16-01-2018 - 09:16

Về làng đan lát Đại Yên

Lộc Hà - một vùng đất giang sơn tụ khí, núi biển giao hòa tươi đẹp đã và đang là nguồn mạch cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật ra đời tại những làng nghề truyền thống như làng hương Báo Ân hay làng chổi Hà Ân… Thế nhưng, ít ai biết rằng tại thôn Đại Yên, xã Thạch Mỹ còn có nghề đan lát đang được người dân gìn giữ.

         Trước đây, nghề đan lát tại Đại Yên phát triển rất mạnh, đóng vai trò chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp của thôn và là nguồn thu nhập chính của các hộ dân. Hiện nay, chỉ còn 4 hộ trong thôn còn duy trì nghề này và điều đặc biệt chủ hộ 4 gia đình này đều là họ Ngô. 

           Thúng, mủng, nia, nong, rổ, rá … được làm với giá bán chỉ dao động từ 25 - 30 nghìn đồng/sản phẩm . Ngoài ra, sản phẩm nơm bắt cá ở thôn được  nhiều người biết đến bởi chất lượng tốt, bền, đẹp, được người tiêu dùng ưa chuộng. Ở các vùng quê, cứ vào buổi sáng hay chiều rảnh rỗi, đàn ông, thanh niên lại í ới gọi nhau cột giỏ, vợt đựng ngang lưng rồi xách nơm ra sông, ngòi, lạch... trong vùng để chụp bắt cá. 

      Nơm là một dụng cụ bắt cá truyền thống của người Việt. Nơm có dáng hình nón cụt, được bện bằng tre, bện thưa dùng úp cá. Nơm cao hay thấp còn tùy thuộc vào độ cao của nước, trung bình khoảng 50 – 60 cm. Phần đầu trên có gắn một khoanh gỗ tròn hình vành khăn, đường kính khoảng 13 cm để tay cầm nơm và cũng để đưa tay vào bên trong bắt cá. Phần dưới đầu hom tre được vót nhọn, miệng nơm có đường kính khoảng 35 – 50 cm. Một chiếc nơm được bán từ 70-90 nghìn đồng/sản phẩm tùy loại.

          Để tạo ra được một sản phẩm phải mất rất nhiều thời gian và quy trình đan lát như chặt tre, nứa; cưa đoạn; chẻ đan, đan sản phẩm….Người thợ làm được bao nhiêu sản phẩm bao nhiêu một ngày là tùy theo từng loại sản phẩm và tay nghề lâu năm.

           Có xem, quan sát những người thợ mới cảm nhận được rõ họ chăm chút cho từng sản phẩm như thế nào. Ông Ngô Đức Thanh chia sẻ: “ Sản phẩm có đẹp, tốt hay không không phải chỉ cần có kĩ thuật là đủ mà còn phải cẩn thận từng bước một, từng khâu, từng giai đoạn không được sai sót”.

         Do giá trị mang lại không cao nên ngày càng ít người dân theo nghề này. Những năm gần đây, thanh niên đổ xô vào các khu công nghiệp để làm công nhân hoặc đi xuất khẩu lao động. Các sản phẩm đan lát đang bị sức ép cạnh tranh lớn từ các sản phẩm nhựa, nhôm, inox…vốn tiện dụng, được mọi người ưa chuộng nên theo thời cuộc, việc các thế hệ sau của thôn dần bỏ nghề cha ông, đi tìm công việc có thu nhập ổn định hơn cũng là điều dễ hiểu.

        Ban đầu, người dân nơi đây làm nghề này nhằm tận dụng thời gian nông nhàn để thêm thu nhập nhưng giờ đây với họ việc giữ gìn nghề truyền thống này là niềm vui mỗi ngày, là điều không thể thiếu trong cuộc sống. Quả như ai đó đã từng nói:  “Niềm vui là ở bản thân công việc, chứ không phải ở những mối lợi ích của nó.” 


Linh Châu

. . . . .
Loading the player...