03-12-2024 - 01:58

Truyện Kiều qua các loại hình văn hóa, văn nghệ phái sinh

Tạp chí Hồng Lĩnh số 219 tháng 11/2024 trân trọng giới thiệu bài viết “Truyện Kiều qua các loại hình văn hóa, văn nghệ phái sinh” của tác giả Thái Văn Sinh

Có thể nói Truyện Kiều là cuốn sách duy nhất trên thế giới tạo ra quanh nó cả một loạt những loại hình văn hoá, văn học phái sinh với nhiều hình thức phong phú như: lẩy Kiều, bình Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, tập Kiều, đố Kiều, câu đối Kiều, hát nói tập Kiều, phú Kiều, văn tế Kiều, án Kim Vân Kiều, nhại Kiều, giai thoại quanh Truyện Kiều.... Trong hơn hai thế kỷ qua, sức sống mãnh liệt của Truyện Kiều có thể nói được kiến tạo chủ yếu từ các hoạt động văn hoá, văn nghệ phái sinh này. Nó trở thành phương cách đưa Truyện Kiều tiếp cận với công chúng hấp dẫn, đa dạng và cũng không kém phần sâu sắc. Từ một tác phẩm văn học với các loại hình này Truyện Kiều đã trở thành nhưng hoạt động, những thú vui thưởng lãm thú vị. Giá trị của Truyện Kiều nhờ vậy được lan toả rất hiệu quả. Do thời lượng không cho phép chúng tôi chỉ xin điểm qua một số loại hình cơ bản để cảm nhận được những điều thú vị trong đó.

Loại hình đầu tiên có thể kể đến là tập Kiều. Đây là một thú chơi vô cùng hấp dẫn và tao nhã của các bậc thức giả. Nó thuộc loại văn chương tài tử. Có rất nhiều cách hiểu về tập Kiều nhưng theo chúng tôi, tập Kiều là cách lựa chọn mượn văn chương, câu, chữ có sẵn trong Truyện Kiều để nói về nội dung mà mình muốn nói. Khái quát là vậy nhưng cụ thể lại rất phong phú. Theo các nhà nghiên cứu Truyện Kiều như Thanh Minh, Phạm Đan Quế thì tập Kiều có rất nhiều dạng thể, gồm: thơ lục bát, thơ thất ngôn, phú, văn tế, câu đối, đường luật. Nó có nhiều cách thực hiện, gồm:

Cách 1: Làm thơ lục bát, lựa chọn một số câu Kiều ở những chỗ khác nhau trong 3.254 câu của Truyện Kiều rồi nối vần lại với nhau, tình ý nhất quán để tạo thành một bài thơ mới có ý nghĩa, theo một chủ đề nhất định. Ví dụ: diễn tả việc lâu ngày mới về chốn cũ, người ta tập Kiều: Trăm năm trong cõi người ta (Câu 1)/ Nhìn xem phong cảnh nay đà khác xưa (Câu 2744)/ Quản bao tháng đợi, năm chờ (Câu 553)/ Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao (Câu 3014)

Cách 2: Làm thơ thể song thất lục bát, thì hai câu thất có thể đặt lời mới, hoặc lấy chữ trong văn Kiều, còn hai câu lục bát thì phải tuân theo như cách làm thơ lục bát như ở trên. Ví dụ: “…Bỗng ngọn lửa chiến tranh bốc cháy,/ Mỹ lộng hành chước quỷ trò ma;/ Đòi phen gió quét mưa sa/ Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” (Mối tình Nam Bắc,  khuyết danh)

Cách 3: Làm các thể khác như phú, văn tế, câu đối, thơ đường luật,...thì chọn một câu, nửa câu Kiều hay một số chữ liền nhau trong thơ Kiều (ít nhất là ba chữ) ghép thành câu mới, thích hợp với thể loại mình đang dùng; có thể đảo xuôi, đảo ngược một số chữ của câu Kiều được mượn; cũng có thể thay đổi hẳn, hoặc thêm bớt một số chữ cần thiết ở câu Kiều để nói được nội dung mới. Ví dụ:  “Nhớ nàng xưa: Sắc nước tư dung; hương trời phong độ/ Tuyết nhường da, mây thua tóc, so bề tài sắc phần hơn/ Hoa phong nhị, trăng tròn gương, vừa đều ca ngâm mùi đủ/ Lá thắm thâm nghiêm kín cổng, đoan trang ngọc nói hoa cười” (Kim Trọng tế Thuý Kiều trên sông Tiền Đường, Phạm Liệu)

Loại hình thứ hai mà chúng tôi đề cập là lẩy Kiều. Theo nhà Kiều học Phạm Đan Quế định nghĩa: “Đọc mãi, ngâm nga mãi Truyện Kiều, người ta dần dần thuộc Kiều... Chính vì thế, trước mỗi tình huống trong cuộc sống hàng ngày, khi gặp một điều gì muốn nói, người ta thường mượn một đôi câu Kiều cũng như đã mượn những câu ca dao, tục ngữ để diễn đạt, phát biểu lên ý nghĩ của mình. Vừa gọn lại vừa vui, lắm lúc văn hoa mà thật là hợp cảnh. Như vậy gọi là lẩy Kiều.” Có thể nói “lẩy” ở đây có thể hiểu là “lấy ra”, “bứt ra”, “chọn ra”, “tách ra” một vài câu Kiều, hoặc cả một đoạn trong Truyện Kiều nhằm để biểu đạt ý nghĩ của mình về một tình huống nào đó của cuộc sống. Người ta có thể lẩy Kiều bằng cách lấy một hoặc hai câu Kiều (chỉ câu lục hoặc chỉ câu bát hoặc cả câu lục bát). Điều này đến như các đời Tổng thống Mỹ cũng đã từng làm. Hoặc dạng thức tập Kiều một câu lục với một câu bát cùng vần; hoặc chắp một cụm từ của câu này với một cụm từ của câu khác; và có thể thay một cụm từ của câu Kiều bằng một cụm từ khác không có trong Truyện Kiều... như Hồ Chủ tịch đã dùng trong Di chúc:

“Còn non, còn nước, còn người

Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”

Ngoài ra để lẩy Kiều người ta có thể ghép những câu lục và câu bát ở những đoạn chẳng liên quan gì nhau thành hai câu lục bát, bao hàm một ý nghĩa mới nào đó, hay có thể lấy một câu bát, bỏ bớt hai chữ cuối thành câu lục, còn câu bát thì được cấu tạo từ một câu lục có sẵn, cộng thêm hai chữ đầu của hai câu bát tiếp theo trong Truyện Kiêu, tạo ra nghĩa khác. Ví dụ bài Tức cảnh ngày Xuân sau: Ngày xuân con én đưa thoi,/ Bâng khuâng nhớ cảnh, nhớ người, nhớ nơi/ Lòng thơ lai láng bồi hồi,/ Lời quê chắp nhặt rông rài, mua vui...

Theo nhà Kiều học Phạm Đan Quế thì với 3.254 câu Kiều thì có đến 2.318 câu có thể dùng để lẩy Kiều.Vì rằng Truyện Kiều là tác phẩm bao quát nhiều tâm trạng, nhất là những tâm trạng vui buồn, hạnh phúc, khổ đau. Mỗi câu thơ trong kiệt tác của Nguyên Du tưởng như đều có số phận, có cuộc đời, nên người xưa mới lẩy Kiều ra để thay điều muốn nói cũng là họ đã lẩy Kiều. Đặc biệt lẩy Kiều đã trở thành một phương thức biểu cảm rất được ưa thích của các lãnh tụ và chính khách. Nổi bật là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Phan Anh và gần đây nhất là các ba Tổng thống Mỹ và một Phó tổng thống Mỹ đã lẩy Kiều để diễn đạt quan hệ ngoại giao hai nước trong các chuyến thăm Việt Nam.

Loại hình thứ ba mà chúng tôi đề cập ở đây là đố Kiều. Trong văn học dân gian, nếu tục ngữ là trí khôn, là kho tàng về kiến thức, đạo lý về đối nhân xử thế, ca dao, dân ca là tiếng nói của tình cảm thì câu đố là tiếng cười của trí tuệ, óc thông minh linh hoạt. Truyện Kiều được đông đảo người đọc say mê nên thuộc Kiều là niềm tự hào của nhiều người. Họ đố nhau xem ai thuộc kỹ Truyện Kiều, nghĩa của từng chữ, tình ý của từng câu. Lại còn đố nhau về vị trí của chữ này, số lượng của chữ kia trong toàn bộ Truyện Kiều... Ở đây, đố Kiều là câu hỏi dưới hình thức những câu thơ tập Kiều, thí dụ: Còn thiên Tích Việt ở tay,/ Nỗi đêm khép mở nỗi ngày riêng chung. Là cái gì? Lời giải: Đây là cái quạt giấy thường cầm ở tay, ngày đêm khép mở, lúc dùng riêng, lúc dùng chung. Là một hình thức tiếp nhận Truyện Kiều sinh động và độc đáo, đố Kiều có thể có hai loại: mượn Kiều để đố và đố về Truyện Kiều. Mượn Kiều để đố thì có thể có vế đố tập Kiều. Loại này được thể hiện qua các câu thơ đã được chuyển từ nghĩa không ẩn dụ thành nghĩa ẩn dụ. Hình tượng câu thơ được gán ghép với cách hiểu khác. Ví dụ: Rỡ mình lạ vẻ cân đai/ Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm. Là cái gì? Lời giải: Là cái chăn.

Một kiểu đố Kiều rất thú vị là hát đố nó nằm trong loại hình hát đối đáp nam nữ giao duyên, một trong những hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian có từ ngàn xưa, đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người lao động. Đây là loại hình hát tỏ tình, đối đáp giữa nam nữ bằng hình thức ứng khẩu. Ví dụ: Bên nữ hát đố: Truyện Kiêu anh thuộc đã lâu/ Đố anh kể được hai câu hết Kiều. Bên Nam hát đáp (giải): Trăm năm trong cõi người ta.../ ... Mua vui cũng được một vài trống canh. Người dân xem đố Kiều như một trò chơi trí tuệ đầy sáng tạo, nó đã cho ta một dẫn chứng thật sinh động từ cách người bình dân sáng tạo ý nghĩa của từng câu Kiều riêng lẻ đến các hình thức tiếp nhận tác phẩm. Cùng với những hoạt động sinh hoạt văn hóa khác, đố Kiều trở thành một sinh hoạt giao lưu văn hóa trong cộng đồng dân gian.

Loại hình thứ tư mà chúng tôi đề cập ở đây là bói Kiều. Có thể nói trên thế giới rất hiếm nếu không nói là không có một một cuốn thơ dùng để bói như Truyện Kiều. Đây là một hiện tượng một hiện tượng sinh hoạt văn hóa - tâm linh độc lạ trong văn học. Bói Kiều là gì? Học giả Phan Kế Bính (1875 - 1921) trong cuốn Việt Nam phong tục đã viết như sau: "Bói Kiều là mình có việc gì muốn được biết hay dở đường nào thì khấn với Thúy Kiều, Kim Trọng xin cho mấy câu dòng nào, gặp chỗ nào thì lấy mấy câu thứ mấy ở trang ấy mà đoán. Cách này là một cách bói chơi, nhưng cũng nhiều khi nhiều người cho là nghiệm". Dựa vào những câu thơ Kiều của Nguyễn Du, người ta có thể tiên đoán được tình duyên, vận mệnh, tương lai, sự việc của mỗi người.

Bói Kiều theo hình thức dân gian thì người bói hai tay cầm quyển Truyện Kiêu lên ngang mặt thành tâm khấn nguyện: "Lạy sư Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiêu"! Sau đó khấn rõ tên tuổi, quê quán và những điều mình muốn xem như công danh, tài lộc, hôn nhân,... Xong, đặt sách xuống và khấn tiếp "con xin giở tay mặt bắt tay trái", rồi lấy tay mặt giở sách và tay trái chỉ vào bất kỳ một câu nào đó; có người chỉ xin hai câu bất kỳ, nhưng cũng có người xin cả một đoạn từ một câu nào đó trở lên hoặc trở xuống của trang sách. Đó là đoạn thơ ứng với việc mình xin. Sau đó tùy theo ý của đoạn thơ mà suy ra lời giải.

Bói Kiều theo hình thức bằng sách. Cách bói Kiều theo sách bói toán, thường chỉ các nhà nho, người có học vẫn, hiểu biết những sách chuyên sâu về lĩnh vực này. Khác với kiểu bói bình dân lật sách trực tiếp từ Truyện Kiêu, cách bói này, người ta phải dùng quyển sách Bói Kiều làm căn bản.

Bói Kiều theo hình thức giáo lý Phật giáo. Theo tôn chỉ "chết là thể xác, còn là tinh anh", họ định nghĩa bói Kiều là tham khảo ý kiến, qua tâm linh, cụ Nguyễn Du, sư Giác Duyên, và đạo cô Tam Hợp để nhờ họ chuyển hóa hoàn cảnh của mình. Đây là sáng kiến dựa vào niềm tin dân gian để đưa ra một hỗ trợ tinh thần trong đời sống. Một hướng đi có tính cách giáo dục và bảo tồn văn hóa dân tộc.

Còn rất nhiều những loại hình văn hoá, văn học phái sinh của Truyện Kiều như: bình Kiều, vịnh Kiều, câu đối Kiều, hát nói tập Kiều, phú Kiều, văn tế Kiều, án Kim Vân Kiều, nhại Kiều, giai thoại quanh Truyện Kiều... nhưng do thời lượng không cho phép, nên xin dừng bài viết tại đây. Nếu có dịp khác chúng tôi xin giới thiệu tiếp./.

T.V.S

 

Tài liệu tham khảo:

1. Thái Kim Đỉnh, Truyện Kiều và thơ văn quanh Truyện Kiều, Nxb Đại học Vinh, 2015.

2. Phạm Đan Quế, Văn hoá Kiều, Nxb Văn hoá – Văn Nghệ, 2017.

3. Phan Thư Hiền. Các loại hình văn hoá, văn nghệ dân gian bắt nguồn từ Truyện Kiều, Nxb Nghệ An, 2023.

4. Phan Kế Bính, Việt Nam Phong Tục, Nxb Kim Đồng, 2024.

. . . . .
Loading the player...