đê hữu sông La, Bùi Xá năm 1963

         Về biên giới địa chính giữa ba làng trước năm 1934 là rất rõ ràng, ba làng cách nhau một khoảng đồng ruộng khá rộng. Nghề nghiệp của dân cư ba làng cũng khác nhau: dân làng Thượng Tứ chủ yếu làm nghề nông và buôn bán chạy chợ, dân Triều Đông làm nghề nông và buôn bè, tức là buôn gỗ và tre nứa, có cả một xưởng cưa, hàng hòm (quan tài), dân Hạ Tứ làm ba nghề chính: nghề nông, nghề làm miến bột lọc và nghề mía đường. Nhà tôi ở xóm Thọ Giai làm đủ ba nghề điển hình của dân Hạ Tứ, mặc dầu sau khi đắp đê La Giang và đắp thêm "đường Quan" nối "ngã ba Ngọc Thụ" và "ngã ba Cu Chỉnh" thì xóm Thọ Giai cơ hồ như tách ra khỏi làng Hạ Tứ mà gần với làng Triều Đông hơn. Cũng chính vì lẽ đó sau năm 1945, xã Bùi Xá thành một đơn vị hành chính thống nhất trực thuộc huyện Đức Thọ, bỏ đơn vị "làng" mà chia ra thành ba khu vực địa dư. Làng Thượng Tứ thành khu vực A, làng Triều Đông cọng thêm xóm Thọ Giai của làng Hạ Tứ trước kia trở thành khu vực B, phần còn lại của làng Hạ Tứ thành khu vực C. Sau cải cách ruộng đất, Bùi Xá chia thành hai xã mang hai cái tên "vô nghĩa" Đức Bùi và Đức Xá. Đức Bùi bao gồm khu vực A và khu vực B, Đức Xá là khu vực C, bằng làng Hạ Tứ trước Cách mạng cắt bớt đi xóm Thọ Giai.

           Ở cuối làng Hạ Tứ thời phong kiến xa xưa có trường học của phủ Đức Thọ dạy chữ Nho, nên vùng ấy ngày trước cũng có một số người đỗ đạt nhưng cũng chỉ đến tú tài. Điển hình là cụ Nguyễn Xuân Thụ hai lần đậu tú tài nhưng không đậu được cử nhân nên được gọi là cụ Tú Kép, về sau được phong là "Hàn lâm học sỹ" nên đổi gọi là Hàn Kép. Theo gia phả họ Phùng Bùi Xá thì cụ tổ họ Phùng Thạc là "giám sinh Quốc tử giám" tức là những người đã "tốt nghiệp trường Quốc tử giám" nhưng không thi để lấy bằng Tiến sỹ, được xếp ngang Tiến sỹ ( ông nghè). Tôi chưa tìm hiểu kỹ nên không nắm được tên tuổi các vị tiền bối đã đậu Tiến sỹ (đại khoa) thời phong kiến. Khi nền giáo dục chuyển sang dạy quốc ngữ và ở giai đoạn sau, tôi thấy ở Bùi Xá có ba trường ở cấp tiểu học: Trường Đông Tứ đóng ở làng Thượng Tứ, trường Hạ Tứ ( Ecole de Ha Tu) đóng ở trong và sát chân đê La Giang quãng xóm Trúc, gần trường Tiểu học Nguyễn Xuân Thiều bây giờ. Ở đây năm 1946-47, tôi học lớp năm (như lớp hai bây giờ) và một trường tư thục Bùi Xá (Ecole privee de Bui Xa) của cậu Quýnh (ông Lê Khiêm người xóm Thọ Giai). Cậu Quýnh là anh con bác của mẹ tôi mở trường tư này ngay trong khuôn viên nhà, một mình cậu dạy trong một phòng rộng ba bốn chục mét vuông với khoảng ba chục học trò trong một "lớp ghép" như ở miền núi bây giờ. Lớp ghép có bốn trình độ từ "ấu trĩ" (vỡ lòng, ABC) rồi lớp năm, lớp tư cho đến lớp ba là hết. "Tốt nghiệp trường cậu Quýnh" tức là hết lớp ba thì học trò lên "phủ Đức" học lớp nhì rồi thi lấy bằng "yếu lược", học tiếp lớp nhất thi lấy bằng tiểu học (primier trong tiếng Pháp mà dân ta gọi đùa là "bằng đi me"). Ở hai trường Hạ Tứ và Đông Tứ tôi không rõ lắm. Cậu Quýnh còn mời thêm cậu Bích (thầy Trần Ngọc Bích người xóm Cầu Thuỵ làng Triều Đông) dạy cùng. Chính cậu Bích dạy lớp ABC chúng tôi, nhưng không biết vì lẽ gì mỗi lần "quan thanh tra" đến trường là cậu Bích phải đi trốn. Trường sở đơn giản, lớp ghép nhiều trình độ, nhưng trường cậu Quýnh dạy rất hiệu quả, chất lượng vì cậu dạy rất nhiệt tình và nghiêm túc. Cậu nghiêm lắm, thường phạt quỳ và phạt chụm tay đánh vào đầu ngón tay bằng thước kẻ khiến học trò rất sợ. Phùng Lê- anh trai tôi thuận tay trái, chỉ riêng cầm bút là buộc dùng tay phải. Anh viết chậm và quá xấu nên bị cậu đánh nhiều đến sợ không muốn đi học. Một lần anh bị vấp khiến móng chân cái bị nhiễm trùng, thế là bỏ học luôn. Tôi nhớ ngày đầu tiên đến trường cậu Quýnh, mẹ tôi dẫn tôi từ nhà lên đê rồi đi xuôi xuống một "đầu voi" vào nhà cậu. Mẹ tôi dắt tôi đến gặp cậu và nói: Em đưa thằng Đỉu (tên tôi hồi bé, Đỉu Cu Hồng) gửi cậu! Cậu Quýnh bảo: O phải kêu hắn là Hồ, Phùng Hồ. Cậu Quýnh xếp tôi ngồi bàn đầu phía bên phải lớp học, xong cậu viết lên góc bảng một chữ "a" và hỏi: Con biết chữ gì không? Tôi đứng dậy trả lời: Chữ a ạ! Cậu khen tôi giỏi bảo tôi ngồi xuống và viết vào vở tôi bằng mực đỏ trên đầu mỗi dòng kẻ những nét sổ như nửa chữ i thường ( nghĩa là không có phần đá lên), cho tôi viết tập. Cách đây đã 74 năm nhưng tôi vẫn nhớ như in cả cái màu mực đỏ rực rỡ huy hoàng của những nét sổ nghiêng đầu dòng của cậu Quýnh, người thầy đầu tiên của tôi đã ra đi rất sớm, khi tôi còn học ở Liên Xô. Nhà thầy xưa kia ở ngay lòng hói mới đào từ sông La đổ vào cống mới Bùi Xá.

Lăng mộ cụ Hàn kép trên cánh đồng Bùi Xá

        Xã Bùi Xá trước Cách mạng có nhiều người có chí học hành, đạt được bằng thành chung (tốt nghiệp trung học cơ sở) hoặc cao hơn, bằng tú tài (tốt nghiệp trung học phổ thông ). Những người đậu tú tài lúc đó danh giá lắm, được gọi là ông Tú. Ông Tú Vanh (Nguyễn Văn Vanh) ở xóm Thọ Giai, sau này tốt nghiệp Đại học Công chính, làm Cục phó Cục Đường bộ, trong chiến tranh phá hoại của Mỹ, ông là Đại diện Bộ giao thông vận tải ở Liên khu Bốn. Cuối năm 1972, khi nhận  được điện của cháu tôi báo tin "Nhà bị bom sập, bà mất", tôi đã đi nhờ xe anh Vanh từ Hà Nội về Nam Đàn đúng vào một giờ sáng ngày Mỹ ngưng ném bom theo Hiệp định Pa-ri. Người thứ hai tôi biết là ông Tú Ngọc (Lương Phan Ngọc) ở xóm Cầu Thuỵ là một sỹ quan cao cấp của quân đội thời bấy giờ chiến đấu ở mặt trận Na-pê biên giới Việt - Lào thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông bị thương nặng và mất ở quê. Đám tang Liệt sỹ Lương Phan Ngọc được tổ chức hết sức nghiêm túc hoành tráng, có lính bồng súng lưỡi lê tuốt trần, có bắn súng chào vĩnh biệt, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tuổi trẻ ngây thơ chúng tôi. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ thì thanh niên Bùi Xá nô nức nhập ngũ, trong đó có rất đông là "học trò phủ" cả những người có bằng thành chung, tú tài, một số vào học trường Lục quân ở Việt Bắc...Trong số đó có nhiều người hy sinh khi chưa một lần về thăm nhà. Tôi nhớ nhiều nhất là Liệt sỹ Nguyễn Văn Thước, anh trai của Nguyễn Văn Việt,  lúc ấy đang học " đệ tứ", đã có người yêu mới dạm hỏi là o Tứ Nguyên dưới Hạ Tứ. Anh là người hiền lành học giỏi, mới đi được vài năm thì đã hy sinh ở mặt trận Cao Bắc Lạng. Hôm làm lễ truy điệu ở sân nhà Việt, tôi thấy o Tứ Nguyên chít khăn tang khóc rất thương xót, tôi cũng không cầm được nước mắt!

       Sau Cách mạng, năm học 1946-47, chúng tôi bắt đầu đi học dưới chế độ mới và thường gọi các thầy giáo dạy tiểu học bằng cậu. Cấp tiểu học có năm lớp từ lớp Năm đến lớp Nhất, cùng học một lớp với nhau nhưng tuổi tác chênh nhau rất nhiều, có khi đến dăm ba tuổi. Vì tôi đã học ấu trĩ ở trường cậu Quýnh nên vào luôn lớp Năm ở trường Hạ Tứ với cậu Cơ, thầy Lương Phan Cơ người thôn Cầu Thuỵ, thân sinh anh Lương Phan Cừ. Cậu Cơ là thầy giáo tiểu học có nhiều ý tưởng việc làm rất mới và để lại ấn tượng đến tận bây giờ. Ngày ấy, thấy tên của nữ học sinh rất "xấu" lại trùng nhau như là: Em Con, Em Nậy, Cháu Em, Chắt Em..., nên Cậu thay cho bằng những cái "tên tiểu thuyết" như Xuân Lan, Ngọc Lan, Ái Huệ, Bạch Vân, Bích Vân,...Khi thời tiết bắt đầu ấm lên, Cậu cho bọn trẻ chúng tôi ra sông tắm vào giờ thể dục, tất nhiên là tắm truồng vì ngày ấy mùa đông cũng như mùa hè chúng tôi mỗi đứa chỉ có vài cái quần đùi, tôi đi học cấp ba, lớp tám mới có quần dài mặc. Chúng tôi còn được Cậu dạy cho những bài hát rất hay mà giờ tôi vẫn còn nhớ như: “Con ve ve...kêu ngày hè trở lại / Ven đường cái hoa xoan tây... nở đầy / Trong ánh nắng...đàn bướm trắng... chập chờn bay...theo chiều gió...”

Vườn xưa ( ảnh tư liệu chụp năm 1963)

       Tuổi trẻ chúng tôi ngày ấy hăng hái học tập và tham gia công tác tác xã hội, chủ yếu là công tác tuyên truyền nhân dân ủng hộ, thực hiện các chính sách của chính quyền mới: tuần lễ vàng, hũ gạo tiết kiệm, bình dân học vụ, cúng dân quân rồi đóng thuế nông nghiệp, thực hành đời sống mới. Không rõ năm nào thì bắt đầu tổ chức đội Thiếu niên, Nhi đồng nhưng chỉ nhớ vào năm nào đó, khi xóm Thọ Giai và xóm Cầu Thuỵ hợp nhất thành xóm Cầu Thọ, chị Tuý vợ anh Thọ nhà ông Cửu Lạc (xóm Cầu Thuỵ) phụ trách thiếu nhi xóm. Chúng tôi rất hào hứng hăng say sinh hoạt, cổ động, náo động, mettinh kỷ niệm các ngày lễ, tập hát tập múa đêm ngày, vui chơi trên đê, trong chợ Cầu (khi ấy còn thuộc xóm Thọ Giai).

      Chợ Cầu có một vị trí đặc biệt trong tuổi thơ của lũ trẻ chúng tôi ở xóm Thọ Giai. Tôi biết chợ Cầu từ năm 1944, khi tôi bắt đầu ra ở với chú mự tôi là ông Phùng Hoành, nhà ở " nương họ Phùng" ( gần chợ) vì cũng năm đó chú mự tôi mất đứa con trai duy nhất lớn hơn tôi 6 tháng tuổi. Năm 1945, chính mắt tôi nhìn thấy người chết đói dưới bụi tre rất rậm trên bến chợ, cạnh nhà ông Đức ( cha anh Trần Sinh). Ngày nào, "phu đoàn" cũng phải đem chôn ba bốn xác chết thâm tím của những người tha hương từ đâu ngoài Bắc dạt về chợ ăn xin...Rồi Cách mạng về, mọi thứ thay đổi, nạn đói chấm dứt, chợ Cầu sầm uất, trên bến dưới thuyền trở lại. Chợ Cầu ngày xưa có tên là CHỢ CẦU LIM ĐÁ BIA nằm ở bãi đất rộng thuộc xóm Cầu Thuỵ, cạnh cầu Lim bắc qua hói Đẻo trên đường Quan, nơi hói đổ vào sông La, cạnh chợ có một phiến đá to khắc chữ Nho. Lớn lên khi đi sang nhà dì dượng (ông bà Lệ Vạn), tôi vẫn đi qua cầu Lim và vẫn thấy phiến đá bia bên bờ sông trước cửa nhà ông Cu Nuôi (cha anh Lương Sỹ Thịnh). Đối diện bên kia sông là bãi cát trống không, rộng mênh mông của làng Yên Mỵ, sau này là xã Liên Minh. Mùa hè 1963, khi về nghỉ phép, tôi và Lương Sỹ Thịnh đã chụp ảnh ở đây, nhưng lúc đó cả cầu Lim, bia đá đã nằm dưới lòng sông. Chợ Cầu chuyển xuống xóm Thọ Giai vào năm nào tôi không biết nhưng theo tôi đã nhiều chục năm trước Cách mạng vì đình chợ và lều quán, cũng như nhà dân xung quanh chợ đã cũ kỹ lắm và hai cây phượng ở hai bên chợ cạnh đường Quan đã già rỗng cả ruột. Chợ Cầu là nơi lưu giữ rất nhiều kỷ niệm của tuổi trẻ chúng tôi. Những phiên chợ đông đúc, thuyền bè ghe mành các nơi cập bến chợ san sát, những đêm trăng chúng tôi nô đùa trong chợ, những rằm tháng bảy cúng cô hồn...Trong những trò chơi nghịch ngợm tuổi học trò, tôi vẫn day dứt áy náy về "chuyện tình gốc phượng" của một đôi trai gái không biết từ đâu đến. Vào khoảng năm 1949-50 ở chợ xuất hiện một đôi trai gái, người con trai hơn tôi bốn năm tuổi, người con gái hơn tôi ba bốn tuổi, nghĩa là họ khoảng 15, 17 tuổi. Hàng ngày, chúng tôi thấy họ làm thuê gánh gồng mang vác hàng hoá cho những người buôn bán ở chợ, đêm họ ngủ ở chợ trên những chiếc ghế băng dài ở trong đình. Một đêm trăng mùa hè sau khi chơi chán ở trên đê, chúng tôi ra chợ chơi để rồi ra bến tắm như mọi ngày thì phát hiện ra hai anh chị mỗi người trên một ghế băng dưới mỗi gốc phượng đang ngủ say. Chúng tôi nhịn cười bàn bạc với nhau rồi bốn đứa khiêng ghế cô gái từ gốc phượng cô nằm đến bên cạnh chỗ anh con trai nằm, xong ra bến tắm như thường lệ. Chúng tôi làm cái việc "xe duyên" nghịch ngợm đó liên tục khoảng một tuần mà không thấy anh chị ấy "có ý kiến" gì cả, nhưng sau đó bỗng dưng anh chị biến mất, không biết đi đâu và có đi cùng nhau không?

Dấu tích chợ Cầu xưa. Ảnh: Linh Châu

      Nhà tôi ở gần đê, cách đê mỗi thửa ruộng nhà ông Hương Kế (sau CCRĐ là ruộng Cháu Phụ, còn bây giờ  là mảnh đất thấp trơ gốc rạ trước mặt tôi). Đê La Giang được bắt đầu đắp năm 1934. Hồi ấy, đối với tôi đê cao vô cùng, mặt đê rải đá, mỗi ngày có một chuyến "xe hàng" chạy từ dưới lên (có thể là từ Vinh về) và một chuyến từ trên xuống. Xe hàng nghe nói của ông Phó Đức Địch chạy bằng than, nhiều hôm nó dừng lại chỗ đầu voi chúng tôi, tài xế xuống ruộng múc nước hay đổ than vào lò phía sau xe. Sau Cách mạng, xe không chạy nữa, nghe nói ông chủ xe tháo động cơ cho chạy máy bơm nước hói Đẻo lên chỗ nhà ông Phó Bài (cha nhà văn Xuân Thiều), nước bơm rất mạnh, dòng chảy to như cột nhà theo một máng đóng bằng gỗ như một cái "nôốc ba ván". Đê ngày ấy vừa nhỏ vừa thấp nhưng vì đê bên tả ngạn sông Lam chưa có hoặc không kiên cố bằng nên mức nước không cao. Đến năm 1950, chắc đê Nghệ An đã đắp cao vững chãi nên mức nước lên rất cao và đã làm đê hữu bị vỡ lần đầu tại chính cống hói Đẻo. Chỗ vỡ đê còn để lại dấu tích là cái ao đầy bèo phía bên phải theo hướng từ trên đê xuống cổng chào thôn Triều Đông hạ. Vùng đó ngày xưa là " đầu voi" lối xóm Cầu Thuỵ đi ra đồng, ngay lưng chừng phía trái có hội quán xóm Cầu Thuỵ, tiếp đó là kho thóc thuế nông nghiệp của huyện, đối diện phía bên phải, phía gần hói là bệnh viện phủ Đức chuyển về trong đó có bác sỹ hộ sinh là bà Gấm. Tất cả bị dòng nước cuốn trôi sạch, kể cả một số mồ mả và mấy vườn mía. Mấy ngày sau nước có nhẹ bớt đi, chúng tôi phát hiện ra mía trôi cả bụi ra tận Đồng Vông. Nước ngoài xa đó không còn sâu lắm, tôi và Nguyễn Văn Việt mỗi đứa một con dao và nắm lạt tre lặn lội ra ngoài đồng, chỗ nào phơ phất lá mía là kiếm được cả bụi mía, chặt lấy những đoạn ngon nhất bó thành bó kéo về đê ăn thoả thích. Khi nước rút, người ta phát hiện ra lúa bị trôi tấp vào bờ ruộng, có người tìm được cả bì lúa. Lúa mò về được đem phơi khô rồi xay giã ra gạo, nhưng vì ngâm nước quá lâu nên cơm nấu lên có mùi thối, thối cũng ăn vì đói quá!

        Không biết từ năm nào, để đề phòng Pháp đổ bộ vào vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh, người ta tổ chức đào hào liên lạc trong thôn xóm, rồi từ xóm này sang xóm khác. Những đường lớn trong xóm được rào chữ chi, đường đê được đắp lên những "ụ" đất bằng cái mả người mới chết băng ngang qua mặt đường đê, ụ này cách ụ kia khoảng hai mét suốt cả chiều dọc đê để ngăn xe địch. Sau này khi hoà bình rồi, nhưng cái ụ đó quay một góc 90 độ tạo thành "con chạch", nâng chiều cao giữ nước của đê. Qua nhiều năm tu bổ, đê La Giang bây giờ phải cao gấp đôi, to gấp bốn năm lần đê cũ. Trên con đê này chúng tôi đã có không biết bao nhiêu những kỷ niệm vui buồn trong đời.

GSTS Phùng Hồ đọc thơ về quê nhân buổi gặp mặt Hội đồng hương Bùi Xá tại Hà Nội

            Tôi năm nay đã tám mươi tuổi, sống ở quê nhà chỉ khoảng 20 năm nhưng không thể nào quên những ký ức về quê hương. Dẫu sau này có phương án hợp nhất ba xã: Bùi Xá, Đức La và Đức Nhân thế nào đi nữa thì xóm Thọ Giai, làng Hạ Tứ, xã Bùi Xá vẫn là nơi chôn rau cắt rốn, đầy ắp những kỷ niệm ấm áp và thiêng liêng của một thời. Xin được mượn hai câu trong bài thơ VỀ QUÊ của anh trai tôi, ông PHÙNG HỒNG (1927 - 2008) để kết thúc bài viết này: “Quê hương Cha Mẹ sinh ra -Còn lê chân được là ta phải về!”

Bùi Xá, ngày 29/10/2018

 

 

 

. . . . .
Loading the player...