23-11-2023 - 01:00

Thơ viết về nhà giáo và nghề giáo

Tạp chí Hồng Lĩnh tháng 11/2023 trân trọng giới thiệu bài viết: "Thơ viết về nhà giáo và nghề giáo" của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11

thơ viết về nhà giáo và nghề giáo

 

                                                                                             

 một mảng thơ viết khá hay và xúc động đó là những bài thơ viết về nhà giáo, nghề giáo của các nhà thơ và những người thầy, cô viết về nghề của mình.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật, vốn là sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, có bài thơ viết tặng người yêu là giáo viên dạy toán, sau này là bạn đời của ông. Bài thơ “Một giờ và mười phút” là sự phát hiện thú vị về sự đồng điệu của: “Cứ một giờ lại nghỉ mười phút/ Trong buổi hành quân đi bộ sáng nay/ Anh bỗng nhớ em lên lớp mỗi ngày/ Cứ mỗi giờ lại nghỉ mười phút”. Liên hệ đó của nhà thơ giữa công việc của người giáo viên và người lính hành quân đã rút ngắn khoảng cách hậu phương với chiến trường. Và thật ra, trong con người ông vẫn đầy ắp những kỷ niệm, ký ức nghề sư phạm của mình trước khi thành người lính: “Lúc em ngồi với học sinh là lúc/ Anh đứng đỉnh trời gió thổi mênh mông”. Trong trường liên tưởng của Phạm Tiến Duật thường có cách nói song song, như một sự so sánh, tự nhiên mà cảm động: “Tấm bảng đen vẽ những đường cong/ tấm bảng đêm anh vạch lên đường đạn/ Viên phấn trắng và đường chớp sáng/ Ở hai đầu trận địa em ơi”. Cách nói của nhà thơ có chút tếu táo chất lính nhưng ngẫm lại đằng sau đó là bao lắng sâu trải nghiệm nhất là khi nghĩ về công việc của nhà giáo. Cũng như thế, nhà thơ Đặng Hấn vốn là một thầy giáo dạy toán đã viết nhiều cuốn sách, công trình toán học, lại rất hồn nhiên và độc đáo dí dỏm khi viết thơ cho thiếu nhi với những hình ảnh gần gũi với nghề giáo, để thổi vào tâm hồn các em tình yêu thiên nhiên và vạn vật quanh mình. Ông đã “lạ hóa”,“trẻ thơ hóa” với cái nhìn ngộ nghĩnh chỉ có tư duy của một thầy giáo dạy toán mang tâm hồn thi sĩ mới phát hiện ra. Ví như bài thơ “cầu chữ Y”, một cây cầu lớn ở thành phố Hồ Chí Minh: “Cầu nào cũng chữ I nhưng chỉ là I ngắn/ Cầu quê em lạ lắm/ giống hệt chữ Y dài”. Và tứ thơ bất ngờ được nâng lên một khái quát tạo cho các em bao sự thú vị khi lần đầu nhận ra: “Ôi người đi trên chữ/ Chữ nâng người lên cao”. Cả bài thơ không nói gì đến phẩm chất giáo dục mà gieo vào tâm hồn các em những ý nghĩa sâu sắc. 

Nhà thơ Hữu Thỉnh có bài thơ “Thưa thầy”. “Thưa thầy” hai tiếng thiêng liêng ấy gắn bó với tất cả những ai có một thủa cắp sách tới trường. Hình ảnh người thầy giáo hiện lên: “Đời mau quá tóc thầy khói phủ/ Giáo án mông mênh bão giật đời thường”. Những hình ảnh tương phản cứ gieo vào lòng ta bao sự trắc ẩn, sẻ chia. Hai câu thơ ám ảnh nhất trong bài: “Cây trước cửa gió ở ngoài trang vở/ Thầy một mình vật vã với văn chương”. Rõ ràng, văn chương đích thực bao giờ cũng hướng về cuộc đời, hướng tới những số phận con người với những bài học không chỉ khuôn trong trang vở. Nhà thơ Võ Thanh An có một cách nói khác: “Dạ thưa thầy” với giọng thơ tự sự nhiều chiêm cảm. “Dạ thưa thầy” là lời thưa cẩn trọng nhưng cũng là sự bức xúc muốn được bộc bạch chia sẻ với thầy giáo kính yêu của mình. “Con vẫn nhớ lời thầy diệt oán bằng ân/ Dạ thưa thầy, viên phấn trắng đã đổi màu/ Ngày nay bảng đen có nơi thay đổi Fooc mi ca màu trắng/ Buộc lòng viên phấn là bút dạ đen”. Và đây, hình ảnh cậu học trò “run lên” thật đơn sơ tinh khiết trọn vẹn: “Dạ thưa thầy con vẫn là một đứa bé y nguyên/ Run lên trước cuộc đời như đã từng run lên mỗi lần thầy gọi lên bảng”. Chắc khi viết những dòng này nhà thơ Võ Thanh An như được sống lại những phút giây của tuổi học trò với những giăng mắc níu kéo, những thấp thỏm lo âu cứ đan xen nhau tạo ra sự phấp phỏng nội tâm chân thành. Người thầy như là một điểm tựa cứu cánh. Nhà thơ đã tìm đến sự “nhịn” của triết lý nhà Phật: “Dạ thưa thầy con vẫn tin sự nhịn là cứu cánh/ Bao giờ cuộc đời lành hơn”. Chữ “lành” ở đây hàm chứa bao ý nghĩa  sâu xa, không chỉ là sự lành lặn mà còn là sự an lành ở người thầy luôn toát ra vẻ đẹp nhân ái bao dung như thế…

Trong cảm nhận của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, khi còn ở lứa tuổi học sinh, thì hình ảnh người thầy thật sinh động và thân thiết, luôn là tấm gương sáng để các em noi theo. Thầy không những dạy chữ mà còn dạy cả bài học đạo đức làm người. Không chỉ bằng kiến thức có trong sách vở mà bằng cả nhân cách sống của mình trong cuộc sống đời thường. Đó là hình ảnh người thầy giáo thương binh đã để lại một phần máu thịt ở chiến trường, để trở về mái trường cũ truyền dạy kiến thức cho các em. Chú học trò Trần Đăng Khoa nhận ra một điều lớn lao hơn: “Chúng em nhận ra bàn chân thầy giáo/ như nhận ra cái chưa hoàn hảo của cuộc đời mình”“Nghe thầy đọc thơ” cũng là một tứ thơ hay. Tiếng thơ của thầy chứa đựng trong đó bao vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước, của tình yêu con người, đã gieo vào lòng các em sự trong sáng của tiếng Việt: “Em nghe thầy đọc bao ngày/ Tiếng thơ đỏ nắng xanh cây quanh nhà”. Để rồi: “Thân yêu tiếng hát nụ cười/ Yêu thơ em thấy đất trời đẹp ra”. Cùng một niềm tâm tưởng da diết này, nhà thơ Đoàn Vị Thượng nhớ lại những ký ức một thời với bao sâu lắng bồi hồi trong nhịp lục bát hiền hòa mà chứa đựng bao giãi bày yêu thương tha thiết trong bài thơ “Lời ru của thầy”. Tứ thơ lạ, bởi lâu nay ta chỉ nghe nói và chú trọng đến lời ru của mẹ, của bà. Thật cảm động khi nhà thơ bộc lộ những thảng thốt day dứt của mình: “Thầy không ru đủ nghìn câu/ Biết con chữ cũng đứng sau cuộc đời”. Hai câu thơ hay nhất trong bài cũng là lời nhắn gửi ân tình: “Trong em hạt chữ xếp dày/ Đừng quên mẹ vẫn lo gầy hạt cơm”“Hạt chữ” và “hạt cơm” là những hạt được gieo qua bao mồ hôi nhọc nhằn nuôi lớn em cả thể chất và tâm hồn khi: “Hẳn là thầy cũng già thôi/ Hóa thân vào mỗi cuộc đời các em”. Vâng, chính sự hóa thân vì học sinh thân yêu đó chính là hành trang thầy mang theo trọn đời: “Thì dù phấn trắng bảng đen/ Hành trang ấy đủ thầy đem theo mình”. Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến những cô giáo đang ngày đêm “gùi chữ” lên núi cao, đ? mang con ch? ??n v?i c?c b?n l?ng heo h?t trong b?i th??ể mang con chữ đến với các bản làng heo hút trong bài thơ “Em đi” của nhà thơ Lê Đình Cánh: “Em đi gieo chữ trên rừng/ Đã qua măng ngọt đã từng cay chua”. Hoàn cảnh của những cô giáo ở vùng cao muôn vàn khó khăn vất vả không chỉ thiếu thốn về vật chất mà còn cả khát khao tình cảm tình yêu thương: “Ở rừng tự hát ru nhau/ Lá trầu chị héo quả cau em già/ Ước ao có một gian nhà/ Có trưa đưa võng đón bà lên chơi”. Ước mơ thật giản dị và thiết thực biết bao nhưng họ đã vượt lên: “Em đi nón chạm mây trời,/ Bản mường gieo chữ cất lời ngân nga”

Có hai thầy giáo một thời là thần đồng toán học, là những cây bút xuất sắc của báo “Toán học và tuổi trẻ”, đó là nhà thơ Lê Quốc Hán và thầy giáo Lê Thống Nhất. Đọc thơ viết về thầy giáo của các ông tôi mới nhận ra ngoài tư duy lô-gich của toán học thì họ còn có những phi lô-gich nhưng rất hợp lý của tâm hồn. Lê Quốc Hán hàm súc cô đọng chất thiền lắng đọng với bao suy tư trong bài thơ “Tự cảm” chỉ vọn vẹn bốn câu mà ông đã tải được bao chiêm nghiệm về nghề: “Một trang sách mỏng cầm tay/ Thầy đi suốt cả vạn ngày bên con/ Một viên phấn trắng gầy mòn/ Vạch cho con thấm vòng tròn đã vơi”. Bài thơ không nói đến thời gian mà ta nghe được, đếm được bước chân nghiệt ngã của thời gian. Nhưng thời gian vẫn chưa đủ đong đếm tuổi tác tháng năm, không mài mòn được nguyện tâm sắt son gắn bó với nghề yêu nghề của người thầy giáo thi sĩ: “Thước nào đo được dại khôn/ Vui chỉ là một cánh buồm lẻ loi/ Nguyện thành một mặt gương soi/ Tránh sao khỏi hạt bụi rơi lấm mình”. Trái với giọng thơ nhiều suy tư chiêm nghiệm của Lê Quốc Hán, thầy giáo Lê Thống Nhất trẻ trung dí dỏm trong bài “Thơ vui về nghề giáo”. Với những lời đùa tếu táo khi hội lớp, hội trường với các đồng nghiệp, Lê Thống Nhất phát hiện ra thật vui: “Chẳng đi tu cũng gọi là “sư”/ Không ở tù cũng kêu “phạm”/ Thời gian khổ chúng tôi thường hay ngẫm/ “Ăn sư” “Ở phạm” đám chúng mình”. Phải lạc quan yêu đời, yêu nghề biết mấy thì mới có thể tự họa tự gán cho mình như thế. Vượt lên những lời đùa vui lại có một giọng thơ hào sảng tự tin (hay tự hào) với nghề thầy giáo của mình: “Xung quanh chúng tôi là ánh mắt nụ cười/ đâu chỉ có bảng đen phấn trắng/ trước mắt chúng tôi là sân trường rực nắng/ chỉ chúng tôi mới hiểu cánh phượng hồng”.  

 Kết thúc bài viết này, tôi muốn được cùng nhà thơ Phi Tuyết Ba (cũng là một cô giáo) về với miền thương nhớ “Vùng phấn bay”. Viên phấn trắng gắn bó với công việc của người thầy truyền giảng tri thức cho học trò. Phấn càng mòn kiến thức càng đầy đặn hơn. Nhưng ở đây hình ảnh “vùng phấn bay” đã tạo một trường liên tưởng ám ảnh nhuộm xuống mái tóc của thầy: “Phấn xưa đã kết thành mây trắng đầu”. Và “Bao nhiêu viên phấn đã mòn/ Bao nhiêu giáo án chẳng còn trẻ trung”. Viên phấn trắng - mái tóc thầy bạc trắng để cho trang vở cuộc đời học trò trắng tinh gieo xuống đó bao chữ tình chữ nghĩa: Dòng sông kiến thức sóng xô/ Mong manh trang vở học trò trắng tinh”. Tôi vẫn ngỡ như còn nghe vọng lại những nhịp sóng yêu thương vỗ bờ, vỗ vào con đò nhân thế thầy chở học trò qua sông miệt mài qua năm tháng. Cũng như còn nghe vọng lại nhịp tiếng trống trường vào lớp, ra chơi cần mẫn như quả lắc đồng hồ thời gian điểm nhịp. Và bây giờ dù đã xa tuổi học trò đã lâu, con tim tôi vẫn luôn thổn thức bồi hồi rạo rực với: “tiếng trống trường đã điểm chưa em?”… như ngày nào.

        Nguyễn Ngọc Phú

. . . . .
Loading the player...