02-08-2012 - 16:20

Ấn tượng Ấn Độ, ghi chép của Nguyễn Ngọc Phú

ẤN TƯỢNG ẤN ĐỘ
                   Ghi chép
 

                Đoàn nhà văn Việt Nam được mời đi dự liên hoan thơ quốc tế tại Ấn Độ được tổ chức ở thành phố Kolkata thủ phủ Bang Tây Bangal. Chúng tôi bay từ sân bay Nội Bài Hà Nội, dừng ở lại sân bay Băng – Kốc (Thái Lan) và hạ cánh xuống Ấn Độ vào lúc nửa đêm. Ngay sau khi xuống sân bay các nhà thơ Việt Nam được chào đón bằng những bông hoa thơm ngát màu vàng rất quyến rũ. Ấn tượng đầu tiên của tôi là những chiếc taxi do Ấn Độ sản xuất. Nó giống nhau có vẻ cổ lỗ nhưng tài xế thì tuyệt vời. Quả thật những người đàn ông Ấn Độ có nét đặc trưng riêng của mình: ít nói nhưng rất cần mẫn và chu đáo. Một điều lạ là ở đất nước này những người tôi đã gặp không ai uống rượu và hút thuốc ngoại trừ khách du lịch. Đêm đầu tiên ngủ ở một khách sạn bình dân do Ban tổ chức bố trí tôi thấy như đang nằm ở nhà mình. Có nét gì đó thật gần gũi bởi khu nhà nằm trong một khu vườn rợp bóng cây. Gần sáng thì không sao ngủ được vì tiếng kêu đập cánh của loại Quạ đen ngoài cửa sổ. Quạ rất nhiều, từng đàn đậu trên ban công, đậu rợp cành cây. Nhà thơ Lê Huy Mậu lấy một mẫu bánh mỳ ném ra lập tức hơn chục chú Quạ có cái mỏ khoằm đen chen nhau ăn chí chóe. Tìm hiểu tôi mới biết người Ấn Độ rất ít ăn thịt, đặc biệt là thịt bò họ không bao giờ ăn. Nuôi bò chỉ lấy sức kéo và vắt sữa, bò cái được xem như một báu vật thiêng liêng; vì thế có những loại thuốc đặc biệt hiếm, bổ dưỡng được bào chế từ nước đái của bò cái trinh nguyên là một dược thần. Chim chóc ở đây làm bạn với người. Trên đường đi ở quốc lộ thỉnh thoảng lại thấy một chú khỉ bị kẹt chết vì người Ấn Độ không bao giờ giết thịt các loại vật khác trừ gà và lợn làm món ăn nhưng cũng ít thấy trong thực đơn ẩm thực. Dưới gốc các cây cổ thụ rậm rạp có những chú Sóc bò ra nhởn nhơ sưởi nắng cạnh những người hành hương về đất Phật.
Kolkata là một thành phố lớn nổi tiếng về chế tạo công nghệ phần mềm của thông tin, là quê hương của thi hào Tagore như Nguyễn Du ở Việt Nam. Ngày hội thơ có hơn 300 nhà thơ của 30 nước về dự, ngoài đông đảo các nhà thơ Ấn Độ đang sống ở nhiều nơi trên thế giới. Tôi thật bất ngờ khi cạnh hội trường tổ chức liên hoan thơ có một đại lộ mang tên Hồ Chí Minh và công viên có đặt tượng của Bác. Dưới chân tượng đài bao giờ cũng có hoa tươi. Ấn Độ là xứ sở của các loài hoa. Vào chợ sáng bắt đầu được tận hưởng làn hương thơm ngát của những vòng hoa, giỏ hoa tươi tưới đẫm nước được đặt ở cửa hàng như một sự cầu may mắn. Ngày hội thơ bắt đầu là lễ dâng hoa và thắp nến. Chủ tịch đoàn cũng nhau thắp 5 ngọn nến tượng trưng cho các ngọn lửa từ 5 châu lục hội tụ về đây, xen kẽ giữa các chương trình đọc thơ là các giọng hát tuyệt vời của các ca sĩ Ấn Độ với cây đàn hộp dân tộc của họ. Người Ấn Độ thích nhảy múa và ca hát. Nụ cười luôn thường trực trên khuôn mặt của họ. Ngay buổi chiều khai mạc đoàn Việt Nam được mời đọc thơ cùng các nhà thơ đến từ Serbia, lsrael, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... Chúng tôi 4 nhà thơ được mời lên sân khấu cùng các đoàn trên đó đặt sẵn những chiếc ghế bọc nhung phủ gấm. Mỗi người được các nữ công Ấn Độ tặng một bó hoa tươi thắm trong điệu múa lắc người rất tài tình của họ. Trước mắt tôi là một nữ nghệ sĩ múa còn rất trẻ, có đôi sóng mũi cao, đôi mắt mở to sâu lắng và nụ cười thật quyến rũ mê hồn trong điệu nhạc dìu dặt như trôi vào một thế giới thần tiên. Một huyền bí ảo ảnh Ấn Độ choàng xuống, chúng tôi như được thoát tục trong ánh sáng mờ ảo trước khi bước ra vòng sáng để đọc thơ đối diện với chính mình – một tiếng thơ đầy khát vọng, một điệu tâm hồn muốn được sẻ chia và cộng hưởng. Bài thơ “Biến tấu biển” của tôi được dịch giã Đào Kim Hoa – Phó ban đối ngoại Hội nhà văn Việt Nam chuyền ngữ sang tiếng Anh đã được in và phát cho các nhà thơ trước lúc tác giả đọc bằng tiếng Việt. Nhà thơ Trần Quang Quý – Ủy viên Hội đồng thơ Việt Nam, Tổng biên tập nhà xuất bản Hội nhà văn, người có vốn ngoại ngữ giỏi nhất đoàn giới thiệu: “Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú đến từ Hà Tĩnh – Quê hương Đại thi hào Nguyễn Du – với truyện Kiều nổi tiếng cũng như nhà thơ Tagore ở thành phố Kolkata với tập thơ Dâng được giải thưởng Nô - Ben. Nguyễn Ngọc Phú sẽ đọc tác phẩm về biển bằng tiếng mẹ đẻ của mình với thổ ngữ của một miền đất nhiều nắng và gió”. Và tôi đọc với tất cả sự mê đắm của mình bằng ngữ điệu diễn tả sự phóng khoáng của biển cả. Và bất ngờ khi bài thơ vừa dứt với nhịp điệu câu thơ cuối: “Những con sóng bạc màu réo gọi ta đi” được nhắc đến ba lần như những đợt sóng vỗ bờ thì tất cả khán phòng đứng dậy nhiệt liệt vỗ tay. Có lẽ do nhạc điệu của bài thơ cũng có thể do cảm tình của các nhà thơ đối với tiếng Việt - đất nước Việt Nam mà họ yêu mến. Nhà thơ Trần Quang Quý trực tiếp dịch lại bài thơ này sang tiếng Anh. Một thi sĩ khác của người Ấn dịch ra tiếng Hinđi của Ấn Độ. Ngày hội thơ kéo dài 3 ngày liền. Hội trường lúc nào cũng chật người, ai mỏi mệt thì ra ngoài có phòng ăn kề bên. Xong, lại tiếp tục vào nghe thơ hoặc trao đổi với nhau về thơ ca bên hành lang tất nhiên là bằng tiếng Anh. Tôi thấy người Ấn Độ mê thơ kỳ lạ và họ rất thích hát thơ. Trong đôi mắt sâu thẳm của họ tôi như thấy cả một miền mộng du đầy ám ảnh của sự hồi tưởng: thoáng một chút cô đơn, thoáng một chút thiêng liêng tín ngưỡng – thơ như là một tôn giáo.
Sau ngày hội thơ Ban tổ chức và đặc biệt là ông Geetesh Shama – Chủ tịch UB đoàn kết Việt – Ấn, Người đã từng sang Việt Nam 17 lần, đã gặp và yết kiến Thủ tướng Phạm Văn Đồng tạo mọi điều kiện cho đoàn Việt Nam những cơ hội thuận tiện nhất. Gần như lúc nào bên cạnh chúng tôi cũng có một cậu lái xe kiêm hướng dẫn viên vui nhộn và chu đáo cùng với một nữ thi sĩ Ấn Độ xinh đẹp đồng thời là một dịch giã đã từng chuyển ngữ nhiều bài thơ Việt Nam sang tiếng Hin - đi. Cả hai đều rất giản dị và chân tình, cùng ăn, cùng hát, cùng chụp ảnh rồi đi mua sắm tặng quà cho nhau, những món quà kỷ niệm thật giản dị mà chúng tôi đưa từ Việt Nam sang như: Một vài bức tranh thêu cô gái Huế, phong cảnh Hồ Gươm; ngược lại chúng tôi được tặng những tấm khăn quàng lụa có những nét hoa văn rất đẹp của Ấn Độ. Rồi ghi cho nhau số điện thoại, hộp thư điện tử của từng người để tiện liên hệ.
Chương trình tiếp tục của chúng tôi được Hội nhà văn Việt Nam và nước chủ nhà Ấn Độ sắp xếp là hành hương về đất Phật. Từ Kolkata chúng tôi về Bồ Đề Đạo Tràng (Boud dha gaya) bằng chuyến xe lửa chạy suốt đêm. Chúng tôi như lạc vào một ga xe lửa rất lớn có những đoàn tàu xuôi ngược liên tục. Có thể nói ngành đường sắt Ấn Độ khá phát triển và đây cũng là phương tiện giao thông thuận tiện và rẻ nhất của một đất nước rộng lớn với hơn một tỷ dân. Sau một giấc ngủ say theo nhịp lắc lư như cánh võng trên giường nằm, có đệm ấm rất êm, chúng tôi được đón ở cửa sân ga lần này là người của nhà chùa Việt Nam Phật quốc tử do thầy Thích Huyền Diệu sáng lập. Thầy là một con người kỳ lạ, một vị tiến sĩ người Việt tu nghiệp tại Pháp đã có công xây dựng. Vào Chùa Việt Nam Phật quốc tử chúng tôi như lạc vào một ngôi chùa ở làng quê nào đó ở Việt Nam. Bước qua cánh cổng đã bắt gặp những lũy tre xanh, những hàng chuối và rất nhiều cây ăn quả ở Việt Nam như đu đủ, bưởi, hồng... ở đây nghe được tiếng chim cu gáy thong thả điểm nhịp. Ngôi chùa xây có nét kiến trúc như chùa ở Bắc Bộ nhưng có một cái tháp rất cao. Đây là nét khác biệt với ngôi chùa các nước khác xung quanh. Thầy Thích Huyền Diệu giải thích: Chùa Việt Nam tuy nhỏ nhưng phải có tháp cao để từ xa người ta đã nhận ra. Đặc biệt nổi bật trên tấm các tấm cửa đều đắp nổi hình ảnh chữ S của đất nước Việt Nam. Theo thầy: Để cho những người khiếm thị khi đến đây họ lấy tay sờ thì vẫn nhận ra đó là ngôi chùa Việt Nam. Ở Bồ Đề Đạo Tràng chúng tôi được thầy Nhuận Đạt đang làm tiến sĩ Phật giáo ở Ấn Độ đưa đi thăm nơi đất Phật khai minh dưới gốc cây Bồ Đề. Hoàng Đế Ashok cho xây một ngôi chùa lớn hình chóp vươn cao 60 mét lên nền trời như một ngọn bút, ở bốn góc lại có bốn tháp nhỏ trông hình dáng giống hệt như thế tạo nên sự hài hòa cân xứng cho cả ngôi chùa. Trong điện thờ chính có một pho tượng Đức Phật khá lớn ngôi trong tư thế nhập định hướng về phía đông đúng tư thế của Đức Phật đã ngồi tựa bên cây bồ đề và thành đạo. Men theo bên trái ngôi chùa đến đằng sau là cây bồ đề của Đức Phật 2600 năm tuổi. Ngay dưới gốc cây có một phiến đá lớn được gọi là tòa kim cương nơi Đức Phật tọa thiền. Còn ngay trước lối vào là hai phiến đá đen hình tròn chạm khắc đôi bàn chân của Đức Phật. Cây Bồ Đề trong tiếng Anh và tiếng Hin - đi người ta goi đó là cây bo, chắc hẳn xuất phát từ chữ Boldha của từ Srankrat có nghĩa là tỉnh thức và giác ngộ, lá Bồ Đề to bằng bàn tay hình trái tim. Tôi may mắn là người duy nhất của Đoàn được chú bé Ấn Độ chạy theo tặng một chiếc lá Bồ Đề còn xanh mới rụng xuống. Tôi tặng lại chú một tờ Ruby (tiền Ấn Độ) có mệnh giá khoảng 50 ngàn đồng tiền Việt. Chú bé vui mừng mắt sáng lên môi mấp máy: “Việt Nam – Nam mô a di đà phật”. Ở đây chúng tôi cũng đã làm lễ và mang về tặng bạn bè một ít lá Bồ Đề đã được ướp hương liệu. Cây Bồ Đề nơi Đức Phật ngồi tọa thiền 49 ngày để giác ngộ có tuổi thọ 2600 năm tỏa bóng sum suê mát rượi. Rất nhiều đoàn khách các nước hành hương về đây, đông nhất là các nhà sư Tây Tặng có sắc phục rất riêng biệt màu đỏ thẩm, họ có những nghi lễ rất kỳ lạ. Tôi thẫn thờ chứng kiến cảnh đoàn người mộ đạo: đi 3 bước (tam bộ) là ngũ thế (gồm chân, tay, ngực trần...) của họ lại một lần chạm xuống đất (nhập địa) gọi là “Ngũ thế nhập địa”. Đây là cách vái, lạy khổ sở, đau đớn nhất thế giới. Trán họ vồng lên u bướu và xám xịt với các vết sẹo, vệt chai đen thẩm. Bụng họ ấp một tấm da cừu, da ngựa còn cả lông lá đã sờn rách. Hai tay họ có khi được đeo hai cái guốc có quai da để khi “nhập” “đánh cộp một cái” đủ để “ngũ thế” xuống đất thì hai bàn tay chịu áp lực chính nó sẽ không chảy máu. Tôi hỏi nhà sư Nhuận Đạt “Sao nhiều đoàn sư Tây Tạng từ Hi Mã Lạp Sơn sang Ấn Độ hành hương về đất Phật người nào cũng to cao, mắt xếch, da trắng giống như những đô vật. Thầy Nhuận Đạt giải thích : Họ ở trên núi cao, thiên nhiên khắc nghiệt, lạnh rét quanh năm đã có sự đào thải chọn lọc tự nhiên. Những đứa bé sinh ra ai chịu đựng được thì cứ thế lớn lên bằng “gen” trội khỏe mạnh còn không thì không thể tồn tại ngay còn nhỏ. Tôi thấy kỳ lạ tất cả các đoàn người về đây bất cứ nước nào (châu Á nhiều nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản hai nước rất phát triển về kinh tế) họ đều có một câu niệm thần chú rất bí ẩn trong tiếng nhạc trầm hùng và bàn tay lần 108 viên tràng hạt, câu thần chú ấy được thầy Nhuận Đạt dịch ra tiếng Việt Là: “úm mai ni bát di hồng” nghe âm điệu lên bổng xuống trầm thật da diết lôi cuốn lạ thường đằng sau những ngữ nghĩa ấy chỉ biết đó như một gam điệu nhạc gắn kết mọi người thành một chuỗi tràng hạt xung quanh gốc cây bồ đề mà Đức Phật đã giác ngộ.
Trong bốn vùng đất quan trọng nhất liên quan đến cuộc đời của Đức Phật chỉ có Lumbini là thuộc nước Nêpal còn 3 miền đất khác đều nằm trên lãnh thổ Ấn Độ. Lumbini là nơi Hoàng tử Si ddhara tha (Tất Đạt Đa) cất tiếng chào đời. Kushinagar là nơi Đức Phật lui về nghỉ những ngày cuối cùng và nhập Niết Bàn ở tuổi 80. Hai nơi này là chứng nhân để nói lại cho nhân loại biết rằng Đức Phật cũng là một con người như một người trần cũng có sinh có tử. Hai nơi khác đặc biệt quan trọng hơn là Bồ Đề Đạo Tràng nơi Hoàng Tử Tất Đạt Đa sau bao thăng trầm trong cuộc tìm kiếm chân lý đã ngồi nhập định dưới gốc cây Bồ Đề để được khai minh. Sau đó người vượt 250 cây số để tới Saranath giảng bài kinh đầu tiên cho 5 tín đồ của Phật Giáo. Đoàn nhà văn Việt Nam chúng tôi đã được đến cả 4 nơi này. Ấn tượng đặc biệt với tôi là khi qua biên giới hai nước Ấn Độ, Nêpal để đến với ngôi chùa Việt Nam của thầy Thích Huyền Diệu xây ở Lâm ti ni thủ tục làm vi da rất đơn giản. Mỗi người trong đoàn chỉ nộp 25 đô la là có thể ở lại trên đất Nêpal 15 ngày. Cửa khẩu như một chiếc cổng chào người đi lại nhộn nhịp, ít thấy sắc phục cảnh sát. Nhưng đi sâu vào khoảng 300m gặp một toán cảnh binh Nêpal mặc áo rằn ri chặn lại. Vì chúng tôi đi ban đêm nên họ chỉ soi đèn pin lượt qua xem hộ chiếu và đặc biệt trò chuyện líu lo thật thân mật với chú lái xe và cười bắt tay chúng tôi với hai tiếng Việt Nam cho đi không một biểu hiện gì khác tất cả đều cởi mở. Chỉ có một chi tiết khiến tôi giật mình là một chú chó cảnh rất đẹp đang hít hít: thì ra đó là một loài Khuyển đánh hơi thuốc phiện rất nhạy.
Ngôi chùa Việt ở đất nước Nêpal rất lạ. Ở đây có một cái hồ nhỏ, ở giữa hồ xây ngôi chùa một cột, có cầu thang lên hiền hòa để người thật ôn hòa, thật tĩnh tâm mới có thể khóe léo lách mình vào được bên trong. Nhưng người hấp tấp nôn nóng thì sẽ va đầu vào cửa và bàng hoàng lui ra ngay thay cho việc bước tiếp vào trong chùa. Ngôi chùa Việt ở đây khác hẳn với mái chùa Tàu xây gần đó. Nếu như mái chùa Tàu lượn từ trên xuống rồi hất cong lên một cách thô bạo, áp đặt thì mái chùa Việt bao giờ cũng mềm mại hơn, lượn xuống từ tốn và điềm đạm rồi sau mới hất cong lên như bản tính người Việt khi cần cũng có thể quyết liệt. Sáng ngủ dậy tôi bỗng nghe thấy tiếng chim kêu lạ ở khu vườn chùa. Thì ra đó là một loài chim Hồng Hạc (loài chim quý hiếm trong sách đỏ) được thầy Huyền Diệu đưa về chăm sóc). Tiếng kêu thật da diết của những chú chim mỏ đỏ to, lừng lững gần như loài Đà Điểu xinh xắn đi lại trong vườn chùa, vừa vươn cổ, vừa thoát ra những âm thanh mềm mại trông thật dễ thương như những chú cò của đồng quê Việt Nam, được cách điệu, được trang điểm, được thăng hoa hơn, có gì đó thật đỉnh đạc và kiêu hãnh, một thế sống, tư thế nhập cuộc. Chúng tôi cũng đã đến vười Lộc Uyển, nơi sau khi đắc đạo Đức Phật gặp 5 anh em A Nhã Kiều Trần Như  từng tu khổ hạnh ở đây. Đức Phật cho biết mình đã chứng ngộ được chân lý và thuyết giảng bài kinh đầu tiên ở đây mang tên “Chuyển pháp luân”.Thật lạ ở đây người Ấn Độ cho khắc hàng chục bia đá bài kinh này của hàng chục thứ tiếng các nước nhưng ấn tượng nhất với chúng tôi là tấm bia đá thạch khắc chữ Việt Nam là lớn nhất vì thế tôi mới có thể đọc được nội dung bài giảng này ngắn gọn như sau: Đức Phật nói về bốn sự thật mầu nhiệm gọi là tứ diệu đế; sự thật thứ nhất là “khổ đau” (khổ đế) sinh – lão – bệnh – tử là khổ, buồn, giận, ghen, tức, lo âu, sợ sệt, thất vọng là khổ, chia cách người thân, hay chung đụng với người ghét, sa vào trong ngũ uẩn (sắc: thân thể, thọ: cảm giác, tưởng: tri giác, hành: tâm hành, thức: nhận thức) cũng là khổ; sự thật thứ hai là “nguyên nhân của khổ đau” (tập đế): Nắm rõ nguyên nhân của khổ là dục vọng và lòng ham mê lúc nào cũng đòi hỏi phải được chiều theo những không bao giờ thỏa mãn; Sự thật thứ ba là: “Chấm dứt khổ đau” (diệt đế) khi từ bỏ mọi dục vọng coi như đạt đến chân lý; và thứ tư là “con đường diệt khổ” (đạo đế) là hiểu được đường dẫn đến giải thoát và kiên trì đi theo đó là con đường bát chánh đạo. Đây chính là tư tưởng chính của bài giảng Đức Phật vào năm 528 trước công nguyên. Đến Ấn Độ chúng tôi được leo lên đỉnh núi Linh Thứu Sơn. Đỉnh núi linh thiêng này đánh dấu nơi Đức Phật thuyết giảng bộ kinh đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa. Thầy Huyền Trang thế kỷ thứ VII (nhân vật chính Đường Tăng trong Tây Du Ký) ngày xưa cũng từng đến chiêm bái LinhThứu Sơn. Nơi đây còn lưu giữ cả nền tháp xây bằng gạch đỏ và các tảng đá mà Đức Phật ngồi thiền. Đoàn chúng tôi dừng lại chụp ảnh trong tư thế nhập thiền. Giữa đỉnh cao núi non thật trong trẻo tôi ngỡ như có một từ trường kỳ lạ nâng bổng mình lên nhẹ nhõm. Mười ngày đi Ấn Độ không xem ti vi (vì không hiểu tiếng Ấn) không nghe điện thoại (ngoài vùng phủ sóng) không intanet, ăn chay mà con người vẫn được kết nối với cộng đồng bằng một sợi dây vô hình là tâm linh. Leo núi không mỏi mệt, đi đường bộ mà cứ như bay thật thanh thản lạ lùng. Ngôn ngữ chính vân là những nụ cười, ánh mắt, cái bắt tay thân thiện. Người Ấn Độ ăn bằng bốc tay, họ cho rằng như thế là tôn trọng các sản vật thiêng liêng của lúa gạo. Những tấm bánh mỳ không trộn bất cứ hoạt chất gì  khác, được nướng trực tiếp trên những tấm vĩ sắt nóng chấm với một thứ nước sền sệt đủ các loại thực phẩm bổ dưỡng lúc nào cũng có pha một thứ hương liệu đặc biệt không thể thiếu đó là bột cà ry. Thực phẩm tươi sống ở đây thật rẻ. Giá một quả trứng ở Việt Nam là 4 ngàn thì ở đây chỉ 5 ngàn đồng (tính ra tiền Ru Bi quy đổi tiền Việt) 30 ngàn tiền Việt đã ăn xong một bữa trưa thật đơn giản. Bữa ăn của họ tuyệt đối nước lọc chứ không thấy bia rượu, đặc biệt buổi sáng có món trà sữa là không thể thiếu đối với người Ấn. Chúng tôi cùng đứng uống trà với họ. Những chén trà sữa nóng bốc khói đựng trong những chiếc cốc nhỏ nhựa hoặc nặn bằng đất nung chỉ dùng một lần. Trời lạnh, uống trà sữa xuýt soa, cổ quàng những chiếc khăn to xù, có khi quấn cả nửa người đó là nét đặc trưng ẩm thực và ăn mặc của người Ấn Độ bình dân. Các công sở, cửa hàng bắt đầu mở cửa làm việc từ 10h sáng (tức là 11h30 Việt Nam). Họ dành toàn bộ thời gian yên tĩnh nhất của buổi sáng cho công việc tâm linh như cầu nguyện hay là những việc làm trong sạch nhất của cá nhân với gia đình của họ. Người Ấn Độ sống chậm, nhẫn nha và gắn kết cộng đồng bằng một sợi dây vô hình trong đó có cả âm nhạc và ca hát, ít tức giận và ganh ghét đố kỵ. Ấn tượng cuối cùng của tôi khi rời Ấn Độ là con sông Hằng mà Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh đã từnglàm một sê ri phim hàng chục tập “Huyền bí Sông Hằng”. Chúng tôi đi dọc Sông Hằng có nhiều bậc thang lót bằng những khối đá, tiếng Ấn gọi là ghat mà nơi là tín đồ Ấn giáo ngày ngày tập trung đến để cầu nguyện, thiền định, tắm rửa, thả hoa đèn và thiêu xác. Ở đây rất nhiều như cánh chim Hải Âu bay rợp trời sà xuống thuyền, đặc biệt dân địa phương ít ăn cá Sông Hằng vì họ cho rằng đây là cá thiêng. Tôi cũng gặp đám cưới đi dọc Sông Hằng như một ngày hội. Chú rể trong sắc phục hoàng tử, còn cô dâu thì đeo rất nhiều trang sức bằng vàng. Người Ấn Độ rất quý vàng. Người nghèo nhất thì cũng có vàng đeo trong ngày hội này. Con gái đi đám cưới thường choàng một tấm khăn màu đỏ như một dấu hiệu riêng, đi dự đám cưới họ không những được ăn uống ca hát vui chơi mà còn được nhà chủ thưởng tiền tạo ra một không khi lễ hội thật tưng bừng như đi hái lộc xuân vậy.
Tạm biệt Ấn Độ dưới cánh bay bây giờ là những cánh đồng mây. Một Ấn Độ vừa huyền bí vừa sôi động để lại cho tôi những ấn tượng khó quên. Đặc biệt là ngôi chùa Việt Nam phật quốc tử cứ neo mãi trong tôi hình bóng nước Việt luôn ở trong tâm hồn của những người con Việt xa xứ. Tạm biệt Ấn Độ xứ sở của thi ca và những điệu nhạc mê hồn. Tôi nhớ mãi câu thơ của thi hào Tago: “Cây là nỗ lực khôn cùng của đất để nói với bầu trời đang lắng nghe...”
 

Bên bờ sông Hằng
Hà Tĩnh, tháng 02/2012
Nguyễn Ngọc Phú
. . . . .
Loading the player...