17-10-2023 - 16:01

80 NĂM ĐỌC LẠI “NGỤC TRUNG NHẬT KÝ”

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tháng 9/2023 trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà LLPB Hà Quảng: "80 năm đọc lại "Ngục trung nhật ký"".

 

                  80 NĂM ĐỌC LẠI “NGỤC TRUNG NHẬT KÝ”                                                                                        

       “Ngục trung nhật ký” là một trong những viên ngọc quý giá nhất của thơ ca cách  mạng Việt Nam.  Tìm hiểu đầy đủ “Nhật ký trong tù” chúng ta sẽ thu được rất nhiều bài học bổ ích về cuộc sống nói chung cũng như về văn học nghệ thuật nói riêng. Vấn đề phong cách nhà thơ là một vấn đề quan trọng không thể không đề cập tới khi tìm hiểu những giá trị, đặc điểm của các tác phẩm trong sự nghiệp văn chương của Người. Từ trước đến nay nhiều nhà phê bình kể cả trong và ngoài nước thường cho rằng “ Ngục trung nhật ký” là tập thơ có khí vị Đường thi xếp vào dòng thơ cùng với Lý Bạch, Đổ Phủ. Theo dòng thời gian, đọc lại tập thơ chúng tôi cảm nhận rõ là tập thơ có ảnh hưởng Đường thi một số phương diện nhưng cái mạch chính vẫn nổi rõ âm hưởng của một tâm hồn Việt nối liền mạch thơ cổ điển dân tộc với những tên tuổi như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Du, Phan Huy Ích…“Nhật ký trong tù”, một phong cách thơ cổ điển nhiều sắc thái mới, đậm đà cốt cách dân tộc. Một phong cách thơ mà lớp bụi thời gian không hề làm phai nhạt

“…Giữa những bức ký hoạ có vẻ ghi lại vội vàng và nổi bật lên gay gắt như mực đen giấy trắng đó, xen vào những bức tranh tuyệt tác như vẽ trên lụa, những bức hoạ cảnh thiên nhiên với những nét bút của những bài Đường thi cổ điển nhất, lời thơ uyên bác, điển tích phong phú, niêm luật và hình ảnh cổ truyền chặt chẽ, đầy đủ” (Buđaren - Một cốt cách cổ điển với những sáng tạo hiện đại - NCVH 7-1960). Đó là một nhận xét về cốt cách cổ điển Á đông của thơ Bác qua “Nhật ký trong tù”. Tuy những minh hoạ mà ta thấy câu nói trên đề cập đến phần nào quá thiên về hình thức tập thơ, song nó đã phản ánh được một sự thực là cốt cách cổ điển với những sáng tạo, sự thực đó ông Quách Mạt Nhược cũng đã đề cập tới, khi đọc thơ Bác ông thấy “có một số bài rất hay nếu đặt lẫn vào trong tập thơ của các thi nhân đời Đường đời Tống thì cũng khó mà phân biệt được”. Quả thế, tuy nhiên “Nhật ký trong tù” bên cạnh cái dư âm kia ta còn nghe văng vẳng âm hưởng tiếng nói của các thi nhân vọng về từ quá khứ, với những lời lẽ, ý tứ cổ kính, đơn sơ, phóng koáng mà thoáng đọc lên ta  thấy dư vị rất gần với Ức trai thi tập , Chinh phụ ngâm, Thơ chữ Hán Nguyễn Du… và cả một dòng thơ Việt cổ. Chẳng hạn câu thơ Chùa xa chuông giục người nhanh bước/ Trẻ dắt trâu về tiếng sáo bay làm ta nhớ đến nhiều bài thơ cổ ở các tuyển thơ Việt về hoàng hôn . Tính chất cổ điển này ta thấy khá đậm ở thơ Bác cho đến sau này với những bài thơ làm trong kháng chiến. Một dẫn chứng, năm 1947 khi nghe tin ba cụ già đã giết được nhiều giặc Pháp, Bác có làm tặng một bài thơ mà tứ và lời thơ rất cổ điển và cũng rất Việt Nam: Tuổi cao chí khí càng cao/Múa gươm giết giặc ào ào gió thu/ Sẵn sàng tiêu diệt quân thù/Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng.

Đi sâu vào thơ Bác qua tập Nhật ký trong tù ta càng thấy toát lên rất đậm đà khí vị cổ điển giàu tính chất dân tộc qua nhiều nội dung.

1- Trước hết đó là sự gắn bó với thiên nhiên, thiên nhiên hiện lên như một người bạn chí thiết. Người và cảnh vật như hoà làm một, tuy đa dạng song ở dạng nào cũng chan chứa tình người, cũng trong sáng tuyệt vời như tấm lòng Bác vậy. Khi thì cảnh núi sông hùng vĩ: Núi ấp ôm mây, mây ấp núi/ Lòng sông gương sáng bụi không mờ, khi thì vui với “Chùm mây trôi nhẹ giữa tầng không”, lúc để tâm hồn bầu bạn với cảnh: “Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ” hay “Dế kêu khoan nhặt đón mừng thu”... Đặc biệt là ánh trăng, Nhật ký trong tù man mác ánh trăng, ở cảnh trăng nào nhà thơ cũng gửi gắm vào đó cả tâm hồn của mình, ta cảm thấy như trăng cũng nồng đượm hơi thở, cũng lấp lánh ánh sáng của  tâm hồn Bác.

Yêu thiên nhiên, đó là một truyền thống tốt đẹp lâu đời của nhân dân ta, thể hiện rõ trong thơ  Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến…, cùng với ca dao, dân ca... Các nhà thơ Á đông, thiên nhiên chiếm một vị trí quan trọng trong tác phẩm của họ. Thử lấy một “ánh trăng” làm thí dụ, thơ ca cổ điển đâu đâu cũng tràn ngập ánh trăng. Ta có cảm tưởng như ánh trăng đã tô điểm cho sự tươi tắn, ý vị của nền thơ bấy nay. Không mấy nhà thơ không nói đến trăng, Nguyễn Trãi “thưởng mai về đạp bóng trăng”. Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận trăng làm tri kỷ: Ngày chầy họp mặt hoa là khách/ Đêm vắng hay lòng nguyệt ấy đèn. Song sinh động giản dị gần gũi nhất với khung cảnh lao động, với tâm tình nhân dân vẫn là ánh trăng trong ca dao: Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.

Bác đã tiếp thu truyền thống đó, song Bác đã đem về cho thiên nhiên của mình một màu sắc cách  mạng mới. Bác đã thu góp tất cả những cái tích cực chọn lọc cổ kim và hoà vào đó cái vĩ đại của tâm hồn mình, làm cho nó toát lên một ánh sáng diệu kỳ, ánh sáng cao thượng của một tâm hồn cách mạng. Thi nhân xưa có người “trốn” đến thiên niên để quên lãng, để được vỗ về an ủi trong những lúc sầu muộn . Nhưng Bác đến với thiên nhiên, “hoà tâm hồn mình vào cái rộng lớn của tạo vật và cũng đóng góp vào tạo vật cái vĩ đại của tâm hồn mình” (Hoàng Dung - Giáo trình văn học sử - Đại học sư phạm Hà Nội 1960).

Thơ của Bác gắn bó với thiên nhiên, thiên nhiên ấy rất đậm đà tính dân tộc, là thiên nhiên dịu dàng, gần gũi: khóm chuối, tiếng dế, con chim, là ánh trăng nhẹ nhàng mà tinh khiết, thiên nhiên đó rất hợp với phong vị giản dị của người dân ta. Nó không to lớn, hào hùng như thường thấy ở một số bài thơ cổ Trung Hoa.  Sự gắn bó thiên nhiên trong thơ ca Á đông nói chung và thơ ca Việt Nam nói riêng là một hiện tượng ta có thể tìm thấy nguyên nhân của nó. Đó là do nền kinh tế tự nhiên tự cung, tự cấp suốt mấy ngàn năm lịch sử của phương đông. Với nền kinh tế này thì thiên nhiên là đối tượng thân thuộc gần gũi nhất. Bên cạnh tư tưởng triết lí đông phương đã cổ động cho tinh thần con người hãy trở về với thiên nhiên, với đạo lý tự nhiên, ghét bỏ những quan hệ xu phụ tiền tải danh lợi, ghét những cái giả dối, do con người tạo ra. Phép xuất xử của nhà nho cũng từng khuyên người ta hãy lánh đục về trong khi thời cuộc rối ren, hãy vui với cỏ cây, lấy cảnh vật làm tri kỷ. Chính bởi những điều đó mà ta không lạ với cái  vị trí tiềm tàng của thiên nhiên trong địa hạt thơ ca, cũng như trong cuộc đời của những thi nhân xưa.

Ta còn thấy trong thơ Bác cái phong độ ung dung tư tại của các bậc hiền nhân quân tử một thời. Cái ung dung không đứng ngoài chiến đấu mà cái ung dung của một con người khí biết nắm được “lẽ biến dịch” của cuộc đời. Sức mạnh bình tĩnh đó thể hiện rõ trong các bài thơ “ Quá trưa” , “Ngắm trăng” “Nói cho vui”...Cảnh tù ngục bao nhiêu đau khổ cực nhục, Bác vẫn rất ung dung và “tự hào” về mình. Ăn cơm nhà nước, ở nhà công/ Binh lính thay nhau để hộ tùng/Non nước dạo chơi tuỳ sở thích/Làm trai như thế cũng hào hùng. Song sắt của nhà tù không giam được tâm hồn Bác, Người vẫn vui với cảnh vật, với trăng, với chim chóc hoa lá. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã nói: “Hồ Chủ tịch là hình ảnh của sức mạnh bình tĩnh không khiếp sợ, không hoảng hốt, đó là sức mạnh những người sống một nhịp, một trào lưu của thế giới với quy luật tiến hoá lịch sử”. Phong độ đó cũng là tính cách chung của những người con ưu tú dân tộc trong tranh đấu, bảo vệ Tổ quốc, Nhân dân. Phong độ ung dung tư tại cũng như sự gắn bó sâu sắc với thiên nhiên trong “Nhật ký trong tù” giúp ta liên tưởng tới  những áng thơ cổ điển ưu tú với cái tâm trạng “trượng phu nhi an, tố hoạn nạn hoành hồ hoạn nạn” (Huỳnh Thúc Kháng) hay “Vẫn là hào kiệt vẫn phong lưu/ Chạy mỏi chân thì lại ở tù” (Phan Bội Châu) sáng rỡ một thời. Tuy nhiên đó là một việc làm tương đối, vì trong thơ Bác sáng ngời một nhân sinh quan, một tư tưởng mới mà không thể tìm thấy  trong quá khứ vì cái khuôn khổ nhân sinh quan cũ không chứa đựng hết được.

2- Một đặc điểm nữa của thơ Bác mà NKTT cũng thể hiện rõ đó là tính chất giản dị. Thơ Bác dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ tuy viết theo lối cỗ. Nếu như “Văn tức là người” thì thơ của Hồ Chí Minh phản ánh rất đúng đạo đức của người. Thơ của Bác đến với chúng ta từ những cái rất giản dị, bình thường, song qua những cái bình thường đó ta bắt gặp một nội dung tư tưởng vĩ đại, một tâm hồn cộng sản lớn lao, đi mãi mà không hết bề sâu của nó.

Cái giản dị trước tiên ở thơ Bác thể hiện ở đề tài. Bác làm thơ về cái gậy bị mất, cái răng bị gãy, cái cùm, phần cơm để nguội, cả đến việc đau bụng, ghẻ lỡ... đó là những cái gần gũi người trong cuộc sống. Người không chủ ý lấy đó làm phương tiện để nói tới những cái cao xa mà là biểu hiện tình cảm thật của mình đối với những sự vật đó. Nếu có những bài toát lên những ý tứ sâu xa thì cũng là những xúc động chân thật, được nâng lên không xa cách chút nào cả. Người tiếc chiếc gậy, người bạn đường ngay thẳng, kiên cường bị đánh cắp, Người  tìm thấy cái vui, cái đẹp trong cảnh lao động bình thường, Người trân trọng những cái có ích cho mọi người dù chỉ là một tiếng gà gáy, một cột cây số… những đề tài ít gặp trong thơ cổ xứ người.

Cái giản dị của Bác còn thể hiện ở cách nói: Thơ của Bác không có cái khoa trương ồn ã, mà dịu dàng mộc mạc, song chứa chan chất thép, tình người. Nhà thơ Tố Hữu đã nhận xét: “Tiếng của Người không phải sấm trên cao, Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước”. Đó chính là đặc tính của những người con chân chính của nhân dân. Nó nhuần nhuyễn một nét riêng của sắc thái thẩm mỹ dân tộc. Đặc tính này ở Bác cũng chính là sự kế thừa đối với nền văn hoá bình dân, thể hiện ở trong ca dao, dân ca, với những câu ca rất giản dị song chứa chan ân tình, cũng như ở những bức tranh dân gian hết sức mộc mạc song cũng rất gợi cảm và sâu sắc về ý tứ...Với những giản dị của nội dung, thơ Bác đã kéo theo một sự giản dị về ngôn ngữ. Trong tập thơ ta thấy Bác dùng rất nhiều khẩu ngữ, nhiều thành ngữ, dùng cả tiếng lóng nhà tù, thậm chí cả tiếng ngoại quốc. Bác cũng đã không câu nệ khi đưa vào câu thơ cả tiếng trẻ khóc: Oa! Oa! Oa! Làm thơ chữ Hán song Bác rất ít dùng điển tích, hoặc những chữ cầu kỳ có chăng thì những điển tích đó đã đi sâu rộng vào quần chúng như hình ảnh Dực Đức, Quan Công... Một bài thơ nói về sự mất tự do mà được nhiều nhà thơ nước ngoài nhắc đến vì sự giản dị của nó: Đau khổ chi bằng mất tự do/ Đến buồn đi ỉa cũng không cho/ Cửa tù khi mở không đau bụng/Đau bụng thì không mở cửa tù. Từ một điều rất bé nhưng nói một vấn đề rất lớn!

3-  Hồ Chủ tịch có một lòng thương người mênh mông, bên cạnh những câu thơ trân trọng, chan chứa yêu thương với nhân dân thì ta cũng bắt gặp những câu thơ mỉa mai sâu cay đánh vào kẻ thù, vào những thói hư tật xấu làm hại con người. Chính cái đó đã tạo nên tính chất trữ tình trào phúng “Nhật ký trong tù”, một nét riêng của tập thơ.

Ngay từ năm 1921- 1922 Bác đã đăng rất nhiều bài báo nêu rõ nổi thống khổ của nhân dân và đả kích vào kẻ thù với một cách nói mỉa mai trào lộng : “Lên án Chủ nghĩa thực dân Pháp” là một bằng chứng. Khi Khải Định sang Pháp dự Hội chợ đấu xảo thuộc địa (1922), Người cũng đã viết một vở kịch chế giễu sâu cay. Nhiều nhà hát ở ngoại ô Pari đã diễn vở kịch “Con rồng tre” của Người viết bóng gió về ông vua lố bịch này. Nội dung vở kịch: Có những cây tre thân hình quăn queo được những nhà chơi cảnh đem về đẽo gọt thành những con rồng, là con rồng nhưng chỉ là một khúc tre, là khúc tre song lại tự hào về cái dáng dấp rồng của mình, thật đáng cười thay.

“Ngục trung nhật ký” đã tiếp nối cái chất trào lộng đó. Bên cạnh những bài thơ ngọt ngào tình yêu đời, khát khao tự do mà tính chất trữ tình sâu sắc, ta bắt gặp những câu thơ  nhẹ nhàng song rất sâu cay, bóc trần bản chất vô nhân đạo của chế độ thực dân phong kiến. Đọc đoạn thơ sau về những mâu thuẫn xã hội được trình bày một cách khách quan, Bác đã đem đến chúng ta một nụ cười nhẹ nhàng, song đằng sau nụ cười đó hiện lên một hiện thực xấu xa, một bất công vô lý của xã hội: Đánh bạc ở ngoài quan bắt tội/Trong tù đánh bạc được công khai/Bị tù con bạc ăn năn mãi /Sao trước không vô quách chốn này. Những câu thơ chỉ thuần kể việc, nhưng những sự viêc tự nó nói lên tất cả, chẳng cần bình luận gì thêm Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc/ Giải người cảnh trưởng kiếm ăn quanh/ Chong đèn huyên trưởng làm công việc/ Trời đất Lai Tân vẫn thái bình./ Một sự thái bình như mặt nước phẳng trên vũng bùn!

Tính châm biếm được gợi tả sâu sắc nhờ những biện pháp nghệ thuật mà Bác hay sử dụng: lối đối ngẫu: “Túc vinh mà đế ta mang nhục”, bằng phản ngữ “Ai ngờ đất bằng gieo sóng gió/ Phải làm khách quý tại nhà giam”. Tuy nhiên một điều ta bắt gặp ở thơ Bác và chính điều này đã góp phần tạo nên cái giá trị sâu sắc, cái lối “umua” riêng biệt của “Nhật ký trong tù”. Đó là sự kết hợp hai mặt trữ tình và trào phúng. Nhận định về thơ đả kích của Bác, Nguyễn Đình Thi đã viết: “Những bài thơ của Bác mang cái rung cảm thật sự trong khi đả kích, khiến người ta phải cười ra nước mắt. Đó là lối nâng giọng châm biếm lên đến mức trữ tình” (Văn học - 95- 1960). Câu nói đó đã nêu lên được bản chất sức mạnh cũng như đặc điểm của tính trào phúng trong thơ Bác. Cái chính của thơ Bác là lòng thương yêu. Chính vì thương yêu con người mà châm biếm những cái xấu xa, tàn ác bất công. Ở Bác châm biếm trào phúng là phương tiện chứ không phải là cứu cánh, với những bài thơ trào phúng của Bác ta thấy nó tồn tại cả hai mặt: châm biếm và trữ tình. Bác châm biến vạch trần bộ mặt vô nhân đạo của xã hội bấy giờ, song bên cạnh bài thơ lại toát lên niềm thương cảm đau xót với những nạn nhân của xã hội đó. Sau nụ cười, lòng chúng ta thắt lại, dâng trào niềm cảm thương và lòng căm thù sâu sắc. Đọc bài thơ sau: Biền biệt anh đi không trở lại/ Buồng the trơ trọi thiếp ôm sầu /Quan trên xót nỗi em cô quạnh/ Nên lại mời em tạm ở tù.Ta thấy tính trào phúng toát lên từ các cụm từ “quan trên xót nỗi”, “nên lại mời em”. Những cụm từ tạo nên một mâu thuẫn trong cái hiện thực “ở tù” của người bị bắt. Chính cũng từ đó mà bộ mặt thật của chế độ tàn bạo bị phơi bày và cũng từ đó mà ta thông cảm sâu xa với số phận của bao nhiêu người vợ lính bị giam hãm trong tù ngục chính quyền Tưởng Giới Thạch. Một hình ảnh đầy nghịch lý  chứa đựng hai mặt của tình cảm, mặt nào cũng sâu sắc. Đó chính là sức  mạnh của thơ Bác được tạo nên bởi tính trữ tình - trào phúng của nó. Những  bài thơ kiểu trên trong “Nhật ký trong tù” ta gặp không phải ít, tiêu biểu như “Ở Lai tân” “Tù cờ bạc” “Chia nước”...Tính trào phúng ở thơ Bác là sự kết hợp tài tình của nghệ thuật trào phúng dân gian và bác học trong văn học dân tộc. Để châm biếm những “sư hổ mang” ca dao ta có những câu: Ba cô đội gạo lên chùa…Ốm lăn ốm lóc khiến sư trọc đầu.  Đặc biệt là những câu thơ vừa đả kích chế độ phong kiến vừa chua chát với thân phận nghèo khổ của dân mình: Có quần ra quán bán hàng /Không quần ra đứng đầu làng trông quan. Rồi Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Cao Bá Quát cũng không ít những bài thơ trào phúng - trữ tình như vậy. Thơ Bác có sự kết hợp những tinh hoa truyền thống và những sáng tạo của riêng Bác. Nó có cái sâu xa của Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhẹ nhàng của Nguyễn Khuyến, chua chát của Tú Xương, cay độc của Cao Bá Quát…,  song bên cạnh còn có cái thâm thuý, hóm hỉnh của riêng Người, cái hóm hỉnh lạc quan mà Người tiếp thu ở phương Tây...

Cái hóm hỉnh tế nhị trong thơ phần nào đã phản ánh con người thực của Bác. Trong một cuộc hội nghị với đô đốc Đacgiăngliơ ở dưới tàu để bàn về việc ký Hiệp định Sơ bộ. Bác ngồi giữa một đám sĩ quan Pháp, Đacgiăngliơ  nửa đùa nửa thật “Thế là ngài đã bị chúng tôi bao vây”. Bác cười nói “Cái khung chỉ làm tăng thêm giá trị bức ảnh”. Đấy là một mẫu chuyện về đời riêng của Bác nói lên sự sâu sắc, hóm hỉnh, tinh tế mà chính đặc trưng đó cũng đã thể hiện rất rõ ở trong thơ ca của Người.

Thơ của Bác, nhìn chung, tính chất trào phúng có một xuất phát điểm là cái thế mạnh, cái sự đứng trên của một kẻ nắm được lẽ phải, cái thế đứng mà dân tộc trao cho, khiến Người luôn là kẻ mạnh, chiến thắng kẻ thù, đứng trên mọi lao lung.

*

Nhà phê bình Nam Trân cho rằng “Nếu người đời khen Đổ Phủ là “trong thơ có sử” thì Nhật ký trong tù là một tập sử thi, nếu người đời khen Vương Duy là “trong thơ có họa” thì Nhật ký trong tù  là một bức tranh lớn” về cuộc đời và xã hội vậy. Tuy nhiên, cái có vô cùng lớn lao mà chúng ta tìm thấy trong Thơ Người là vẻ đẹp, sự lớn lao của một tâm hồn mà tâm hồn đó phản quang sự lớn lao, vẻ đẹp tâm hồn của Dân tộc Việt  trong thời đại mới mà khó tìm thấy trong thơ cổ nơi nào khác. Âm hưởng cổ điển nhưng nhiều sắc thái Việt, kết nối truyền thống với hiện đại từ văn chương bác học đến thơ ca dân gian. Nhiều triết lý toát lên từ tập thơ chính là sự đúc kết triết lý sống bao đời của dân Việt mà thơ Bác nói hộ./.

                    Hà Quảng

. . . . .
Loading the player...