Tượng đài Ngã ba Nghèn lịch sử Lịch sử Cách mạng nước nhà đã khéo xếp đặt để một quãng ngắn đường đất được thử thách và vinh danh. Hai ngã ba này như hai cột mốc, hai dấu son áp triện lên khuôn ngực của một vùng quê. Để rồi người nơi xa, hay người cư ngụ hàng ngày, hễ cứ bước tới dấu tích này, không ít thì nhiều, thấy có rưng rưng một niềm cảm kích. Thời gian lùi xa, vết thương đạn bom đã liền sẹo, và ở mỗi ngã ba, thế hệ hôm nay đang nỗ lực tái hiện những gì là chiến tích bất khuất kiên cường của lớp người đi trước.
Từ cột mốc KM 494 của Quốc lộ 1A dọc Bắc Nam, người phía Bắc đi vào thành phố Hà tĩnh 19km, người phía trong ra thành phố Vinh 31km, là Ngã ba Nghèn. Rôì từ ngã ba Nghèn rẽ lên tỉnh lộ 6 theo hướng Tây gần 9 km, chính xác 8.400m là Ngã ba Đồng lộc Những thông số kỹ thuật khô khan, những bức phù điêu, các cụm tượng đài bằng đá và xi măng cốt thép hôm nay đang cố kết tại hai ngã ba này, dẫu đã gắng sức mình nhưng chẳng thể kể hết được với bạn về nhưng gì đã xẩy ra ở đây từ những thập kỷ, thế kỷ trước. Và, xa hơn nữa về lịch sử lâu đời của một miền quê.
Trăm năm bia đá thì mòn, nhưng cứ vào bia miệng thì biết Nghèn là một tiếng Nôm cổ chỉ một vùng đất cổ, giống như Đạu, Lù, Vùn ..vv trên đất Can lộc. Theo nhà địa phương học Võ Hồng Huy thì nguyên xưa, mỗi địa danh như thế đều mang một nghĩa cụ thể của nó. Nhưng chắc là do lâu đời nên đã thất truyền, người thời nay không hiểu được nghĩa gốc. Khi có chữ Hán, để đưa vào văn bản, Nghèn được phiên thành Nghiện hoặc Ngạn. Tuy gần đồng âm nhưng nghĩa đen thì khác hẳn nhau. Nghiện là cái nghiên, ngạn là cái bờ. Rồi Nghiện đi vào địa danh : Nghiện sơn hoặc Ngạn sơn là chỉ núi Nghèn, Nghiện thủy hay Ngạn thủy là chỉ sông Nghèn. Dẫu là Nghiện hay Ngạn thì người nay đều quy về Nghèn. Độc một âm tiết. Một âm tiết cổ sơ đã gợi lên cho người sau tìm về gốc tích.
Năm 1976, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được di chỉ hậu kỳ đá mới ở Nam sơn Thị trấn Nghèn. Như vậy, đây đã từng là một địa điểm của người tiền sử sinh sống cách nay gần 5000 năm. Một vùng đất mà người xưa đã trụ bám kiên cường, để lại từ lời ăn tiếng nói tới những hình tích, hành trạng mà đắp nên một tầng dày văn hóa, viết nên pho sử đất Nghèn.
Núi Nghèn không cao nhưng từng có một tháp 9 tầng kì vĩ, được xây cất cùng lúc với chùa Nghèn mang dấu ấn kiến trúc theo phái Tiểu thừa. Giờ đây, tháp không còn nhưng cổ sử hãy còn giữ dấu:
Sách Nghệ an cổ tích lục chép về Cửu diện tháp cao 100 thước ta ( khoảng 40 mét ? TĐT ) và ngôi chùa trên đỉnh đồi Nghèn như sau :.. Vua Lý Thái Tôn ( 1028- 1054 ) trong một chuyến Nam tuần, tạm nghỉ chân núi Nghèn. Một đêm nọ nhà vua nằm mộng thấy đức Quan Âm Bồ Tát ban cho y bát. Tỉnh dậy, nhà vua truyền xây cất ngay ngôi tháp này…Năm Cảnh Hưng thứ 35 ( 1774 ), vào một đêm hè, trời không mưa gió, bỗng có một làn khói đen sì bốc lên, tự nhiên tháp đổ mà không ảnh hưởng gì đến chùa và các sư sãi..
Ở đây cũng đã từng có ngôi đền Tam tòa thờ Uy Minh vương Lý Nhật Quang cùng hai vị được phối thờ quê Hà tĩnh. Điều đáng nhớ không phaỉ ở chỗ ngôi đền thờ một vị vương nhà Lý sớm nhất trên đất Hà Tĩnh, mà đáng nhớ là người chủ trương xây đền. Đó là Tào Quận công Ngô Phúc Vạn, sinh quán ở Nghèn. Ông là con rể chúa Trịnh Tùng, con nuôi Hoàng giáp Nguyễn văn Giai. Ngoài tài cầm quân đánh giặc, xây đền đài miếu mạo cho con cháu đời sau biết ân đức tổ tông, Ngô Phúc Vạn còn nối nghiệp ông nội mình, tích lũy lương thảo để phù Lê diệt Mạc. Hơn bốn trăm năm đã qua, những tên gọi: Đồi Kho, Nhà Lẫm, Trại Ngựa, Chuồng Cỏ dân Nghèn vẫn gọi đến nay. Nhờ công tích ấy mà đất Nghèn quê ông được nhà Chúa ban cho mỹ tự : Xã tắc trảo nha- Nanh vuốt Quốc gia. Nghèn đổi tên thành Trảo Nha từ những năm đó. Cái tên Trảo Nha có từ những năm Trịnh Nguyễn phân tranh, tới những năm đầu của Chính thể Dân chủ Cộng hòa. Để một nhà thơ họ Ngô, Đại biểu Quốc hội khóa I lấy Trảo Nha làm bút danh mà viết hàng loạt bài bút chiến đanh thép chống bọn phản động, bên cạnh các tráng ca Ngọn Quốc kỳ, Hội nghị non sông..Đó là nhà thơ Xuân Diệu.
Đến bây giờ thì nhà lưu niệm của thi nhân lại được đặt bên cạnh khuôn viên của Di tích Lịch sử quốc gia- nhà thờ Thái bảo Tào Quận công Ngô Phúc Vạn tại khối Phúc sơn Thị trấn Nghèn; trên đất Trảo Nha xưa .
Phúc sơn Nghiện Thủy đất này
triệu bồi công đức phúc dày tổ tông( Họ Ngô phổ ký ) Lớp lớp những người con đất Trảo nha, người xưa người nay đã triệu bồi công đức, vun đắp cội rễ văn hóa, làm nền tảng cho truyền thống Cách mạng một vùng quê, mà tiêu biểu là cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930- 1931. Ngã ba Nghèn Hà Tĩnh cùng với Thái Lão Nghệ An làm nên đỉnh cao của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Hàng trăm người dân cày nghèo khổ đã ngã xuống nơi đây. Họ đã dùng máu của mình, tô thắm lá cờ đỏ búa liềm, kêu gọi tầng lớp nghèo khổ vùng lên chống cường quyền áp bức bóc lột. Ngã Ba Nghèn.- Sáng ngày 7 tháng 9 ( 1930 ) hơn một ngàn nông dân của 5 tổng Phù lưu, Nội ngoại, Đoài, Nga khê và Lai thạch mang theo cờ đỏ búa liềm, hô vang khẩu hiệu, rầm rộ từ các ngả đường kéo về huyện lỵ. Đúng 10 giờ, các đoàn biểu tình của các tổng đã kéo tới đông đủ ở phía bắc cầu Nghèn. Nhứng người lãnh đạo chia lực lượng quần chúng làm hai bộ phận…Khi bộ phận thứ hai tiến vào huyện đường, tri huyện Trần Mạnh Đàn cùng nha lại , lính lệ theo cổng hậu chạy trốn.. Trong những ngày sôi động đó, nhiều làng trong huyện, khẩu hiệu hô vang, cờ đỏ rợp trời, bọn địa chủ đóng cửa, bọn cường hào, chức dịch ở nông thôn không dám ra đình làng. Hơn một tháng không có quan cai trị ở huyện đường..( Lịch sử Đảng bộ huyện Can lộc ) Tri huyện Trần Mạnh Đàn trốn chạy, bỏ nhiệm sở hàng tháng trời, địch phái Trần Mậu Trinh tới Can lộc làm tri huyện và đưa tên đồn trưởng người Pháp cùng 40 lính Lê dương ra lập đồn binh tại Nghèn để đàn áp quần chúng. Không ai rõ Trần Mạnh Đàn chạy về đâu, chỉ biết sau này trong kho sách chữ Hán của Thư viện Hà Tĩnh còn lưu lại bản phong thổ ký huyện Can Lộc ghi rõ : Bảo Đại năm thứ 5, hạ tuần tháng 5 ( 6/ 1930) Tri huyện Trần Mạnh Đàn phụng chuyết soạn. Bản phong thổ này được soạn để giúp Khâm sứ Trung kỳ hoạch định chính sách cai trị. Điều kỳ thú là tháng 6 sách hoàn thành thì chưa đầy 3 tháng sau, tác gia chủ biên đã phải cuốn gói. Hóa ra, nghiên cứu kỹ về Đất và Người Can lộc, hoạch định chính sách cai trị chẳng thấy đâu mà nỗi sợ hãi về một vùng đất thiêng- người tuấn kiệt thì cứ mồn một. Riêng trong tiết về nhân vật chí, sau khi điểm hết từ Sử Hy Nhan, Đặng Tất, Đặng Dung, Bùi Cầm Hổ, Mai Đức Bá, Ngô Cảnh Hữu, Nguyễn Cận, Nguyễn Văn Long, Nguyễn văn Lân, Nguyễn Văn Giai, Dương Trí Trạch, Hà Tông Mục, Lê Sỹ Triêm, Phan Kính, Nguyễn Huy Oánh, Trần Uông, Nguyễn Thiếp, Mai thế Qúy…viên tri huyện cử nhân Hán học này đã khảo tả rất tường tận về hành trạng người con gái quê ở Trảo nha mà ngôi đền hiện còn sát chân lị sở: -Phan Thị Thuấn người xã Trảo Nha thuộc tổng Đoài. Bà là vợ lẽ Ngô Cảnh Hoàn- tướng của triều Lê. Năm 1786, quân Tây Sơn đánh vào thành Thăng Long. Ngô Cảnh Hoàn bị tử trận ở bến Thúy Aí trên sông Nhị Hà. Bà được tin cáo phó, không tỏ đau buồn. Mọi người hỏi, bà đáp : Chết vì nước là chết vinh, can chi mà phải đau buồn. Rồi cùng người nhà tới chỗ tử trận của Ngô Cảnh Hoàn, lập đàn tế tại đây xong, bà dặn người nhà: Ta chết chỉ muốn thi thể ta được gần ông nhà, cùng chìm xuống nơi đáy nước, xin đừng vớt thi hài ta đi nơi khác. Nói xong, bà ung dung tự vẫn. Năm ấy bà mới 20 tuổi. Người đương thời thương xót và kính trọng, làm thơ phúng điếu nhiều, có câu còn ghi lại:
Nhị Hà phong trích cương thường lệ
Thúy Aí ba đào tiết nghĩa nhân.
( Gươm giáo ở sông Nhị Hà thấm giọt lệ cương thường
Ngã ba đông lộc ngày nay
Sóng gió bến Thúy Aí đã vùi tấm thân tiết nghĩa ) Nay còn đền thờ ở làng, bên cạnh con đường Thiên lý, gọi là đền Trung Liệt Phu nhân. (Can lộc huyện phong thổ ký- Trần Mạnh Đàn chủ biên. Bản dịch của Thanh Minh ) Khảo tả kỹ lưỡng về hành trạng người đàn bà Trảo nha để hiểu thêm con dân của xứ đó. Phận liễu yếu đào tơ mà còn như vậy, đám mày râu nam tử từng là nanh vuốt sẽ quyết liệt đến mức nào. Bởi thế nên khi thấy đám đông biểu tình, quan phụ mẫu đã bủn rủn hết tay chân. Hẳn là gương tiết liệt của người xưa hiện hình trong đám biểu tình nên ông Huyện mới hồn xiêu phách lạc, tháo chạy khỏi Trảo Nha đất dữ. Và quả nhiên, như nối bước tiền nhân, đúng một tháng sau, ngày 7 tháng 11 năm 1930, một người Liệt nữ khác đã anh dũng hi sinh trước mũi súng của binh lính đồn Nghèn. Đó là Bà Phạm thị Dung, quê Kẻ Lù. Bà là người cầm lá cờ liềm búa, đi đầu trong cuộc biểu tình của 1000 người dân Hạ Can lộc kéo về Huyện lị kỷ niệm Cách mạng tháng 10 Nga. Trúng đạn quân thù, bà vẫn cố gượng đứng lên, giương cao ngọn cờ liềm búa. Cùng với 42 người đã ngã xuống trong cuộc biểu tình 22 tháng 12 năm 1930 tại Ngã ba Nghèn, máu xương của các liệt sỹ đã thực sự là một tượng đài rọi thấu tương lai. Từ Phan thị Thuấn, Phạm thị Dung Ngã ba Nghèn tới Tiểu đội 10 Nữ TNXP ở Ngã ba Đồng lộc là một vạch nối bằng máu trên bản đồ xương thịt của Tổ Quốc Anh hùng. Rẽ từ Nghèn lên Ngã ba Đồng lộc, đường đất chưa đầy 9 km., cách một tầm nhìn. Qua Ngã ba Chợ Đình Trung lộc, qua Ngã ba chợ huyện Đồn ( Khiêm ích) là ta gặp Ngã ba Đồng lộc.
... Là Ngã ba nhưng nào có phân vân
Nào có đắn đo do dự
Là ngã ba trên chặng đường quyết liệt
Nhưng hướng đi đã quyết
Không phải cho một lần
Mà cho tất cả mọi lần
Không phải cho một người
Mà cho tất cả quê hương đất nước
Hướng về Nam, một nửa mình Tổ quốc…
( Ngã ba Đồng lộc- Huy Cận ) Ngã ba Đồng Lộc ! Nơi giao điểm của con đường 15 với các đường liên tỉnh, với đường mòn Hồ Chí Minh khi mà trục quốc lộ 1A đã bị cắt đứt. Một khu vực bao gồm 4 xã : Đồng lộc, Mỹ lộc, Xuân lộc và Thượng lộc. Nơi đây địa hình trống trải, một bên là đồi trọc, một bên là ruộng nước, mùa khô bụi đỏ, mùa mưa sình lầy. Bom Mỹ hiểm độc dội xuống những cung đường lầy lội, hòng ngăn cản được việc san lấp mặt đường. Một Ngã ba không chỉ riêng ngã ba, mà là một mặt trận! Khi cần huy động điều thêm quân và dân 4 xã nữa là Trung lộc, Sơn lộc, Quang lộc và Phú lộc, vượt qua cống 19 và cầu Tùng Cốc đường 15:
Tùng cốc Tùng cốc
Qua cây cầu này rồi ta lên dốc
…Phía trước mặt là Ngã ba Đồng lộc
Hố bom dày như lỗ hà ăn chân.
…Tùng cốc, Tùng cốc
Mảnh đất này Xô viết năm xưa
lại ào ào cuốn vào cơn lốc.
( Phạm Tiến Duật- Qua cầu Tùng cốc) Ngã ba Đồng lộc ! Nơi con người đọ cùng sắt thép! Riêng trong 7 tháng ném bom hạn chế ( từ tháng 4 đến tháng 10-1968 ) máy Mỹ đã đánh vào Ngã ba 1863 lần, ném gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể Rôcket và đạn 20 li. Bình quân một tháng 28 ngày, ngày nhiều nhất chúng đánh 103 lần bay, dội trên 800 quả bom các loại.
Để chống lại bom Mỹ, ngày cao nhất, mặt trận Ngã ba Đồng lộc phải huy động 1vạn sáu trăm người, bằng xẻng cuốc, bằng tay và bằng xe bánh gỗ, đào đắp gần trăm nghàn mét khối đất đá, hàng vạn gánh bổi, cọc tre chống lầy. Nơi đây, ròng rã 200 ngày đêm, chị La Thị Tám đếm và cắm tiêu được hơn 1200 quả bom chưa nổ. Bình quân mỗi ngày chị 6 lần chạm mặt thần chết, mà vũ khí của chị chỉ là cặp mắt với đôi chân và lá cờ nhỏ trên tay.
Nơi đây anh Nguyễn Tri Ân qua 293 trận bom của địch, bị vùi trong đất 15 lần, vẫn trụ bám cắm tiêu và rà phá bom nổ chậm. Ôm bộc phá để phá bom, rồi tự chế dụng cụ phá bom. Một mình anh phá được hơn 500 quả, là 500 lần thử thách mạng sống của riêng anh. Và Vua phá bom Vương Đình Nhỏ. Anh là huyền thoại sống về phá bom thù. Phá sao cho bom nổ mà không hỏng đường, hỏng cầu. Phá bom rồi lấy được thuốc nổ làm bộc phá. Nếu tính đến năm 1972 thì anh đã chỉ huy phá được 1899 quả bom các loại. Gần hai nghìn lần tung hứng với cái chết trên mười đầu ngón tay ! Ngã Ba Đồng lộc ! Khúc tráng ca đồng đội tôn vinh.
Khi Uông Xuân Lý thắt tấm khăn đỏ, ngồi lên buồng lái, cảm tử gạt bom thì đồng đội trước đó đã làm lễ truy điệu sống. Nước mắt phải chảy vào trong. Không được khóc, dẫu mình tiễn bạn vào cõi chết. Bom gạt ra xa 40 mét. Cài số lùi mới chỉ 20 mét thì bom nổ. Và Uông Xuân Lý nguyên vẹn trở về. Bấy giờ có người mới khóc.!
Khi những trận địa pháo của Trung đoàn 210 và Tiểu đoàn 8 Cao xạ địa phương bị bom vùi. Khi 122 chiến sĩ cùng 5đồng chí Đại đội trưởng của Trung đoàn hi sinh trên mâm pháo thì giặc Mỹ phải đền tội : 14 máy bay rơi. Lũ giặc trời phải bay cao tránh đạn, hạn chế đánh trúng mục tiêu. Và các mẹ các chị của 7 xã chung quanh Đồng lộc lại lên trận địa cùng các anh hằng đêm.
Khi Tiểu đội 10 nữ TNXP trong buổi chiều định mệnh, nắng chiều chưa tắt, ra mặt đường sớm hơn thường lệ. Những ngày khác, để tránh giờ cao điểm, tối trời các chị mới ra đường. Nhưng buổi chiều đó, không ai bảo ai, bồn chồn, nóng ruột lắm. Như là những hố bom trên mặt đường đang gọi. Như có điều gì mơ hồ giục giã bên tai. Phải ra sớm hơn mọi hôm. Ra mặt đường để kịp thông xe. Mặt trời còn ngấp ngó đỉnh Trà Sơn, bóng 10 chị em, cuốc xẻng trên vai đã đổ dài trên con đường bụi đỏ. Không gian tĩnh lặng như tờ. Có tiếng nhỏ Hà cười khúc khích. Lâu rồi, mới nhìn rõ nhau trên mặt đường, như thể buổi đầu về Tiểu đội. Tươi tắn, hồng hào. Chợt tiếng máy bay rú xé trời chiều. Bom nổ nhoáng nhoàng kín trời Đồng lộc. Buổi chiều 24 tháng 7 năm 1968 rồi sẽ đi vào lịch sử chiến tranh. Một quả bom đáng nguyền rủa nhất trong 5 vạn quả bom Mỹ ném xuống Đồng lộc đã cướp đi mạng sống của Mười bông Huệ trắng, của Mười đóa trăng rằm, Mười Nết Na Hiếu Thảo. Cũng bắt đầu từ chiều đó, Đồng lộc sẽ vút lên thêm một chiều cao mới. Một tượng đài sừng sững của Tuổi trẻ hi sinh vì Độc Lập Tự do. .. Thìn em ! Tình hình học tập của em ra sao ? Có tốt không ? Chị nhắc em phải tranh thủ thay chị giúp mẹ, đừng để mẹ làm nhiều mà tội… Dòng cuối thư trong tay A trưởng Võ thị Tần giờ đã thành lời nhắn chung của 10 chị em. Thay chị giúp mẹ, các em ơi! Các chị đã không thể về với mẹ được nữa rồi ! Các chị đã thành con chung của cả nước. Của bầu bạn khắp bốn phương trời. Tiểu đội bị vùi chung trong một hầm trú ẩn, điểm mặt thấy thiếu Cúc. Mãi đến sáng ngày thứ 3 đồng đội mới tìm thấy Hồ Thị Cúc. Trong những đồng đội tìm Cúc có người cán bộ kỹ thuật Nguyễn Thanh Bính. Lâu nay, anh cũng đã cùng Tiểu đội dầm chân trong bùn đỏ. Cùng trong đội Tuyên truyền của Tổng đội TNXP. Khi kiểm nghiệm kỹ thuật mặt đường, khi cùng nhau hát ví, giờ vừa bới đất vừa nghẹn ngào. Bính đang vô vọng gọi hồn. Tiếng gọi hồn rành rẽ:
Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang
Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp
chín bạn quây quần đủ hết
Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh
A trưởng Võ Thị Tần điểm danh
Chỉ thiếu mình em
Chín bỏ làm mười răng được !?
… Ở đâu hỡi Cúc ?
Đồng đội tìm em
Đũa găm cơm úp
Gọi em
Gào em
Khản cổ cả rồi
Cúc ơi !
( Yến Thanh - Cúc ơi ! 25/7/1968 ) Thế là thành thơ. Bài thơ đồng đội khóc nhau, tìm nhau, tươi nguyên nước mắt. Bài thơ có mặt như một trong những chứng nhân nhanh nhất tại ngã ba huyền thoại này. Không cắt đặt câu chữ, không làm duyên. Nhanh như tiếng hờ tiếng hú, vuốt mắt cho em, để em thanh thản về trời. Và thế là Mười chị em lại bên nhau, dắt tay nhau, trinh trắng đi về miền thăm thẳm. Ở đó có Dương- Tài, có các anh Trung đoàn Pháo, có các anh trong ngành Giao thông, có cả những chiến sĩ lái xe qua Ngã Ba Đồng lộc mà lúc qua đây còn bắt chuyện, làm duyên. Ngã ba Đồng lộc ! Thêm một lời mong! Sinh thời, Anh hùng LLVTND Nguyễn Tiến Tuẫn- người Tổ trưởng Cảnh sát tại Ngã ba Đồng Lộc-người được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng từ năm 1970 đã từng tiếc cho Vương Đình Nhỏ. Rằng nếu là anh hùng ở Ngã ba Đồng lộc, thì Vương đình Nhỏ phải là người đầu tiên. Người ta bảo nếu Vương Đình Nhỏ chịu trở về đoàn tụ cùng vợ cũ thì mọi việc sẽ xuôi. Nhưng vợ cũ đã rẽ lối. Hai người đã chia tay, đã dứt tình. Ai còn nối được. Anh lao vào phá bom. Lại có người tiếc cho Uông Xuân Lý, phải chi ngày ấy từ buồng lái cảm tử trở về, anh đừng trả lời galăng như thế. Khi người con gái thầm yêu trộm nhớ hỏi : Răng anh gan rứa? Lý trả lời : Vì anh yêu em. Thế là tai vách mạch rừng. Thế là quy kết lập trường. Rằng động cơ Lý chỉ là vì … Chao ôi, ngày ấy, trụ bám trên Ngã ba Đồng lộc, chỉ một phần được như Uông Xuân Lý thôi cũng đã xứng anh hùng.Vậy mà.. Đến hôm nay, sau gần 40 năm, dù có muộn, anh Vương Đình Nhỏ, anh Uông Xuân Lý cứ như là còn trai trẻ, lại được phong Anh hùng. Gía mà sớm hơn, chắc gì anh Nhỏ đã chết ? Và anh Lý nữa...giá mà.. Nhưng thôi, lịch sử đã khéo xếp đặt để thử thách, để vinh danh, thì lịch sử cũng sẽ công bằng khi mà thời gian càng lùi xa, những chiến công của mỗi cá nhân trên Ngã ba này càng thấu tỏ. Chỉ thêm một điều mong, mai này bên Lăng mộ Mười nữ anh hùng Tiểu đội Võ Thị Tần, bên cạnh khu tưởng niệm TNXP toàn quốc, có thêm nơi tưởng niệm cho người thắp nén nhang mà nhớ về Vương Đình Nhỏ, về 122 sỹ quan chiến sỹ Trung đoàn Pháo cao xạ 210, về hàng trăn cán bộ công nhân viên Giao thông vận tải Hà tĩnh đã ngã xuống nơi đây. Nhớ về họ là để biết: Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc.( V.T ) Cũng để biết thêm, từ Ngã ba Nghèn tới Ngã ba Đồng lộc, chỉ một cung đường lịch sử mà người Hà Tĩnh xưa và nay, đã phải hiến trọn sức xuân của mình mới qua được hai cuộc trường chinh.
Cửa Thờ - Trại Tiểu 6/2012