28-06-2019 - 13:44

Vùng đất Cẩm Nhượng qua một bài thơ cũ

Mùa du lịch biển, người người nườm nượp kéo về nghỉ mát, tắm biển ở Khu du lịch Thiên Cầm và một số tò mò muốn trải nghiệm, khám phá làng cá Cẩm Nhượng cận kề. Nhân dịp này, Văn nghệ Hà Tĩnh xin trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Trọng Thanh, sinh năm 1979, quê Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Thạc sỹ Luật, hiện công tác tại Tổng công ty xây dựng và phát triển hạ tầng LICOGI – CTCP, Bộ xây dựng.

 

Tác giả Nguyễn Trọng Thanh

      Không chỉ là vị vua có nhiều thành tựu về nội trị và ngoại giao, Lê Thánh Tông còn được biết đến là nhà thơ, nhà văn lớn nửa sau thế kỷ XV. Phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Tổ quốc đã trở thành nguồn cảm hứng thơ ca của ông, đi đến đâu ông cũng ghi lại những cảm xúc của mình trong những bài thơ. Ngoài 30 bài trong “Chinh Tây kỷ hành thi tập” miêu tả phong cảnh đất nước dọc đường hành quân, trong “Minh Lương Cẩm tú thi tập” còn có 14 bài vịnh các cửa biển gọi là Ngự chế các hải môn thi (thơ về các cửa biển của nhà vua ). “Kỳ La hải khẩu môn lữ thứ” [1] là một trong 14 bài vịnh đó, được viết vào năm 1470, khi vua Lê Thánh Tông trên đường đi Chiêm phạt nghỉ lại vùng biển Kỳ La Nhượng Bạn, ngắm phong cảnh và đời sống của nhân dân làng chài Nhượng Bạn:

Phá hiểu thừa phong đáo hải môn

Hàm triều hùng dũng nộ đào bôn

Viên hoàn thuỷ thị ngư hà tứ

Tường nghĩ giang hồ cộ vãng thôn

Phúc địa linh chiêu Tham Dự phối

Không sơn mộng đoạn Quý Ly hồn

Bất thăng cảm khoái trung lưu niệm

Kích tiếp trùng thân Sĩ Trĩ ngôn

Dịch nghĩa:

Trời sáng bạch, cưỡi gió lướt tới của bể

Ngọn triều mặn giận giữ trong sóng xô cuồn cuộn

Chợ vùng biển họp trên bãi đầy hàng tôm cá;

Nơi sông hồ thuyền bè san sát thành một xóm chài

Đất phúc linh ứng thờ phối hưởng cả ngài Tham Dự

Núi quang chợt tỉnh giấc mộng Quý Ly

Giữa dòng suy ngâm xiết bao cảm khoái

Bèn gõ mái chèo thề lại lời Sĩ Trĩ xưa

                            (Kỳ La hải khẩu môn lữ thứ) [2]

Làng biển Cẩm Nhượng. Ảnh: Hương Thành

Giữa cửa biển rộng lớn, tiếng thơ cất lên đầy hào sảng. Cảm hứng tự hào lan tỏa trong câu chữ. Cảm tưởng như, vua Lê đang say mê trước cảnh trời rộng biển dài, thuyền bè san sát, đầy hàng cá tôm. Vẻ đẹp của một miền quê Trung Bộ, hay chính là nét đẹp giàu có của thiên nhiên, đất nước khiến Vua không khỏi xúc động. Điều đặc biệt hơn cả, chỉ với bài thơ ngắn trên, cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây được tái hiện một cách sống động, đồng thời nền văn hóa của vùng đất Cẩm Nhượng hiện lên cụ thể hơn bao giờ hết.

      Xã Cẩm Nhượng huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh (trước đây là xã Nhượng Bạn, huyện Kỳ La[3]) là mảnh đất “sơn thủy hữu tình”, một vùng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và tinh thần yêu nước. Cẩm Nhượng nằm cách con đường thiên lý bắc nam khoảng 14km về phía đông. Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, từ khi hãy còn là doi cát ở ngã ba sông biển cho đến đến nay Cẩm Nhượng địa bàn đông có dân cư đông đúc, kinh tế sầm uất, sôi động nằm sát với khu du lịch Thiên Cầm - Hà Tĩnh. Mặc dù chưa có tài liệu nào ghi rõ thời điểm ra đời của làng xã, tuy nhiên quan điểm được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử địa phương thống nhất cho rằng xã Nhượng Bạn trước đây và Cẩm Nhượng ngày nay được khởi thủy vào thời gian cuối đời của triều đại nhà Trần và đầu triều đại nhà Lê sơ. Đi tìm lời giải về mốc thời gian hình thành nên xã Cẩm Nhượng đôi lúc rơi vào khó khăn, bế tắc vì tài liệu sử sách địa phương cũng như chính sử ghi chép vô cùng ít ỏi.

       “Kỳ La hải khẩu môn lữ thứ” chính là tác phẩm sẽ giúp chúng ta có thể tiếp cận về vùng đất và con người Cẩm Nhượng hơn năm trăm năm về trước. Bài thơ như thước phim tư liệu vô giá đưa chúng ta trở về với làng chài Nhượng Bạn thủa còn hoang sơ: Chợ vùng biển họp trên bãi đầy hàng tôm cá; Nơi sông hồ thuyền bè san sát thành một xóm chài.

      Như một truyền thống, thói quen thường nhật của những làng vạn chài, cho đến hôm nay, sau hàng trăm năm, cứ mỗi buổi sáng tinh mơ chưa tỏ mặt người, khi thuyền cập bến, chợ cá đã nhộp nhịp, rôm rả, đông đúc kẻ bán người mua ngay trên bãi biển. Nhiều du khách khi đến nghỉ dưỡng ở Thiên Cầm đã dậy thật sớm ra chợ cá vào buổi sáng, lựa chọn những con cá, con mực thật tươi ngon với giá cả rất phải chăng, đây là một trải nghiệm hết sức thú vị, tuyệt vời.

Chợ cá Cồn Gò xã Cẩm Nhượng.  Ảnh: Nam Trần

Không chỉ thế, với trang viết ngắn gọn, hàm súc của vua Lê Thánh Tông đã nhắc nhở chúng ta về địa danh, con người kì tài của vùng đất Kỳ La thuở ấy:

Về cửa biển Kỳ La:

Cơ La, Kỳ La hải khẩu, Thiên Cầm, Nhượng Bạn và Cẩm Nhượng ngày nay là một địa danh mà từ rất xa xưa đã được nhắc đến nhiều trong những cuốn cổ sử và truyền thuyết của dân tộc. Mảnh đất này từng chứng kiến và khắc ghi lại dấu ấn của nhiều nhân vật và sự kiện lịch sử, trong đó có những dấu ấn được xem là bước ngoặt lịch sử quan trọng đối với đất nước ta.

Sách Đại Nam nhất thống chí[4] ghi chép như sau: Ở xã Nhượng Bạn phía Nam huyện Cẩm Xuyên 13 dặm. Cửa tấn rộng 42 trượng, nước triều lên sâu sáu thước, nước triều xuống sâu ba thước. Xưa là cửa bể Kỳ La.

Con sông Rào Cái (hay sông Ngàn Mọ) là một trong những con sông lớn của tỉnh Hà Tĩnh. Sông bắt nguồn từ vùng núi Cúc Thảo phía Đông huyện Cẩm Xuyên, chảy trong địa bàn huyện Thạch Hà theo hướng nam - bắc và đổ ra biển Đông ở cửa Sót, nhánh khác chạy trong địa bàn huyện Cẩm Xuyên theo hướng Đông Nam - Tây Bắc qua làng Dư Lạc (xã Cẩm Lạc) rồi đến Quèn Đông (xã Cẩm Lộc) hợp lưu với sông Hội để có tên là sông Lạc Giang và đổ ra biển cửa Kỳ La. Thời Tiền Lê còn gọi là cửa biển Cơ La. Nguồn gốc của chữ Kỳ La, Cơ La có nhiều nhà nghiên cứu giải thích khác nhau. Theo nhà nghiên cứu Bình Nguyên Lộc[5]: Trong tiếng Malayu chữ Kuala có nghĩa là cửa sông đổ ra biển. Qua đó có thể suy luận rằng, chữ Cơ La là gọi lệch từ Kuala. Một số nhà nghiên cứu văn hóa và Hán nôm cho rằng: Kẻ La được phiên âm Hán Việt thành Cơ/Ky/ Kỳ La. Trong các bản quốc ngữ, người ta đều phiên âm là "kỳ". Thật ra, cơ, ky, kỳ (Hán) cũng chỉ là chữ mượn để ghi âm tiếng "kẻ" (Nôm).

Cửa biển Cơ La một thời là nơi biên giới giữa nước Đại Cổ Việt với Chiêm Thành. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép[6]: Tháng Ba năm Ất Tỵ (1005), vua Lê Đại Hành băng hà, các hoàng tử Đông Thành Vương, Trung Quốc Vương và em cùng mẹ là Khai Minh Vương tranh ngôi, giằng co 8 tháng, trong nước không có chủ. Mùa đông, tháng 10 năm Ất Tỵ, Đông Thành Vương thua chạy vào đất Cử Long, lại bị đuổi bắt, chạy sang nước Chiêm Thành, chưa đến nơi thì bị người châu Thạch Hà bắt giết ở cửa biển Cơ La.

Theo địa hình ngày nay, cửa Nhượng nằm giữa một bên là địa bàn xã Cẩm Nhượng và một bên là núi Tượng Lĩnh hay là núi Voi, dân đi biển gọi là núi Ông tra (Ông già) hoặc rú Cửa (núi Cửa). “Núi Vòi Voi (Tượng Tị sơn) ở xã Dục Hoá (nay là xã Cẩm Lĩnh) phía Đông Nam huyện Cẩm Xuyên. Phía Tây liền với núi Kì Đầu, phía Bắc tới sông Lạc, phía Đông tới bãi bể, phía Đông Bắc núi này là một dải núi non kéo dài như hình vòi voi cuốn nước, nên gọi là núi Vòi Voi”.[7]

Bãi tắm dưới chân Hải Đăng ( thuộc xã Cẩm Lĩnh) đối diện với làng Nhượng Bạn

Từ bến thuyền neo đậu ngày nay hoặc đứng trên cầu cửa Nhượng nhìn rú Cửa giống như con voi khổng lồ vươn mình ra biển cả. Ở phía đầu vòi voi, người ta đặt ở đó một ngọn hải đăng phục vụ cho tàu bè ngược xuôi, nhộn nhịp trên con đường hàng hải. Với sự ra đời của cầu cửa Nhượng đã nối thông con đường biển từ huyện Thạch Hà, huyện Lộc Hà qua huyện Cẩm Xuyên vào đến huyện Kỳ Anh thay cho quốc lộ 1A, mà rú Cửa là một điểm nhấn… 

 Kỳ La Nhượng Bạn được hình thành và phát triển như ngày nay đó là kết quả của cả một quá trình lâu dài của bao thế hệ, từ thủa khai sơn phá thạch, xây ấp lập hàng, mở mang nghề nghiệp dựng xây cuộc sống - một vùng đất của những sự tích, huyền thoại cùng với bề dày lịch sử lâu đời đang từng ngày, từng giờ vươn mình phát triển mạnh mẽ bên cạnh những giá trị văn hoá đặc sắc vô cùng to lớn của ông cha để lại sẽ mãi mãi trường tồn.

N.T.T

( Ban biên tập: Kỳ sau, Văn nghệ Hà Tĩnh sẽ tiếp tục giới thiệu phần bài viết có liên quan đến nội dung bài thơ đề cấp tới các nhân vật, địa danh : Ngài Tham Dự, Sĩ Trĩ và danh thắng chùa và núi Thiên Cầm…)

 

[1] Nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy đề xuất ý tưởng rất đáng hoan nghênh và cần quan tâm thực hiện là dựng bia khắc bài thơ này của Lê Thánh Tông (xem trong Võ Hồng Huy tác phẩm, tập 1 - Non nước Hồng Lam (Nxb Văn học, 2018, trang 142, sđd). Có thể dựng bia đá ngay tại quảng trường của khu du lịch Thiên Cầm sẽ tạo nên điểm nhấn về lịch sử, văn hóa của địa danh này hoặc dựng bia ngay trong đền Cả xã Cẩm Nhượng).

 

[2] Viện nghiên cứu Hán Nôm Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông tổng tập, Nxb Văn học, năm  2003, trang 240.

[3] Một đôi câu đối cổ lưu truyền hiện được khắc tại đền Cả: “Phú thứ thiên hạ giáp, Kỳ La Nhượng Bạn tích kim; Phong cảnh tứ thời xuân, yến hải cầm sơn tây bắc”. Tạm dịch: Giàu có trong thiên hạ, trước Kỳ La nay Nhượng Bạn; Phong cảnh bốn mùa xuân, biển yến hải, núi Cầm phía tây bắc. Như vậy có sự kế tiếp như một dòng chảy liên tục về cửa biển, vùng đất Kỳ La trước đây và Nhượng Bạn, tức Cẩm Nhượng sau này.

[4] Quốc sử Quán triều Nguyễn Đại Nam nhất thống chí, tập 1, bản dịch của Hoàng Văn Lâu do Nxb Lao động và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây ấn hành  năm 2003, trang 734.

[5] Binh Nguyên Lộc Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (Sài Gòn, 1970).

[6] Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Thời đại, 2013 , trang 150, sđd.

[7] Quốc sử Quán triều Nguyễn Đại Nam nhất thống chí, tập 1, bản dịch của Hoàng Văn Lâu do Nxb Lao động và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây ấn hành  năm 2003, trang 721.

 

 

 

. . . . .
Loading the player...