10-09-2019 - 07:12

Thơ chọn và lời bình: Khi mùa thu sang

Có lẽ, trong bốn mùa,Thu có lẽ là mùa đẹp nhất trong năm với sự nhẹ nhàng thanh tao không gắt gao như mùa Hạ, không lạnh lùng như mùa Đông hay diễm lệ như mùa Xuân. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài thơ Khi mùa thu sang của nhà thơ Trần Đăng Khoa qua bài bình của tác giả Nguyễn Văn Thanh.

KHI MÙA THU SANG

Mặt trời lặn xuống bờ ao
Ngọn khói xanh lên lúng liếng
Vườn sau gió chẳng đuổi nhau
Lá vẫn bay vàng sân giếng

Xóm ngoài, nhà ai giã cốm
Làn sương lam mỏng rung rinh
Bạn nhỏ cưỡi trâu về ngõ
Tự mình làm nên bức tranh

Rào thưa tiếng ai cười gọi
Trông ra nào thấy đâu nào
Một khoảng trời xanh leo lẻo
Thình hình hiện lên ngôi sao

Những muốn kêu to một tiếng
Thu sang rồi đấy. Thu sang!
Lòng bỗng nhớ ông Nguyễn Khuyến(1),
Cõng cháu chạy rông khắp làng…


                                   1973
                            Trần Đăng Khoa

LỜI BÌNH
   Vừa tròn mười lăm tuổi, thần đồng thơ Trần Đăng Khoa đã chững chạc trình làng bài thơ “Khi mùa thu sang”. Bài thơ bộc lộ khả năng quan sát đặc biệt với nhiều chiều liên tưởng. Mỗi khổ thơ là một bức tranh quê, được nhà thơ nhí sử dụng ngôn từ làm chất liệu, phóng bút vẽ ra hết sức chuẩn xác. 
    Mở đầu là khung cảnh bờ ao giếng nước lúc hoàng hôn buông xuống: “Mặt trời lặn xuống bờ ao/ Ngọn khói xanh lên lúng liếng.” Ở đó khi thu về hàng cây thay lá mới, dẫu chẳng chịu tác động của gió lá vàng vẫn tìm về với cội: “Vườn sau gió chẳng đuổi nhau/ Lá vẫn bay vàng sân giếng.” “Ngọn khói xanh lên lúng liếng, lá vẫn bay vàng sân giếng” là những hình ảnh đẹp long lanh, sống động chẳng khác gì một bức tranh thủy mạc của một họa sĩ tài ba vừa vẽ ra. Những động từ “đuổi” , “bay” thể hiện không đuổi mà vẫn bay trong hai câu thơ tương phản nhau để nói lên quy luật của mùa thu là mãi mãi, làm rõ nghĩa hơn câu ngạn ngữ từ xưa truyền lại: “mùa thu lá rụng”.

Khi mùa thu sang ( Ảnh: Steve Bùi)

       “Xóm ngoài nhà ai giã cốm? Màn sương lam mỏng rung rinh.” Cái màn sương lam mỏng  xuất hiện quanh nhà đó không rung rinh khi gió thổi tới, bởi gió thổi thì màn  sương lam đó bay lên chứ không thể rung rinh. Ở đây nó “rung rinh” bởi ngoại lực dồn nén trong không khí từ tiếng chày giã cốm tác động.  Bản thân tiếng chày giã cốm cũng tự nó gián tiếp  báo hiệu một mùa thu đang độ chin. Thật không ai lí giải nỗi mới mười lăm tuổi đầu, nhà thơ nhí Trần Đăng Khoa lại có hai câu thơ xuất thần đến vậy! Và trong bức tranh làng quê đó hình ảnh “ Bạn nhỏ cưởi trâu về ngõ” phảỉ chăng cũng là hình mẫu trong bức tranh “Mục đồng cưỡi trâu thổi sáo “ ngày nào.
   Bài thơ “Khi mùa thu sang” được nhà thơ Trần Đăng Khoa viết thành công khi tròn mười lăm tuổi bởi những cảm nhận tinh tế bằng mắt, với sự tham gia của liên tưởng và kí ức. Đặc biệt, ba bài thơ bất hủ về mùa thu Việt Nam của cụ Nguyễn Khuyến ngày nào đã in dấu đậm nét trong hồn thơ câu bé Trần đăng Khoa: “Lòng bỗng nhớ ông Nguyễn Khuyến/ Cõng cháu chạy rông khắp làng.”  Mang hồn thơ viết về mùa thu của cụ cố nhà thơ Nguyễn Khuyến cậu bé chạy rông khắp làng để tìm những nét đẹp của mùa thu hiện tại tái hiện một mùa thu tươi trẻ ở miền quê Việt Nam, tái hiện “Một khoảng trời trong leo lẻo” mới.


 5-9-2019
Nguyễn Văn Thanh

 (1)- Tác giả ba bài thơ về mùa thu Việt Nam. 


 

. . . . .
Loading the player...