Tạp chí Hồng Lĩnh số 220 phát hành tháng 12/2024 trân trọng giới thiệu truyện ngắn KHI NGƯỜI LÍNH TRỞ VỀ của Tác giả Phạm Công Thắng
KHI NGƯỜI LÍNH TRỞ VỀ
Truyện ngắn
PHẠM CÔNG THẮNG
Đang nằm ngủ trưa, ông Ba nghe tiếng bà thu mua đồng nát rao ngoài ngõ: “Giày cũ, đồ cũ, va ly bạt, cặp sách, nilon rách, xăm lốp xe đạp bán đê!”. Ông chửi tục: “Mẹ kiếp, con mụ bán đồng nát hôm nào cũng làm bố mất ngủ, ngày mai còn rao nữa, bố cho biết tay”
Ông Ba vốn là bộ đội chống Mỹ năm 1969 tại mặt trận Đông Nam Bộ. Năm 1975, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông bị một mảnh đạn bắn xuyên thái dương, được xếp thương binh loại A, mất sức 4/4, tỷ lệ thương tật 30%. Vợ mất sớm do mắc một căn bệnh hiểm nghèo khi ông còn trong quân ngũ. Ngày trở về, cha mẹ ông đã khuất núi, căn nhà tổ tiên để lại giao cho chú em trai trông giữ, nay đón người anh trai trở về trong buồn tủi. Cám cảnh trước tình trạng ông anh thương tật, lương trợ cấp không đủ chi phí cho ăn ở sinh hoạt, bà Mai, vợ ông Tư luôn cằn nhằn:
- Nhà đã khó khăn, giờ thêm miệng ăn không hiểu cuộc sống nay mai sẽ như thế nào?
Thấy vợ hay kêu ca, ông Tư gằn giọng:
- Bà có im miệng đi không, tôi cũng nẫu ruột, nẫu gan lên đây!
Hiểu tính chồng, bà Mai im bặt, đi thẳng ra khu chuồng lợn, vừa đi vừa lẩm bẩm:
- Rõ khổ cái thân tôi!
Lại nói chuyện ông Ba, từ ngày trở về sống cảnh đìu hiu cùng vợ chồng người em trai, nhiều lúc ông thấy quẫn trí bởi ngày hai buổi chẳng có việc gì làm, hết nằm rồi lại ngồi hút thuốc lào vặt. Thỉnh thoảng, có ông bạn bên xóm trên đến thăm, hai người đánh với nhau vài ván cờ tướng, nói dăm ba câu chuyện tào lao rồi ai lại về nhà nấy.
Chuyện sẽ chẳng có gì để nói nếu như hôm đó không xảy ra một sự việc trớ trêu. Buổi trưa hôm đó, đang thiu thiu ngủ, bỗng giọng bà đồng nát lại rao lanh lảnh:
- Giày cũ, đồ cũ, va ly bạt, cặp sách nilon rách, xăm lốp xe đạp bán đê!
Bực mình vì lại bị quấy rầy một lần nữa, ông chạy ra ngoài sân chửi toáng lên:
- Con mẹ chết dẫm kia, có đi chỗ khác rao cho ông ngủ không?
Bà bán đồng nát cũng không vừa, đốp chát lại:
- Tôi có mồm tôi nói, ông cấm tôi à!
Chỉ chờ có vậy, ông tháo xích thả con chó cái đẻ đang nằm trên hè, cho nó chạy ra sủa ầm ỹ rồi lao về phía bà đồng nát. Hoảng sợ, bà ta vứt đồ nghề chạy thục mạng, được thể, con chó càng lao tới cắn tới tấp vào chân bà, máu chảy be bét. Bà ta la lớn:
- Bớ làng nước ơi chó nhà lão Ba cắn tôi chết rồi!
Từ trong bếp, bà Mai tất tưởi chạy ra, nhìn cảnh tượng hãi hùng, nói líu cả lưỡi:
- Trời ơi! anh Ba sao lại xua chó cắn bà đồng nát vậy?
Ông Ba từ lúc gây ra chuyện động trời, giờ lại nghe cô em dâu chì chiết, mặt từ chỗ đỏ gay chuyển sang tím tái:
- Biết rồi để tôi ra đó xem sao!
Lúc này, bà con lối xóm mỗi lúc kéo đến một đông, bà đồng nát càng được thể:
- Mả cha nó chứ, hôm nay bà phải kiện lên xã cho nó biết tay!
- Có giỏi bà cứ đi mà kiện, có mà kiện cái củ khoai! - Nói rồi ông bỏ đi thẳng vào nhà.
- Thôi không cãi nhau nữa, mọi người đưa bà này lên trạm xá xã tiêm phòng dại trước đi đã, phải trái nói chuyện sau - Giọng một người đàn ông lớn tiếng.
Ông nói vừa dứt lời, hai thanh niên đứng bên xăng xái thay nhau cõng bà đồng nát lên trạm xá. Đám đông lát sau cũng giải tán ai về nhà nấy.
Lúc này, ông Ba mới hoàn hồn quay vào nhà ngồi thụp xuống chiếc ghế thở hổn hển. Nghĩ lại, ông thấy hối hận không hiểu sao lúc đó, “ma xui, quỷ khiến” thế nào mà ông lại thả chó cắn bà. Nhỡ bà ấy có mệnh hệ gì thì mình chỉ có chết đầu nước.
Đang suy nghĩ, bỗng ngoài ngõ có tiếng ai đó nói vọng vào:
- Có ai ở nhà không?
Bà Mai từ trong bếp vồn vã chạy ra vẻ khúm núm:
- Có chuyện chi vậy chú?
- Ủy ban xã mời ông Ba lên trụ sở làm việc.
- Dạ anh Ba đang trong nhà, để tôi nói anh ấy ra gặp chú.
Ông Ba im lặng, không nói gì, bởi trước đó, ông đã nghe tất cả câu chuyện mà vị quan xã, trao đổi với bà Mai. Ông lững thững bước theo chân anh cán bộ xã ra sân kho hợp tác mà lòng nặng trĩu ưu phiền.
Minh họa: NGỌC LAN
Khi hai người bước vào phòng làm việc, đã thấy một công an viên, cô cán bộ tư pháp xã và bà thu mua đồng nát ngồi chờ sẵn ở đó.
- Mời ông ngồi xuống! Vị đại diện công an xã lên tiếng:
- Bà Lam, ngành nghề thu mua đồng nát, tố cáo ông thả chó cắn bà ấy bị thương. Chiểu theo điểm B, khoản 2, điều 7, Nghị định 90CP/ 2017, ông bị xử phạt hành chính 800.000đ lỗi không rọ mõm chó, cắn người gây thương tích. Nhận thấy, ông là thương binh có thành tích trong chiến đấu nên chúng tôi đã hòa giải với bà Lam rút đơn kiện, chỉ yêu cầu ông đền bù tiền thuốc men chữa trị cho bà ấy.
Ông Ba biết mình sai lặng lẽ ký vào biên bản, rồi đứng dậy ra về. Lúc bước ra cửa, ông còn ngoái cổ nhìn lại thấy bà Lam ngồi bần thần mà không dám lại để nói với bà một lời xin lỗi. Cái đầu của ông giờ không còn chịu nghe ông, trở trời trái gió là như bom rơi đạn nổ khiến ông đau đớn khôn tả.
*
Ngày tháng dần trôi và chẳng còn ai nhắc đến chuyện ông Ba thương binh, xuýt chó cắn bà bán đồng nát nữa.
Vào một ngày cận tết, ông Ba nhờ cậu bạn hàng xóm đèo xe máy lên phố huyện dự đám giỗ liệt sỹ Huấn, nhân thể trao món kỷ vật cho gia đình. Xe vòng vèo trên con đường làng bụi đất, phải mất hơn nửa giờ đồng hồ mới tới được con đường liên huyện đổ nhựa phẳng lỳ, hai bên đường, những rặng cây xà cừ xanh ngắt tỏa bóng mát rượi. Thi thoảng, trên đường, những chiếc xe công nông chở vật liệu xây dựng chạy như bay tung bụi cát mịt mù, phả vào mặt khiến ông đau rát. Sau đó, xe lượn vòng qua phố huyện, hai bên đường tiểu thương ngày tết họp chợ bày bán đủ thứ hàng hóa nông sản, chật kín cả lối đi. Vất vả lắm chiếc xe mới đến được một ngã ba, nơi có những ngôi nhà mái ngói cũ rêu phong, bên cạnh điểm tô mấy cây bàng trơ trụi lá. Dừng xe bên một cửa hàng tạp hóa nhỏ, ông Ba xuống xe vào hỏi thăm địa chỉ nhà Huấn. Bà chủ hiệu tươi cười đưa tay chỉ về dãy phố trước mặt:
- Nhà bà Lam vợ liệt sỹ Huấn, anh đi thẳng 200 mét, rẽ phải thấy cái bảng hiệu thu mua phế liệu là nhà anh ấy đấy!
Vừa dừng xe, một cô gái nhỏ nhắn, trạc tuổi 18, xăng xái chạy ra dắt xe lễ phép:
- Con mời hai bác vào nhà mọi người đang chờ ạ!
Ông Ba cám ơn cô gái rồi bước qua bậc tam cấp vào nhà. Nhìn khắp phòng, ông thấy cỗ bàn bày la liệt, mùi thức ăn bốc lên thơm phức béo ngậy. Hai cô phục vụ áo đẫm mồ hôi, thấy khách chào đon đả:
- Mời các bác ngồi vào mâm luôn ạ!
Lúc này, mọi người đã tề tựu đông đủ, mẹ đẻ Huấn, mặt đỏ gay, từ dưới bếp lật đật bước lên miệng xuýt xoa:
- Hôm nay là ngày giỗ thằng Huấn, vợ nó lại ốm nằm viện, thay mặt gia đình có chén rượu nhạt, mời các cụ, các bác nâng cốc để tưởng nhớ đến thằng con trai tội nghiệp của tôi - Nói rồi, bà sụt sịt khóc khiến mọi người ai nấy đều ái ngại, cảm kích.
Hôm ấy, chờ cho khách ra về gần hết, ông Ba mới trao cho gia đình kỷ vật mà Huấn để lại trước lúc hy sinh. Lúc chia tay gia chủ, bất chợt ông nhìn thấy tấm hình vợ Huấn cười rất tươi cùng cô con gái treo trang trọng giữa nhà. Ông cảm thấy ngờ ngợ hình như mình đã gặp người đàn bà này ở đâu. Ông tự nhủ, có dịp sẽ ghé thăm vợ con người bạn liệt sỹ một thời khói lửa không bao giờ quên.
Mấy tháng sau, vào một buổi sáng mùa hè oi ả, vừa đi tập thể dục ngoài đình làng về, bỗng ông giật bắn mình khi nhìn thấy bà Lam bán đồng nát đang đi trên đường, ông dụi mắt nhìn thật kỹ, không ai khác chính là người đàn bà trong ảnh, vợ Huấn. Bình tĩnh, xốc lại tinh thần, ông mạnh dạn tiến đến trước mặt người đàn bà rồi nói:
- Xin chào chị, chị còn nhớ tôi không? Tôi là người đã....
Sau phút ngỡ ngàng, người đàn bà nhận ra gã đàn ông năm xưa đã xuýt chó cắn mình. Máu trong người bà sôi lên, định cầm chiếc dép phang vào mặt gã một cái cho bõ tức, nhưng rồi, bà cố trấn tĩnh lại khi thấy người đàn ông tỏ ra thiện chí. Trong câu chuyện, bà đã hiểu ra tất cả, hóa ra gã đàn ông ở xóm Giếng lại là bạn chiến đấu cùng đơn vị với chồng mình. Thật là một tình huống dở khóc, dở cười.
Tối hôm đó, bà Lam, ngồi bên con gái than thở:
- Thế là bố con ra đi đã được 20 năm rồi đấy. Lần cuối về thăm nhà, lúc con mới lên 5 tuổi, bố bế con vào lòng con đã khóc thét lên vì không biết bố con là ai. Mà con có nhớ bác thương binh năm trước đến ăn giỗ nhà mình, bạn chiến đấu cùng đơn vị với bố không? Năm ngoái, đi thu mua phế liệu, chỉ vì buổi trưa mẹ rao to bác ấy mất ngủ, đã xua chó cắn mẹ bị thương đấy! Hôm đó, mẹ hận bác ấy lắm, định bụng “Sống để dạ, chết mang theo”. Nhưng cuộc thời thật trớ trêu, hôm nay gặp lại người đàn ông ấy, mẹ mới biết bác là thương binh, bạn cùng đơn vị với bố. Vợ bác mất sớm, khi bác còn trong quân ngũ, không có con, vừa xuất ngũ đang ở với vợ chồng người em trai. Nghĩ cũng thấy tội cho hoàn cảnh của bác ấy.
Tháng ngày dần trôi, sau hôm giỗ nhà Huấn về, ông Ba, cứ suy nghĩ mãi về gia cảnh người bạn liệt sỹ cùng những lời trăng trối của Huấn, gửi gắm ông trước lúc đi xa. Ông bồi hồi nhớ lại: Tháng 3 năm 1975, đơn vị ông cùng nhiều mũi tấn công, đồng loạt đánh chiếm thành phố Ban Mê Thuột, mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong trận chiến, ông cùng đồng đội theo sau đoàn xe tăng tiến tiến vào giải phóng thành phố, thì bất ngờ Huấn bị một mảnh đạn văng trúng ngực trái khiến Huấn ngã đổ gục xuống đường, Ông Ba cùng một chiến sỹ trẻ, chạy lại băng bó vết thương cho Huấn rồi nói:
- Mày phải cố gắng sống, ngày toàn thắng của dân tộc đang đến gần, còn phải về gặp vợ con, gia đình nữa chứ!
Biết không qua khỏi, trước lúc hấp hối, Huấn phều phào:
- Chắc tao không qua khỏi, mày giúp tao một việc, đưa tấm ảnh tao chụp chung với mẹ con cô ấy cùng chiếc lược và cái trâm cài tóc, cho vợ con tao. Còn một điều nữa, mày phải hứa thay tao chăm sóc mẹ con cô ấy, có được không?
Lúc đó, nước mắt nhòa đi, ông chỉ còn biết gật đầu lia lịa:
- Tao hứa, tao hứa! - Nghe bạn nói, Huấn mở to đôi mắt, vẻ mãn nguyện rồi tắt thở...
Sau ngày toàn thắng của dân tộc, ông Ba được ra quân. Trước khi trở về địa phương, đơn vị chuyển ông về Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh, an dưỡng, điều trị ở đó. Ban đầu do ảnh hưởng của vết thương trong chiến tranh thỉnh thoảng ông lên cơn đau đầu. Bác sĩ cho biết đây là một trong những biểu hiện rối loạn tâm thần, trầm cảm, dẫn đến bi quan chán nản và ức chế nên mới xẩy ra cơ sự của ngày hôm ấy.
Một buổi sáng chủ nhật, ông Ba đang lúi húi quét sân thì bắt gặp bà Lam đi gom hàng về qua cổng, ông hăm hở mời bà vào nhà chơi, bà vui vẻ nhận lời rồi theo ông bước vào nhà. Hôm đó, vợ chồng chú Tư cũng có mặt ở nhà nên cuộc tiếp đón vị khách “đặc biệt” có phần cởi mở, ấm cúng. Câu chuyện thêm vui khi ông Ba gặp lại một người bạn là cựu chiến binh, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân mời ông về công ty làm việc.
- Chỗ tôi làm cách nhà bà có vài trăm mét - Ông Ba vui vẻ
- Vậy mời bác, rảnh qua nhà ăn chơi, ăn cơm với mẹ con tôi.
*
Từ ngày đi làm, bệnh đau đầu của ông Ba cũng dần đỡ hẳn. Nhiều hôm rảnh rỗi, ông ghé nhà bà Lam vừa chơi vừa phụ bà khi buộc lại cái giàn mướp, khi khoanh lại cái chuồng gà, sửa lại cánh cửa cổng. Hàng xóm thấy nhà bà Lam có người ra vào cũng vui vẻ vun vào.
*
Một buổi chiều, bà Lam đến các điểm thu gom phế liệu. Bất ngờ từ trong quán nước, một thằng bé lao vút qua đường. Hoảng hốt, bà quẹo nhanh tay lái rồi đâm sầm vào một thân cây xà cừ bên đường, làm chiếc xe văng sang một bên, hất tung bà xuống đất. Rất may, bà chỉ bị vết thương rách cổ tay trái và bong gân chân phải, phải nằm viện điều trị. Nghe tin, ông tức tốc vào bệnh chăm bà.
Những ngày bà nằm viện, ông Ba luôn túc trực bên cạnh an ủi động viên để bà nhanh chóng bình phục. Cảm kích trước tấm chân tình của ông bạn chồng, đã hết lòng săn sóc mình trong những ngày nằm viện, bà nghẹn ngào:
- May mà có ông, cái Hằng đang bận ôn thi, nếu không tôi không biết xoay sở ra sao.
- Thôi nào! Chuyện đâu còn có đó. Giờ bà uống nước cam đi cho khỏe. Cam Bố Hạ, tôi vừa mua, vắt cho bà đấy!
*
Sáng nay, cô con gái thuê hẳn một chiếc xe đón mẹ ra viện về nhà sau mười ngày nằm viện. Biết tin có mấy ông bạn cựu chiến binh và mấy bà bạn trong nhóm thu mua đồ phế liệu cùng đến nhà nhộn nhịp hẳn lên.
Đoàn người lỉnh kỉnh kẻ cầm ô, người xách đồ cười nói ríu rít. Mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía ông Ba và bà Lam, trông họ bên nhau thật hạnh phúc.
Cái Hằng đi sau cười :
- Ông bà nhà này đẹp đôi lắm luôn các bác nhỉ?
- Đúng đấy, đúng đấy.
Buổi sáng. Trong ngõ nhỏ, căn nhà nhỏ sau bao nhiêu năm lại rộn rã tiếng cười…
P.C.T