12-07-2020 - 06:30

50 NĂM, VĂN NGHỆ HÀ TĨNH ĐỒNG HÀNH CÙNG QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC

"50 năm, văn nghệ Hà Tĩnh đồng hành cùng quê hương, đất nước".Tạp chí Hồng Lĩnh trân trọng giới thiệu trích Diễn văn kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh

50 NĂM, VĂN NGHỆ HÀ TĨNH

ĐỒNG HÀNH CÙNG QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC

Nhà văn Phan Trung Hiếu, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2015 – 2020 đọc Diễn văn kỉ niệm 50 năm thành lập Hội ( trích)

       …. Từ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hoạt động văn nghệ đã phát triển sôi nổi, rộng khắp ở các địa phương. Năm 1949, Hội văn hóa cứu quốc ở Hà Tĩnh được thành lập. Phân hội văn nghệ Hà Tĩnh lúc đó nằm trong tổ chức văn nghệ Liên Khu IV. Năm 1958, Hội sáng tác văn nghệ Liên Khu IV giải thể, một số văn nghệ sỹ Hà Tĩnh về Ty văn hóa trực tiếp phụ trách công tác văn nghệ quần chúng. Năm 1964, tổ sáng tác văn nghệ Hà Tĩnh ra đời chỉ khoảng vài chục người. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng sáng tác văn nghệ ngày càng đông đảo. Thực hiện Quyết định số 2963/QĐ ngày 06/12/1968, Đại hội văn nghệ toàn tỉnh đã được triệu tập vào trong các ngày 28 đến 30/01/1969 với 72 hội viên tham dự, chính thức thành lập nên Hội sáng tác văn nghệ Hà Tĩnh. Đại hội đã bầu Ban chấp hành khóa I gồm 13 người, Ban thường vụ gồm 5 người do nhà thơ Thanh Minh (tức Nguyễn Hưu) làm Thư kí, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Vũ Hoàng (tức Thái Kim Đỉnh), Nhà thơ Xuân Hoài làm Phó Thư kí và suy tôn ông Nguyễn Xuân Linh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh làm Chủ tịch danh dự của Hội.

       Thời gian này, phong trào sáng tác văn nghệ trong tỉnh diễn ra rất sôi nổi. Hội sáng tác văn nghệ trở thành trung tâm, hạt nhân của mọi hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật của tỉnh. Đội ngũ hội viên và tác phẩm văn học, nghệ thuật phát triển khá nhanh. Nhiều cây bút là bộ đội, thanh niên xung phong, giáo viên, công nhân, xã viên Hợp tác xã, tiểu thương… xuất hiện, hàng trăm tác phẩm thuộc các thể loại nóng hổi hơi thở cuộc sống hậu phương và tiền tuyến, kịp thời cổ vũ động viên toàn quân, toàn dân phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng chiến đấu vì Độc lập, Tự do của non sông đất nước. Tập san Sông La của Ty văn hóa và Hội văn nghệ cùng với các ấn phẩm của Ty văn hóa xuất bản trước và sau ngày thành lập Hội như “Chờ em”, “Người bạn mắt xanh”, “Nước Sông La”, “Trận đầu thắng lớn”, “Kịch ngắn chống Mỹ”, “Ca dao chống Mỹ”, “Tập bài hát chống Mỹ”. “Thơ Hà Tĩnh 1965 - 1968”, “Đất trung tuyến”,  “Những cánh đồng”, “Riêng chung”, “Đồng lúa mới” “Viết tự đáy lòng” “Đồng lúa xuân”, “Cam đầu mùa”, “Hương quê”, “Bạn mới”, “Thông suối thông đường”, “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”… là nơi quảng bá những tác phẩm của các văn nghệ sĩ tỉnh nhà.

       Tháng 12 -1975, tại kỳ họp thứ hai khóa V, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã quyết nghị phê chuẩn hợp nhất Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Trong hai ngày đầu tháng 3 năm 1976, Hội nghị hợp nhất Ban chấp hành hai Hội Văn nghệ Hà Tĩnh và Nghệ An được tổ chức tại thành phố Vinh. Văn nghệ Hà Tĩnh từ đây bắt đầu một bước ngoặt, một sự chững lại, kéo dài suốt 15 năm sau đó.  Hầu hết Hội viên từng gắn bó với văn nghệ từ ngày Hội mới thành lập ở lại trên đất Hà Tĩnh, xa trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, xa cơ quan Hội nay có trụ sở mới đóng ở thành Vinh, chịu nhiều thiệt thòi trong giao lưu, tiếp xúc, trong tham gia các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ như đi thực tế, dự trại sáng tác, tọa đàm, hội thảo… Những người làm văn nghệ ở Hà Tĩnh gần như bị bật ra ngoài bầu khí quyển văn chương Xứ Nghệ, một số người bỏ cuộc, xa dần Hội, xa dần ngòi bút của mình.

       Tháng 8 năm 1991, thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa VIII, Hội văn nghệ Nghệ Tĩnh lại được tách ra thành Hội văn nghệ Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây cũng là những năm chứng kiến công cuộc đổi mới, văn học nghệ thuật khắp nơi có sự chuyển biến mạnh mẽ. Văn đàn đất nước nóng bỏng. Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh bước vào một giai đoạn mới với tư duy nghệ thuật mới. Sau tách tỉnh, lực lượng hội viên chỉ còn lại 60 người. Ban chấp hành lâm thời của Hội lúc đó chỉ có 4 người gồm nhà thơ Xuân Hoài, nhà văn Đức Ban, nhà viết kịch Phan Lương Hảo và nhạc sĩ Vi Phong, về sau bổ sung thêm nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Sỹ Châu và nhà giáo Ưu tú Hà Quảng. Vậy là, kể từ đây, văn nghệ Hà Tĩnh lại phải bắt đầu một quá trình xây dựng lại đội ngũ nhưng vẫn đều đặn cho ra đời nhiều tác phẩm có dấu ấn sâu đậm, được dư luận không chỉ trong tỉnh mà cả trong nước quan tâm. Tạp chí Hồng Lĩnh - cơ quan ngôn luận của Hội ra số đầu tiên vào năm 1992 thu hút sự chú ý của giới văn nghệ và bạn đọc trong và ngoài nước. Nhiều hoạt động chuyên môn nghiệp vụ với nhiều hình  thức tổ chức phong phú đa dạng nhằm  nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển hội viên, nâng cao chất lượng nội dung và nghệ thuật tác phẩm.

       Đại hội lần thứ V (lần thứ nhất sau khi tách tỉnh) và kỉ niệm 25 năm thành lập Hội nhiệm kỳ 1994 - 1999 được tổ chức tại Thị xã Hà Tĩnh vào ngày 10-1/01/1994 với 71 hội viên tham dự, bầu ra Ban chấp hành gồm 9 người do nhà văn Đức Ban làm Chủ tịch, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Sỹ Châu làm Phó Chủ tịch. Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 1999 - 2004 tổ chức vào ngày 27-28/4/1999  tại thị xã Hà Tĩnh với 120 hội viên tham dự, bầu BCH gồm 13 người, do nhà văn Đức Ban làm Chủ tịch, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Sỹ Châu làm Phó Chủ tịch. Năm 2003, Nhà văn Phan Trung Hiếu được bầu bổ sung làm Phó Chủ tịch.  Kể từ Đại hội này, do sự phát triển của các chuyên ngành và các tổ chức trực thuộc, Hội đã được đổi tên thành Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật. Đại hội lần thứ VII được tổ chức vào ngày 13,14/12 / 2004 tại thành phố Hà Tĩnh với 128 hội viên, bầu ra BCH gồm 15 người, Ban thường vụ gồm 5 người do Nhà văn Đức Ban làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội là Nhà văn Phan Trung Hiếu, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Sỹ Châu và Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú. Đến tháng 9 năm 2005, Nhà văn Phan Trung Hiếu được bầu làm Chủ tịch Hội sau khi Nhà văn Đức Ban chuyển sang làm Giám đốc Sở Văn hóa thông tin. Đại hội lần thứ VIII được tổ chức ngày 20 và 21/4/2010 với sự tham gia của 170 hội viên, bầu ra BCH gồm 15 người, Nhà văn Phan Trung Hiếu được bầu làm Chủ tịch Hội, Phó Chủ tịch Hội là Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú và Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Sỹ Châu. Đại hội lần thứ IX được tổ chức tại thành phố Hà Tĩnh vào ngày 1-2/7/2015 bầu BCH gồm 15 người, Ban thường vụ gồm 5 người, Nhà văn Phan Trung Hiếu tái cử chức vụ Chủ tịch Hội, 02 Phó Ch tch Hi là Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú và Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Hướng.

       Bước vào Đại hội lần thứ X, số lượng hội viên của Hội hiện tại đã là 231 người, trong đó có tới 63 hội viên chuyên ngành TW thuộc các chuyên ngành: Văn, Thơ, Lý luận phê bình, Sân khấu- biểu diễn, Mỹ thuật, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Văn nghệ dân Gian, Kiến trúc. Các tác phẩm VHNT Hà Tĩnh càng phong phú, phản ánh sinh động, nóng hổi hơi thở một hiện thực Hà Tĩnh đổi mới, phát triển bền vững. Năm 2012, Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất - một phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước ghi nhận những cố gắng sau hàng chục năm bền bỉ cống hiến và miệt mài lao động sáng tạo của nhiều thế hệ cán bộ văn nghệ sĩ tỉnh nhà.

       Đội ngũ văn nghệ sỹ ngày càng đông đảo, thực thi đầy đủ nghĩa vụ công dân, đoàn kết đùm bọc thương yêu nhau, đầy ý thức và khát vọng sáng tạo, miệt mài đi trên con đường văn chương nghệ thuật khắc nghiệt và vẻ vang. Trên chặng đường 50 năm đồng hành cùng Đảng và quê hương, đất nước, nhiều anh chị em Hội viên, cộng tác viên thân yêu đã mãi mãi ra đi. Nhiều người đã hy sinh trong chiến tranh, nhiều người do tuổi cao sức yếu, ốm đau bệnh tật. Vậy nhưng, tên tuổi họ còn lưu trong sổ Hội tịch, mãi còn đọng lại trong kí ức của những người còn sống với những tác phẩm góp vào di sản văn hóa tinh thần chung không thể phai mờ như: Nguyễn Xuân Linh, Thanh Minh, Xuân Hoài, Trần Thúc Khang, Phùng Duy Thế, Dương Đình Liêu, Trần Hậu Tân, Quốc Anh, Lê Hanh, Nhất Tuấn, Phan Nhung, Tùng Xanh, Thanh Hồ, Hoàng Lộc, Lê Thị Minh Các, Lê Đức Định, Phạm Lê Khang, Lê Xuân Dụ, Trần Văn Kính, Hữu Lợi, Hoa Ban, Nguyễn Quốc Anh, Phan Lương Hảo, Vi Phong, Chính Tâm, Trần Tấn Hành, Trần Quốc Nghệ, Trần Đức Duy, Trần Văn Kính, Lê Thanh Bình, Trương Biên Thùy, Từ Thanh Liên, Hoàng Văn Hóa, Nguyễn Bá Linh, Trần Danh Viện, Minh Nho, Đặng Duy Lộc, Hà Thanh Long, Nguyễn Trọng Bính, Hoàng Sỹ Thu, Hoàng Thị Xuân Liễu, Nguyễn Hải Hà, Định Dong, Nguyễn Huy Tuấn, Sỹ Châu, Thái Kim Đỉnh, Võ Hồng Huy, Đặng Duy Lộc, Lê Duy Phương, Phạm Thắng… 

       Trong cuộc hội ngộ sau 50 năm xây dựng, trưởng thành, biết bao kỷ niệm, những dấu ấn lịch sử của từng chặng đường, bao nỗi buồn vui đã trở về nguyên vẹn trong kí ức của mỗi người. Tại buổi lễ trang trọng này, ở thời điểm chuyển giao thế hệ tại một dấu mốc quan trọng trong hành trình 50 năm với bao dự cảm tốt lành, chúng ta trân trọng cảm ơn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh trong thời chiến cũng như lúc thời bình đã luôn dành sự thương yêu, chăm sóc văn nghệ. Sự quan tâm của các thế hệ lãnh đạo tỉnh chính là nguồn cổ vũ động viên to lớn đối với đội ngũ văn nghệ sỹ, nuôi dưỡng tư tưởng chân, thiện, mỹ trong tâm hồn để chúng ta gửi gắm vào trong các tác phẩm.

       Để có được thành quả như hôm nay, đội ngũ văn nghệ sỹ thuộc nhiều thế hệ, nhiều vùng quê với nhiều đặc trưng bản sắc văn hóa đã biết gạn đục, khơi trong, đoàn kết chung quanh Văn phòng Hội và Ban chấp hành Hội, bám sát đời sống, say mê sáng tạo nghệ thuật, phản ảnh chân thực cuộc kháng chiến và kiến quốc của nhân dân ta cũng như công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa hội nhập phát triển bền vững dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam. Trong môi trường sáng tạo với hiện thực của đời sống mới, phong phú, sinh động đang cần tới những xúc cảm, sự đối xử tử tế đầy tình yêu thương và trách nhiệm với cuộc đời của các văn nghệ sĩ.   

. . . . .
Loading the player...