Tản văn "Phiên chợ ngày Đông" của Lê Thị Xuân, giáo viên trường THPT Nguyễn Văn Trỗi là một bức tranh đầy cảm xúc về cuộc sống thường nhật nơi chợ quê vào những ngày đông giá rét. Tác giả khéo léo dựng lên khung cảnh chợ không chỉ qua những âm thanh quen thuộc hay hình ảnh người bán, người mua mà còn qua những rung cảm sâu sắc, thấm đượm tình người và lòng biết ơn.
Phiên chợ ngày Đông
Lê Thị Xuân
Hằng ngày, tôi đều lách xách giỏ đi chợ mua thực phẩm cho gia đình. Vì thế, tôi quen với không khí ồn ào, náo nhiệt, quen với những giọng nói, tiếng cười xởi lởi đón đưa, quen cả vị trí của các bà, các chị bán đồ quê theo thời vụ ngồi rải rác trong không gian chợ. Thế nhưng, từ khi những cơn mưa phùn lần lượt kéo về cứ dai dẳng bao trùm lên mặt đất, ngọn gió bấc u u luồn lách khắp nơi tìm hơi ấm thì chợ bỗng nhiên thưa vắng tiếng cười làm tôi rưng rưng một nỗi niềm khó tả.
Đi chợ ngày Đông, ai cũng muốn mua thật nhanh và nhiều những món hàng cần thiết để trở về nhà mà tránh rét nên chẳng kịp hỏi han nhau. Ai nấy thu mình trong áo khăn kín mít chỉ hở mỗi cặp mắt để quan sát và biểu lộ tình cảm với người đối diện. Thế nên, lâu lâu họ mới đi chợ một lần và chọn đồ xong là họ trả tiền rồi bước đi vội vã, để lại một khoảng trống mênh mông giữa bốn bề mưa gió.
Người bán, vì gánh nặng mưu sinh, họ phải ngày ngày dầm mình trong giá rét để nhặt nhạnh từng đồng xu bé mọn mà chăm lo cho tổ ấm của mình. Hàng dễ bán thì không sao, chứ ế ẩm thì trông đến là tội nghiệp, nhất là những người ngồi bán giữa trời không có lều bạt chắn che. Gương mặt ai nấy nhợt nhạt, môi thì tím tái, tay chân run run mà mắt cứ dõi nhìn bước chân của người mua lướt qua trong sự hy vọng, đon đả chào mời rồi vui khi bán được chút gì, còn không lại thẫn thờ thất vọng. Mưa gió vô tình quăng quật làm chiếc nón lung lay, chiếc áo mưa cũ sờn bạc phếch chẳng nằm yên ôm hình hài bé nhỏ mà tốc ngược, tốc xuôi như biểu tình đòi trở về tổ ấm. Tôi nhìn họ, những người già tóc đã điểm sương, những người mẹ, người cha đang cõng trên đôi vai tình yêu thương và trách nhiệm. Để rồi, như một mặc định, họ phải đương đầu với bão giông, gian khó mà kiên trì, bền bỉ với kế sinh nhai không chút dễ dàng.
Tôi lướt nhanh qua những gian hàng mua những gì cần thiết, mùi hương của chợ vẫn giống thường khi mà sao lòng trĩu nặng. Là ánh mắt mỏi mòn trông khách hỏi mua, là tiếng rao, tiếng chào mời như năn nỉ, là những tấm thân gầy ướt đẫm xanh xao làm tôi thương cha, nhớ mẹ. Mấy chục mùa đông lạnh lẽo trôi qua, chị em tôi vẫn lớn lên trong ngôi nhà bình yên, ấm áp đâu hiểu hết nỗi khó nhọc, gian nan của mẹ cha khi bươn bả giữa chợ đời. Ánh mắt mẹ bây giờ đã mờ đục hẳn có lẽ đã bao lần lấp lánh niềm vui khi bán được hàng như những người sáng nay bán được cho tôi được mớ rau, con cá. Tiếng ho khục khoặc suốt đêm với tấm lưng còng và đôi chân mỗi lần trở rét lại nhói cơn đau bởi bao mùa hứng mưa, hứng gió. Nghĩ đến đây, tôi vội mua thêm vài món đồ cho những người trông tội nghiệp và nán lại thêm chút nữa để phiên chợ ngày Đông bớt vắng thưa người.
Và tôi thấy dường như đa số những người mua đến chợ ngày Đông cũng dễ dãi hơn khi mặc cả và chọn lựa, họ cố mua thêm một chút ngay cả những thứ chưa hẳn là cần thiết để mong cho người bán sớm được hết hàng mà trở về tổ ấm, còn người bán cũng không còn nói thách hay nâng giá trị hàng hóa lên quá cao so với thực tế mà nói thật, nói đúng để người mua cảm thấy an lòng. Vì vậy, dù không xôn xao, tấp nập như ngày nắng ấm, không đắt hàng, lời lãi như siêu thị cao cấp, không tiện lợi và khoẻ khoắn như qua mạng thì chợ vẫn họp đều đều không một ngày vắng bóng. Mùa đông lạnh lẽo nhưng tình yêu của mỗi người dành cho người thân, con cái và tình thương giữa người với người dành cho nhau như một nguồn năng lượng diệu kì tiếp thêm sức mạnh cho người bán, níu chân người mua khi bước đến nơi này.
Tôi yêu những phiên chợ ngày Đông bởi nơi ấy có hình cha dáng mẹ, có những đổi trao ấm áp tình người.
L.T.X