Tạp chí Hồng Lĩnh số 220 phát hành tháng 12/2024 trân trọng giới thiệu truyện ngắn ĐỒNG ĐỘI của Tác giả Hà Lê
Đồng đội
Truyện ngắn của HÀ LÊ
- Đồng chí Ngạn !
- Có tôi.
- Chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ
- Rõ !
Đó là “đoạn băng” đã ghi vào ký ức của hai đứa chúng tôi trước khi chúng tôi chuẩn bị đi B. Lúc ấy tôi là đại uý, Tiểu đoàn trưởng, Lê Ngạn là thiếu uý, trợ lý doanh trại tiểu đoàn.
Chúng tôi chơi thân với nhau từ thủa chăn trâu cắt cỏ. Gia đình tôi có khá hơn chút đỉnh. Tôi nhiều hơn Ngạn vài ba tuổi, nhưng người còi cọc, nhỏ con. Mẹ tôi thường than phiền “tui đẻ mấy đứa con, cùng bú một vú, cùng ăn một nồi, nhưng thằng Sắn còi cọc, xanh xao, như ai ăn mất phần”. Gia đình Ngạn nghèo hơn, nhưng không hiểu sao Ngạn lại cao to, khoẻ mạnh, đẹp trai hơn hẳn cùng trang lứa. Mặc dù vậy, chúng tôi rất thân nhau. Ngoài mấy giờ học ở trường, chúng tôi về đến nhà là vất sách vở lên giường rồi cùng nhau phi ra đồng. Đứa bắt cua, đứa mò cá rồi nhóm lửa nướng cua, nướng hến cả ngày. Vừa chăn trâu, chúng tôi vừa bày ra đủ trò nghịch tặc. Như mẹ tôi hồi ấy bảo: “cho lũ chúng mày tha hồ trổ trời mà lên...”
Nay chẳng hiểu vì đâu hai đứa lại cùng trong một Tiểu đoàn. Mặc dù tôi là thủ trưởng trực tiếp của Ngạn, nhưng hai đứa luôn nhận thức như đang là bạn chăn trâu. Bình đẳng, thân ái. Có gì là cùng trao đổi to nhỏ thầm thì, thân nhau như anh em ruột. Trong công việc tôi thường tâm sự hết với Ngạn để Ngạn tham gia ý kiến. Cũng có lúc to tiếng với nhau. Tôi thương Ngạn vì không hiểu lý do gì mà hắn cưới cô giáo Lan đã sáu năm mà chưa có con. Trong khi hắn to cao khoẻ mạnh nhất nhì trong đơn vị. Trong tiểu đoàn bộ, ai cũng băn khoăn cho Ngạn. Trước ngày đi Bê, anh em ai cũng được về thăm nhà ít hôm. Riêng Ngạn, tôi bí mật cử đi “công tác” trước. Trước ngày đơn vị hành quân ít hôm, Ngạn háo hức thông báo: “Vợ nhắn lên là chuyến đi công tác của Ngạn đã thành công”. Tiếp nhận thông tin này, cả Tiểu đoàn bộ thở phào. Từ tiểu đoàn trưởng đến anh em chiến sĩ vui mừng như chính đơn vị vừa bắn tan xác một thần sấm Mỹ. Ai cũng sốt sắng bắt tay Ngạn - pháo thủ số một “chúc mừng thắng lợi!”
Chúng tôi chưa kịp tổ chức “ăn mừng chiến thắng quân nguyên” như cậu Vinh, cơ yếu, nói khi chúc mừng Ngạn, thì mệnh lệnh hành quân đã được bí mật phổ biến. Giờ lên đường gấp gáp. Thế là toàn Tiểu đoàn lao vào chuẩn bị cho chuyến hành quân xa: “ Đánh giặc mà đi, mở đường mà tiến”. Với tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Ngạn nằm trong tốp đi đầu, vì phải lo chỗ ăn, chỗ ngủ cho anh em. Rồi những ngày hành quân dưới mưa bom của quân thù, toàn đơn vị nói chung, từng cá nhân nói riêng gần như không có đủ thời gian để… đánh răng rửa mặt. Vì thế Ngạn cũng không còn thì giờ nghĩ đến đứa con đang lớn dần lên trong bụng vợ. Đạn bom nối tiếp đạn bom, nhưng không sao ngăn được những bước chân người chiến sĩ “Cầu Trí bom rơi bùn lấm dép/ Vừa đi, vừa trượt càng thêm nhanh”. Cậu Vinh, cơ yếu ngâm nga như thế sau khi ngã sóng soài. Toàn đơn vị cứ hướng tiền phương thẳng tiến. Có những vùng đạn bom đổ xuống dày như vãi trấu. Đồng đội thương vong ngày một nhiều hơn. Ngày hôm nay còn là đồng hương, là anh em thân thiết, nhưng ngày mai, thậm chí chỉ sau vài tích tắc, người vác súng tiếp tục hành quân về hướng chiến trường. Người chui vào túi tử sĩ, nằm lại bên bìa rừng, thầm lặng nhập vào làng thiên cổ! Đám tang họ thiếu kèn, thiếu trống, nhưng lại thừa tiếng ầm ì của máy bay phản lực mỹ. Đám tang không tiếng khóc. Chẳng kịp đọc điếu văn… Cứ thế, cứ thế, dọc đường hành quân, hai bên đường, chẳng cần biết đó có phải là vùng đất nghĩa địa hay không, liên tiếp mọc lên những nấm mộ, những đống đất đá bình dị, không tên, thiếu tuổi. Đơn vị chúng tôi vừa đi, vừa đánh vào đến khu vực núi Bà Đen thì hoả lực có thể nói bị hao mòn gần nửa. Tôi không bị dính mảnh như Ngạn nhưng lại liên miên bị sốt rét rừng. Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy ớn lạnh trong xương sống. Có những cơn sốt dai dẳng, tiêu diệt gần như toàn bộ sức lực trong người tôi. Những ngày ấy, nếu như không có Ngạn chăm sóc, động viên thì tôi e không sống nỗi. Và trong trận đánh ở Trảng Bom, trước giờ rút quân, nếu tôi không kiên trì cho anh em tìm Ngạn lần nữa trong đám cỏ Mỹ thì ngay ngày hôm ấy cơ thể Ngạn đã bị mối đùn. Sang ngày hôm sau thì khó mà tìm kiếm. Vì Ngạn dính mảnh pháo chụp của đối phương, ngất lịm, máu trong người Ngạn chuẩn bị nhỏ ra đất những giọt cuối cùng. Một điều may mắn không giải thích nỗi là bom đạn dày như vậy mà tôi và Ngạn vẫn còn sống. Vẫn được chung đơn vị với nhau cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Mãi đến cuối bảy bảy hai đứa chúng tôi mới được cấp trên cho nghỉ phép thăm nhà. Không sao nói hết nỗi vui mừng khi hai đứa chúng tôi cùng nhau về đến đầu làng thì cô giáo Lan và cháu Tuấn đã tung tăng ra đón. Khi đi Tuấn còn đang trong bụng mẹ, nay bố về thì Tuấn đã gần đến ngang vai. Cha con chuyện trò râm ran. Cô giáo Lan vẫn cứ xinh đẹp như thủa nào. Một thời gian sau, Ngạn xin về làng vì Ngạn là thương binh nặng. Tôi ở lại đơn vị cho đến ngày đeo lon đại tá, mới được cấp trên cho phép nghỉ hưu.
Trong chiến trường, đồng đội, đồng hương sống chết có nhau. Nay trong cuộc sống thường nhật, Ngạn vẫn coi tôi là thủ trưởng. Có quả trứng, con cua, xị rượu… Ngạn cũng gọi “ thủ trưởng” đến cùng vui. Và tôi vẫn coi Ngạn như đồng đội thủa nào. Nhà tôi đông con, vợ là nông dân nên có phần khó khăn. Nhà Ngạn hai vợ chồng đều có lương, mặc dù là đồng lương ít ỏi, và chỉ có mình thằng Tuấn nên đỡ vất vả. Từ khi về quê, tuy là thương binh nặng nhưng sức khoẻ của Ngạn ngày một hồi phục. Ngạn lại chăm làm, vợ chồng thương yêu nhau, ai cũng mừng cho Ngạn. Tuy không nói ra nhưng Ngạn rất biết ơn cái mệnh lệnh “Đồng chí Ngạn, chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ mới” thủa ấy của tôi, mà có được thằng Tuấn khôi ngô tuấn tú hôm nay. Đợt ấy, Ngạn mà chần chừ không chịu lội qua cánh đồng bom để về thăm vợ trong đêm, sau này Ngạn lại bị thương, mổ đi, xẻ lại đến mấy lần thì “coi chừng thui chột !”
Anh em chúng tôi thương nhau vì đã từng sống chết qua bao chiến trường. Tình cảm chân thành chí cốt ấy như lây lan sang cả hai bà vợ. Có những lúc họ thể hiện thân nhau hơn cả chúng tôi. Ngày nào họ cũng tạt qua nhà của nhau một tý. Có gì thì xắn tay cùng làm. Có những lúc hai chị em cùng ngồi nhặt rau, cùng chia nhau một củ khoai lang nguội. Đặc biệt là, mỗi khi một trong hai nhà có công chuyện lớn như giỗ chạp, tiếp khách là hai bà vợ cùng trao đổi và xắn tay cùng làm như chính công việc của mình. Và rồi con cái cũng chơi thân với nhau. Tôi không giúp được Ngạn nhiều, vì tôi vụng về. Còn Ngạn giúp đỡ gia đình tôi thường xuyên vì công gì Ngạn cũng biết làm. Tuy tay nghề đang ở mức “ bình dân học vụ”. Tóm lại, tuy là hai gia đình nhưng mọi tâm tư tình cảm cho đến công việc chúng tôi coi như là một. Đặc biệt khi nghe tin cháu Tuấn có giấy báo đỗ đại học thì gia đình tôi cũng mừng không kém. Anh em chúng tôi bàn nhau làm mấy mâm cỗ để liên hoan cho cháu trước khi cháu nhập trường. Thực đơn cũng được hai gia đình bàn đi tính lại rất kỹ. Danh sách khách mời Ngạn cũng đưa cho “thủ trưởng duyệt”. Buổi sáng hôm sau liên hoan thì tối ấy vợ tôi bảo: “gia đình chú Ngạn mợ Lan sướng thật.Vợ đẹp, con ngoan. Nhà xây, mái ngói. Đặc biệt là cháu Tuấn là học sinh thi đỗ đại học đầu tiên của làng. Điều này tiền trăm bạc vạn cũng không mua được. Trong khi ...” vợ tôi bỏ lửng câu nói. Tôi biết là bà ấy cũng thực sự buồn khi nghĩ đến mấy đứa con, không có đứa nào học hành thi cử ra hồn. “Con ông đại tá mà đứa giỏi nhất chỉ là cao đẳng...”. Tôi chỉ biết động viên: “chúng nó còn nhiều cơ hội để học lên. Chỉ sợ chúng nó thiếu tinh thần phấn đấu...”
Thực tình, tôi vẫn có một chút ghen với Ngạn, với cháu Tuấn, nhưng cái không khí liên hoan đã kéo tôi về với thực tại. Thời khắc liên hoan đã sát nút. Hai người vợ chúng tôi đã thực sự xắn tay vào cuộc. Mâm cỗ đã bày biện. Bạn bè đã đến đông vui. Và cho đến lúc khai mạc Ngạn cũng nhờ “thủ trưởng” phát biểu. Kể cũng hơi lạm dụng. Nhưng Ngạn thích thế thì tôi phải chiều. Và khi chúng tôi đã ngà ngà say, các mâm đang bước vào giai đoạn nước rút, tiếng hô hoán “dô, dô… trăm phần trăm” đang ầm ĩ thì Ngạn được ai đó kéo ra sân sau. Một bác nông dân áng chừng ngoài sáu mươi xin phép được gặp bố Tuấn. Ngạn linh cảm có chuyện lạ, nên nháy tôi cùng ra đi. Thì ra nhà thầy hiệu trưởng - nơi cô Lan dạy một thời, cho người cấp báo: “Xin đón cháu Tuấn về gặp bố, ông ta đang hấp hối…”. Nghe chưa hết thông tin ấy, Ngạn tá hoả. Bủn rủn chân tay. Dáng dấp đi đứng liêu xiêu, không vững. Gặp gì đá nấy, trông như một thằng khùng. Cô Lan mặt mày tái mét, há hốc mồm, hoảng hốt, nói không ra lời như người thiểu năng trí não. Trong lúc ấy, vai trò chính uỷ Sắn lại được mấy người giao phó. Một cuộc hội ý chớp nhoáng, trong đó có Cô Lan, ông bác và tôi - nguyên tiểu đoàn trưởng, chủ trì. Tôi cố bình tĩnh, lấy giọng nhỏ nhẹ. Đáng lẽ đặt vấn đề kiểu khác thì tôi lại đột vào hỏi: “Sự việc có đúng vậy không Lan? Cô Lan không nói thành lời nhưng gật đầu xác nhận” Chỉ có vậy thôi, Tiểu đoàn trưởng nhanh nhẹn chạy ra phía trước, thông báo: “ông Ngạn đã xẹp rồi. Mọi người cứ tiếp tục nâng ly chúc mừng cháu Tuấn, ông Ngạn và tình bằng hữu của chúng ta. Riêng cháu Tuấn có công chuyện đột xuất, xin phép nghỉ trước”. “Tiểu đoàn trưởng” chưa công bố xong, mọi người đã đứng dậy cụng ly. Và bài hát: “đã không dô thì thôi, đã dô rồi thì một trăm phần trăm…” lại được điệp khúc mãi mãi. Nhân lúc ấy, nguyên tiểu đoàn trưởng lại dẫn cháu Tuấn vào phòng riêng, động viên: “Con ạ! Việc tử là việc tận! Không thể chần chừ được. Nếu có sự nhầm lẫn nào đó thì con càng chứng tỏ là một người tốt. Xong lễ ba ngày thì con quay về để chuẩn bị khăn gói nhập trường. Bố đẻ - bố nuôi - bố sinh - bố dưỡng cũng đều là bố”. Tuấn “Vâng ạ” nhưng xem ra cũng bối rối vô cùng.
Cô giáo Lan, cháu Tuấn và bác nông dân người nhà Thầy hiệu trưởng ra đi lặng lẽ bằng cửa sau. Ông Ngạn được một tốp người “dìu” vào buồng nghỉ ngơi vì ông đã “nhoè”. “Hậu phương” giao toàn quyền cho vợ tôi lãnh đạo. “Tiền phương” tôi lại tiếp tục chỉ huy. Tiếng dô dô của các cựu chiến binh và láng giềng vẫn tiếp tục vang lên từng đợt, từng đợt nghe vang xa như sóng biển.
Sau đó ít hôm người ta kể lại rằng, đến giây phút cuối đời, trong cơn hấp hối, ông hiệu trưởng mới nói được mấy từ phều phào: “Thằng Tuấn, con cô Lan là con của chính ông” Sau đó, ông ta còn nói thêm điều gì đó, nhưng không ai hiểu được. Vì giọng ông đã phều phào. Cũng có người nói: “ý ông là cho đón cháu Tuấn về ngay” Anh con đầu ông hiệu trưởng là người ngồi gần nhất thì bảo: “ý ông là vẫn để gia đình cô Lan quyết định”. Vì lúc ấy xung quanh ông đã có mấy người khóc thút thít. Và rất nhiều người không phải trách nhiệm cũng ghé tai vào để nghe, gây ra một cảnh chen lấn, ồn ào. Nhưng tất cả sự thật đều do cô Lan tường trình lại sau lễ ba ngày của Thầy hiệu trưởng: “… Thủa ấy, gần như cả xã hội đều đi xe “cố vấn”. Xe đạp mất phanh, nổ lốp là chuyện thường xuyên. Sau khi biết chắc chắn có thai, mẹ chồng bảo nên đi bộ, nhưng tui vâng dạ cho qua chuyện và vẫn tiếp tục đi “xe cố vấn”.Và hậu quả của cái sự không vâng lời ấy là xe nổ lốp, tôi ngả xe trong lúc xe đang xuống dốc con đê đầu làng; cái thai, đứa con thân yêu đã bao năm mong đợi hình như cũng nhảy ra lúc ấy - Cô vừa nói vừa thở hổn hển, vừa đưa tay lau nước mắt - Sau sự cố, tui lên phòng hiệu trưởng báo cáo để xin nghỉ ốm vài ngày. Thầy hiệu trưởng không cho, còn tra hỏi: “Lan ốm làm sao, không nói cụ thể thì tôi không thể bố trí người thay được”. Vậy là tui phải nói thật. Sau đó, được Hiệu trưởng cảm thông và ra tay giúp đỡ... Câu chuyện chỉ có hai người biết, nên cứ tưởng êm xuôi. Không ngờ”.
Sau sự việc ấy, Ngạn đâm ra lầm lì. Hắn suốt ngày ngồi ở nhà rồi ngấm ngầm làm bạn với rượu. Cô Lan thì than dài thở ngắn, chểnh mảng việc gia đình. Ông chính uỷ lại phải ra tay uốn nắn, lập lại trật tự. Công tác tư tưởng lại được đặt lên hàng đầu. Ông nghĩ: “Thì ra ở bất cứ nơi nào, công tác tư tưởng luôn đóng vai trò then chốt”. Một ngày gần thời điểm nhập trường, trước mặt họ hàng, cháu Tuấn nói: “… Cảm ơn ông Hiệu trưởng đã giúp đỡ mẹ cháu để cháu có mặt trên cõi đời này. Tuấn không phải là con đẻ bố Ngạn, nhưng bố Ngạn đã chăm nuôi Tuấn khôn lớn. Tuấn quý bố Ngạn hơn bố đẻ”. Nhiều người cho rằng lời lẽ đó là của “chính uỷ”, nhưng chẳng ai tìm ra căn cứ. Ngày cháu Tuấn lên xe đến Trường đại học, cả làng đến tiễn chân thật đông vui. Ông Ngạn vui mừng khôn xiết, tíu tít bắt tay cảm ơn hết người này đến người khác.
Khi xe chạy rồi ông tộc trưởng Họ Lê nói: “Việc nhà Ngạn, nếu như không có đồng đội, không có ông Sắn chính uỷ, thì sự việc chưa biết nó sẽ đi đến mô. Đúng là đồng đội thời nào cũng rất đáng quý”.
H.L
Đồng đội (minh họa của Lê Anh)