"Chiếc lá cuối cùng" của O. Henry là là một tác phẩm văn học giàu ý nghĩa nhân văn, với những thông điệp sâu sắc về cuộc sống, tình yêu thương và giá trị của nghệ thuật, xứng đáng là một trong những tác phẩm kinh điển của văn học thế giới. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu những cảm nghĩ của tác giả Nguyễn Thị Hà, giáo viên Ngữ văn trường THCS Hải Thượng Lãn Ông, Hương Sơn, Hà Tĩnh về tác phẩm này qua bài viết “Mùa đông và chiếc lá yêu thương”
Mùa đông và chiếc lá yêu thương
Mùa đông giống như lão già chậm chạp nhưng kĩ tính. Cái lạnh len lỏi vào mọi ngõ ngách của không gian, thấm vào từng khoảng khắc. Bầu trời u ám, ảm đạm, khiến lòng người chùng xuống, mọi hoạt động dương như chậm hơn ngày thường một nhịp. Cây cối khoác bộ cánh xù xì cố giữ ấm cho mấy cành lá đang khẳng khiu, trơ trụi. Duy chỉ có chiếc lá ấy vẫn bám chắc trên thân cây giữa mùa đông tuyết giá. Đó là chiếc lá mùa đông đặc biệt, “chiếc lá cuối cùng” của nhà văn Ô. Hen-ri .
Ô. Hen-ri .(1862 - 1910) là một nhà văn người Mỹ chuyên viết truyện ngắn. Tên ông được dùng để đặt cho giải thưởng truyện ngắn hay nhất hàng năm ở Mỹ. Cuộc đời lăn lộn với nhiều nghề đã góp phần làm nên gia tài truyện ngắn với gần 400 tác phẩm đặc sắc. Truyện của ông hầu hết có giọng điệu thương cảm, xót xa khi viết về những người lao động bình thường, những con người sống dưới đáy của một xã hội xa hoa, giàu có. “Chiếc lá cuối cùng” là một trong những truyện ngắn nhẹ nhàng nhưng toát lên tấm lòng nhân đạo cao cả. Truyện lấy khung cảnh ở “một quận nhỏ phía đông Washington, các con đường chạy ngoằn nghoèo một cách điên dại, cắt quãng thành những dải nhỏ gọi là “vùng”, với mấy họa sĩ nghèo như “hai cô Sue và Johnsy cùng thuê chung một căn phòng đơn giản ở tầng trên cùng của một toà nhà ba tầng lụp xụp”, và giá thuê lại rẻ; cùng với “Ông già Behrman là một hoạ sĩ sống ở tầng trệt bên dưới phòng của họ”. Câu chuyện được bắt đầu bằng đoạn giới thiệu rất hấp dẫn về mùa đông và “đặc sản” của nó “có một kẻ ngoại nhập mang theo giá lạnh nhưng vô hình, mà các bác sĩ gọi là Viêm Phổi, rình rập trong “quần cư”, móng vuốt giá băng quệt vào đây đó. Tên giặc đã ngang nhiên hoành hành khu phía đông, hạ gục nhiều nạn nhân, nhưng hắn chỉ mới đặt chân chầm chậm qua các lối ngõ như bàn cờ của mấy “vùng” nhỏ hẹp phủ đầy rêu”. Có thể nói, mùa đông, căn bệnh viêm phổi là một trong những “nhân vật” phụ nhưng nó chi phối hướng đi của các nhân vật khác. Hay nói cách khác, mùa đông với “cơn mưa giá lạnh đang ập xuống dai dẳng, pha cùng với tuyết” và “Thần Viêm Phổi như một quân tử già đầy hào hiệp” tấn công cô họa sĩ bé nhỏ Johnsy chính là bắt đầu của toàn bộ câu chuyện. Tiếp đó, sức hấp dẫn của câu chuyện được đẩy lên bởi những lần đếm lá thường xuân rơi. “Johnsy đang mở mắt, nhìn ra cửa sổ, và đang đếm, đếm ngược: “mười hai”, và ít lâu sau: “mười một”, và sau đấy “mười”, rồi “chín”, rồi “tám” và “bảy” gần như liền nhau….Sáu. Bây giờ rơi nhanh quá. Ba ngày trước còn gần cả trăm, đếm muốn nhức đầu. Nhưng giờ thì dễ rồi. Thêm Thêm chiếc nữa. Giờ chỉ còn lại năm”. ..“Mình muốn xem chiếc lá cuối cùng trước khi trời tối. Khi ấy mình cũng sẽ ra đi”. Cô bạn cùng phòng Sue đau đớn biết bao khi người bạn bệnh tật của mình thốt lên những lời tuyệt vọng thế này “Mình muốn buông xuôi tất cả, và thả người trôi xuống, xuống nữa, như là một trong mấy chiếc lá mệt mỏi kia”. Quả đúng như vị bác sĩ khám bệnh cho Johnsy đã nói rằng khi “con bệnh của tôi bắt đầu nhẩm tính số lượng xe trong chuyến đưa đám của họ thì xem như hiệu lực của thuốc men chỉ còn một nửa. Nếu cô có cách khiến cho cô ấy hỏi han cô về thời trang mùa đông thì tôi có thể đoán chắc cơ may là một phần năm, thay vì là một phần mười”. Như thế, bệnh viêm phổi quái ác kia dù khó những có thể chữa được, nhưng cái tâm bệnh của cô gái khốn khổ mới là điều đáng nói. Tất nhiên, đối với những người đang khỏe, đang có những suy nghĩ bình thường thì ý nghĩ cuả cô họa sĩ Johnsy thật điên rồ, thậm chí đáng trách. Bác họa sĩ già khi nghe Sue kể lại, còn thốt lên “ở đời sao lại có người ngu xuẩn muốn chết vì mấy cái lá rụng từ một dây leo vô duyên như vậy? Tao chưa bao giờ nghe có chuyện này”. Nhưng với Johnsy, việc muốn ra đi cùng với chiếc lá cuối cùng rụng xuống là điều tất yếu, bởi từ trong tâm thức, cô muốn buông xuôi tất cả. Những chiếc lá chỉ là cái cớ, còn cô gái không muốn kéo dài sự sống là thật. Nhưng nếu cái cớ ấy cũng không còn nữa thì cuộc chiến tâm bệnh của cô họa sĩ gục ngã hoàn toàn. Quả thật “nỗi cô đơn cùng cực nhất trên thế gian là một linh hồn chuẩn bị tiếp tục cuộc hành trình bí ẩn, xa thẳm. Điều mộng tưởng dường như đã ảm ảnh cô mạnh mẽ hơn khi những dây nối buộc cô với tình bạn và với trần thế đã bị lơi lỏng”. Với Johnsy giờ đây, số phận của cô gắn liền với những chiếc lá thường xuân ngoài kia. Mà những chiếc lá ấy, thật mong manh trước mưa, gió, tuyết mùa đông lạnh giá.
Chiếc lá yêu thương...
Bác họa sĩ già Bermen cùng với chiếc lá vẽ trong đêm mưa gió chính là cứu cánh cuối cùng, duy nhất, hiệu quả nhất đối với Johnsy. Chiếc lá ấy vẫn bám chắc trên cành dù mưa to gió lớn “Sau trận mưa vùi dập và những cơn gió xoáy dữ tợn suốt một đêm dài, vẫn còn một chiếc lá thường xuân dựa trên bức tường gạch. Vẫn còn có mầu xanh thẫm gần cuống, nhưng với phần rìa te tua pha mầu vàng của sự tàn tạ, chiếc lá vẫn dũng cảm bám vào cái cành cao dăm bảy mét cách mặt đất”. Chắc chắn rồi, chiếc lá cuối cùng nhưng lại bám trụ vững chắc nhất giữa thời tiết quá khắc nghiệt của mùa đông. Cũng chính chiếc lá ấy đã khiến cô nàng họa sĩ khốn khổ nhận ra rằng “mình là đứa hư..muốn chết là một cái tội”. Chiếc lá mỏng manh kia còn cố bám trụ không để rời cành thì con người cớ sao lại không có niềm tin để sống? Hay nói cách khác, chiếc lá cuối cùng, dù tàn tạ vẫn không rụng xuống đã giúp Johnsy nhận ra rằng chiến đấu với bệnh tật để giành lấy sự sống mới là đáng quý. Những điều đáng nói ở đây là, chiếc lá ấy là sản phẩm trong đem mưa gió của cụ Bermen. Người họa sĩ già với bốn mươi năm cầm cọ vẫn luôn thất bại ấy đã thành công ở bức vẽ cuối cùng. Người họa sĩ dù kiếm sống bằng nghề ngồi làm mẫu cho các cây cọ trẻ vẫn luôn nghĩ về một kiệt tác sắp đến, cuối cùng đã có một tác phẩm để đời. Bức vẽ chiếc lá cuối cùng bám vào dây thường xuân ấy là kiệt tác vì giá trị nhân văn của nó. Có thể xét về giá trị thẩm mĩ, chiếc lá ấy bình thường; nhưng nó có ý nghĩa bằng cả sự sống của một người mất hết ý chí, nghị lực sống. Nghệ thuật vì con người là giá trị lớn lao và lâu bền nhất. Bức vẽ cụ Bermen dành cả tâm huyết, lòng yêu nghề, và cả chính bản thân mình tạo nên chính là tác phẩm của tình yêu thương con người.
Truyện ngắn của nhà văn Ô. Hen-ri thường xoay quanh những nhân vật bình thường trong cuộc sống hằng ngày nhưng cách nhìn thấm đẫm tính nhân văn. Cùng với đó, trong các tác phẩm của mình, ông thường thể hiện quan điểm về sức mạnh và thiên chức của nghệ thuật hướng tới con người. Hình tượng chiếc lá cuối cùng giữa mùa đông tuyết thể hiện giá trị nhân đạo cao cả của tác phẩm. Bức vẽ chiếc lá cuối cùng là kiệt tác của cụ Bermen, cũng có thể nói chính là kiệt tác của chính nhà văn Ô.Hen-ri trong lòng mỗi người yêu văn chương nghệ thuật.
Nguyễn Thị Hà